(TCK)Vấn đề đặt ra là phải định giá tài sản và
có phương thức phát hành hợp lý. Không nên định giá quá cao và đừng hy
vọng bán hết cổ phần

Trong hàng loạt giải pháp bình ổn
thị trường chứng khoán (TTCK) vừa đưa ra, Bộ Tài chính vẫn coi việc
dãn, hoãn phát hành cổ phiếu ra công chúng lần đầu (IPO) của các doanh
nghiệp (DN) lớn là giải pháp cần thiết. Tuy nhiên, các chuyên gia cho
rằng đã đến lúc cần phải xem xét lại tác động của giải pháp này, nhất
là khi hàng loạt “ông lớn” đã trễ hẹn lên sàn và chỉ số VN-Index vẫn
tiếp tục thủng đáy kể từ cuối năm 2007.

Thiếu nguồn hàng mới


TS Nguyễn Minh Phong, Viện Nghiên cứu và Phát triển Kinh tế - Xã
hội Hà Nội, cho rằng việc kéo lùi thời điểm IPO của 20 tổng công ty lớn
và gần 400 DN, ngân hàng khác từ cuối năm 2007 đến nay đã khiến thị
trường thiếu nguồn hàng mới, nhất là những cổ phiếu có thương hiệu.
Việc mua đi bán lại những cổ phiếu cũ đang khiến TTCK phần nào mất tính
hấp dẫn đối với các nhà đầu tư (NĐT), đặc biệt là NĐT nước ngoài vì mục
tiêu của họ là mua cổ phần của các DN Nhà nước lớn. Khi thị trường
không còn tính hấp dẫn, NĐT sẽ quay lưng và chuyển hướng đầu tư sang
lĩnh vực khác. Trong thời điểm thị trường đang nguội lạnh như hiện nay
nên xem xét lại giải pháp này để tạo nguồn cung mới cho thị trường.
Theo PGS-TS Nguyễn Thị Mùi, Học viện Tài chính (Bộ Tài chính), đứng ở
góc độ giảm cung thì giải pháp dãn IPO là hợp lý nhưng xét ở khía cạnh
cổ phần hóa DN Nhà nước thì việc này sẽ khiến tiến độ cổ phần hóa chậm
lại so với lộ trình Chính phủ đã đặt ra. Hơn nữa, không ai dám chắc dãn
tiến độ IPO chỉ một lần khi TTCK chưa có sự phát triển ổn định. Do đó,
các cơ quan quản lý nên có cái nhìn sâu hơn về trung và dài hạn cho
tiến trình phát triển thị trường. Cùng quan điểm này, luật gia Vũ Xuân
Tiền, Công ty Tư vấn VFAM VN, cho rằng nhiều quan chức trong bộ máy
công quyền đã vin vào cớ thị trường đang thừa cung để trì hoãn nhiệm vụ
cổ phần hóa với lý do bán cổ phiếu lần đầu vào giai đoạn này không được
giá hoặc ế ẩm. “Nếu chờ cho bong bóng tài chính trên thị trường thứ cấp
phình to đến mức như năm 2006 và 2007 mới IPO thì chắc chắn sẽ có một
cuộc rượt đuổi không hồi kết”- ông Tiền nói.

Không nên kỳ vọng giá cao


Trưởng Ban Phát triển thị trường Ủy ban Chứng khoán Nhà nước,
ông Nguyễn Sơn, khẳng định việc hoãn IPO hoặc tạm ngưng phát hành cổ
phiếu mới chỉ là khuyến cáo của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, còn có
thực hiện hay không là tùy vào sự cân nhắc thiệt hơn của DN. Đối với
những DN đã được cấp phép phát hành trong thời hạn 6 tháng, ủy ban
khuyến cáo nên kéo dài thời hạn 8 tháng. Thậm chí nếu giấy phép đã hết
hạn, ủy ban sẽ tạo mọi điều kiện để cấp lại giấy phép mới trong thời
gian sớm nhất. Trả lời về khả năng lên sàn của các đại gia như
Vietcombank, BIDV, Habeco... trong năm nay, ông Sơn khẳng định sớm hay
muộn các DN này cũng phải lên sàn vì lộ trình đã được Chính phủ phê
duyệt. Vấn đề đặt ra là phải định giá tài sản và có phương thức phát
hành hợp lý. Không nên định giá quá cao và đừng hy vọng bán hết cổ
phần. Rút kinh nghiệm qua đợt IPO của Vietcombank và Sabeco, hiện nay,
Bộ Tài chính đang nghiên cứu xây dựng cơ chế giá chào bán cho các đối
tác chiến lược.

Trước băn khoăn các đợt IPO lớn sắp tới có pha loãng thị
trường và kéo VN-Index xuống, Tổng Thư ký Hiệp hội Kinh doanh chứng
khoán, ông Nguyễn Danh Kỳ, nhận định tiềm năng đầu tư còn nhiều, nếu
thị trường thêm hàng, giá cả phù hợp sẽ kích cầu đầu tư. Hiện tại, đưa
ra giá 10-15 chấm là chuyện không tưởng, ngay cả đối với các ngân hàng
lớn. Còn nếu giá khởi điểm đưa ra chỉ gấp 2-3 lần mệnh giá thì vẫn có
khả năng thuyết phục được người mua.





http://TinChungKhoan24h.Com
http://TinChungKhoan.Com