Ai đang 'tống tiền' châu Âu?
Chỉ có thể là thủ tướng Hy Lạp George Papandreou. Kể cũng thật hài hước khi mãi đến lúc này vị thủ tướng này mới quan tâm đến nhân dân. Tư thế thay đổi đến chóng mặt của ông làm dư luận thật sự hoài nghi rằng điều mà ông gọi là "mệnh lệnh của nhân dân" có phải chính là mệnh lệnh đối với số phận chính trị của ông?
Chọn cái nào đỡ xấu hơn!
Sau khi le lói tia hy vọng hồi phục trong cơn suy thoái kinh tế, toàn bộ nền tài chính châu Âu lại rơi vào tình trạng trồi sụt mạnh với đầy rẫy lo âu và bất ổn. Thủ phạm nào đã gây ra tình trạng đó?
Không phải quốc gia nào khác, chính là Hy Lạp. Nhưng sẽ là quá hàm hồ nếu đổ toàn bộ trách nhiệm lên đầu người dân Hy Lạp, bởi từ sau cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới năm 2008 cho đến nay, đất nước này đã phải gánh chịu hậu quả nặng nề từ nợ nước ngoài, tình trạng quản lý yếu kém của chính phủ cùng tệ nạn tham nhũng và lãng phí trầm trọng.
Trách nhiệm chính đối với hậu quả của Hy Lạp chỉ có thể nhắm vào thủ tướng George Papandreou và nội các của ông. Trái ngược với thái độ cầu cạnh Cộng đồng châu Âu nhằm tranh thủ viện trợ trong thời gian trước đây, George Papandreou lại quay ngoắt gần như 180 độ ngay sau khi các ngân hàng và nhà tài chính phương Tây cắn răng chấp nhận xóa nợ cho Hy Lạp 50%, cũng có nghĩa là họ phải đành lòng chịu lỗ phân nửa số tiền đầu tư vào trái phiếu Hy Lạp.
Bằng lời tuyên bố Hy Lạp sẽ tổ chức trưng cầu dân ý về việc có cần phải tiếp nhận gói cứu trợ của châu Âu hay không, thủ tướng Hy Lạp đã trở nên quá lọc lõi khi đá quả bóng về phía trách nhiệm của người dân nước này, thay cho trách nhiệm của ông ta.
Đó cũng là lý do tại sao các thị trường chứng khoán châu Âu và cả Mỹ có một phiên chao đảo với các chỉ số DAX, CAC mất đến 5%, đánh mất phần lớn thành quả mà chúng đã tích lũy được trong nửa tháng trước đó.
Biểu tình tại Hy Lạp (Ảnh AFP)

Trong quan niệm của các nhà đầu tư và giới phân tích châu Âu, bao gồm cả các nhà phân tích chính trị, con đường khả quan nhất để nền tài chính của lục địa già có thể vận động ổn định và sớm phục hồi là tâm điểm Hy Lạp phải được giải quyết ổn thỏa thông qua biện pháp nhận cứu trợ, liên quan đến giải pháp thành lập tổ chức cứu trợ EFSF mới đây của châu Âu.
Tuy nhiên, điều khó xử đối với giới tài chính châu Âu là đa số người dân Hy Lạp, qua các cuộc thăm dò mới đây, đã không hào hứng lắm với sự hỗ trợ tài chính của các nước Tây Âu. Thậm chí những người được hỏi ý kiến còn chấp nhận cả tình trạng vỡ nợ cho Hy Lạp như một giải pháp "làm lại từ đầu". Vì sao dư luận tại quốc gia này lại có thái độ có vẻ như cực đoan đến thế?
Những cuộc biểu tình và đình công liên tục trong nhiều tháng qua tại Hy Lạp đã cho thấy chính sách cắt giảm đầu tư, thắt lưng buộc bụng của chính phủ đã trở thành con dao hai lưỡi. Sau khi đẩy nền kinh tế đất nước vào tình trạng đình đốn, chính phủ Hy Lạp lại tiếp tục bắt người dân phải gánh chịu hậu quả của cơ chế lạm chi và tham nhũng tràn lan, khiến cho Hy Lạp chỉ còn đủ tiền để trả tiền lương hưu, lương và tiền cho trái chủ đến giữa tháng 11/2011. Vì thế với một số người dân, thái độ phản ứng chỉ đơn thuần là làm ngược với quan điểm cầu cạnh phương Tây của thủ tướng George Papandreou.
Trong quan niệm của những người dân này, việc Hy Lạp vỡ nợ xem ra còn nhẹ nhàng hơn một tương lai phụ thuộc vào vào giới tài chính nước ngoài với hàng loạt điều kiện được đính kèm gói cứu trợ như tăng thuế, giảm ngân sách, tư nhân hóa, cải tổ căn bản nền kinh tế Hy Lạp.
Có thể, đó là triết lý lựa chọn cái đỡ xấu hơn trong hai cái xấu mà người dân Hy Lạp không còn cách nào khác. Nắm rõ được luồng tâm lý này, thủ tướng Hy Lạp đã lập tức biến nó thành động lực chính trị cho ông.
Mệnh lệnh của nhân dân?
Hiện thời, uy tín của **** Xã hội cầm quyền Hy Lạp đang tồi tệ hơn bao giờ hết trong lịch sử tồn tại của nó. Còn riêng thủ tướng Hy Lạp thì lại đang bị chính **** này ép phải từ chức. Chỗ dựa gần như duy nhất của ông giờ đây chỉ còn là nhân dân.
