Phân tích cổ phiếu ngành ngân hàng

Những gì nhà đầu tư cần tìm kiếm khi muốn đầu tư vào cổ phiếu ngân hàng và công ty tài chính khác?

NĐT cần phải nhận biết những vấn đề về chất lượng tín dụng khi mua cổ phiếu ngành ngân hàng.

Do toàn bộ hoạt động kinh doanh của chúng - sức mạnh và cơ hội - được xây dựng trên rủi ro, sẽ là một ý hay khi tập trung vào những tổ chức tài chính được quản lý một cách thận trọng mà thường xuyên tạo ra những mức lợi nhuận vững chắc nhưng không quá khác thường. Sau đây là danh sách một số chỉ tiêu để xem xét:

Câu chuyện liên quan đến rủi ro

Cho dù một ngân hàng hoạt động cho vay thương mại hay cho vay tiêu dùng thì trái tim và tâm hồn của nó tập trung vào vấn đề: quản trị rủi ro. Ngân hàng gặp phải 3 dạng rủi ro: (1) rủi ro tín dụng, (2) rủi ro thanh khoản và (3) rủi ro lãi suất. Hiệu quả của ngân hàng chính là kinh doanh rủi ro. Rủi ro tín dụng là phần cốt yếu của việc kinh doanh cho vay. Nhà đầu tư có thể cảm nhận về chất lượng tín dụng của một ngân hàng bằng cách xem xét bảng cân đối kế toán, phân loại các khoản cho vay, khuynh hướng của các khoản nợ khó đòi và tỷ lệ nợ xấu. Những thước đo nói trên mang tính lịch sử, chúng chỉ cho chúng ta biết hiện ngân hàng đang ở đâu, không có nghĩa là nơi mà nó sẽ đi đến.

Chính nhờ quy mô tài sản khổng lồ của ngân hàng đã giúp kiểm soát rủi ro: (1) sự đa dạng trong danh mục đầu tư, (2) hệ thống thẩm định tín dụng thận trọng và quản lý tài khoản hiệu quả và (3) thủ tục thu hồi có hiệu quả.

Một cách đơn giản mà các ngân hàng dùng để kiểm soát rủi ro là phân phối số vốn mà họ vay dàn trải trên rất nhiều khách hàng, rất nhiều ngành hay nhiều khu vực địa lý. Để kiểm soát rủi ro, ngân hàng có thể hoặc tạo ra sự đa dạng trong các khoản cho vay hoặc mua và bán các danh mục cho vay. Bằng cách thành lập những danh mục đa dạng, ngân hàng giảm thiểu rủi ro mà họ phải gánh chịu. Một trong những thách thức lớn nhất đối với nhà đầu tư khi mua cổ phiếu ngân hàng là phải nhận biết vấn đề về chất lượng tín dụng. Do đó, nhà đầu tư nên chú ý kỹ tỷ lệ xóa nợ xấu và tỷ lệ nợ xấu, được coi như là một dấu hiệu cho thấy khoản nợ xấu phải xóa trong tương lai. Hãy nhìn vào khuynh hướng chứ không chỉ nhìn vào con số tuyệt đối.

Nguồn vốn vững mạnh

Nguồn vốn mạnh là vấn đề số một để xem xét trước khi đầu tư vào ngân hàng. Nhà đầu tư có thể nhìn vào một số chỉ tiêu như tỷ số vốn chủ sở hữu/tổng tài sản, chỉ số này càng cao càng tốt. Quy mô vốn lớn là lợi thế của ngành này. Xét về quy mô vốn thì các ngân hàng Việt Nam xếp vào số các ngân hàng nhỏ của thế giới. Hiện nay, Việt Nam có quá nhiều ngân hàng có quy mô vốn còn nhỏ chưa đạt được tiêu chí cơ bản về an toàn vốn (theo sbv.org.vn).

Lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) và trên tổng tài sản (ROA)

Những chỉ tiêu này trên thực tế là tiêu chuẩn để đo mức sinh lời của ngân hàng. Nhìn chung, nhà đầu tư nên tìm kiếm những ngân hàng liên tiếp tạo ra mức ROE cao. Nhà đầu tư cũng nên cẩn thận với những ngân hàng tạo ra mức lợi nhuận quá thấp cũng như quá cao so với mức trung bình ngành. Suy cho cùng, rất nhiều ngân hàng có thể đưa ra con số ROE từ 30% hoặc nhiều hơn bằng cách phân bổ mức dự phòng nợ khó đòi quá thấp. Hãy nhớ rằng, rất dễ dàng làm gia tăng thu nhập của một ngân hàng trong ngắn hạn bằng cách dự phòng nợ khó đòi thấp hơn mức cần thiết nhưng điều này có thể sẽ rất rủi ro trong dài hạn. Do đó, cũng tốt khi có mức ROA cao. ROA của các ngân hàng hàng đầu ở mức 1,2 đến 1,4%.

Tỷ số hiệu quả

Tỷ số hiệu quả đo lường mức chi phí phi lãi vay hay chi phí hoạt động như là phần trăm của doanh thu ròng. Tỷ số này cho chúng ta biết được rằng, ngân hàng được điều hành hiệu quả đến mức nào. Rất nhiều ngân hàng tốt có tỷ số này dưới mức 55% (càng thấp càng tốt). Hãy tìm kiếm những ngân hàng với tỷ số hiệu quả như là một bằng chứng cho thấy chi phí đang được kiểm soát tốt.

Tỷ lệ thu nhập lãi ròng

Tỷ số này bằng thu nhập về lãi ròng trên tổng tài sản sinh lợi trung bình. Tỷ số này đo lường mức sinh lợi từ hoạt động cho vay. Các bạn sẽ thấy, sự đa dạng của tỷ số này phụ thuộc vào loại hình cho vay mà một ngân hàng đang tiến hành, nhưng thông thường vào khoảng 3 đến 4%. Hãy để ý đến tỷ số này trong một khoảng thời gian để có được cảm giác về khuynh hướng - nếu tỷ số này đang gia tăng hãy kiểm tra xem điều gì đang xảy ra với lãi suất (giảm lãi suất thường làm gia tăng chỉ tiêu này). Thêm vào đó, kiểm tra danh mục cho vay để xem ngân hàng có mở rộng hoạt động cho vay sang những hình thức khác không. Ví dụ, các khoản cho vay thông qua thẻ tín dụng thường đem lại mức lãi suất cao hơn những khoản cho vay cầm cố thông thường, nhưng cho vay thông qua thẻ tín dụng cũng rủi ro hơn việc cho vay bảo đảm bằng một căn nhà.

Doanh thu vững mạnh

Lịch sử cho thấy, một ngân hàng thành công có thể cung cấp những dịch vụ mới đi kèm với những dịch vụ truyền thống giúp làm gia tăng thu nhập phi lãi suất cùng với thu nhập có được từ chênh lệch lãi suất. Một thực tế hiển nhiên, ngành ngân hàng Việt Nam có quá ít các dịch vụ tài chính, thu nhập chính của họ là từ hoạt động truyền thống. Hãy để mắt tới 3 chỉ tiêu chính: (1) tỷ lệ thu nhập lãi ròng, (2) tỷ lệ thu nhập phi lãi trên tổng doanh thu và (3) tốc độ tăng trưởng thu nhập phi lãi. Chỉ tiêu đầu tiên có mức thay đổi lớn tùy thuộc những yếu tố kinh tế, môi trường lãi suất và khu vực mà tổ chức tín dụng tập trung cho vay, tốt nhất là so sánh chỉ tiêu này của ngân hàng với những con số tương tự của các tổ chức tín dụng. Hãy tin chắc rằng, bạn so sánh những ngân hàng tương tự với nhau và rằng, bạn hiểu được chiến lược của ngân hàng. Như thường lệ hãy xem xét những con số trong một khoảng thời gian để có được cảm nhận về khuynh hướng.

Giá trị sổ sách

Bởi vì bảng cân đối kế toán của ngân hàng bao gồm các tài sản tài chính với nhiều mức độ thanh khoản khác nhau, giá trị sổ sách là một đại diện tốt cho giá trị cổ phiếu của ngân hàng. Giả sử tài sản và nợ của ngân hàng gần bằng giá trị được ghi sổ, giá trị của ngân hàng sẽ là giá trị sổ sách. Đối với bất kỳ phần bù nào cao hơn mức đó, có nghĩa là nhà đầu tư đang trả cho sự tăng trưởng trong tương lai và những thu nhập vượt mức.

