Một nguyên tắc được cả hai công ty theo đuổi: duy trì đường kẻ đồ thị EPS và thận trọng trong tăng vốn.

FPT đã được Chính phủ chấp thuận về mặt chủ truơng đầu tư mua cổ phần của EVN Telecom để trở thành đối tác chiến lược trong đợt IPO tới đây. VNM không chủ quan với vị trí độc tôn của mình và đang tìm hướng đầu tư mới với những sản phẩm mới.
FPT duy trì đồ thị EPS
Ông Phan Đức Trung, Phó tổng giám đốc FPT cho biết, ở mảng ADSL, FPT hiện có thị phần khoảng 30%, nhưng thiếu mảng dịch vụ quan trọng là di động. Vì thế, khi các DN trong lĩnh vực này đồng thời là đối thủ cạnh tranh như VNPT, Viettel nhộn nhịp quảng cáo triển khai 3G, FPT biết họ cần phải bổ sung.
“Muốn tham gia lĩnh vực di động, không còn cách nào khác là phải thoả thuận với các nhà mạng có giấy phép”, ông Trung nói.
Trong đề nghị gửi tới Chính phủ và các bộ, ngành, FPT đặt vấn đề được mua cổ phần ở mức cao nhất cho phép của EVN Telecom (kỳ vọng tới 51%), đủ để tham gia tái cấu trúc toàn diện công ty này. Thỏa thuận cụ thể giữa 2 DN cần phê chuẩn của Bộ Công Thương. Đây sẽ là một trong những dự án quan trọng nhất của FPT cũng như ban điều hành trẻ tuổi thuộc thế hệ lãnh đạo thứ hai của Tập đoàn.
Ở mảng phân phối, lĩnh vực lâu nay FPT được cho là kiếm bộn tiền thì các hãng sản xuất di động như Nokia, Sam Sung, LG... có xu hướng đa dạng nhà phân phối, thậm chí tự thiết lập các kênh phân phối của họ. Do đó, FPT đang phải tìm sự thay đổi và bù đắp lại bằng điện thoại FPT Mobile.
9 tháng đầu năm 2010, doanh thu bán sản phẩm này của FPT đạt 626 tỷ đồng. Việt Nam chưa có thế mạnh về ĐTDĐ và có 2 yếu tố sẽ quyết định đến sức tiêu thụ của mặt hàng này, đó là các tiện ích ứng dụng và kiểu dáng.
Để gia tăng cho sức hấp dẫn của sản phẩm, FPT đã thành lập một CTCP chuyên cung cấp sản phẩm tạo ra môi trường ứng dụng cho ĐTDĐ, đồng thời mở văn phòng tại Thẩm Quyến (Trung Quốc), nơi được mệnh danh là trung tâm thiết kế các loại mẫu mã di động, để tiếp cận với các nhà thiết kế chuyên nghiệp.
Với những kế hoạch lớn và đầy tham vọng như vậy, với một tập đoàn đã vượt qua quy mô doanh số 1 tỷ USD hoạt động trải dài trên nhiều vùng địa lý duy trì được tốc độ tăng trưởng trên 25% mỗi năm và để đồ thị EPS không đứt gãy là áp lực rất lớn đối với ban điều hành.
“Nhiều năm qua, FPT duy trì chính sách trả cổ tức bằng tiền mặt tối thiểu 25%/năm bên cạnh chia tách cổ phiếu từ nguồn thặng dư và lợi nhuận để lại. Kể từ khi Công ty niêm yết cổ phiếu, cổ đông chưa phải đóng thêm đồng nào mỗi khi tăng vốn. Đầu tư vào EVN Telecom cần số vốn lớn, ban điều hành sẽ phải cân nhắc rất kỹ để duy trì được chính sách như trên”, ông Trung nói.
VNM: Tăng vốn, con dao hai lưỡi
Trong câu chuyện về hoạt động kinh doanh, bà Mai Kiều Liên, Chủ tịch HĐQT VNM đã cười rất tươi khi nhận được câu nói: hiện thị trường sữa Việt Nam, dường như VNM không có đối thủ. Sản lượng tăng 25%, công suất 4 năm tăng gấp đôi, trước là 6 triệu đơn vị/ngày, nay là hơn 10 triệu đơn vị/ngày.
VNM đã có kế hoạch xây dựng thêm 4 nhà máy từ 2 năm trước và tháng 8 năm tới sẽ đưa nhà máy mới đầu tiên vào hoạt động. Trong số các nhà máy mới, có một nhà máy sữa bột cho trẻ em có công suất gấp 5 lần nhà máy hiện tại.
VNM đặt mục tiêu năm 2011 sẽ đạt 1 tỷ USD doanh thu và công ty này đang tập trung cho chiến lược phủ điểm phân phối trải dài khắp đất nước (hiện có trên 160.000 điểm bán lẻ). Mức tiêu thụ sữa của người dân Việt Nam mới chỉ bằng 1/7 so với mức trung bình của các nước phát triển, dư địa gia tăng năng lực sản xuất còn rất lớn, song VNM không dừng ở đó. Công ty mở rộng thị trường xuất khẩu sang Trung Đông (sữa bột cho trẻ em), sữa đặc có đường sang Campuchia và Philippine, sữa đậu nành sang Úc.
Mới đây, VNM mua cổ phần của Công ty Miraka Limited tại New Zealand, trước mắt là tỷ lệ 19,3% và sau này sẽ xem xét nâng vốn đầu tư lên để cùng xây dựng nhà máy có công suất thiết kế là 32.000 tấn bột sữa một năm, với tổng vốn đầu tư là 121 triệu đô la New Zealand, tương đương với 1.623 tỷ đồng Việt Nam.
Phát triển tới tốc độ nhanh và nhiều dự án như vậy, VNM có chiến lược gì về tăng vốn? Bà Mai Kiều Liên nói: “Tăng vốn là con dao 2 lưỡi, sẽ rất nguy hiểm nếu đồng vốn không được sử dụng hiệu quả. Từ năm 2003 tới 2009, VNM mới tăng vốn một lần từ mức 1.700 tỷ đồng lên gấp đôi bằng cách chia thưởng, chứ cổ đông không phải đóng thêm”.
VNM có lợi nhuận cao, Ban điều hành Công ty xác định dùng một tỷ lệ đáng kể lợi nhuận để tái đầu tư song vẫn phải đảm bảo cổ tức trả bằng tiền mặt ở một mức đủ để hấp dẫn (năm 2010, Công ty đã tạm ứng 30% cổ tức bằng tiền mặt trên vốn điều lệ tăng gấp đôi).
VNM cũng từng có kế hoạch niêm yết ở nước ngoài, bằng cách phát hành thêm 5% vốn điều lệ, nhằm khuếch trương thương hiệu và huy động được vốn để tái đầu tư. Tuy nhiên, ở thời điểm này, theo bà Liên là “chưa phù hợp và không có lý gì phải vội vã.
Lấy câu chuyện quản trị vốn của FPTVNM trong bối cảnh TTCK “lạm” phát hành như năm 2010 là khập khiễng, vì mỗi DN mỗi hoàn cảnh và đặc thù khác nhau. Tuy nhiên, tổng giám đốc một công ty quản lý quỹ cho rằng, “TTCK sẽ không mất niềm tin như hiện nay nếu như có nhiều DN niêm yết trân trọng hơn đồng vốn của cổ đông và thận trọng hơn trong kế hoạch tăng vốn”.