31-1-2012 (VF) – Quy định giao dịch chứng khoán tại Sở GDCK TP Hồ Chí Minh (Nguồn: HSX)

1. Phương thức giao dịch

Giao dịch khớp lệnh định kỳ: là phương thức giao dịch thực hiện trên cơ sở khớp các lệnh mua và bán của khách hàng theo nguyên tắc xác định giá thực hiện như sau:

Là mức giá thực hiện được khối lượng giao dịch lớn nhất.
Nếu có nhiều mức giá thỏa mãn điểm i ở trên thì mức giá trùng hoặc gần với giá thực hiện của lần khớp lệnh gần nhất sẽ được chọn.
Nếu vẫn có nhiều mức giá thỏa mãn điểm ii ở trên thì mức giá cao hơn sẽ được chọn.
Giao dịch khớp lệnh liên tục: là phương thức giao dịch được hệ thống giao dịch thực hiện trên cơ sở so khớp các lệnh mua và lệnh bán chứng khoán ngay khi lệnh được nhập vào hệ thống giao dịch. Nguyên tắc xác định giá thực hiện trong phương thức khớp lệnh liên tục là mức giá của các lệnh giới hạn đối ứng đang nằm chờ trên sổ lệnh.

Giao dịch thỏa thuận: Là phương thức giao dịch trong đó các thành viên tự thoả thuận với nhau về các điều kiện giao dịch và nhập thông tin vào hệ thống giao dịch để ghi nhận

2. Khối lượng giao dịch

Giao dịch lô lẻ: Đơn vị cổ phiếu, chứng chỉ quỹ đầu tư giao dịch: từ 01 đến 09 đơn vị. (Giao dịch trực tiếp với SBBS) . Công ty chứng khoán mua trực tiếp từ khách hàng theo giá thỏa thuận, nhưng không vượt quá +/- 10% so với giá đóng cửa của phiên liền trước.

Giao dịch lô chẵn: Đơn vị cổ phiếu, chứng chỉ quỹ đầu tư giao dịch: từ 10 đến 19.990 đơn vị và là bộ số của 10. Hình thức giao dịch này được thực hiện theo các phương thức: khớp lệnh định kỳ; khớp lệnh liên tục.

Giao dịch thỏa thuận: Đơn vị cổ phiếu, chứng chỉ quỹ đầu tư giao dịch: 20.000 đơn vị. Đối với giao dịch trái phiếu thì không giới hạn. Hình thức giao dịch này được thực hiện thông qua hệ thống giao dịch tuân theo quy định về biên độ dao động giá.

3. Đơn vị yết giá

Giao dịch theo phương thức khớp lệnh:

Mức giá Cổ phiếu, CC Qũy ĐT
<= 49.900 100 đồng
50.000 – 99.500 500 đồng
>= 100.000 1.000 đồng
Giao dịch theo phương thức thỏa thuận: Không qui định đơn vị yết giá.

3. Biên độ giao động giá

Biên độ giao động giá áp dụng đối với cổ phiếu và chứng chỉ quỹ đầu tư là +/-7% và không áp dụng biên độ dao động giá đối với trái phiếu.

Giá trần = Giá tham chiếu * (1 + biên độ dao động).

Giá sàn = Giá tham chiếu * (1 – biên độ dao động).

Giá tham chiếu của cổ phiếu, chứng chỉ quỹ đầu tư được xác định là giá đóng cửa của phiên giao dịch gần nhất trước đó.

Trường hợp chứng khoán mới được niêm yết, tổ chức niêm yết và đơn vị làm tư vấn niêm yết sẽ đưa ra mức giá giao dịch dự kiến để làm giá tham chiếu trong ngày giao dịch đầu tiên. Biên độ giao động giá trong ngày giao dịch đầu tiên tối thiểu là +/- 20% so với giá dự kiến. Sở GDCK Tp.HCM quyết định biên độ thực tế áp dụng với từng trường hợp cụ thể cho phù hợp với điều kiện thị trường. Không cho phép giao dịch thỏa thuận cổ phiếu, chứng chỉ quỹ trong ngày giao dịch đầu tiên. Nếu trong 3 ngày giao dịch đầu tiên, cổ phiếu, chứng chỉ quỹ mới niêm yết vẫn chưa có giá tham chiếu, tổ chức niêm yết sẽ phải xác định lại giá giao dịch dự kiến. Mức giá khớp lệnh trong ngày giao dịch đầu tiên sẽ là giá tham chiếu cho ngày giao dịch kế tiếp. Biên độ dao động giá +/- 7% được áp dụng từ ngày giao dịch kế tiếp.

