Nợ nước ngoài: Mừng hay lo?
Tiến sĩ Nguyễn Thành Đô, Cục trưởng Cục Quản lý nợ và tài chính đối ngoại
Các khoản nợ sẽ trở thành mối lo, thậm chí là gánh nặng nếu mất khả năng chi trả. Nhưng nếu các khoản vay được sử dụng hiệu quả thì lại là điều mừng, điều tốt, theo tiến sĩ Nguyễn Thành Đô, Cục trưởng Cục Quản lý nợ và tài chính đối ngoại.
* 3 “điểm nóng” nợ nước ngoài
Cục Quản lý nợ và tài chính đối ngoại thuộc Bộ Tài chính vừa công bố số liệu về tổng nợ nước ngoài của Chính phủ và được Chính phủ bảo lãnh tính đến cuối kỳ năm 2010 là 32,5 tỷ USD. Nếu cộng thêm số nợ tự vay tự trả nước ngoài của các doanh nghiệp và tổ chức tín dụng thì con số này lên đến 44,1 tỷ USD. Tổng dư nợ nước ngoài tương đương 42,2% GDP, trong đó 62% số nợ này là nợ của Chính phủ và 38% còn lại là nợ của doanh nghiệp (trong số nợ của doanh nghiệp có 10% được Chính phủ bảo lãnh và 28% là do doanh nghiệp tự vay và tự trả).
Nghĩa vụ trả nợ nước ngoài trung và dài hạn so với xuất khẩu hàng hóa và dịch năm 2010 là 3,4% (Năm 2009 là 4,2%, năm 2008 là 3,3%, năm 2007 là 3,8%, năm 2006 là 4%). Nghĩa vụ trả nợ nước ngoài của Chính phủ so với ngân sách nhà nước năm 2010 là 3,7% (Trong khi các năm trước lần lượt là năm 2009 là 5,1%, năm 2008 là 3,5%, năm 2007 là 3,6%, năm 2006 là 3,7%).
Dự kiến số nợ nước ngoài của Chính phủ phải trả hằng năm bao gồm cả gốc, phí và lãi lần lượt: Năm 2011 là hơn 1,33 tỷ USD và nhích lên dần hằng năm. Năm 2020 là năm chúng ta phải trả nhiều nhất lên hơn 2,38 tỷ USD, nhưng sẽ lại giảm dần và đến năm 2026 sẽ là hơn 975 triệu USD.
Vay không dễ
Nhìn vào các khoản nợ cứ tăng dần, nhiều người tỏ ra ái ngại. Tuy nhiên đối với tiến sĩ Nguyễn Thành Đô thì lại là chuyện bình thường. Bàn về chuyện đi vay, tiến sĩ Nguyễn Thành Đô nói: “Chúng ta nên hiểu vay là chuyện rất bình thường của mọi quốc gia, mọi doanh nghiệp”. Theo ông Đô, Mỹ, Nhật Bản đều là các nước giàu nhưng cũng là các “con nợ” lớn. Trong khi Việt Nam là nước đang phát triển càng cần nhiều vốn. Việc huy động vốn trong nước hạn chế nên chúng ta phải đi vay thêm nước ngoài để đầu tư xây dựng hạ tầng đường sá, cầu cống…
Trên thực tế, các nền kinh tế khỏe, uy tín mới có thể đi vay được nhiều tiền. Ngược lại, như trường hợp Hy Lạp mới đây đã đánh mất lòng tin nên không vay được nước ngoài. Hay ngay như Mỹ vừa bị Tổ chức đánh giá mức độ khả tín dụng hàng đầu thế giới Standard & Poor's (S&P) hạ điểm uy tín về nợ công của Mỹ, từ 3 A (AAA), điểm cao nhất, xuống còn 2A+ (AA+). JP Morgan Chase ước tính rằng việc bị hạ xếp hạng tín dụng có thể khiến chi phí lãi vay của Mỹ tăng thêm 100 tỷ USD/năm. Nó cũng sẽ tác động xấu đến toàn bộ kinh tế Mỹ bằng cách khiến lãi suất thế chấp tăng lên, lãi suất các khoản vay mua ô tô và hàng loạt khoản vay khác tăng. JP Morgan dẫn số liệu từ Fed và tính toán rằng lợi suất trái phiếu Bộ Tài chính Mỹ tăng thêm 50 điểm cơ bản, tăng trưởng kinh tế Mỹ sẽ mất 0,4%.
