Trong khi đó, Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) báo cáo nguồn cung dầu thô tại Mỹ tăng 6 tuần liên tiếp, góp phần gây sức ép lên giá dầu.


Kết thúc phiên giao dịch ngày thứ Tư, hợp đồng dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 4 trên sàn Nymex lùi 40 xu (tương đương gần 0.9%) xuống 46.78 USD/thùng, sau khi dao động tại mức cao 48.41 USD/thùng.

Hợp đồng dầu Brent giao tháng 5 trên sàn Luân Đôn mất 73 xu (tương đương 1.4%) còn 51.13 USD/thùng.

Vào ngày thứ Tư, EIA cho biết nguồn cung dầu thô nội địa cộng 785,000 thùng trong tuần kết thúc ngày 28/02/2020, thấp hơn dự báo vọt 3.5 triệu thùng của Viện Xăng dầu Mỹ (API) và dự báo tăng 1.7 triệu thùng từ các nhà phân tích tham gia cuộc thăm dò của Platts. Cơ quan này đã báo cáo đà tăng trong 5 tuần trước đó của dự trữ dầu thô tại Mỹ.

Bên cạnh đó, EIA cũng cho biết dự trữ xăng sụt 4.3 triệu thùng và dự trữ các sản phẩm chưng cất mất 4 triệu thùng trong tuần trước. Cả 2 đều cao hơn dự báo giảm 2.8 triệu thùng xăng và 2.4 triệu thùng sản phẩm chưng cất từ cuộc thăm dò của Platts.

“EIA cũng báo cáo sản lượng dầu thô tại Mỹ vọt lên mức cao kỷ lục mới 13.1 triệu thùng/ngày và xuất khẩu từ Mỹ cũng tăng lên mức cao kỷ lục thứ 2, cho thấy Mỹ đang tiếp tục chiếm thị phần từ các nhà sản xuất OPEC+”, Tyler Richey, Đồng biên tập tại Sevens Report Research, nhận định.

Cũng trong ngày thứ Tư, Ủy ban Giám sát Bộ trưởng chung (JMMC), cơ quan theo dõi việc tuân thủ thỏa thuận, đã tổ chức cuộc họp trước cuộc họp của các thành viên trong và ngoài Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC), một nhóm được gọi là OPEC+, vào ngày thứ Sáu (06/03).

Tại cuộc họp kỹ thuật hồi tháng trước, OPEC+ đã khuyến nghị gia hạn thỏa thuận cắt giảm hiện tại 1.7 triệu thùng/ngày , vốn kết thúc vào cuối tháng 03/2020, đến cuối năm, và đề nghị điều chỉnh sản lượng cắt giảm thêm cho đến cuối quý 2/2020.

Tuy nhiên, vào ngày thứ Tư, nhà lãnh đạo thực tế của OPEC, Ả-rập Xê-út, và thành viên ngoài OPEC là Nga được cho là xảy ra bất hòa, với việc Ả-rập Xê-út đang thúc đẩy cắt giảm sản lượng thêm lên tới 1.5 triệu thùng/ngày, trong khi Nga ủng hộ duy trì mức sản lượng cắt giảm hiện tại đến cuối quý 2/2020, Bloomberg News đưa tin.

Giá dầu cũng nhận được hỗ trợ nhờ thông tin rằng các nhà máy ở Trung Quốc đang khởi động lại và giao thông xuất hiện trên các đường phố. “Khi Trung Quốc quay trở lại, các nhà sản xuất dầu thở phào nhẹ nhõm rằng tác động của dịch COVID-19 chỉ còn trong thời gian ngắn”, Manish Raj, Giám đốc Tài chính tại Velandera Energy, chia sẻ.

Dẫu vậy, sự bùng phát dịch bệnh đã làm suy sụp nền kinh tế Trung Quốc, một trong những nước nhập khẩu dầu thô lớn nhất thế giới, và sự lây lan COVID-19 cũng đe dọa sẽ dẫn đến ảnh hưởng rõ rệt đối với nhu cầu toàn cầu bởi các nhà kinh tế lo ngại rằng dịch bệnh có thể dẫn đến suy thoái kinh tế nếu không được kiểm soát.

Cũng trong phiên giao dịch ngày thứ Tư, hợp đồng xăng giao tháng 4 tiến 1.6% lên 1.5555 USD/gallon. Trong khi đó, hợp đồng dầu sưởi giao tháng 4 gần như đi ngang tại mức 1.5332 USD/gallon.

Hợp đồng khí thiên nhiên giao tháng 4 cộng 1.5% lên 1.827 USD/MMBtu.