Thấy gì từ đề xuất giãn và miễn giảm thuế của Bộ Tài chính?
(Vietstock) - Nếu so với quy mô của gói kích thích kinh tế năm 2009 dưới khía cạnh thuế, động thái kích thích lần này là không hề nhỏ. Tuy vậy, về bối cảnh vĩ mô, bản chất và ý định lại có một số khác biệt.

20,500 tỷ đồng thuế dự kiến được giãn và miễn giảm trong hai năm 2011 và 2012
Bộ Tài chính vừa hoàn tất phương án giãn và miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân đối với một số đối tượng để trình Thủ tướng Chính phủ. Phương án này sẽ cần được Chính phủ đồng thuận trước khi gửi lên Uỷ ban Thường vụ Quốc hội xem xét.
Đối tượng dự kiến sẽ được thụ hưởng chính sách giãn và miễn thuế này gồm có: các doanh nghiệp trong các ngành nông lâm thủy hải sản, dệt may, giầy da, doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động, hoạt động kinh doanh phòng trọ, trông giữ trẻ, hoạt động đầu tư chứng khoán của cá nhân…
Tổng số thuế giãn năm 2011 theo phương án đề xuất của Bộ Tài chính vào khoảng 10,000 – 13,000 tỷ đồng; tổng số thuế miễn, giảm năm 2011 khoảng: 5,250 – 6,500 tỷ đồng (thuế TNDN khoảng 2,500 – 3,700 tỷ đồng; thuế TNCN khoảng 1,750 – 1,800 tỷ đồng; thuế khoán khoảng 1,000 tỷ đồng).
Trong khi đó, tổng số thuế miễn và giảm năm 2012 (thuế đối với cổ tức, thuế đối với chuyển nhượng chứng khoán của cá nhân) khoảng 950 – 1,000 tỷ đồng.
Như vậy, tổng số thuế được giãn, miễn và giảm năm 2011 theo trường hợp thấp nhất là hơn 15,000 tỷ đồng; trường hợp cao nhất là 19,500 tỷ đồng. Nếu bao gồm cả năm 2012 thì con số này lần lượt là hơn 16,000 tỷ đồng và 20,500 tỷ đồng.

Rất khác biệt so với gói kích thích kinh tế năm 2009
Chúng ta hãy thử nhìn lại gói kích thích kinh tế vào năm 2009 khoảng 145.6 nghìn tỷ đồng (8 tỷ USD), áp dụng cho giai đoạn sau khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 – 2009.
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, gói kích thích kinh tế tổng thể năm 2009 bao gồm: hỗ trợ lãi suất khoảng 17 nghìn tỷ đồng (1 tỷ USD), vốn đầu tư phát triển của Nhà nước khoảng 90.8 nghìn tỷ đồng, miễn giảm và giãn thuế khoảng 28 nghìn tỷ đồng, và các khoản chi khác khoảng 9.8 nghìn tỷ đồng.
Nếu so với quy mô của gói kích thích kinh tế năm 2009 dưới khía cạnh thuế, động thái kích thích lần này là không hề nhỏ. Tuy vậy, về bối cảnh vĩ mô, bản chất và ý định lại có một số khác biệt.
Lần này, chỉ có những doanh nghiệp “khỏe mạnh” mới được hưởng lợi, vì đây là những doanh nghiệp có lợi nhuận và mới được giãn, giảm hay miễn thuế theo đề xuất của Bộ Tài chính. Trong khi đó, số doanh nghiệp có nguy cơ thua lỗ có thể tăng mạnh trong điều kiện lãi suất cao hiện nay thì không được trợ lực.
Số thuế dự kiến được giảm và miễn trong 2 năm 2011 và 2012 sẽ vào khoảng 6,200 – 7,500 tỷ đồng.
Ngoài số tiền được giảm và miễn, bảng trên cho thấy số tiền giãn thuế chiếm phần lớn trong gói hỗ trợ này. Việc giãn thuế sẽ giúp doanh nghiệp giảm được “bức bách” về mặt dòng tiền, trong khi vẫn phải trả thuế 1 năm sau đó. Điều này cũng tương tự như doanh nghiệp xin kéo dài thời gian trả nợ cho nhà cung cấp khi rơi vào tình trạng thiếu hụt về dòng tiền mà không phải trả lãi vay.
Trong trường hợp này, các doanh nghiệm “khỏe mạnh” vẫn là đối tượng được hưởng lợi nhiều nhất; trong khi nhiều doanh nghiệp yếu kém, thiếu hụt dòng tiền sẽ không có phao cứu sinh.
Không rõ có xảy ra tình trạng ban đầu sẽ là giãn, sau đó sẽ chuyển sang giảm/miễn hay không, vì các doanh nghiệp, hiệp hội vẫn hay “thỉnh cầu” như vậy trong quá khứ.
Ngoài chính sách thuế, gói kích thích năm 2009 còn thực hiện một biện pháp quan trọng là hỗ trợ lãi suất 4%. Việc hỗ trợ lãi suất này đi kèm với chính sách nới rộng tín dụng đã giúp hầu hết doanh nghiệp có thể tiếp cận nguồn vốn và vượt qua khủng hoảng. Cần lưu ý là cách này sẽ giúp doanh nghiệp có thêm dòng tiền vào ngay lập tức và có thể “sống sót”, hoàn toàn khác với việc miễn giảm thuế - tức là chỉ giảm phần thuế sau khi đã có lợi nhuận.
Nói cách khác, gói giãn và miễn giảm thuế năm 2011 sẽ không tác động sâu sắc đến doanh nghiệp như năm 2009.
Có thể hiểu bối cảnh kinh tế hiện nay, với lạm phát cao và chính sách tiền tệ thắt chặt, ngân sách thâm hụt… một giải pháp tương tự việc hỗ trợ lãi suất không thể lặplại. Ngoài ra, việc hỗ trợ lãi suất cào bằng cũng khiến phát sinh hệ lụy biến tướng như nhiều doanh nghiệp vay lãi suất ưu đãi để gửi vào ngân hàng kiếm chênh lệch,hay dòng tiền thổi bùng bong bóng tài sản…
Một phần rất quan trọng trong gói kích thích kinh tế năm 2009 là hoạt động đầu tư công. Với nguồn vốn lên đến 90.8 nghìn tỷ đồng, các dự án đầu tư công đã tạo ra thu nhập, việc làm cho doanh nghiệp, người dân và thúc đẩy kinh tế vượt qua khủng hoảng.
Khi những hệ lụy từ động thái này trở nên rõ ràng hơn trong năm 2011 và Chính phủ đã có chủ trương cắt giảm đầu tư công, việc lặp lại là không thể.
Tóm lại, trong bối cảnh kinh tế vĩ mô hiện tại, Bộ Tài chính chỉ có thể nghĩ đến phương án kích thích kinh tế thông qua chính sách tài khóa là giãn và miễn giảm thuế.
Phần lớn sự hỗ trợ đến từ giãn thuế, và sẽ ảnh hưởng nhất định đến dòng tiền của nguồn thu Chính phủ. Trong khi đó, số thuế thực được giảm và miễn trong 2 năm 2011 và 2012 sẽ vào khoảng 6,200 – 7,500 tỷ đồng. Có lẽ Bộ Tài chính đang cân đối đến khoản giảm thu trong hai năm này, và ảnh hưởng của gói kích thích lên vấn đề thâm hụt ngân sách quốc gia, lạm phát.
Tác động đến doanh nghiệp và người dân là tích cực, nhưng sẽ không mạnh mẽ như năm 2009.
Phòng Nghiên cứu Vietstock



Xem bài viết: Thấy gì từ đề xuất giãn và miễn giảm thuế của Bộ Tài chính?