Theo nhiều tổ chức nghiên cứu kinh tế quốc tế, mặc dù đã có nhiều tín hiệu cho thấy nền kinh tế toàn cầu đang thoát dần khỏi cuộc suy thoái, song để tránh rơi vào một cuộc khủng hoảng kép, các chính phủ cần kiên định với các chính sách kích thích tăng trưởng nhằm củng cố lòng tin cho doanh nghiệp (DN).
Chính sách cần phải “giữ chân ga”

Theo những thông tin gần đây thì VN cũng sẽ có gói kích cầu thứ hai. Gói này, nhiều khả năng sẽ được thông qua sớm vào cuối tháng 10.2009. Nhiều ý kiến bàn luận gói kích kích thích kinh tế tiếp theo hướng nào? Một loại ý kiến thì cho rằng nên kéo dài thời gian hỗ trợ lãi suất (HTLS), nếu không cho hết các đối tượng thì nên kéo dài thời hạn HTLS đối với các khoản vay trung và dài hạn theo QĐ 443/QĐ-TTg và QĐ 497/QĐ-TTg. Như vậy, gói kích cầu thứ hai vẫn đặt trọng tâm vào chính sách tiền tệ (CSTT).

Quan điểm của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) về vấn đề này có vẻ như không tán thành, vì theo kinh nghiệm quốc tế thì việc HTLS chỉ nên dùng trong ngắn hạn, khi suy giảm kinh tế đã được ngăn chặn, kinh tế và thị trường tài chính ổn định trở lại thì nên chấm dứt HTLS để tránh tác động làm tăng lạm phát.

Loại ý kiến khác thì cho rằng gói kích cầu thứ hai nên nghiêng về chính sách tài khoá. Theo ý kiến của PGS-TS Trần Hoàng Ngân (Đại học Kinh tế TPHCM) thì nên thực hiện qua chính sách thuế, lãi suất và đầu tư. Như vậy, vẫn có sự kết hợp giữa sử dụng CSTT và chính sách tài khoá, nhưng vai trò của CSTT sẽ nhẹ hơn (chỉ hỗ trợ cho các DN xuất khẩu và đổi lại các DN phải có nghĩa vụ bán ngoại tệ cho NHTM để phục vụ nhu cầu thanh toán của nền kinh tế).

Ở gói kích cầu thứ hai, theo ông Trần Hoàng Ngân, nên tiếp tục miễn giảm thuế cho DNVVN và thuế đầu tư chứng khoán; tiếp tục đẩy mạnh đầu tư vào cơ sở hạ tầng. Đề nghị này xem ra khá phù hợp với tình hình VN hiện nay vì gói kích cầu thứ hai (nếu có) chỉ nên là việc sử dụng nguồn lực dự kiến trước đây để chống suy giảm kinh tế mà chưa sử dụng hết, nay tiếp tục sử dụng nhưng với mức độ hỗ trợ thấp hơn.

CSTT lúc này nên chuyển từ vị trí “tiền đạo mũi nhọn” sang vị trí “tiền vệ” để thực hiện đồng thời hai chức năng: Vừa mang tính chất hỗ trợ chính sách tài khoá ở một mức độ vừa phải, vừa có vai trò như là một cái phanh dự phòng, để phanh lại khi chính sách tài khoá mở rộng quá đà, nhằm giúp tạo lập cân bằng kinh tế vĩ mô và chống lạm phát khi cần thiết .

Nhưng dù theo ý kiến nào đi chăng nữa thì gói kích cầu thứ hai nên được đưa ra và nên ban hành sớm với một khoảng thời gian xác định để giúp các DN chủ động xây dựng chiến lược kinh doanh một cách chủ động và phù hợp với tình hình mới. Việc làm này không chỉ là yêu cầu chính đáng của nền kinh tế, mà còn là thực tế khách quan đòi hỏi, vì VN đang thực hiện cắt giảm thuế nhập khẩu (NK) theo cam kết đã ký khi gia nhập WTO.

Hàng NK sẽ rẻ đi, trong khi các nền kinh tế lớn là các thị trường NK của hàng VN vẫn đang được Chính phủ các nước “nâng đỡ” thông qua gói kích cầu của họ, kết hợp với việc bảo hộ thị trường trong nước thông qua hàng rào kỹ thuật. Nếu VN không thực hiện chính sách kích cầu mà thực chất là việc hỗ trợ DN trong nước thì hàng hoá VN khó mà cạnh tranh về giá trên thị trường quốc tế trong khi sức cầu hàng hoá chung trên thị trường vẫn chưa khôi phục lại như trước khi khủng hoảng tài chính nổ ra.

Đánh giá cho đúng gói kích cầu thứ nhất

Hiện nay, các uỷ ban của Quốc hội và một số cơ quan chức năng đang thu thập thông tin cho việc thẩm định kết quả kích cầu. Sẽ có báo cáo giám sát kết quả kích cầu trình ra Quốc hội tại kỳ họp thứ 6 (22.10). Đây cũng là một căn cứ quan trọng để Quốc hội đi đến quyết định thông qua gói kích cầu thứ hai. Tuy nhiên cho đến nay, dường như chưa có thông tin toàn diện về hiệu quả gói kích thích kinh tế thứ nhất khoảng 150.000 tỉ đồng (tương đương 8 tỉ USD).

Dư luận, các cơ quan chức năng thời gian qua chỉ tập trung xem xét về hiệu quả của gói HTLS (17.000 tỉ đồng), trong khi đó chưa quan tâm đến việc xem xét hiệu quả việc tạm thu hồi vốn đầu tư xây dựng ứng trước (3.400 tỉ đồng), việc ứng trước NSNN để thực hiện một số dự án cấp bách (37.200 tỉ đồng), giảm thuế (28.000 tỉ đồng), bảo lãnh tín dụng...

Khả năng kém hiệu quả của chính sách kích cầu vừa qua là dồn quá nhiều tín dụng cho các tập đoàn/Cty lớn, nhưng kinh doanh hiệu quả thấp. Nguồn tín dụng đổ vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, kinh tế dân doanh vẫn ở tỉ lệ thấp, chưa cải thiện được nhiều so với trước.

Một điểm đáng lưu ý nữa là cần có thêm số liệu thống kê của các trung tâm kinh tế lớn như TPHCM, HN vì 2 thành phố này chiếm tỉ trọng lớn của việc sử dụng vốn kích cầu, là nơi có thị trường tài chính phát triển mạnh, có nhiều cơ hội tiếp cận vốn, nên các DN và các nhà đầu tư cá nhân có thể lợi dụng nguồn vốn vay tín dụng để đầu cơ vào thị trường chứng khoán, thị trường vàng, BĐS..., còn các địa phương khác thì việc sử dụng vốn như vậy ít hơn nhiều.

Theo (ATP)