Điểm mặt doanh nghiệp thoát lỗ cả năm nhờ quý 4

Khi kết quả kinh doanh quý 4/2014 được hé lộ, nhiều doanh nghiệp đã khiến nhà đầu tư không khỏi bất ngờ với khoản lợi nhuận lớn phát sinh trong quý. Kết quả này không chỉ đột biến so với quá khứ mà còn giúp doanh nghiệp thoát lỗ cả năm một cách ngoạn mục.

Theo thống kê của Vietstock, tính đến thời điểm 03/02, đã có 24 doanh nghiệp niêm yết thoát lỗ trong năm 2014 nhờ khoản lợi nhuận đột biến của quý 4.
LNST của cổ đông công ty mẹ các DN niêm yết thoát lỗ 2014
Đvt: Triệu đồng

Nguồn: VietstockFinance

Tiêu biểu là CTCP Thủy điện Miền Trung (HNX: CHP), một trong những doanh nghiệp tạo được bước ngoặt lớn trong quý 4/2014 khi lãi ròng thực hiện được gần 216 tỷ đồng. Con số này không chỉ bù đắp được khoản lỗ ròng 2.7 tỷ đồng 9 tháng đầu năm mà còn kéo cả năm vượt 85% kế hoạch. Để thực hiện được điều này, đóng góp không nhỏ là khoản doanh thu lên đến 346 tỷ đồng, cao hơn gấp 3 lần trung bình 3 quý đầu năm 2014. Được biết, doanh thu trong kỳ của CHP tăng đột biến là do sản lượng phát điện tăng và công ty điều chỉnh giá điện từ 804.3 đ/Kwh lên 926.33 đ/Kwh, tăng 122 đ/Kwh.
Cùng với lý do như CHP, CTCP Long Hậu (HOSE: LHG) cũng nhờ doanh thu tăng đột biến giúp lãi ròng quý 4 đạt 32 tỷ đồng, không những bù đắp được lỗ ròng 9 tháng đầu năm là 7 tỷ đồng mà còn giúp LHG đạt 25 tỷ đồng lãi ròng cả năm, vượt 15% kế hoạch.
Đối với CTCP Đầu tư Xây dựng Bạch Đằng (HNX: BHT), khoản đột biến trong quý 4 không đến từ doanh thu thuần mà đến từ lãi khác 10 tỷ đồng, đã giúp lãi ròng đạt 11.5 tỷ đồng, gấp 35 lần so với cùng kỳ 2013. Với kết quả này, BHT lật ngược thế cờ thua lỗ 9 tháng sang lãi cả năm gần 10 tỷ đồng, suýt soát với kế hoạch khi đạt 94%. Tuy nhiên, công ty không công bố thuyết minh hay giải trình chi tiết về khỏan lãi mang tên “khác” này. Thoát lỗ ngoạn mục nhất năm 2014 có lẽ phải kể đến CTCP than Cao Sơn – Vinacomin (HNX: TCS) khi lãi ròng đột biến tới 203 tỷ đồng trong quý 4/2014. Mặc dù rất đột biến trong quý 4 nhưng công ty ghi nhận lãi cả năm chỉ vỏn vẹn 678 triệu đồng. Được biết, trong 9 tháng đầu năm 2014, TCS lỗ ròng hơn 202 tỷ đồng. Theo TCS, giá nhiên liệu giảm từ 21,055 đồng/lít (giá được TKV giao trong đơn giá của sản phẩm năm) xuống còn 16,488 đồng/lít (giá thị trường) đã làm cho lợi nhuận sau thuế quý 4 có sự đột biến trên.
Một trường hợp đặc biệt khác là CTCP Vạn Hưng Phát (HOSE: VPH), đóng góp phần lớn trong khoản lãi ròng gần 17 tỷ đồng quý 4/2014 là con số âm 9 tỷ chi phí lãi vay trong kỳ. Mặc dù khoản lãi ròng quý 4 giúp bù đắp được 14.6 tỷ đồng lỗ 9 tháng đầu năm nhưng tính chung lại, cả năm VPH chỉ đạt 2.3 tỷ đồng lãi ròng, thấp nhất kể từ năm 2007 đến nay.
Không chỉ giúp bù đắp lỗ ròng 9 tháng đầu năm, một số trường hợp còn giúp doanh nghiệp tránh án hủy niêm yết trong gang tấc, tiêu biểu là CTCP Vận tải biển Vinaship (HOSE: VNA). Nhờ khoản lãi ròng đến 48 tỷ đồng của quý 4/2014, không chỉ chấm dứt chuỗi thua lỗ 7 quý liên tiếp mà còn giúp VNA bù đắp được khoản lỗ 46.6 tỷ 9 tháng đầu năm. Nếu kết quả này được giữ nguyên ở báo cáo sau kiểm toán, VNA sẽ thoát án hủy niêm yết do lỗ 3 năm liên tiếp.
Soi kỹ BCTC VNA có thể thấy, tác động mạnh nhất đến kết quả quý 4 là khoản lãi khác lên đến 38 tỷ đồng, tương tự như trường hợp BHT. Theo thông tin ghi nhận trong quý 4, khoản lãi khác đột biến này đến từ việc VNA bán thành công 2 tàu Hà Tiên và Bình Phước, đây là hai tàu đã hết khấu hao và mang lại lợi nhuận trong kỳ.
Mặc dù các doanh nghiệp trên đã có bước phát triển đột biến trong quý 4 nhưng xét cả năm, đa phần lãi ròng chỉ dừng ở mức đủ bù lỗ và một phần kế hoạch năm. Thậm chí 2 doanh nghiệp SDEHPS chỉ thu về lợi nhuận cho cổ đông công ty mẹ vỏn vẹn 45 triệu đồng và 28 triệu đồng. Trường hợp có cơ hội thoát án hủy niêm yết bắt buộc như VNA cũng rất mong manh, kết quả còn cần được kiểm chứng qua báo cáo tài chính sau kiểm toán.