Thị trường kim loại tiếp tục có một tuần giao dịch tích cực, dù đà tăng không tiếp diễn ở tất cả các mặt hàng. Kết thúc tuần giao dịch 5 – 11/12, giá vàng hầu như không thay đổi với mức giảm 0.09% về 1706.15 USD/ounce. Trái lại, giá bạch kim tăng 0.94% lên 1036.2 USD/ounce, bạc tiếp tục là mặt hàng tăng mạnh nhất nhóm kim loại quý với mức đóng của tuần đạt 23.72 USD/ounce, cao hơn 2.01%.

Đồng USD hồi phục nhẹ trong tuần vừa qua và chỉ gây sức ép nhiều nhất đối với vàng, bởi đây là kim loại có vai trò trú ẩn an toàn cạnh tranh trực tiếp với đồng USD. Trong khi đó, giá bạc và bạch kim được hưởng lợi khá nhiều khi dòng vốn rời khỏi thị trường chứng khoán và tìm đến các loại tài sản trú ẩn an toàn. Bên cạnh đó, lợi suất Trái phiếu Chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm tăng 10 điểm cơ bản trong tuần vừa qua, phản ánh việc nhà đầu tư bán trái phiếu và có thể đã phân bổ tài sản sang thị trường bạc hoặc bạch kim.

Trong tuần này, sự kiện quan trọng nhất đang được các nhà đầu tư theo dõi sát sao là cuộc họp tháng 12 của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed). Mức tăng lãi suất sẽ được công bố vào đêm ngày 15/12 theo giờ Việt Nam, và xác suất cho kịch bản tăng 50 điểm cơ bản là 78.2%, hoàn toàn áp đảo so với mức 21.8% của kịch bản tăng 75 điểm cơ bản.

Đối với nhóm kim loại cơ bản, giá đồng tăng nhẹ 0.73% lên 3.88 USD/pound, giá sắt tiếp tục tăng mạnh 5.29% lên 111.52 USD/tấn. Đà tăng của giá sắt mạnh mẽ hơn nhiều so với giá đồng bởi nếu Trung Quốc mở cửa trở lại và thực hiện các biện pháp kích thích kinh tế thì nhu cầu tiêu thụ sắt sẽ tăng trưởng nhanh hơn so với đồng.

Giá đồng vẫn được kỳ vọng sẽ tiếp tục tăng trưởng và hiện giá đang trong trạng thái tích lũy, nhưng đà tăng sẽ khó mạnh mẽ như giá sắt. Điều này cũng đồng nghĩa với việc thị trường đồng sẽ ít biến động và ít rủi ro hơn so với thị trường quặng sắt.

Trong tuần trước, Liên minh châu Âu (EU) và Chile đã ký một thỏa thuận hợp tác mới, giúp khối này tiếp cận dễ dàng hơn với các kim loại quan trọng đối với ngành năng lượng tái tạo như lithium, đồng và các nguyên liệu thô. EU coi quốc gia Nam Mỹ này là một đối tác chiến lược quan trọng để đa dạng hóa các nguồn tài nguyên nhập khẩu ngoài Trung Quốc và giảm sự phụ thuộc vào khí đốt của Nga.