Đã có cơ sở để giảm lãi suất?
Hàng loạt các ngân hàng đã công bố giảm lãi suất, điều này cũng có nghĩa là một mặt bằng lãi suất mới thấp hơn trước đã và đang có cơ hội lan tỏa ra thị trường.
Cùng với đó, chỉ số giá tiêu dùng tháng 2 tuy vẫn tăng nhưng mức tăng được cho là thấp nhất trong vòng mười năm trở lại đây. Tỷ giá thì đã được giữ vững trong nhiều tháng qua. Xem ra, những điều kiện vĩ mô đang dần hội tụ và rõ ràng hơn theo hướng tích cực. Bởi thế, vấn đề giảm lãi suất lại được nhắc tới. Nhưng bao giờ kì vọng giảm lãi suất mới thành hiện thực đang là câu hỏi được nhiều người quan tâm lúc này.
Hàng loạt các ngân hàng nhóm 1 đã công bố giảm lãi suất, ngân hàng quân đội (MB) cũng vừa công bố giảm lãi suất cho vay từ 1-2% so với trước đây. Sau nhiều tháng lãi suất neo ở mức quá cao, lượng vốn giải ngân ít và doanh nghiệp cũng không đủ sức để tiếp cận, bản thân các ngân hàng cũng mong muốn hạ lãi suất để cải thiện tình hình và cải thiện chính sự tồn tại của mình. Nhưng vấn đề được quan tâm nhất là lãi suất đã hạ của các ngân hàng nhóm 1 liệu có tạo thành làn sóng giảm lãi suất cho các ngân hàng nhóm 2-3. Có điều, mong muốn và quyết tâm hạ lãi suất lại đang vấp phải chướng ngại vật, đó là lạm phát.
Chỉ số giá tiêu dùng tháng 2 dù có mức tăng thấp nhất trong khoảng 10 năm trở lại đây nhưng nếu so với cùng kì năm ngoái thì chỉ số này vẫn lên tới 16,44%, tức là vẫn cao hơn mức trần lãi suất hiện nay tới 2,44%. Bởi vậy, khi lạm phát vẫn là nỗi ám ảnh thì trong số các mục tiêu: kìm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và an sinh xã hội, thì vấn đề kìm chế lạm phát vẫn được ưu tiên hàng đầu.
Theo Tiến sĩ Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, “Để hạ được lãi suất thì NHNN vẫn phải định liệu chính xác biến số lạm phát. Đà tăng của giá cả liên tục trong hơn nửa năm qua được kìm hãm dưới mức 1% và nếu thời gian tới, chỉ số này tiếp tục giảm thì đây sẽ là cơ sở để củng cố niềm tin rằng, lãi suất sẽ giảm”.
Chí Sơn
vtv



Xem bài viết: Đã có cơ sở để giảm lãi suất?