"Chúng ta sẽ làm theo mệnh lệnh của người dân" - Thủ tướng Hy Lạp khẳng định ông tin tưởng vào phán quyết của người dân Hy Lạp. Ông còn thuyết minh thêm: "Chúng tôi có niềm tin vào dân chúng, chúng tôi tin vào quyết định của người dân và quyết định của chúng tôi".
Nhưng ông Jan Poser, chuyên gia kinh tế trưởng tại Sarasin, lại nhận xét: Thủ tướng Hy Lạp đang chịu nhiều áp lực từ chính **** của ông về việc từ chức, còn **** đối lập đang muốn tổ chức bầu cử lại. Bằng việc đưa ra trưng cầu dân ý, ông đang chơi một canh bạc lớn. Do vậy, với sự lựa chọn giữa khả năng vỡ nợ cấp quốc gia và nhận giải cứu từ Liên minh châu Âu, ông tin người Hy Lạp sẽ ủng hộ ông. Cũng theo ông Poser, "để giữ chức cho mình, ông Papandreou đang đẩy người Hy Lạp đến vực thẳm và cho họ thấy khả năng vỡ nợ cấp quốc gia và rời khỏi khu vực đồng tiền chung châu Âu như thế nào".
Kể cũng thật hài hước khi mãi đến lúc này thủ tướng Hy Lạp mới quan tâm đến nhân dân. Tư thế thay đổi đến chóng mặt của ông làm dư luận thật sự hoài nghi về điều mà ông gọi là "mệnh lệnh của nhân dân" có phải chính là mệnh lệnh đối với số phận chính trị của ông?
Thái độ ngoắt ngoéo của thủ tướng Hy Lạp quả giống với tư thế một người chơi bạc. Hiện thời ông đang nằm trong tình thế "tam quyền phân lập" - với cán cân trong nước đang bập bênh giữa hai quả cân **** cầm quyền và nhân dân, cùng tác động của châu Âu đang cố làm cân bằng hai quả cân đó.
Có vẻ như với thủ tướng Hy Lạp, vận mệnh nền kinh tế của đất nước này không còn thiết yếu bằng sinh mạng chính trị của ông. Động thái trưng cầu dân ý của ông có thể sẽ làm xiêu lòng một số người dân Hy Lạp và làm tăng tỷ lệ ủng hộ của họ đối với ông, do đó có thể trung hòa phần nào với áp lực của **** cầm quyền gây sức ép đòi ông từ chức.
Tuy nhiên, mọi tính toán chính trị đều có thể sai lầm, ứng với nguồn gốc không minh bạch của nó. George Papandreou đang chơi một nước bạc liều lĩnh mà hậu quả dù có thể củng cố vị thế chính trị của ông thêm một thời gian, nhưng sẽ làm giới chính trị và tài chính châu Âu thất vọng hoàn toàn về trường hợp Hy Lạp.
Trong cách nhìn của ông Trichet, một nhà tài chính châu Âu, cuộc khủng hoảng nợ công bắt nguồn từ Hy Lạp sau đó lây lan sang Ireland và Tây Ban Nha vẫn đang tồn tại dai dẳng. Đáng lý đây chỉ là những cảnh báo thận trọng, nhưng động thái trưng cầu dân ý của Hy Lạp đã biến cảnh báo này thành nguy cơ thực sự.
Nguy cơ đó có thể biến thành một sự thất vọng siêu hình, theo triết lý của nhà triết học cổ điển Đức Friedrich Hegel, mà có thể làm tan vỡ nhiệt tình cứu trợ và sẽ khiến cho kinh tế Hy Lạp càng sụp đổ nhanh chóng, kéo theo sự ra đi của bất cứ chính trị gia nào trong đất nước này.
Những hậu quả chính trị của cá nhân George Papandreou cũng như nhiều hậu quả kinh tế mà một quốc gia như Hy Lạp phải nhận lãnh, đã xứng đáng trở thành bài học cho những quốc gia khác, nơi hội tụ đầy đủ những đặc tính về nạn tham nhũng, nợ công ngập đầu, quản lý yếu kém và thiếu quan tâm đến công bằng xã hội.
Vẫn còn vài tuần để chuẩn bị cuộc trưng cầu dân ý về gói cứu trợ châu Âu, như thủ tướng Hy Lạp dự kiến. Điều lạ lùng là vào lúc này, không chỉ giới tài chính mà hơn ai hết, các nhà đầu tư chứng khoán phương Tây lại gần như bị lệ thuộc vào nỗi ám ảnh đến từ Hy Lạp. Nếu George Papandreou thất bại thì châu Âu sẽ ra sao?
Ai cũng biết là thủ tướng Hy Lạp đang làm xiếc trên cả hai sợi dây chính trị và kinh tế. Không ít người còn hoài nghi liệu có phải ông ta đang cố ép lãnh đạo các nước châu Âu và các chủ nợ phải xóa nợ hoàn toàn cho Hy Lạp và do đó ông ta có thể lấy điểm với dân chúng.
Lấy cái khó của mình để gây khó cho người khác - có thể gọi là gì nếu không phải là một thủ pháp "tống tiền chính trị"?
TS.Nguyễn Sĩ Dũng
DIỄN ĐÀN KINH TẾ VIỆT NAM



Xem bài viết: Ai đang 'tống tiền' châu Âu?