Góc nhìn Nhà đầu tư
Những việc cần làm ngay cho TTCK
Đến bao giờ TTCK mới phục hồi vẫn còn là một dấu hỏi?
(Vietstock) - Để nhanh chóng đưa TTCK về đúng quỹ đạo là hàn thử biểu của nền kinh tế, đã đến lúc phải thực hiện ngay …
Trong thời gian qua, TTCK Việt Nam chưa có những giải pháp kịp thời, cơ chế chính sách thiếu đồng bộ và không theo kịp thực tế. Nhìn chung, các văn bản pháp luật đã đầy đủ, song thiếu cụ thể và không có các chế tài đủ mạnh nên thiếu tính thực thi.
Theo tôi, có 4 giải pháp cần thực hiện ngay:
Thứ nhất, cần sửa đổi một số nội dung trong Luật Doanh nghiệp.
Cụ thể, sửa tiết b khoản 1 điều 122 Luật doanh nghiệp như sau: "Những người có liên quan được quy định tại khoản 17 điều 4 không được đề cử hoặc ứng cử thành viên BKS.". Lý do là các cổ đông nhỏ lẻ chỉ có thể giám sát hoạt động của HĐQT thông qua Ban kiểm soát. Trong thực tế, các thành viên BKS lại là nhân viên cấp dưới của HĐQT và thường do HĐQT hoặc nhóm cổ đông chi phối đề cử. Cần sửa lại theo hướng cổ đông lớn đã đề cử người vào HĐQT thì không được đề cử người vào BKS.
Khoản 1 điều 90 quy định: “Yêu cầu phải được gửi đến công ty trong thời hạn mười ngày làm việc, kể từ ngày Đại hội đồng cổ đông thông qua quyết định về các vấn đề quy định tại khoản này.”. Nghĩa là cổ đông chỉ có cơ hội “đòi” lại tiền sau ngày Đại hội đồng cổ đông. Mặt khác, các vấn đề quy định tại khoản 1 điều 90 Luật DN lại khá trừu tượng, nên chăng quy định rõ là: “ Cổ đông phản đối các quyết định thuộc thẩm quyền phê duyệt của Đại hội đồng cổ đông có quyền yêu cầu công ty phải mua lại cổ phần của mình”.
Một vấn đề nữa cần được làm rõ là giá mua lại cổ phần theo yêu cầu của cổ đông. Điều 87 Luật DN quy định: “giá chào bán cổ phần không được thấp hơn giá trị được ghi trong sổ sách của cổ phần tại thời điểm gần nhất”. Nên chăng thêm vào khoản 2 điều 90: “Giá mua lại cổ phần theo yêu cầu của cổ đông không được thấp hơn giá trị được ghi trong sổ sách của cổ phần tại thời điểm gần nhất”.
Theo thống kê, tính đến ngày 23/12, trong tổng số 697 cổ phiếu và chứng chỉ quỹ niêm yết trên hai sàn chứng khoán, có tới 561 cổ phiếu có thị giá nhỏ hơn giá trị sổ sách của cổ phần tại thời điểm 30/09/2011.
Trong số đó, không ít công ty có khoản tiền gửi ngân hàng rất lớn và cao hơn nhiều số nợ phải trả. Như vậy có thể thấy nhiều doanh nghiệp hoàn toàn có đủ khả năng mua lại cổ phần theo yêu cầu của cổ đông mà không ảnh hưởng đến khả năng trả nợ của công ty.
Đơn cử như trường hợp của KLS. Tại thời điểm 30/09/2011, công ty có số tiền gửi ngân hàng là 1,609 tỷ đồng, trong khi tổng nợ phải trả chỉ là 86 tỷ đồng. Lãi tiền gửi của công ty phải nộp thuế thu nhập DN 25%. Nếu trả cho cổ đông tự đem gửi NH thì được miễn hoàn toàn số thuế này.
Thứ 2, giám sát chặt việc tuân thủ Luật DN, Luật chứng khoán và các văn bản dưới luật của các CTCP đại chúng.
Theo tôi, các cơ quan chức năng cần phân cấp uỷ quyền cho các Sở GDCK bác bỏ các văn bản vi phạm tới quyền hợp pháp của cổ đông do các CTCP chuyển tới.
Ví dụ: bác bỏ kết quả bầu HĐQT nếu số thành viên HĐQT độc lập không điều hành không lớn hơn 1/3 tổng số thành viên HĐQT; bác bỏ các quy định khiên cưỡng kiểu như “nếu không trả lời coi như đồng ý”. Ngoài ra, bác bỏ các uỷ quyền không có nội dung cụ thể như “uỷ quyền cho HĐQT thực hiện các vấn đề thuộc quyền của ĐHĐCĐ” hoặc thông qua các Dự án đầu tư khi Dự án vẫn chưa được lập rồi uỷ quyền cho HĐQT quyết định tất cả. Mạnh tay bác bỏ các Nghị quyết ĐHĐCĐ vi phạm trình tự biểu quyết như tính cả các số phiếu biểu quyết của các thành viên HĐQT khi biểu quyết những vấn đề liên quan đến họ như mức thù lao và khen thưởng .
Thứ ba, HĐQT cần nâng cao năng lực quản trị.
Hiệu quả kinh doanh là yếu tố đo lường năng lực của HĐQT. HĐQT mỗi công ty cần nghiêm túc đánh giá lại chương trình đầu tư của mình để có đối sách phù hợp.
Tạm ngừng các dự án đầu tư mới nếu hiệu quả thấp hoặc phải vay mượn nhiều nhằm tăng cường khả năng tài chính doanh nghiệp, giảm chi phí lãi vay, đồng thời giúp doanh nghiệp luôn có dòng tiền nhàn rỗi để thanh toán cổ tức cho cổ đông.
Ngoài ra, những doanh nghiệp kinh doanh hiệu quả, có lợi nhuận sau thuế tương đối so với các năm trước, ít vay nợ (kể cả trong tương lai) cần tăng mức cổ tức bằng tiền mặt so với các năm trước. Các khoản lợi nhuận tích luỹ từ các năm trước cần chia cho cổ đông, để sao cho vốn CSH luôn tương đương vốn điều lệ.
Thứ tư, áp dụng lại một số quy định như năm 2000.
TTCK cần tổ chức lại như thuở ban đầu (năm 2000). Cụ thể, nhà đầu tư được tự do đặt lệnh MUA và lệnh BÁN không hạn chế, biên độ giá 10%. Các công ty niêm yết đều được thẩm định kỹ càng bởi Hội đồng gồm nhiều thành phần.
Nguyễn Việt Thành (Hà Nội)



Xem bài viết: Những việc cần làm ngay cho TTCK