Những chỉ tiêu trên nên dùng như là điểm khởi đầu cho việc tìm kiếm những cổ phiếu ngân hàng tốt. Nhìn chung, cách bảo vệ tốt nhất cho nhà đầu tư chọn cổ phiếu của ngành dịch vụ tài chính, trong đó có ngân hàng là tính kiên nhẫn và một giác quan hoài nghi tốt. Hãy lập danh mục các ngân hàng trông có vẻ hứa hẹn và tìm hiểu hoạt động kinh doanh của họ trong một thời gian. Hãy cảm nhận loại hình cho vay mà các ngân hàng này tiến hành, cách thức kiểm soát rủi ro, chất lượng quản trị và khối lượng vốn chủ sở hữu mà ngân hàng đang nắm giữ.


Phân tích cổ phiếu ngành vật liệu xây dựng

Chi phí cố định cao trở thành vấn đề sống còn đối với các công ty
Phân tích thế mạnh kinh tế của công ty là cần thiết trong các quyết định đầu tư của nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán. Việc phân tích này không thể tách rời những đặc điểm và thế mạnh của ngành mà công ty đó đang hoạt động.


Đặc điểm của ngành

Đặc trưng của ngành vật liệu xây dựng là một ngành kinh tế thâm dụng vốn, các tài sản của nó là những tài sản nặng vốn, và chi phí cố định của ngành khá cao.

Đặc tính nổi bật của ngành là nhạy cảm với chu kỳ kinh doanh của nền kinh tế vĩ mô. Khi nền kinh tế tăng trưởng, doanh số và lợi nhuận của các công ty trong ngành sẽ tăng cao. Sở dĩ như vậy vì ngành vật liệu xây dựng là đầu vào của các ngành khác. Chẳng hạn, sắt, thép, xi măng là đầu vào cho các công trình như cầu cống, nhà cửa, cao ốc... của ngành xây dựng. Khi ngành xây dựng làm ăn phát đạt thì ngành vật liệu xây dựng cũng có cơ hội để tăng trưởng.

Ngược lại, tình hình sẽ tồi tệ khi nền kinh tế suy thoái, các công trình xây dựng sẽ bị trì trệ vì người dân không còn bỏ nhiều tiền ra để xây dựng nhà cửa, chính phủ không mở rộng đầu tư vào các công trình cơ sở hạ tầng như cầu cống, sân bay, bến cảng, trường học, bệnh viện... Điều này làm cho doanh số, lợi nhuận của các công ty vật liệu xây dựng sụt giảm nhanh chóng.

Một lý do khác để giải thích cho sự nhạy cảm của ngành xây dựng đối với chu kỳ kinh doanh của nền kinh tế là do cách thức tăng lợi nhuận của các công ty trong ngành dựa chủ yếu vào tăng trưởng doanh số và các công ty thường sử dụng đòn bẩy hoạt động để tăng lợi nhuận, bởi có rất ít “độc quyền giá” và lợi nhuận biên tế ở mức thấp. Theo Morningstar thì lợi nhuận biên tế của ngành vật liệu xây dựng chỉ ở mức 5%, do đó để gia tăng lợi nhuận, các công ty thực hiện bằng cách đẩy mạnh doanh số bán.

Nhưng khi thực hiện điều này thì cũng có nghĩa rằng, các công ty vật liệu xây dựng sẽ phải sản xuất ở quy mô lớn và do đó, chi phí cố định sẽ bị đẩy lên cao. Lúc này, chi phí cố định cao trở thành vấn đề sống còn đối với các công ty. Chỉ công ty nào có chi phí cố định thấp hơn so với đối thủ ở cùng một quy mô sản xuất thì mới có thể gia tăng lợi nhuận và vượt qua khó khăn trong thời kỳ nền kinh tế suy thoái. Chi phí thấp sẽ là thế mạnh kinh tế của ngành, công ty nào có chi phí sản xuất thấp sẽ tạo được ưu thế cạnh tranh bền vững.

