Kết thúc phiên giao dịch 06/10, bảng giá nhóm nguyên liệu công nghiệp chứng kiến sự phân hóa giữa 2 sắc xanh và đỏ. Cà phê bất ngờ quay đầu giảm mạnh dù nguồn cung được dự báo sẽ thu hẹp. Trong khi nguồn cung được dự đoán giảm lại giúp giá đường bật tăng trong phiên hôm qua.

Bất chấp việc nguồn cung cà phê trong niên vụ hiện tại của các nước cung ứng hàng đầu đều bị cắt giảm dự đoán, cà phê vẫn là mặt hàng có mức giảm mạnh nhất nhóm với mức giảm lần lượt hơn 3% đối với Arabica và 1.52% với Robusta. Cụ thể, sản lượng Arabica trong năm 2022 của Brazil được Viện Địa Lý và Thống kê Brazil (IBGE) ước tính đạt 33.8 triệu bao loại 60kg, giảm 3.7% so với báo cáo trước, Robusta giảm 0.7% và tại Colombia, sản lượng được dự báo sẽ chạm mức thấp nhất kể từ 2014 do ảnh hưởng tiêu cực từ thời tiết.

Bông ghi nhận phiên giảm thứ hai liên tiếp với lực tăng được điều chỉnh nhẹ hơn chỉ 0.40%. Nguyên nhân cho sự suy yếu đến từ việc Dollar Index có phiên tăng thứ hai sau khi giảm mạnh trước đó, khiến bông Mỹ trở nên đắt hơn đối với khách hàng nắm giữ các loại tiền tệ khác, từ đó hạn chế lực mua trên thị trường đồng thời gây sức ép lên giá. Bên cạnh đó, Cơ quan Cung ứng Mùa vụ của chính phủ Brazil (CONAB) cũng đưa ra dự đoán sản lượng niên vụ 22/23 sẽ tăng 14.6% so với niên vụ trước trong báo cáo mới nhất vào tối qua.

Ở chiều ngược lại, giá 2 mặt hàng đường bật tăng mạnh khi nguồn cung trong niên vụ tới được dự đoán sẽ suy yếu. Cụ thể, Đức tiếp tục hạ dự báo sản lượng đường niên vụ 22/23 xuống mức 4.05 triệu tấn, thấp hơn so với mức 4.07 triệu tấn dự đoán trước đó và 4.57 triệu tấn của năm ngoái. Đặc biệt, trước đó 1 ngày Uỷ ban Châu Âu cũng đưa ra dự báo cắt giảm sản lượng còn 15.5 triệu bao giảm 6.9% s với niên vụ trước, càng khiến thị trường lo lắng nguồn cung niên vụ tới, từ đó thúc đẩy lực mua trên thị trường giúp giá đường trắng tăng hơn 3% và đường thô tăng gần 3%.

Dầu cọ ghi nhận phiên tăng thứ 6 liên tiếp với mức tăng gần 2%. Các chuyên gia đang dự báo thời tiết có thể sẽ trở nên ẩm ướt hơn vào cuối năm nay và đầu năm sau do ảnh hưởng từ hiện ứng thời tiết La Nina, điều này có thể ảnh hưởng tiêu cực đến quá trình phát triển của cây cọ và làm giảm sản lượng tiềm năng của mặt hàng này. Chính lo ngại này này là nguyên nhân giúp giá dầu cọ duy trì đà tăng trong phiên hôm qua.