Cổ phiếu Trung Quốc niêm yết tại Mỹ là… “giấy lộn”?
Lúc này, mọi người đều đã biết đến việc Muddy Waters phát hiện ra sự gian lận tại Sino-Forest nhằm đặt bẫy nhà đầu tư John Paulson. Bản báo cáo về sự việc này được ví như là một bản cáo trạng của cảnh sát quốc tế (Interpol) hơn là một tài liệu phân tích thông thường. Báo cáo bắt đầu bằng việc khẳng định Sino-Forest giống như là Bernie Madoff trước khi ước tính phi vụ này đã thổi vống các tài sản lên khoảng 900 triệu USD.
Tuy nhiên, vấn đề là ở chỗ, vụ Sino-Forest chỉ giống như phần nổi của tảng băng trôi, khi có nhiều hơn các công ty của Trung Quốc đại lục niêm yết tại Bắc Mỹ đối mặt với những câu hỏi liên quan đến những khoản hạch toán bất quy tắc. Sino-Forest thì đang niêm yết tại Toronto , nhưng còn nhiều công ty đại lục khác đang niêm yết trên sàn Nasdaq và NYSE cũng dính vào chủ đề tranh luận tương tự.
Từ tháng 3, ít nhất 5 công ty Trung Quốc đã bị huỷ niêm yết và 15 công ty khác đã lĩnh "án treo" trên sàn Nasdaq và giá nhiều cổ phiếu đang bị nện cho tơi tả. Trong số 52 công ty đại lục niêm yết tại Nasdaq từ năm 2010, chỉ 8 công ty có cổ phiếu tăng giá trong năm nay, theo một báo cáo gần đây của Nomura.
Tại sao trên một thị trường chứng khoán uy tín như của Mỹ lại niêm yết những tờ "giấy lộn" như vậy? Thực tế, đó từng là cổ phiếu của những công ty tốt nhất Trung Quốc. Trong khi chờ các nhà chức trách và nhà băng kiểm tra sai lầm của mình, có một sự giải thích cơ bản hơn: sự nổi lên của các thị trường chứng khoán nội địa Trung Quốc là lý do chính. Trong số các điều tiếng gần đây về các cổ phiếu Trung Quốc, một vài ám chỉ rằng, Trung Quốc đã không còn gửi các công ty tốt nhất ra niêm yết ở nước ngoài nữa.
Trong một thời gian dài, các công ty lục địa lớn nhất và chất lượng nhất được niêm yết tại Hồng Kông và các cổ phiếu thấp cấp hơn thường được niêm yết tại New York hoặc London .
Điều đó đã thay đổi khi thị trường chứng khoán Thượng Hải trưởng thành trong những năm gần đây. Trong khi Hồng Kông tiếp tục cùng với Thượng Hải đón nhận những công ty "béo mập" lên niêm yết, thì London và New York ngày càng vắng bóng các công ty như vậy đến từ Trung Quốc.
Các dữ liệu từ Ernst & Young cho thấy Thượng Hải đã nổi lên dẫn đầu thế giới về thị trường IPO toàn cầu như thế nào kể từ sau cuộc khủng hoảng tài chính mang tên Lehman Bros. xảy ra, vượt qua NYSE (luôn dẫn đầu thế giới trước đó). Trong năm 2010, tổng lượng phát hành tăng vốn tại hai thị trường chứng khoán Thượng Hải và Thâm Quyến là 58,1 tỷ USD, "đè bẹp" New York với 34,7 tỷ USD.
Thị trường Nasdaq cũng chứng kiến một sự thay đổi tương tự. Thị trường này từng niêm yết thế hệ đầu tiên của các công ty Internet đại lục như Netease và Sina, nhưng nay không còn là nơi chào sàn của các cổ phiếu công nghệ Trung Quốc nữa. Alibaba là một ví dụ, hãng bán hàng trực tuyến khổng lồ này đã niêm yết tại Hồng Kông.
Cùng thời điểm Trung Quốc bắt đầu niêm yết nhiều hơn các công ty tốt nhất ở trong nước, nước này cũng mở cửa cho các thị trường chứng khoán nước ngoài. Năm 2007, các thị trường chứng khoán Singapore, New York, London and Tokyo đã được chấp thuận mở văn phòng tại Trung Quốc để "nhử mồi" các công ty đại lục lên niêm yết.
Tuy vậy, sự gia nhập của các thị trường chứng khoán ngoại cũng vô hình trung khiến các thị trường trong nước trưởng thành hơn nhờ áp lực cạnh tranh và qua đó hấp dẫn các công ty lên niêm yết nhiều hơn.
Hồng Kông cũng từng có các doanh nghiệp niêm yết gian lận trong quá khứ, nhưng các nhà làm luật đã có nhiều kinh nghiệm về vấn đề này. Việc niêm yết "cửa sau" hay thâu tóm đối nghịch, những ví dụ về gian lận tại Mỹ, đã bị ngăn chặn tại đây và giờ rất hiếm khi xảy ra.
Gần đây, lãnh đạo Thị trường chứng khoán Hồng Kông (HKEx) đã cảnh báo vấn đề tại Mỹ là những cổ phiếu đại lục niêm yết ở đó đã không còn tồn tại ở Hồng Kông. Có thể lời cảnh báo đó là hơi liều, nhưng có lý do để tin vào nó.
Theo số liệu tổng kết năm 2010 của Nomura, 173 công ty Trung Quốc đã niêm yết tại Nasdaq có tổng giá trị vốn hoá thị trường trung bình là 700 triệu USD, trong khi đó, hơn 600 công ty Trung Quốc đại lục niêm yết tại HKEx có giá trị vốn hoá trung bình đạt tới 6,3 tỷ USD.
Mỹ không phải là thị trường duy nhất đang gặp phải vấn đề các công ty Trung Quốc niêm yết thiếu trung thực. Singapore cũng xuất hiện câu chuyên tương tự khi các báo cáo gần đây cho thấy có hơn 1 trong 10 công ty Trung Quốc đã bị huỷ niêm yết hoặc rơi vào diện kiểm soát đặc biệt.
Quang Huy (Theo báo chí nước ngoài)
đầu tư chứng khoán



Xem bài viết: Cổ phiếu Trung Quốc niêm yết tại Mỹ là… “giấy lộn”?