Nhà đầu tư cá nhân trong nước chấm dứt chuỗi 4 tuần mua ròng liên tiếp trên HoSE bằng việc bán ròng trở lại 2.465 tỷ đồng, trong đó có 2.627 tỷ đồng đến từ giao dịch khớp lệnh.


Thị trường điều chỉnh trong tuần thứ hai liên tiếp với mức giảm khá mạnh. Đóng cửa phiên giao dịch cuối tuần, VN-Index đứng ở mức 1.217,3 điểm, tương ứng giảm 66,78 điểm (-5,2%) so với tuần trước, bên cạnh đó, HNX-Index cũng giảm 26,38 điểm (-8,61%) xuống 280,06 điểm, UPCoM-Index giảm 6,62 điểm (-7,06%) xuống 87,1 điểm.

Thanh khoản thị trường ở mức tương đương với tuần trước đó. Tổng giá trị giao dịch bình quân đạt 19.497 tỷ đồng/phiên, giảm 3,5% so với tuần trước, trong đó, tổng giá trị khớp lệnh bình quân đạt 17.877 tỷ đồng/phiên.

Nhà đầu tư cá nhân trong nước giao dịch theo chiều hướng tiêu cực và gây ra khá nhiều áp lực đến thị trường chung, trong khi đó, lực đỡ của thị trường đến từ nhà đầu tư tổ chức trong nước và khối ngoại.

Cá nhân trong nước chấm dứt chuỗi 4 tuần mua ròng liên tiếp, bán ròng trở lại 2.600 tỷ đồng - Ảnh 1.
Giá trị mua, bán ròng phân loại theo nhà đầu tư. Đơn vị: Tỷ đồng

.

Theo thống kê của Fiinpro, nhà đầu tư cá nhân trong nước chấm dứt chuỗi 4 tuần mua ròng liên tiếp trên HoSE bằng việc bán ròng trở lại 2.465 tỷ đồng, trong đó có 2.627 tỷ đồng đến từ giao dịch khớp lệnh.

Cá nhân trong nước chấm dứt chuỗi 4 tuần mua ròng liên tiếp, bán ròng trở lại 2.600 tỷ đồng - Ảnh 2.
10 cổ phiếu có giá trị mua, bán ròng của cá nhân trong nước lớn nhất. Đơn vị: Tỷ đồng.


Các cá nhân trong nước bán ròng mạnh nhất mã HPG với 485 tỷ đồng. Tiếp sau đó, GAS bị bán ròng 426 tỷ đồng. Hai cổ phiếu ngành phân bón là DPM và DCM bị bán ròng lần lượt 333 tỷ đồng và 234 tỷ đồng. Chiều ngược lại, DGC đứng đầu danh sách mua ròng với giá trị 264 tỷ đồng. SHB và MWG đứng sau với giá trị mua ròng lần lượt 179 tỷ đồng và 147 tỷ đồng.

Trái ngược hoàn toàn với nhà đầu tư cá nhân trong nước, tổ chức trong nước mua ròng trở lại hơn 1.500 tỷ đồng sau 4 tuần bán ròng liên tiếp trước đó. Nếu chỉ tính theo phương thức khớp lệnh, dòng vốn này mua ròng hơn 1.700 tỷ đồng.

Cá nhân trong nước chấm dứt chuỗi 4 tuần mua ròng liên tiếp, bán ròng trở lại 2.600 tỷ đồng - Ảnh 3.
10 cổ phiếu có giá trị mua, bán ròng của tổ chức trong nước lớn nhất. Đơn vị: Tỷ đồng.



GAS được các tổ chức trong nước mua ròng mạnh nhất với 228 tỷ đồng. DPM đứng sau với giá trị mua ròng là 173 tỷ đồng. Chứng chỉ quỹ ETF FUEVFVND cũng được mua ròng 173 tỷ đồng. Ở chiều ngược lại, SHB bị bán ròng mạnh nhất với 256 tỷ đồng, bỏ xa mã đứng sau là MWG với 76,4 tỷ đồng.

Cũng có diễn biến tích cực, khối ngoại có tuần mua ròng thứ 3 liên tiếp với giá trị tăng 27% so với tuần trước và đạt 964 tỷ đồng, tương ứng khối lượng mua ròng là 29,8 triệu cổ phiếu. Nếu chỉ xét về khớp lệnh, dòng vốn này mua ròng 927 tỷ đồng.

Cá nhân trong nước chấm dứt chuỗi 4 tuần mua ròng liên tiếp, bán ròng trở lại 2.600 tỷ đồng - Ảnh 4.
10 cổ phiếu có giá trị mua, bán ròng của khối ngoại lớn nhất. Đơn vị: Tỷ đồng.


HPG được khối ngoại sàn HoSE mua ròng rất mạnh với 448 tỷ đồng. Tiếp sau đó, GASDPM được mua ròng lần lượt 198 tỷ đồng và 160 tỷ đồng. Các mã gồm VHM, GMD, VGC và DCM đều có giá trị mua ròng của khối ngoại trên 100 tỷ đồng. Chiều ngược lại, chứng chỉ quỹ ETF FUEVFVND bị bán ròng mạnh nhất với 274 tỷ đồng. DGC và VIC đứng sau với giá trị bán ròng lần lượt 269 tỷ đồng và 247 tỷ đồng.