Giữ lạm phát dưới 17%: không quá xa vời?

Trong tương lai, khi nền kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát sẽ chỉ ở mức 3 - 4% một năm. Do vậy, mục tiêu giữ lạm phát ở mức dưới 17% cho cả năm 2011 không phải là quá xa vời, nếu Chính phủ tiếp tục kiên định thực hiện các giải pháp đã nêu trong Nghị quyết 11.
Nhận định trên được ông Vũ Viết Ngoạn, Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đưa ra khi trao đổi với Đất Việt, xung quanh việc Chính phủ vừa một lần nữa đề xuất nới chỉ tiêu lạm phát cả năm lên không quá 17%, sau khi vừa điều chỉnh lên mốc 15% hồi cuối tháng 5 vừa qua.
Ông Ngoạn cho biết: “Theo tôi, Nghị quyết 11 của Chính phủ và Kết luận số 2 của Bộ Chính trị đã phát huy hiệu quả nhanh. Bởi thông thường, những chính sách đưa ra đều có độ trễ và phải có thời gian mới có kết quả rõ. Thật ra, Nghị quyết 11 của Chính phủ đưa ra cuối tháng 2, đầu tháng 3 mới có hiệu lực, triển khai trong 3 tháng, từ tháng 4 đến đầu tháng 7, mới hơn 3 tháng nhưng các chỉ tiêu lạm phát giảm khá nhanh, chắc chắn tháng 7 và tháng 8 sẽ giảm thêm.
Trong 6 tháng đầu năm nay, tổng cầu toàn xã hội chỉ chiếm 38% GDP, thấp hơn nhiều so với mức gần 42% của năm 2010. Mấy tháng gần đây, chỉ số lạm phát và tổng cầu đã giảm rồi nên mới có thể nhận định trong 2 tháng tới sẽ giảm tiếp. Nếu năm nay tiếp tục duy trì tổng vốn đầu tư toàn xã hội ở mức 38 - 39% GDP thì chắc chắn mục tiêu kiềm chế lạm phát sẽ đạt kết quả khả quan. Tất nhiên đó là mục tiêu đã có sự điều chỉnh, còn mục tiêu ban đầu chắc chắn là không đạt được rồi.
- Nhưng chỉ tiêu lạm phát của Quốc hội đề ra ở mức 7%, vào tháng 5 đã được điều lên 15% và nay Chính phủ lại đề xuất ở mức dưới 17%. Theo ông, liệu đây đã phải là mốc cuối cùng?
- Thực tế, trong điều hành Chính phủ, khi phát sinh những tình huống khác thì theo tư vấn của Hội đồng chính sách tiền tệ quốc gia, Chính phủ chấp nhận cố gắng đạt chỉ tiêu 15 -17%, trong đó mục tiêu khả thi là tính toán được. Từ nay đến cuối năm, nếu không có gì bất thường thì khả năng các chuyên gia tính toán có thể thực hiện được trong mục tiêu 15 - 17%.
Hiện nay, lạm phát đang ở mức 13,29%, nếu cả năm là 17% thì 6 tháng cuối năm còn 3,8%, bình quân 0,6% một tháng. Khi thắt chặt tiền tệ, nhiều khi chỉ số giá còn giảm so với những tháng trước, còn ở mức 0,1 - 0,3% một tháng thì trong lịch sử có nhiều lần đạt được. Thậm chí, trong tương lai, khi nền kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát chỉ ở mức 3 - 4% mỗi năm. Do vậy, mục tiêu 15- 17% không phải quá xa vời nếu chúng ta tiếp tục kiên định thực hiện các giải pháp trong Nghị quyết 11 của Chính phủ.
- Các chuyên gia cho rằng, nếu tính đúng, tính đủ thì lạm phát 6 tháng đầu năm cao gấp đôi tốc độ tăng trưởng. Điều này sẽ tác động tới đời sống của người dân, nhất là những người nghèo, thu nhập thấp như thế nào?
- Phải thừa nhận rằng, lạm phát tăng thì sẽ gây khó khăn cho người dân, doanh nghiệp. Vì vậy, bên cạnh các giải pháp ổn định kinh tế cần có giải pháp đảm bảo an sinh xã hội, hỗ trợ cho người dân, trước hết là tập trung vào khu vực hưởng lương. Vừa qua, Chính phủ cũng đã có chủ trương và có giải pháp đã thực hiện từng bước và tiếp tục thực hiện nâng lương tối thiểu cho khu vực doanh nghiệp theo 4 vùng, kể cả khối doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (doanh nghiệp FDI). Ngoài ra, còn hỗ trợ cho đời sống công nhân các khu công nghiệp, miễn thuế cho hộ, các gia đình kinh doanh nhà trọ, nhà cho công nhân thuê...
- Điệp khúc “lương chưa tăng, giá đã tăng” đã nhiều lần lặp lại. Theo ông, đâu là lời giải cho bài toán lương tăng, giá cũng tăng và lương không thể đuổi kịp được giá?
- Đúng là lâu nay có tình trạng đua nhau tăng giá, tranh thủ “tát nước theo mưa”, gây rất nhiều bất cập, nên Nghị quyết 11 của Chính phủ đã yêu cầu bên cạnh chính sách kinh tế, cần có giải pháp quản lý thị trường và công tác thông tin tuyên truyền để người dân đỡ lo lắng, gây tâm lý lợi dụng tăng giá. Đây là những giải pháp hết sức quan trọng. Kinh nghiệm vừa qua, chúng ta thực hiện một số chính sách quản lý giá tương đối tốt, chẳng hạn thị trường vàng và ngoại tệ.
Vì thế, cần tập trung giải pháp thông tin tuyên truyền đồng thời với giải pháp quản lý thị trường để chống việc lạm dụng giá cả tăng bất hợp lý. Chẳng hạn, ở Trung Quốc có thời kỳ họ nói tăng giá chỉ được tăng 5%, vượt quá mức này phải xin phép. Do chúng ta chưa áp dụng kiên quyết nên mới có tình trạng tăng giá bất hợp lý. Vừa rồi, Bộ tài chính xác định có 6 nhóm mặt hàng tăng giá bất hợp lý, nếu làm nghiêm những chuyện đó thì việc tăng giá bất hợp lý sẽ được ngăn chặn.
- Xin cảm ơn ông!
Mạnh Đồng (thực hiện)
đất việt



Xem bài viết: Giữ lạm phát dưới 17%: không quá xa vời?