Doanh nghiệp cao su lên kế hoạch phòng thủ
Kế hoạch “phòng thủ” trong xuất khẩu của doanh nghiệp cao su khiến mục tiêu xuất khẩu trên 880.000 tấn trong năm 2012 của ngành cao su khó có thể đạt được.
Theo ông Nguyễn Thanh Hải, Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Cao su Đồng Phú (DPR), lượng cao su xuất khẩu của Công ty hiện chiếm tới 60% sản lượng. Kế hoạch trong năm 2012 của Công ty là phòng thủ, với mục tiêu xuất khẩu bằng năm 2011.
Đồng quan điểm, ông Lê Văn Trí, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Cao su miền Nam (Casumina - HOSE: CSM) cho biết, những năm trước, Casumina thường đạt mức tăng trưởng trên 20%, nhưng dựa trên thực tế của năm 2011, Công ty chỉ đặt mục tiêu khá khiêm tốn trong năm 2012, với chỉ tiêu tăng trưởng từ 5% đến 10%.
Lý giải cho hành động phòng thủ, các doanh nghiệp cho biết, trước đây, nhập khẩu cao su bị đánh thuế 5%, còn xuất khẩu thì không, nhưng gần đây, Nhà nước đã áp thuế với xuất khẩu cao su, bởi việc xuất khẩu mặt hàng này có lãi nhiều.
“Điều này là hợp lý, song việc áp thuế xuất khẩu cao su cũng phải tùy tình hình. Trong trường hợp doanh nghiệp cao su kinh doanh không có lãi, thì có thể hoãn áp thuế, nếu không, doanh nghiệp sẽ càng khó khăn do khó cạnh tranh trên thị trường quốc tế”, ông Lê Văn Trí phân tích.
Ông Lê Văn Trí dự báo, tình hình xuất khẩu cao su nguyên liệu trong năm 2012 sẽ không tốt lắm, bởi kinh tế thế giới suy thoái, sản xuất ô tô chậm lại, tiêu thụ lốp ô tô cũng chậm lại. Hơn nữa, Thái Lan cũng vừa bỏ tiền mua nguyên liệu cao su dự trữ để giữ giá. “Tôi cho rằng, năm 2012, việc tiêu thụ cao su nguyên liệu sẽ gặp khó khăn, giá cũng rẻ hơn. Do đó, cơ quan thuế cần xem xét lại việc áp dụng thuế đối với xuất khẩu cao su”, ông Lê Văn Trí nói.
Với Công ty cổ phần Cao su Đồng Phú (DPR), hiện sản phẩm cao su Latex (chiếm khoảng 30% tổng sản lượng của Công ty, trong đó 20% dành cho xuất khẩu) bị đánh thuế 3%. Công ty đang lo ngại sẽ bị áp thuế xuất khẩu đối với một số mặt hàng cao su khác. “Cao su là mặt hàng nông sản mà Nhà nước khuyến khích xuất khẩu, nhưng lại bị đánh thuế xuất khẩu là bất hợp lý”, ông Nguyễn Thanh Hải bày tỏ quan điểm.
Trong bối cảnh xuất khẩu cao su vừa chịu thuế, vừa bị giảm giá khá mạnh (năm 2011 đạt trên 90 triệu đồng/tấn mủ cao su, nhưng hiện tại chỉ đạt trên 60 triệu đồng/tấn), các doanh nghiệp cao su cho biết, họ vẫn chưa tính đến chuyện tăng cung ứng nội địa, vì công nghiệp cao su trong nước chưa phát triển.
Bà Trần Thị Thúy Hoa, Tổng thư ký Hiệp hội Cao su Việt Nam cho rằng, doanh nghiệp nên tìm cách cân đối xuất khẩu và tiêu thụ trong nước. Trên thực tế, những mặt hàng bị đánh thuế cũng chỉ chiếm số lượng nhỏ, nên doanh nghiệp vẫn chịu đựng được. Điều mà Hiệp hội và doanh nghiệp cao su lo lắng hiện nay là, cơ quan thuế không những không hoãn/miễn thuế những mặt hàng đã đánh thuế, mà còn tiếp tục áp dụng thuế xuất khẩu đối với một số mặt hàng khác…
Thanh Vũ
ĐẦU TƯ



Xem bài viết: Doanh nghiệp cao su lên kế hoạch phòng thủ