Tiến sĩ Nguyễn Thành Đô cho rằng, hệ số tín nhiệm quốc gia do các tổ chức nước ngoài đánh giá có ảnh hưởng rất lớn đến việc vay nợ của quốc gia đó. Nếu hệ số tín nhiệm quốc gia được đánh giá tốt, quốc gia đó sẽ được vay dễ dàng hơn, với lãi suất tốt hơn. Chính vì vậy, ngay như Philippines hay Malaysia thường xuyên chi tiền để cập nhật thông tin về tình hình đất nước họ ra thế giới, qua các kênh thông tin như Bloomberg, hoặc chủ động lập các cổng thông tin để đưa hình ảnh đất nước ra thế giới, khiến việc vay và thu hút đầu tư cũng thuận lợi hơn. Trong khi đó, chúng ta chưa làm tốt vấn đề này, thông tin về Việt Nam ra thế giới vẫn còn thiếu, các bộ ngành có cổng thông tin nhưng thường không có bản tiếng Anh, hoặc không được cập nhật thường xuyên. Vì vậy, các tổ chức quốc tế thiếu thông tin khi đánh giá về Việt Nam, điều này khiến chúng ta bị thiệt thòi.
Hiện trên thế giới có nhiều tiêu chí đánh giá mức an toàn của nợ nước ngoài và mỗi quốc gia có thể áp dụng những tiêu chí khác nhau. Tuy nhiên theo tiêu chí đánh giá phổ biến nhất của Ngân hàng thế giới thì mức nợ nước ngoài của một quốc gia dưới 50% GDP được coi là ngưỡng an toàn. “Như vậy nợ nước ngoài của Chính phủ Việt Nam theo tiêu chí này hiện vẫn an toàn”,ông Đô nói. Ông cũng cho biết, Bộ tài chính đang xây dựng chiến lược nợ quốc gia, trong đó sẽ quy định các mức trần nợ công, nợ nước ngoài.
Trả bình thường
Đánh giá về vấn đề trả nợ, ông Đô nói: “Nhìn tổng thể đến nay, nợ của Việt Nam chưa vượt ngưỡng an toàn, Chính phủ vẫn trả nợ và sẽ trả nợ bình thường trong nhiều năm tới. Việc vay và trả vẫn đúng kế hoạch, chưa có vi phạm nào”. Ông giải thích thêm, số tiền chúng ta phải trả nợ tăng dần, một phần là do chúng ta vay thêm, chi phí và lãi suất chung cũng tăng thêm, nhưng thu ngân sách của chúng ta cũng tăng hằng năm nên không có vấn đề gì.
Ông Đô cũng cho biết, Bộ Tài chính vừa qua đã có cảnh báo Chính phủ cần tăng dự trữ ngoại hối khi thấy rằng dự trữ ngoại hối trong ngắn hạn hơi thấp. Tuy nhiên, ông vẫn khẳng định, trong thời gian tới, chúng ta vẫn cần tiền và phải tiếp tục đi vay. Ông nói: “Quan trọng là nền kinh tế có hấp thụ được vốn vay, làm ăn hiệu quả hay không. Nếu chúng ta vay được và sử dụng hiệu quả là tốt”.
Tiến sĩ Nguyễn Thành Đô cho biết thêm, lãi suất trung bình các khoản nợ của Chính phủ hiện khoảng 2,9%/năm khá thấp so với mặt bằng chung. Lãi suất này có cao hơn trung bình những giai đoạn trước đây do Việt Nam đã bước sang nước có thu nhập trung bình nên tỷ lệ vay thương mại tăng lên, tỷ lệ vay ODA giảm dần. Vay vốn ODA có lãi suất ưu đãi hơn nhưng luôn có ràng buộc, và thường chỉ sử dụng vào phát triển hạ tầng nên thu hồi vốn lâu, tạo sức ép lên ngân sách. Trong khi vay thương mại ít bị ràng buộc nên người vay vốn được chủ động hơn trong việc sử dụng hiệu quả đồng vốn để tạo giá trị và trả nợ.
Xuân Bách
NHÂN DÂN



Xem bài viết: Nợ nước ngoài: Mừng hay lo?