Hạ lãi suất: Tại sao lại diễn ra vào lúc này?
Liệu động thái hạ lãi suất lần này của NHNN có diễn ra quá sớm và tạo hiệu ứng tiêu cực hay không?
* Kinh tế Vĩ mô Tuần 27/02 – 02/03: Lạm phát giảm tốc, lãi suất hạ thực chất
* Kinh tế Vĩ mô Tuần 20 – 24/02: Xu hướng giảm lãi suất dần khả thi hơn
Sau phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 2/2012, Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình thông báo đã đến lúc đồng loạt giảm tất cả các lãi suất cơ bản và trần lãi suất huy động 1%. Cơ quan này sẽ sớm công bố thông tin giảm lãi suất trong thời gian tới.
Trong nhiều phân tích gần đây, chúng tôi đã nhận thấy việc kéo giảm lãi suất thực chất dần trở nên khả thi hơn. Những diễn biến này có vẻ đến sớm hơn kỳ vọng, khi trước Tết Âm lịch chúng tôi dự đoán lãi suất có thể giảm từ cuối quý 2.
Liệu động thái hạ lãi suất lần này của NHNN có diễn ra quá sớm (premature) và tạo hiệu ứng tiêu cực hay không?
Đã chín muồi để hạ lãi suất?
Chúng tôi tin rằng các yếu tố cả trong và ngoài nước đang ủng hộ cho quan điểm đây là thời cơ để kéo giảm lãi suất và hỗ trợ kinh tế tăng trưởng.
(1) Xu hướng giảm tốc của chỉ số giá tiêu dùng đã rất rõ ràng và lạm phát kỳ vọng trong thời gian tới sẽ nhanh chóng được điều chỉnh giảm.
Chỉ số giá tiêu dùng cả nước trong tháng 2/2012 chỉ tăng 1.37% so với tháng 1/2012, và tăng 16.44% so với cùng kỳ năm trước. CPI hai tháng đầu năm 2012 (lần lượt là 1% và 1.37%) đều tăng yếu hơn mức trung bình cùng kỳ các năm.
Với thực tế này, lãi suất sẽ có cơ hội giảm xuống một cách thực chất hơn, với mức độ tiếp cận vốn dễ dàng hơn trước đây.
Thách thức lớn nhất hiện nay là khả năng điều chỉnh tăng giá xăng dầu và giá điện. Chúng tôi nhận thấy quan điểm quyết liệt kiềm chế lạm phát được thể hiện rất rõ trong thời gian gần đây, khi Bộ Tài chính liên tục cho phép sử dụng quỹ dự trữ bình ổn giá và giảm thuế nhập khẩu về mức 0% trước áp lực tăng giá xăng dầu, gas lên cao.
Trong trường hợp giá xăng dầu bắt buộc phải điều chỉnh tăng, chúng tôi kỳ vọng đà giảm tốc rõ nét của lạm phát sẽ giúp hạn chế bớt tác động tâm lý tiêu cực.
(2) Một diễn biến bổ trợ quan trọng khác là vấn đề thanh khoản của hệ thống ngân hàng. Thanh khoản của các ngân hàng, đặc biệt là các ngân hàng lớn, hiện đã được cải thiện hơn nhiều so với trước đây. Điều này được minh chứng qua sự sôi động trên thị trường trái phiếu sơ cấp; khi các phiên đấu thầu Trái phiếu Chính phủ gần đây liên tục đạt tỷ lệ trúng thầu rất cao, với lãi suất liên tục được điều chỉnh giảm. Trong đợt đấu thầu gần nhất vào ngày 01/03, lãi suất trúng thầu Trái phiếu Kho bạc Nhà nước chỉ ở mức 11.2% đối với các kỳ hạn 2 năm và 5 năm.
Ngoài ra, lãi suất giao dịch trên thị trường liên ngân hàng cũng có xu hướng giảm rõ nét. Gần đây, lãi suất liên ngân hàng qua đêm đã giảm xuống dưới 10%/năm, sau nhiều tháng duy trì ở mức cao.
