Thị trường OTC tiếp nối điệp khúc buồn khi trên thị trường niêm yết, VN-Index rời xa ngưỡng 500 điểm. Vẫn có những NĐT tìm mua CP OTC, nhưng đó là những cổ phiếu (CP) hiếm hoặc có thông tin đặc biệt về lợi nhuận hoặc chuẩn bị lên sàn.

Theo một số đầu mối môi giới giao dịch OTC tại Hà Nội, hiện trên thị trường có giao dịch đối với nhóm CP ngân hàng như An Bình (giá khoảng 11.000 đồng/CP), Liên Việt (trên 14.000 đồng/CP), Hàng hải (19.000 đồng/CP), SCB (12.000 đồng/CP).

CP đầu tầu là MB cũng không thu hút sự quan tâm khi giới đánh khống đã chịu quá nhiều rủi ro và một số sàn OTC "chuyên MB" đã bị đóng cửa theo yêu cầu của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK).

Một số mã CP như Ngô Han (sản xuất cáp điện từ) có lợi nhuận khá cao và chuẩn bị niêm yết trở thành cổ phiếu hiếm khi lượng giao dịch rất ít.

CP Bất động sản dầu khí (PVPLand) cũng được nhiều NĐT tìm mua với giá khoảng trên 16.000 đồng/CP. DN này đang có kế hoạch niêm yết, mức giá trên vẫn được xem là hấp dẫn nên thu hút sự quan tâm của NĐT.

CP ngành thép có Thép Tiến Lên cũng được NĐT tìm mua do có lợi nhuận khả quan.

Trong khi nhiều CP trên sàn niêm yết đang về mức giá hấp dẫn và xu hướng giảm giá vẫn diễn ra, nên NĐT có tâm lý chờ đợi hơn thêm chút nữa.

Ngoài ra, giao dịch trên thị trường tự do vốn tiềm ẩn nhiều rủi ro, nên lượng người chơi trên thị trường này không nhiều.

Vừa qua, UBCK đã có công văn yêu cầu các CTCK có tổ chức giao dịch CP OTC phải đóng cửa trước ngày 28/1/2010. Thị trường OTC vốn đã trầm lắng, nên thông tin trên cũng không tác động mấy đến tâm lý NĐT.

Trên thực tế, không phải công ty nào cũng nhận được công văn của UBCK. Chỉ một số CTCK có tổ chức giao dịch dưới hình thức mở tài khoản, cho NĐT dùng đòn bẩy và chạy hệ thống khớp lệnh điện tử mới nhận được công văn này.

Sau khi có yêu cầu của UBCK, các công ty này đều tuân thủ và đã thực hiện thông báo đến khách hàng.

CTCK VNDirect yêu cầu nhà đầu tư đang có trạng thái mua chứng khoán cần làm thủ tục rút chứng khoán trước 12h ngày 28/1/2010. Trong trường hợp có nhu cầu repo chứng khoán, nhà đầu tư có thể đến làm thủ tục repo trước 12h ngày 28/1/2010. Nhà đầu tư đang có trạng thái bán chứng khoán cần phải mua lại chứng khoán trước 11h ngày 28/1/2010….

Tuy nhiên, đó chỉ là việc giao dịch CP MB, AB, HBB, VPB thông qua bảng điện tử.

Một giao dịch viên CP OTC tại đây cho biết, Công ty vẫn hỗ trợ nhà đầu tư làm thủ tục chuyển nhượng cổ phiếu OTC.

Ghi nhận của báo giới, hoạt động chuyển nhượng CP của các công ty đại chúng do CTCK đứng ra quản lý sổ cổ đông vẫn diễn ra bình thường.

Việc khâu nối giữa NĐT có nhu cầu mua - bán chứng khoán không bị xem là hoạt động tổ chức thị trường. Vậy nhưng do sự ảm đạm chung, nên cũng không có nhiều giao dịch.

Phí môi giới không đáng kể nên các CTCK không thực sự quan tâm đến mảng này. Họ làm thủ tục chuyển nhượng CP OTC do trách nhiệm là CTCK quản lý sổ cổ đông hơn là động cơ lợi nhuận.

Nhiều môi giới OTC đã chuyển sang môi giới CP niêm yết tại các CTCK với việc đi câu và chăm sóc khách VIP. Công việc này mang lại lợi nhuận cao không kém và đỡ rủi ro hơn.

Trong sự tẻ nhạt của giao dịch cổ phiếu OTC, một vấn đề mới đang được nhiều CTCK quan tâm là làm thế nào để thực hiện yêu cầu công bố giá cổ phiếu OTC của cơ quan quản lý.

Thông tư 09/2010/TT-BTC hướng dẫn việc công bố thông tin trên thị trường chứng khoán vừa được Bộ Tài chính ban hành có quy định, hàng quý, CTCK phải công bố thông tin về danh mục và giá các loại chứng khoán chưa niêm yết mà công ty làm môi giới giao dịch trong vòng 10 ngày đầu tháng tiếp theo trên trang thông tin điện tử và các ấn phẩm của công ty.

Có lẽ, một trong những mục đích của việc báo cáo giá cổ phiếu OTC tại CTCK là để có cơ sở cho cơ quan thuế thực hiện giám sát việc tính thuế chuyển nhượng chứng khoán.

Tuy nhiên, đại diện nhiều CTCK băn khoăn rằng, trong một tháng nếu diễn ra nhiều giao dịch chuyển nhượng một loại cổ phiếu OTC thì CTCK sẽ phải báo cáo giá nào? Nếu không có hướng dẫn cụ thể hơn, các CTCK sẽ lúng túng khi thực hiện quy định này.xem tiếp: http://www.needearn.com/aft/d0f40419.html