Đứng trên giác độ của người sử dụng khi mua vật liệu xây dựng, đa số họ có tâm lý quan tâm nhiều đến giá cả. Bởi lẽ, họ thường mua với khối lượng lớn, nhất là đối với các công trình xây dựng như bến cảng, nhà xưởng, cầu cống hay các cao ốc. Do vậy, một biến động nhỏ về giá cả có thể làm cho chi phí mua của khách hàng thay đổi đáng kể. Tất nhiên, cũng phải nói rằng, thương hiệu, chất lượng và mẫu mã cũng có ảnh hưởng đến quyết định mua của người tiêu thụ. Nhưng sự sai khác về chất lượng, mẫu mã của các sản phẩm trong ngành này là không nhiều. Chính vì thế, nhu cầu hay khách hàng trong ngành này rất nhạy cảm với các biến động giá cả.

Khi phân tích đặc điểm này, nhà đầu tư cần tiếp cận theo hai cách. Thứ nhất, công ty có đạt được vị thế nhà sản xuất có chi phí thấp nhờ gia tăng quy mô? Việc gia tăng quy mô sản xuất sẽ giúp công ty có được hiệu quả kinh tế theo quy mô, chi phí sản xuất trên mỗi đơn vị sản phẩm của họ sẽ thấp hơn so với đối thủ cạnh tranh. Thứ hai, xem xét công nghệ sản xuất. Công nghệ là yếu tố đóng vai trò then chốt để tạo nên thế mạnh kinh tế của công ty. Đầu tư vào công nghệ sẽ làm giảm giá thành sản phẩm, từ đó hạ giá bán, tăng tính cạnh tranh về giá. Mặc khác, đầu tư vào công nghệ giúp công ty tái chế các nguyên vật liệu dư thừa thành các sản phẩm có giá trị kinh tế.

Với vị thế của nhà sản xuất có chi phí thấp, một công ty có thể tính giá thành thấp hơn so với đối thủ cạnh tranh mà vẫn duy trì được lợi nhuận. Như vậy, công ty nào có được vị thế này sẽ có được lợi nhuận vững chắc trong dài hạn.

Một đặc tính khác của ngành vật liệu xây dựng là có mối tương quan rõ rệt với thị trường bất động sản. Khi thị trường bất động sản đóng băng thì ngành vật liệu xây dựng gặp khó khăn và ngược lại. Lý do đơn giản là thị trường bất động sản phản ánh nhu cầu cho ngành.

Tìm công ty tốt

Các chuyên gia tài chính cho rằng, tín hiệu để nhận ra một công ty thành công trong ngành vật liệu xây dựng chính là hiệu quả sử dụng tài sản của nó. Bởi nhìn chung thì có hai cách để có được lợi nhuận cao, đó là: có lợi nhuận biên tế cao hoặc có vòng quay tài sản cao. Do đó, các công ty có kết quả hoạt động tốt thường là những công ty tạo ra doanh số cao từ tài sản của chúng. Nhà đầu tư nên sử dụng các chỉ số tài chính sau để đánh giá hiệu quả sử dụng tài sản của công ty trong ngành này.

Thứ nhất, tỷ số vòng quay tổng tài sản (TATO). Đây là một trong những thước đo được sử dụng phổ biến nhất để đánh giá hiệu quả hoạt động. Theo các nhà nghiên cứu tài chính của Morningstar thì tỷ số TATO lớn hơn 1 được xem là hiệu quả.

Thứ hai, tỷ số vòng quay tài sản cố định (FATO). Tỷ số FATO thường được nói đến nhiều hơn vì ngành này phụ thuộc nhiều vào tài sản hữu hình, như nhà máy, thiết bị… để sản xuất hàng hóa và tạo ra doanh số. Theo các nhà nghiên cứu tài chính, tỷ số FATO xấp xỉ 2 là hiệu quả.

Bên cạnh tài sản cố định, công ty sản xuất vật liệu xây dựng cần quản lý vốn luân chuyển một cách có hiệu quả. Do công ty thường dự trữ hàng tồn kho ở một mức nhất định nên quan sát xu hướng biến động của giá trị hàng tồn kho hoặc theo dõi thời gian thu hồi các khoản phải thu có thể biết được nhiều điều về hoạt động của một công ty. Chẳng hạn, hàng tồn kho tăng nhanh cho thấy công ty đang sản xuất nhiều hơn so với mức nó có thể bán chỉ để duy trì hoạt động bình thường của nhà máy. Điều này có thể tạo ra các cú sốc cho công ty khi phải bán hàng bằng cách hạ giá đến mức thấp nhất. Tương tự, một công ty có thời gian thu hồi các khoản phải thu cao có thể chỉ ra rằng công ty đang đẩy hàng tồn kho về phía khách hàng để ngụy trang cho sự sụt giảm trong nhu cầu. Tức là thay vì tồn kho, công ty bán chịu cho khách hàng, chấp nhận thời gian thu nợ chậm hơn để níu kéo khách hàng.

