Nên sớm giảm lãi suất huy động
Tại phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 11, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước xem xét hạ lãi suất cho vay. Đại diện Ngân hàng Nhà nước cũng cho biết đang tính toán thời điểm và mức giảm.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Cao Sĩ Kiêm - thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tiền tệ quốc gia - nhận định:
- Để hạ lãi suất cho vay, lãi suất huy động sẽ phải giảm. Do vậy, trần lãi suất huy động nên hạ xuống 13%, thậm chí 12%/năm thay mức 14% như hiện nay. Tuy nhiên, theo tôi, chưa thể hạ lãi suất cho vay xuống ngay lúc này được khi mà áp lực lạm phát vẫn căng thẳng.
* Thưa ông, nếu trần lãi suất hạ từ 14% xuống còn 13% hoặc 12% mà chưa thể hạ ngay lãi suất cho vay thì sẽ không có ý nghĩa?
- Lãi suất cho vay giảm chỉ khi lạm phát hạ. Trần lãi suất phụ thuộc vào lạm phát. Lạm phát hiện nay có xu hướng giảm so với mấy tháng trước. Nên việc hạ lãi suất cũng là điều hợp lý. Song áp lực lạm phát vẫn rất lớn và có thể tăng trở lại trong tháng tới khi nhu cầu tiêu dùng tăng cao. Đó là lý do lãi suất cho vay chưa thể giảm ngay được.
* Nhưng nếu hạ trần lãi suất huy động sẽ ảnh hưởng đến lợi ích của người gửi tiền, thưa ông?
- Vì lợi ích lâu dài của nền kinh tế, trước mắt nên tính đến chuyện hạ lãi suất huy động, sau đó tính toán hạ lãi suất cho vay. Tuy nhiên, nói giảm lãi suất huy động rồi giảm ngay lãi suất cho vay là khó. Còn nói ảnh hưởng quyền lợi của người gửi tiền cũng không hoàn toàn đúng. Nếu người dân có tiền nhàn rỗi có thể tìm đến các kênh đầu tư khác nhau như bất động sản, chứng khoán, mua vàng, kinh doanh các ngành nghề khác và chọn gửi tiền tiết kiệm... Có rất nhiều cách lựa chọn.
Còn lạm phát vẫn cao, lãi suất vẫn đứng ở mức như hiện nay với 17-18%/năm thì các ngành sản xuất co cụm, hàng hóa khan hiếm. Doanh nghiệp (DN) không thể làm ăn có lãi. Như vậy, DN lấy nguồn đâu trả lương, thưởng...
Khi lãi suất huy động giảm, tiếp sau đó lãi suất vay sẽ giảm, DN tiếp cận được vốn. Thị trường hàng hóa sẽ ổn định và dồi dào. Giá cả sẽ giảm theo.
* Theo ông, với lãi suất bao nhiêu thì DN có thể “thở” được?
- Với các DN hoạt động sản xuất kinh doanh thì chỉ chịu đựng ở mức không quá 8-9%/năm. Thực tế, các chi phí khác ngày càng tăng như nguyên liệu, rồi nhân công... nên chi phí vốn càng giảm càng tốt.
* Để hạ lãi suất cho vay, có ý kiến cho rằng Ngân hàng Nhà nước can thiệp bằng cách tiếp vốn cho các ngân hàng thiếu thanh khoản khi thị trường liên ngân hàng đang rất nóng?
- Bơm tiền ra lúc này cũng hết sức thận trọng khi lạm phát chưa giảm mạnh. Hơn nữa, vì mục tiêu lạm phát sang năm ở mức một con số, tức khoảng 8-9%, nên chính sách tiền tệ không thể buông lỏng. Bên cạnh đó, tình hình kinh tế thế giới cũng như trong nước còn hết sức khó khăn, áp lực lạm phát được dự báo vẫn căng thẳng đến giữa năm 2012.
Theo tôi được biết Ngân hàng Nhà nước đang tính toán rất thận trọng, thời điểm hạ lúc nào, mức bao nhiêu, cách thức thực hiện lộ trình giảm như thế nào. Bên cạnh đó, thanh khoản của một số ngân hàng chưa thật sự tốt, khả năng đáp ứng vốn còn hạn chế.
Nếu có thả lỏng cung tiền sẽ dễ dẫn đến tình trạng tiếp sức cho một số dự án, DN đang quá yếu. Đặt trong bối cảnh không còn gì để mất, nhiều dự án cố vay sẽ dẫn đến tình trạng nợ đọng, nợ xấu tăng cao.
* Xin cảm ơn ông.
Lê Thanh thực hiện
tuổi trẻ



Xem bài viết: Nên sớm giảm lãi suất huy động