Trường hợp chứng khoán bị tạm ngừng giao dịch, khi được giao dịch trở lại thì giá tham chiếu được xác định theo Quyết định của Sở GDCK Tp.HCM. Sở GDCK Tp.HCM sẽ quyết định cách thức xác định giá tham chiếu sau khi được sự chấp thuận của Chủ tịch UBCKNN.

4. Nguyên tắc khớp lệnh

Ưu tiên về giá:

Lệnh mua có mức giá cao hơn được ưu tiên thực hiện trước.
Lệnh bán có mức giá thấp hơn được ưu tiên thực hiện trước.
Ưu tiên về thời gian:
Trường hợp các lệnh mua hoặc lệnh bán có cùng mức giá thì lệnh nhập vào hệ thống giao dịch trước sẽ được ưu tiên thực hiện trước.

5. Loại lệnh giao dịch (Xem chi tiết tại đây Các lệnh giao dịch trên SGDCK TP.HCM HSX)

Lệnh MP được áp dụng trên sàn HOSE từ ngày 2-7-2012

6. Quy định về thanh toán bù trừ tiền/Chứng khoán

Đối với giao dịch cổ phiếu, chứng chỉ quỹ đầu tư: T+3
Đối với giao dịch trái phiếu: T+1
7. Quy định về hủy lệnh

Chỉ được phép hủy lệnh không khớp hoặc phần lệnh chưa khớp.

Trong các phiên giao dịch khớp lệnh định kỳ, nhà đầu tư không thể hủy lệnh đã đặt trong cùng phiên giao dịch.
Nhà đầu tư có thể hủy lệnh đã đặt trong phiên khớp lệnh liên tục.
8. Quy định khác

Tổ chức, cá nhân hoặc cùng với người có liên quan nắm giữ từ 5% trở lên vốn cổ phần của 01 công ty niêm yết, mỗi khi có giao dịch làm thay đổi về số lượng cổ phiếu sở hữu vượt quá một phần trăm (1%) phải báo cáo cho UBCKNN, TTGDCK, Sở GDCK và tổ chức niêm yết trong vòng 07 ngày làm việc kể từ ngày giao dịch
Thành viên Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc, Phó Giám đốc hoặc Phó Tổng giám đốc, Kế toán trưởng của tổ chức niêm yết và người có liên quan khi có ý định giao dịch cổ phiếu của tổ chức niêm yết, kể cả trường hợp chuyển nhượng không thông qua hệ thống giao dịch tại SGDCK, TTGDCK (cho, tặng, thừa kế….) phải báo cáo cho UBCKNN, SGDCK, TTGDCK trước ngày thực hiện giao dịch tối thiểu là một (01) ngày làm việc. Trong thời hạn ba (03) ngày làm việc, kể từ ngày hoàn tất giao dịch người thực hiện giao dịch phải báo cáo cho UBCKNN, SGDCK, TTGDCK và tổ chức niêm yết về kết quả giao dịch, tỷ lệ nắm giữ cổ phiếu sau khi giao dịch và mức độ thay đổi tỷ lệ nắm giữ theo Mẫu CBTT–04 kèm theo Thông tư này.
Trường hợp Thành viên Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc, Phó Giám đốc hoặc Phó Tổng giám đốc, Kế toán trưởng của tổ chức niêm yết và người có liên quan không thực hiện được giao dịch phải báo cáo lý do với UBCKNN, SGDCK, TTGDCK trong vòng ba (3) ngày kể từ ngày kết thúc thời hạn dự kiến giao dịch.