Hầu hết các công ty trong ngành có đòn bẩy hoạt động cao, điều này có nghĩa là tất cả các chi phí của chúng là cố định, bất kể công ty đang sản xuất ở quy mô và doanh số nào. Nếu một công ty có thể gia tăng được doanh số bán cao hơn, thì lợi nhuận biên tế của công ty sẽ gia tăng. Và ngược lại, khi doanh số giảm thì lợi nhuận biên tế của nó cũng giảm đi rất nhanh.

Một tín hiệu thành công khác là chi trả cổ tức nhanh và đều đặn cho cổ đông. Ngành vật liệu xây dựng không bao giờ đi ra khỏi quy tắc này. Cổ tức không chỉ thể hiện một tín hiệu đáng tin cậy cho thấy sức khỏe tài chính của một công ty là tốt (tức là công ty hoàn toàn có khả năng làm ra nhiều lợi nhuận và chi trả nó cho các nhà đầu tư) mà còn thể hiện biến động tương ứng với chu kỳ của chứng khoán.

Dấu hiệu nguy hiểm

Đối với các công ty trong ngành vật liệu xây dựng Việt Nam, nhà đầu tư cần chú ý khi thấy công ty sử dụng quá nhiều nợ. Một tín hiệu hữu ích về mức nợ của công ty là tỷ số nợ trên tổng tài sản. Tỷ số này cao có nghĩa là công ty đang ở trong tình thế có nhiều rủi ro. Các nhà phân tích tài chính cho rằng, đối với ngành này, một công ty có tỷ số nợ trên tổng tài sản hơn 40% là có xuất hiện vài rủi ro, và nếu một công ty có tỷ số này trên 70% thì đó thực sự là một tín hiệu xấu.


Phân tích cổ phiếu ngành sản xuất hàng tiêu dùng


Lĩnh vực sản xuất hàng tiêu dùng bao gồm nhiều ngành công nghiệp như thực phẩm, đồ uống, đồ gia dụng và các sản phẩm cá nhân khác.


Cũng giống như những ngành lớn và lâu đời, lĩnh vực này tăng trưởng một cách chậm chạp: thị trường hàng tiêu dùng thông thường tăng trưởng không nhanh hơn tốc độ tăng trưởng GDP, thậm chí còn chậm hơn. Mặc dù tốc độ tăng trưởng chậm, cổ phiếu của những công ty sản xuất hàng tiêu dùng thường có khuynh hướng đem lại lợi nhuận vững chắc và khá ổn định, điều này làm chúng trở thành khoản mục đầu tư dài hạn trong danh mục của bạn.



Công ty kiếm lời từ hoạt động sản xuất

Những công ty sản xuất hàng tiêu dùng tạo ra lợi nhuận theo kiểu truyền thống: chúng sản xuất ra sản phẩm và bán cho người tiêu dùng thông qua hệ thống siêu thị, những khách hàng bán sỉ và các cửa hàng bán lẻ. Còn các công ty sản xuất đồ uống thì bán sản phẩm của họ thông qua hệ thống phân phối. Hoạt động trong ngành nhanh chóng đạt đến trạng thái bão hòa, chúng thường hay thôn tính và hợp nhất lại với nhau. Các công ty trong lĩnh vực này chi phí khá tốn kém cho phát triển sản phẩm mới. Kinh nghiệm của các công ty hàng đầu trong ngành này cho thấy, con đường đến với sự thành công thường gặp nhiều thất bại. Nếu một sản phẩm mới không cho thấy một dấu hiệu khả quan nào trong khoảng thời gian thử nghiệm thì những nhà quản lý cửa hàng không sẵn lòng trưng bày sản phẩm này lên kệ hàng của họ. Do đó, tốc độ tăng doanh số của nó chỉ ở mức khiêm tốn, cao lắm cũng chỉ đạt mức tăng trưởng của nền kinh tế. Nếu một công ty có tốc độ tăng trưởng này cao thì bạn phải cẩn thận với những bút toán hạch toán của họ. Trên thị trường Việt Nam, nhà đầu tư chứng kiến khá nhiều công ty con trong các “tập đoàn” của họ được hình thành, do đó việc tăng doanh số quá mức không ngoài lý do có sự đóng góp từ doanh thu “nội bộ” của các công ty con này.



