Kết thúc phiên giao dịch 26/10, sắc đỏ bao trùm trên bảng giá các mặt hàng nhóm nguyên liệu công nghiệp. Đáng chú ý khi 2 mặt hàng cà phê tiếp tục giảm sâu trước những áp lực về nguồn cung nới lỏng trên toàn cầu.

Với phiên giảm thứ 11 liên tiếp, giá cà phê Arabica phiên hôm qua đã chính thức cán mốc thấp nhất trong 14 tháng trở lại đây. Mưa lớn tại Brazil tiếp tục ủng hộ cho triển vọng nguồn cung cà phê tích cực trong năm tiếp theo của nước này từ đó gây áp lực lên giá. Bên cạnh đấy, các quốc gia cung ứng lớn khác như Colombia và Trung Mỹ cũng được thời tiết ưu ái và dự kiến sẽ tăng sản lượng trong niên vụ hiện tại. Cùng với đó, đồng Real tiếp tục suy yếu càng thúc đẩy lực bán từ phía nông dân Brazil và đẩy giá cả 2 mặt hàng cà phê đồng loạt giảm hơn 3% trong phiên hôm qua.
Xem thêm: hợp đồng tương lai

Hai mặt hàng đường cũng có phiên giảm khá mạnh với 1.38% của đường 11 và gần 1% của đường trắng. Như vậy, đường 11 cũng có phiên giảm thứ 8 liên tiếp, đẩy giá chạm mức thấp nhất trong hơn 2 tuần gần đây. Nguyên nhân giá giải cho lực giảm của mặt hàng này đến từ triển vọng nguồn cung tích cực cho niên vụ tiếp theo khi các hãng tư vấn như Datagro và COFCO đều đưa ra dự báo tăng sản lượng niên vụ 23/24. Đồng thời Tập đoàn mía đường Brazil (UNICA) cũng đưa ra số liệu cho thấy sản lượng đường nửa đầu tháng 10 của quốc gia này tăng 59% so với cùng kỳ năm ngoái, đã góp phần gây sức ép và đẩy giá giảm mạnh trong phiên hôm qua.

Lo ngại suy thoái kinh tế vẫn là nỗi lo lớn đối với nhu cầu tiêu thụ hàng hóa trên toàn cầu, trong đó bao gồm cả bông. Trong một cuộc khảo sát mới đây của Reuters, các chuyên gia kinh tế lại lần nữa hạ dự báo tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh các Ngân hàng Trung ương vẫn theo đuổi chính sách tiền tệ thắt chặt với việc tăng lãi suất để kiềm chế lạm phát. Kinh tế tăng trưởng chậm lại làm gia tăng mối lo suy thoái và nhu cầu tiêu thu các sản phẩm may măc liên quan đến bông sụt giảm, kéo theo nhu cầu đối với bông giảm theo, từ đó gây áp lực lên giá, khiến mặt hàng này giảm gần 1% trong phiên hôm qua.
Xem thêm: hợp đồng quyền chọn

Dầu cọ thô đóng cửa với mức giảm không đáng kể chỉ 0.15%. Dù tăng hơn 2.5% trong phiên sáng, tuy nhiên, áp lực chốt lời và lo ngại xuất khẩu chậm chạp đã hạn chế đà tăng của giá. Cụ thể, công ty khảo sát hàng hóa Societe Generale de Surveillance (SGS) ước tính xuất khẩu các sản phẩm dầu cọ trong 25 ngày đầu tháng 10 của Malaysia đạt 1,146,113 tấn, giảm 0.6% so với mức 1,152,612 tấn cùng kỳ tháng trước.