(3) Các kênh đầu tư vàng, ngoại hối đã không còn là sự lựa chọn của hầu hết các nhà đầu tư trong giai đoạn hiện nay. Hay nói cách khác, biến động của giá vàng và USD đã không còn là tác nhân chính gây bất ổn trên thị trường tiền tệ.
Thị trường ngoại hối được duy trì ổn định từ cuối năm 2011 đến nay; và vì vậy, mức chênh lệch giữa tỷ giá niêm yết và tỷ giá trên thị trường tự do không còn đáng kể.
Đáng lưu ý, thông tin mới đây cho thấy NHNN đã liên tục tận dụng cơ hội để mua vào một lượng lớn ngoại tệ để tăng dự trữ ngoại hối. Chỉ trong 2 tháng đầu năm 2012, dự trữ ngoại hối của Việt Nam đã tăng đến 20%.
Chúng tôi tin rằng dự trữ ngoại hối vững chắc, tỷ giá ổn định là yếu tố quan trọng để NHNN cân nhắc nới lỏng tiền tệ. Khi đó, cơ quan này có thể sử dụng kho dự trữ ngoại hối để can thiệp vào thị trường trong trường hợp tiền đồng bị trượt giá quá nhiều.
Một diễn biến khá thuận lợi khác là giá vàng thế giới đang lao dốc rất mạnh trước bối cảnh kinh tế Mỹ có dấu hiệu phục hồi và đồng USD mạnh lên. Trước đây, hoạt động đầu cơ vàng luôn là một bài toán đau đầu cần giải quyết để ổn định giá trị tiền đồng, kiềm chế lạm phát.
Liệu các ngân hàng có “đua nóng” lách trần lãi suất huy động?
Việc phân loại và không cho các ngân hàng yếu kém tăng trưởng tín dụng sẽ hạn chế đáng kể khả năng “đua nóng” lãi suất huy động trong hệ thống.
Thực tế cho thấy, gần đây một số ngân hàng đã chủ động điều chỉnh giảm lãi suất huy động xuống thấp hơn mức trần 14%. Đây có thể là một “chiêu” quảng bá về sự dồi dào thanh khoản, nhưng phần nào cho thấy áp lực thu hút vốn bằng mọi giá đã không còn căng thẳng như trước đây.
Thông tin mới nhất cũng cho thấy, 9 ngân hàng yếu kém chỉ còn chiếm 6% hoạt động của hệ thống ngân hàng, nên rõ ràng tác động tiêu cực (nếu có) từ các ngân hàng này có thể được hạn chế tối thiểu.
Đề án “Cơ cấu lại hệ thống các TCTD giai đoạn 2011 – 2015” được phê duyệt vào ngày 01/03/2012 nêu rõ, NHNN có thể áp dụng biện pháp sáp nhập, hợp nhất, mua lại trên cơ sở bắt buộc đối với các TCTD yếu kém, nếu không thể thực hiện một cách tự nguyện.
Chúng tôi tin rằng 9 tổ chức tín dụng loại yếu này hiện đã định hình phương án tái cấu trúc (sáp nhập, hợp nhất…) và việc thực hiện chỉ còn là vấn đề thời gian.
Chúng tôi cũng nhận thấy hiện nay lãi suất cao tại các ngân hàng “có vấn đề” không còn là lựa chọn hàng đầu của người gửi tiền. Và như vậy, một cuộc “đua nóng” để lách trần lãi suất huy động sẽ ít có khả năng diễn ra, và nếu có thì cũng không còn hiệu quả.
Khi nào mặt bằng lãi suất sẽ thực sự hạ xuống?
Khi lãi suất huy động giảm, các ngân hàng không thể đẩy mạnh cho vay vốn giá rẻ ngay lập tức. Lý do là giá vốn huy động của các thời kỳ trước đó vẫn còn ở mức cao.
Ước tính trước đây của chúng tôi cho thấy độ trễ thông thường sẽ từ 3-4 tháng. Như vậy, nhiều khả năng doanh nghiệp sẽ có cơ hội tiếp cận vốn vay lãi suất khoảng 15-16% vào cuối quý 2/2012.
Thân Hoàng Dung, Phòng Nghiên cứu VIETSTOCK



Xem bài viết: Hạ lãi suất: Tại sao lại diễn ra vào lúc này?