Giảm chi phí hoạt động

Do tăng trưởng doanh thu của các công ty trong ngành thấp nên tăng trưởng lợi nhuận phải dựa trên một cơ cấu tổ chức hoạt động sản xuất, kinh doanh hợp lý. Các công ty trong ngành luôn tìm cách giữ cho mức hàng hóa tồn kho thấp và giá rẻ, những nhà sản xuất hàng tiêu dùng phải có cơ cấu sản xuất tinh gọn và linh động. Một phương pháp hiệu quả và đã được thử nghiệm để trở thành một nhà sản xuất tinh gọn là phải tái cấu trúc trên diện rộng, vốn rất tốn kém trong ngắn hạn nhưng lại được đền bù bằng hiệu quả trong dài hạn.Tập trung quá nhiều vào cắt giảm chi phí mà quên đi việc gia tăng các sản phẩm mới cũng cho thấy tác hại của chiến lược này.Cắt giảm chi phí là quan trọng, nhưng nó có thể gây hại cho kết quả kinh doanh trên dài hạn của công ty nếu là quá mức.



Những vấn đề của các sản phẩm tiêu dùng

Những công ty đã tồn tại từ lâu, có tốc độ phát triển ổn định sẽ không phải là một lựa chọn tốt cho đầu tư. Các nhà đầu tư nên xem xét cẩn thận một số rủi ro tiềm ẩn mà công ty phải đối mặt.



Sức mạnh gia tăng của các nhà bán lẻ

Sức mạnh gia tăng của nhà bán lẻ đã chèn ép các công ty sản xuất hàng tiêu dùng về việc kiểm soát giá. Mọi người đều muốn sản phẩm của mình có mặt trong các cửa hàng cho nên họ bị chèn ép giá cả. Các công ty này phải cải thiện cơ cấu chi phí để cạnh tranh với các nhà bán lẻ nhưng không có khả năng chuyển sự tăng giá lên vai của người tiêu dùng.



Giá chứng khoán đắt đỏ

Thương hiệu mạnh và những kết quả tài chính đáng tin cậy có nghĩa là cổ phiếu của các công ty sản xuất hàng tiêu dùng thường được bán ở mức giá cao. Trong trường hợp thị trường tăng trưởng mạnh, chứng khoán của các công ty này thường được bán ở mức giá ẩn chứa mức tăng trưởng không thực.

Hãy nhớ rằng, tốc độ tăng trưởng luôn là thách thức đối với những công ty đã bão hòa và hãy tiếp cận các cổ phiếu này bằng những nguyên tắc tương tự như việc tiếp cận các loại cổ phiếu khác.



Những lợi thế kinh tế của ngành

Bất chấp rủi ro, một trong những điểm đặc trưng của lĩnh vực đầy cạnh tranh này là việc các công ty thường có lợi thế kinh tế giúp duy trì sức mạnh.



Lợi thế kinh tế về quy mô

Nhờ lợi thế về quy mô mà các công ty trong lĩnh vực này có thể mở rộng những nhà máy sản xuất trên thị trường, bằng những kỹ thuật và công nghệ mới với giá rẻ. Ở đây lưu ý là, mở rộng các nhà máy chứ không phải thành lập mới các công ty để khai thác thị trường đó.

Ở Việt Nam, các công ty thường hay hình thành nhiều công ty có tên gọi tương tự nhau, một mặt khai thác thị trường nhưng không loại trừ việc huy động vốn và qua mắt nhà đầu tư.


