Bình ổn giá khiến CPI, lạm phát ảo?
Chính sách bình ổn giá một số hàng hóa, làm cho giá bán hàng hóa tham gia bình ổn thấp hơn giá thị trường. Như thế, có làm cho việc thống kê tính chỉ số giá tiêu dùng, chỉ số lạm phát không thực không?
Trong thời gian vừa qua một số tỉnh, thành đã thực hiện chính sách bình ổn giá một số hàng hóa. Hàng bình ổn giá sẽ có giá bán thấp hơn giá trên thị trường khoảng 10-15%.

TP.HCM đang thực hiện bình ổn giá cho mặt hàng gạo, đường, dầu ăn, thịt gia súc, thịt gia cầm, trứng gia cầm, thực phẩm chế biến, rau củ quả, thủy hải sản, thuốc chữa bệnh, tập học sinh, balô, túi xách, đồng phục học sinh và sữa bột.
Chính sách bình ổn giá một số hàng hóa, trong điều kiện lạm phát cao có vẽ rất hợp lý, để đảm bảo cho đời sống người dân không bị ảnh hưởng do giá cao, nhất là những người có thu nhập thấp. Nhưng sau một thời gian thực hiện, cần phải xem xét cụ thể, kỹ lưỡng ảnh hưởng của nó đến đối tượng thụ hưởng, đến thị trường để biết chính sách bình ổn giá có đạt được mục đích mong muốn hay không.
Mục đích bình ổn giá là hỗ trợ cho đối tượng chính là người có thu nhập thấp, đời sống khó khăn do bão giá của lạm phát. Nhưng đã thực hiện cho mọi đối tượng thu nhập khác nhau, vì không thể phân biệt thu nhập của người mua.
Người mua thịt gia súc, thịt gia cầm, thực phẩm chế biến, thủy hải sản nhiều chắc không phải là người có thu nhập thấp. Người dân nghèo ở huyện Cần Giờ, Củ Chi, Bình Chánh - TP.HCM sao có điều kiện mua thịt gia súc, thịt gia cầm, thực phẩm chế biến, thủy hải sản hằng ngày. Họ được thụ hưởng từ chính sách hỗ trợ của bình ổn giá là không đáng kể. Hay TP.HCM bình ổn giá tập học sinh 4,4 triệu quyển (chiếm khoảng 33%); đồng phục học sinh 560.000 bộ (chiếm 20%); cặp - ba lô - túi xách 450.000 cái (chiếm 32%).
Như vậy, người mua là đối tượng nào, làm cách nào kiểm soát để tất cả người thu nhập thấp được mua. Bình ổn giá sữa bột cho người già, những gia đình nghèo chắc mua không là bao nhiêu. Bình ổn giá thuốc chữa bệnh, người bệnh đến các hiệu thuốc mua thuốc làm sao biết thuốc nào bán theo giá bình ổn, thuốc nào không, giá bình ổn là bao nhiêu. Ai kiểm soát giá thuốc bán bình ổn tại các hiệu thuốc, ai đảm bảo rằng các cửa hàng thuốc sẽ không vi phạm cam kết.
Chính sách bình ổn giá là doanh nghiệp bán hàng hóa giá phải thấp hơn giá thị trường, ngân sách hỗ trợ phần thiệt hại cho doanh nghiệp qua cho vay vốn lãi suất thấp. Nhưng sự kiểm soát số lượng hàng bán của các doanh nghiệp theo giá bình ổn chắc không thể đơn giản, và không loại trừ trường hợp trục lợi. Những mặt hàng như rau củ quả, thuốc chữa bệnh... kiểm tra số lượng hàng bán bằng những căn cứ nào?
Người mua chưa hẳn để tiêu dùng, mua với số lượng lớn để bán lại. Các cửa hàng bán hàng bình ổn giá, đã từng phải giới hạn số lượng mua của từng khách hàng, như 2 kg đường/người, 1 lít dầu ăn/người... Do đó thất thoát ngân sách khó thể tránh khỏi?
Chính sách bình ổn giá một số hàng hóa phần lớn chỉ có ở các tỉnh, thành phố lớn. Các địa phương khác người dân nghèo nhiều hơn, đời sống còn khổ cực hơn, nhất là người dân ở vùng xa, miền núi, hải đảo.
Nhưng họ không được hưởng, vì ngân sách địa phương đó không có khả năng. Họ là những người chịu khổ cực để cung cấp lương thực, thực phẩm cho các tỉnh, thành phố lớn. Đáng lẽ họ phải là những người được hỗ trợ, nhưng lại không được hưởng.
Chính sách bình ổn giá một số hàng hóa, làm cho giá bán hàng hóa tham gia bình ổn thấp hơn giá thị trường. Như thế, có làm cho việc thống kê tính chỉ số giá tiêu dùng, chỉ số lạm phát không thực không? Nếu có, thì không thể không ảnh hưởng đến chính sách điều hành kinh tế vĩ mô.
Sau một thời gian thực hiện chính sách bình ổn giá ở nhiều địa phương, hiện nay đã có những bất cập cần phải xem xét lại. Khoản chi ngân sách có tác dụng hữu ích đúng đối tượng cần hỗ trợ. Chính sách có đảm bảo công bằng, hợp lý cho đối tượng cần hỗ trợ ở mọi vùng, miền. Ngân sách có bị thất thoát, thị trường có bị méo mó không? Qua đó để có những cải tiến cho thực hiện tốt hơn hay cần một chính sách khác hỗ trợ người có thu nhập thấp thiết thực hơn.
Bùi Văn Trường
diễn đàn kinh tế việt nam



Xem bài viết: Bình ổn giá khiến CPI, lạm phát ảo?