Kết thúc tuần giao dịch 03/10 – 09/10, sắc xanh áp đảo trên bảng giá các mặt hàng nhóm nguyên liệu công nghiệp. Sự chú ý được đặt lên dầu cọ thô với mức tăng mạnh hơn 12%, giúp giá thoát khỏi mức giá thấp nhất trong hơn 15 tháng gần đây.

Với mức tăng 421 MYR, dầu cọ thô trở thành mặt hàng dẫn đầu xu thế tăng của nhóm trong tuần vừa rồi. 5/5 phiên giao dịch đều ghi nhận đà tăng, đặc biệt trong phiên hôm thứ 3, nhờ số liệu tích cực từ nhập khẩu dầu cọ thô trong tháng 09 của Ấn Độ đã giúp mặt hàng này bật tăng gần 6%. Thêm và đó giá dầu thô tăng mạnh cũng là nguyên nhân thúc đẩy nhu cầu về dầu cọ trong việc sản xuất diesel sinh học cũng góp phần khiến lực mua trên thị trường trở nên áp đảo, từ đó hỗ trợ giá.

Theo sau đà tăng của dầu cọ, 2 mặt hàng đường cũng ghi nhận mức tăng ấn tương lần lượt gần 6% với đường 11 và 4.56% với đường trắng. Nhờ sự khởi sắc này, đường 11 đã nối dài được chuỗi 4 tuần tăng liên tiếp giúp giá chạm mức cao nhất trong gần 3 tháng trở lại đây. Giá dầu thô bật tăng mạnh với hơn 16% trong tuần qua là nhân tố quan trọng thúc đẩy các nhà máy ép mía tại Brazil ưu tiên lượng mía ép cho sản xuất ethanol, từ đó khiến nguồn cung đường có thể trở nên thu hẹp và hỗ trợ giá. Bên cạnh đấy, Đức cũng như Liên minh Châu Âu đã hạ dự đoán sản lượng đường niên vụ 22/23 thấp hơn so với dự đoán trước đó cũng là nhân tố hỗ trợ giá, đặc biệt là đối với đường trắng khi 2 thi trường này đều tập trung phát triển đường tinh luyện.

Bất chấp các thông tin tiêu cực về nguồn cung tại các nước cung ứng cà phê hàng đầu thế giới cùng với việc đồng Real tăng trong tuần qua, giá cà phê Arabica vẫn ghi nhận mức giảm 1.56%. Cụ thể, vào đầu tuần, số liệu về xuất khẩu cà phê trong tháng 09 tại Colombia ghi nhận mức giảm 25% so với tháng trước đó, Honduras với mức giảm 20% so với cùng kỳ năm ngoái và cũng cùng mốc thời gian như vậy Bờ Biển Ngà chứng kiến mức giảm hơn 60%. Sau đó, Brazil – quốc gia xuất khẩu cà phê lớn nhất thế giới cũng đươc IBGE ước tính cắt giảm sản lượng trong năm hiện tại thấp hơn 3.7% so với báo cáo trước đó.

Là một trong hai mặt hàng ghi nhận sự suy yếu trong tuần qua, bông tiếp nối cà phê Arabica với mức giảm 1.30%. Nguyên nhân lý giải cho điều này đến từ việc tiến độ thu hoạch bông tại Mỹ đang diễn ra tích cực với sự ủng hộ của thời tiết khô ráo. Theo báo cáo chất lượng mùa vụ trong tuần qua, tiến độ thu hoạch đạt 22%, đang cao hơn cả cùng kỳ năm ngoái cũng như mức trung bình 05 năm, dự kiến sẽ cung cấp lượng bông ổn định cho thị trường trong thời gian tới. Bên cạnh đấy, Cơ quan Cung ứng Mùa vụ của chính phủ Brazil trong tuần rồi cũng đưa ra dự đoán đầu tiên về sản lượng bông trong niên vụ 22/23, có thể thấy sản lượng được kỳ vọng sẽ có sự nới lỏng với mức tăng 14.6% so với niên vụ trước, cũng tao niềm tin cho thị trường từ đó gây sức ép lên giá.