Những thương hiệu lớn và mạnh

Những công ty sản xuất hàng tiêu dùng thường đầu tư nhiều thời gian và tiền bạc để xây dựng mối quan hệ vững chắc với người tiêu dùng cuối cùng dưới dạng các thương hiệu. Thương hiệu mang rất nhiều ý nghĩa, bao gồm một cụm từ diễn giải một nhu cầu, một sự cam kết về chất lượng, một khát khao nào đó hay sự khẳng định về một hình tượng nào đó. Những thương hiệu mạnh nuôi dưỡng mối liên kết với người tiêu dùng để có thể tồn tại qua thời gian.



Kênh phân phối và những mối quan hệ

Hệ thống mạng lưới mà nhà sản xuất sử dụng để phân phối hàng hóa của họ đến được trên kệ của các cửa hàng có thể là một lợi thế mà rất khó cho đối thủ trong việc sao chép lợi thế này.



Những dấu hiệu dự báo sự thành công của các công ty sản xuất hàng tiêu dùng

Khi bạn tìm kiếm một cơ hội đầu tư tiềm năng trong lĩnh vực này hãy tìm kiếm những công ty có những đặc điểm sau đây:



Thị phần

Những công ty với thương hiệu mạnh hiện đang thống trị thị trường thông thường sẽ tiếp tục ở vị trí thống lĩnh đó, do sự thay đổi về thị phần giữa các công ty thường khá nhỏ từ năm này sang năm khác. Không phải lúc nào cũng dễ dàng tìm kiếm thông tin về thị phần, nhưng thỉnh thoảng có thể tìm thấy chúng trong các bảng báo cáo thường niên của công ty hoặc trên các tờ tạp chí chuyên ngành.



Dòng tiền tự do

Trong lĩnh vực đã bão hòa này, những tên tuổi lớn tạo ra nhiều dòng tiền tự do - dòng tiền từ hoạt động sản xuất, kinh doanh trừ đi các chi tiêu vốn. Không giống như các công ty còn non trẻ phải đầu tư phần lớn dòng tiền ngược trở lại vào hoạt động kinh doanh để tăng quy mô và đáp ứng nhu cầu đang gia tăng. Thêm vào đó, các công ty này có được những lợi thế kinh tế như trên nên bạn có thể kỳ vọng công ty sẽ duy trì mức ROE trên chi phí sử dụng vốn trong tương lai.

Với việc có rất nhiều tiền thừa thãi, những công ty này thường phân phối lại một phần số tiền này cho cổ đông dưới dạng cổ tức hoặc mua lại để làm cổ phiếu quỹ. Kiểm tra xem bao nhiêu phần trăm trong số dòng tiền tự do đó được chuyển trả cho cổ đông là một cách thức đánh giá tốt để biết được rằng, Ban giám đốc công ty luôn có hành động hướng về mục tiêu lợi ích của cổ đông hay không. Các bạn có thể tìm kiếm thông tin này trong bảng báo cáo lưu chuyển tiền tệ để biết được rằng, công ty đã chi trả bao nhiêu cổ tức cho cổ đông.



Niềm tin vào công tác xây dựng thương hiệu

Sức mạnh, niềm tin của ban quản lý vào việc xây dựng thương hiệu cung cấp nền tảng vững chắc cho việc xây dựng thương hiệu mạnh. Một công ty thường xuyên đầu tư vào thương hiệu thông qua quảng cáo và những hình thức truyền thông phi bán hàng khác sẽ gây dựng được giá trị cảm nhận của thương hiệu. Tuy nhiên, hãy coi chừng những công ty đi tắt bằng cách liên tục bán giảm giá sản phẩm. Mặc dù điều này trong thời gian đầu sẽ làm tăng doanh số bán ra và giành được thị phần cao hơn, nhưng sẽ làm suy giảm lợi nhuận và sau cùng, liên tục bán hàng giảm giá sẽ xói mòn giá trị thương hiệu.



Đổi mới

Xem xét khía cạnh trong đó những công ty tốt dựa vào một chuỗi vững chắc những sản phẩm mới để có thể cạnh tranh, mức độ đổi mới của công ty là mang tính sống còn.

Hãy để ý đến những công ty liên tục cho ra đời những sản phẩm mới thành công trên thị trường và những công ty nào luôn đi trước trong việc đưa ra sản phẩm mới. Cũng cần phân biệt việc đưa ra sản phẩm mới bằng cách cải thiện sản phẩm cũ sẽ không làm thay đổi gì.