Nhiều chiều chống lạm phát
Liên quan đến cuộc chiến chống lạm phát, ta thấy gần đây có nhiều hiến kế độc đáo của các chuyên gia. Tuyệt đại đa số các chuyên gia đều cho rằng tinh thần chống lạm phát trong Nghị quyết 11 là đúng đắn nhưng khi đi vào cụ thể cũng có khá nhiều ý kiến đáng để suy nghĩ.
Có ý kiến cho rằng việc hạn chế tín dụng cho khu vực phi sản xuất như chứng khoán hay bất động sản là bất công quá. Chuyên gia này cho rằng trong nền kinh tế thị trường làm gì có khái niệm tín dụng sản xuất hay phi sản xuất để mà phân biệt. Chống lạm phát nhưng cũng phải cứu chứng khoán và bất động sản. Nếu không sẽ đổ vỡ hàng loạt.
Có chuyên gia khéo léo hơn khi cho rằng ta không nên cứu hết bất động sản mà nên cứu theo phân khúc, chỉ anh nào đang dở dang sắp hoàn thành, có hiệu quả thì mới bơm tiền vào. Nghệ thuật của chính sách tiền tệ nằm ở liều lượng và thời điểm của các đợt bơm hút tiền chứ không phải là thắt chặt quá mức.
Nhiều chuyên gia còn viện dẫn hàng loạt số liệu doanh nghiệp nhỏ và vừa sắp phá sản đến nơi để đề xuất cần phải khống chế lãi suất cho vay nhưng cũng không quên đề xuất cần phải bỏ hẳn trần lãi suất huy động. Chỉ một số ít chuyên gia cho rằng cứu như thế bằng con đường bơm tiền ra, giảm lãi suất là không ổn vì đất nước ta đầu tư tràn lan đến mức tỉnh nào cũng thành đồng khởi trong xây dựng. Chẳng hạn tỉnh nào cũng đòi xây cảng mà phải cảng nước sâu. Chỉ cần bơm tiền một chút thôi sẽ không biết hậu quả đâu mà lường cho lạm phát.
Nhiều chuyên gia tâm huyết cho rằng Chính phủ cần dứt khoát đặt tăng trưởng ở hạng hai. Chống lạm phát mới là ưu tiên số 1 nhưng cần phải áp dụng chính sách lãi suất thực âm? Cơ sở lý luận của giải pháp này là ở các nước người ta chống lạm phát bằng lãi suất thực dương là do lạm phát của họ chỉ 2-3%. Còn Việt Nam lạm phát gần 20% nên phải để cho lãi suất thực âm mới phù hợp.
Hỗ trợ cho luận điểm này là hàng loạt dữ liệu được một số chuyên gia đưa ra. Chẳng hạn như Mỹ, Trung Quốc và các nước quanh ta đều có lãi suất thực âm nên Việt Nam cũng không thể thoát khỏi xu thế này. Mạnh mẽ hơn nữa khi có chuyên gia còn đề nghị Ngân hàng Nhà nước nên sử dụng quyền in tiền của mình để bơm tiền vào nền kinh tế nhằm kéo lãi suất xuống thấp. Lãi suất giảm đi mới có thể kéo lạm phát giảm theo sau đó!
Hỗ trợ cho luận điểm giảm lãi suất, các chuyên gia cũng không quên đề cập tình hình thế giới với tình trạng khủng hoảng nợ công châu Âu, kinh tế Mỹ đang rơi vào suy thoái lần 2, nợ của Mỹ gần 15.000 tỉ đô la, S&P hạ điểm tín nhiệm nợ công của Chính phủ Mỹ từ AAA xuống còn AA+. Kinh tế thế giới u ám như thế đương nhiên tác động mạnh đến Việt Nam. Trong bối cảnh khó khăn đó, Chính phủ cần phải giảm lãi suất để hỗ trợ doanh nghiệp để tình hình không phải xấu thêm.
Bài học chống lạm phát trong kinh tế vĩ mô, tuy rất đơn giản nhưng mọi người thường hay không thuộc bài khi đề cập đến nó. Đó là chống lạm phát phải trả giá bằng nỗi đau.

Nhưng cũng không ít người thắc mắc, liệu ta có cần phải tô đen làm cho tình hình xấu đến mức như thế hay không để hỗ trợ cho luận điểm cần phải nới lỏng tiền tệ trong nước. Sao không thấy chuyên gia nào bình luận đến phát biểu của Warren Buffett, rằng đồng đô la Mỹ không phải AAA, hoạt động của Chính phủ Mỹ không phải AAA, nhưng nợ của Chính phủ Mỹ vẫn là AAA vì Mỹ có máy in tiền để trả nợ.
Một số chuyên gia không quên nhắc lại bài học chống lạm phát trong kinh tế vĩ mô, tuy rất đơn giản nhưng mọi người thường hay không thuộc bài khi đề cập đến nó. Đó là chống lạm phát phải trả giá bằng nỗi đau. Có chuyên gia thậm chí còn cho rằng cần phải uống liều thuốc độc cực mạnh bằng cách cắt giảm tối đa đầu tư công để trị một căn bệnh độc khác là lạm phát. Bây giờ mà phát đi tín hiệu nới lỏng tiền tệ thì căn bệnh độc này tái phát càng thêm trầm kha. Vì vậy những câu chuyện mang tính kỹ thuật thuộc nghiệp vụ ngân hàng nhưng nếu diễn giải không khéo e rằng thị trường hiểu lầm Nhà nước đang phát tín hiệu nới lỏng tiền tệ thì không có lợi chút nào cho việc thực thi Nghị quyết 11.
Các giải pháp hiến kế chống lạm phát vô cùng đa dạng và phong phú. Nhưng sau khi phỏng vấn một chuyên gia, một tờ báo giật tít “Đông đảo chuyên gia góp ý Thủ tướng kéo giảm ngay lãi suất” cũng đủ thấy xu thế chống lạm phát hiện nay là theo hướng nào.
So với cách nay nửa năm, tuyệt đại đa số chuyên gia đồng tình cao với tinh thần chống lạm phát của Nghị quyết 11. Nay như có người nhận định, giờ các chuyên gia cũng hiến kế quyết liệt chống lạm phát, cũng phải lấy tinh thần Nghị quyết 11 làm trung tâm, phải đặt mục tiêu tăng trưởng là số 2. Nhưng các chuyên gia dường như đang chao đảo trước áp lực của giới kinh doanh thì phải.
GS.TS. Trần Ngọc Thơ
tbktsg



Xem bài viết: Nhiều chiều chống lạm phát