Nỗi đau mang tên SGO!
Cổ phiếu SGO của CTCP Dầu thực vật Sài Gòn (HNX: SGO) – đơn vị gián tiếp sở hữu 2 thương hiệu dầu thực vật “Tràng An” và “Bếp Việt”, đã bay mất hơn 2/3 giá trị sau hơn nửa năm niêm yết. Thị trường đã hoài nghi về những hoạt động của Công ty.

Chào sàn vào cuối năm 2015 tại mức giá 14,500 đồng/cp, sau đó cổ phiếu SGO liên tục sụt giảm. Tính đến phiên ngày 12/07, thị giá của SGO đang quanh mốc 3,200 đồng/cp, giảm 74% so với thời mới niêm yết.

SGO có thanh khoản tương đối trên HNX, khối lượng giao dịch bình quân ở mức gần 590,000 cp/phiên kể từ khi lên sàn đến nay, có những phiên đột biến lên gần 4.5 triệu cp. Tuy nhiên, một tháng gần đây thanh khoản bình quân chỉ còn gần 285,000 cp/phiên.
Thị giá cổ phiếu SGO từ khi niêm yết

Trước lên sàn, SGO có 171 cổ đông, gồm 2 tổ chức và 169 cá nhân và đặc biệt là trong danh sách không hề có cổ đông lớn (cổ đông nắm giữ trên 5% vốn điều lệ). Cần nhìn lại rằng, sau hai lần tăng vốn điều lệ 200% rất chóng vánh trước thềm niêm yết, SGO vẫn chỉ có 5 cổ đông. Sau đó, phần lớn số cổ phần của 5 cá nhân này được sơ tán thành 171 cổ đông. Các thành viên trong HĐQT cũng giảm mạnh tỷ lệ sở hữu, từ cổ đông nắm giữ 10% vốn xuống còn cùng một mức 2.6%, riêng ông Lê Thiên Thạch đã giảm sở hữu từ 60% xuống còn 2.7%.

Theo đó, sau niêm yết, không những lượng vốn cổ phần bị hạn chế chuyển nhượng đối với cổ đông nội bộ còn lại rất thấp, mà các giao dịch trên sàn còn không phải công khai “tung tích” kẻ mua người bán.

Tỷ lệ sở hữu của HĐQT
a) Trước niêm yết (sau 2 lần tăng vốn năm 2014 và 2015)
b) Sau niêm yết (tính đến 26/08/2015)

Mới đây, tại ĐHĐCĐ thường niên đầu tiên của SGO sau khi niêm yết, theo công bố thì số lượng cổ đông đã tăng lên thành 1,494 cổ đông, tuy nhiên, số lượng tham dự lại rất thấp khiến Đại hội không thể tiến hành. Đại hội lần đầu chỉ có sự tham gia của 27% cổ phần có quyền biểu quyết, con số này giảm xuống còn 21% trong lần hai (18 cổ đông có mặt). Và cho đến lần tổ chức thứ ba vừa qua, số cổ đông tham dự chỉ còn 10 người, đại diện cho 18.67% cổ phần có quyền biểu quyết, trong đó, cổ phần của HĐQT đã chiếm hơn một nửa (hơn 10.5%). Sự thất bại này phải chăng do cổ đông quá thờ ơ với ĐHĐCĐ của SGO? Bởi SGO đã lựa chọn địa điểm đại hội chưa thích hợp, chưa phải là nơi tập trung đông nhất cổ đông? Hay là do HĐQT không muốn Đại hội thành công như suy nghĩ của một cổ đông sinh sống tại TP.Hồ Chí Minh? SGO là công ty có trụ sở chính tại TP.Hồ Chí Minh nhưng lại tổ chức đại hội tại Hà Nội, là nơi mà đa số dàn lãnh đạo công ty thường trú.

Trở lại với ĐHĐCĐ 2016 lần thứ ba vừa qua, với 10 thành viên tham dự, HĐQT của SGO đã được thông qua phương án tăng vốn điều lệ lên 350 tỷ đồng bằng 3 đợt phát hành, gồm trả cổ tức 2015 bằng cổ phiếu tỷ lệ 10%, chào bán 10 triệu cp cho cổ đông hiện hữu với giá 10,000 đồng/cp và chào bán 3 triệu cp cho nhà đầu tư chiến lược với giá 10,000 đồng/cp. Cần lưu ý rằng mức giá phát hành 10,000 đồng/cp ở thời điểm hiện tại đang gấp hơn 2 lần thị giá cổ phiếu SGO trên thị trường.
Quá trình tăng vốn của SGO (Đvt: tỷ đồng)

Theo kế hoạch, trong số 130 tỷ đồng số tiền dự kiến thu về từ đợt chào bán, Công ty sẽ chi 100 tỷ đồng, để thâm nhập vào lĩnh vực mới là khai thác đá vôi tại mỏ đá La Đồng tại tỉnh Thái Nguyên.

Cùng với phương án phát hành tăng vốn, năm 2016, SGO đặt mục tiêu doanh thu đạt 400 tỷ đồng, tăng 4% so với thực hiện năm trước; lợi nhuận sau thuế tăng 16% đạt 18 tỷ đồng; cổ tức tỷ lệ 5%. Kế hoạch là vậy, tuy nhiên kết quả kinh doanh quý 1/2016 của SGO không cho thấy tín hiệu có thể hoàn thành. Kết thúc quý đầu tiên, SGO chỉ đạt doanh thu gần 59 tỷ đồng, giảm 85% so với cùng kỳ 2015 và chỉ tương đương 14% kế hoạch đề ra. Theo đó, lợi nhuận sau thuế chỉ vỏn vẹn 253 triệu đồng, chưa bằng 2% của kết quả quý 1/2015 và mới đạt hơn 1% chỉ tiêu cả năm.

Nhìn lại hoạt động hai năm vừa qua (năm 2014 và 2015), mặc dù ghi nhận lãi ròng từ 12-15 tỷ đồng nhưng dòng tiền hoạt động kinh doanh và đầu tư của SGO lại âm liên tục. Chỉ duy nhất dòng tiền thuần từ hoạt động tài chính dương nhờ hai lần tăng vốn khủng vào tháng 12/2014 và tháng 2/2015. Từ năm 2013 trở về trước, tuy SGO không công bố số liệu tài chính nhưng có thể thấy hoạt động của công ty không mấy suôn sẻ: giai đoạn này đã để lại khoản chuyển lỗ trong năm 2014 hơn 43 triệu đồng; lãi ròng 2013 chỉ tầm 400 triệu đồng và công ty không trích lập các quỹ nhiều năm vì lỗ lũy kế.

Cơ cấu doanh thu của SGO cũng đáng chú ý khi gần như 100% doanh thu năm 2013 và 2014, hơn 70% doanh thu năm 2015 có được nhờ cung cấp nguyên liệu đầu vào cho duy nhất 1 khách hàng là Công ty TNHH Phúc Quang – Hồng Anh. Đây là một đơn vị có những mối quan hệ khá đặc biệt với SGO và sẽ được giải mã trong phần tiếp theo.

Về tài sản, với đặc thù của công ty thương mại, tài sản cố định của SGO rất thấp, phần lớn tài sản là khoản phải thu khách hàng và trả trước người bán, hai khoản đầu tư vào Phúc Quang – Hồng Anh và nhà máy xây xát lúa gạo tại Bắc Ninh (nhà máy hợp tác với Phúc Quang – Hồng Anh)./.

>> Đón đọc kỳ 2: