Tỷ giá và thị trường chứng khoán
  • Thông báo


    + Trả lời Chủ đề
    Kết quả 1 đến 4 của 4

    Hybrid View

    1. #1
      Ngày tham gia
      Mar 2008
      Bài viết
      106
      Được cám ơn 10 lần trong 6 bài gởi

      Mặc định Tỷ giá và thị trường chứng khoán

      NHNN điều chỉnh tỷ giá lần thứ 2 trong năm

      (Vietstock) - Chiều 17/08, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) chính thức nâng tỷ giá giữa VNĐ và USD lên 18,932 đồng/USD. Theo đó, tỷ giá được điều chỉnh từ mức 18,544 đồng/USD lên 18,932 đồng/USD tính từ ngày 18/08. Riêng biên độ tỷ giá vẫn được giữ nguyên ở mức +/-3%. NHNN cho biết, việc điều chỉnh tỷ giá lần này nhằm kiềm chế nhập siêu.
      Đây là lần điều chỉnh tỷ giá thứ 2 trong năm 2010 của NHNN. Trước đó, ngày 11/02, NHNN đã điều chỉnh tỷ giá rất mạnh từ 17,941 đồng/USD lên mức 18,544 đồng/USD.
      Thị trường ngoại tệ tự do dường như đã phản ứng khá sớm trước khi quyết định này chính thức được công bố. Theo đó, từ sáng 17/08 khi giá USD tiếp tục tăng thêm 20-30 đồng/USD, cao hơn mức niêm yết tại các ngân hàng lên đến 230 đồng/cp.
      Một số điểm thu đổi ngoại tệ trên địa bàn TPHCM thông báo mua USD với mức giá 19,330 đồng/USD, cao hơn 30 đồng so với ngày 16/08. Một số nơi khác thông báo mua với giá dao động từ 19,260 đồng – 19,280 đồng/USD.
      Được biết, theo thông tin từ Tổng Cục Hải quan, tháng 7 cả nước xuất khẩu đạt trên 6 tỷ USD, nhập khẩu vượt 7 tỷ USD và nhập siêu dưới ngưỡng 1 tỷ USD. Đây là tháng thứ 3 liên tiếp, các chỉ tiêu này được duy trì ở mức tương đối ổn định.
      Kết quả này đưa kim ngạch xuất khẩu cả nước lũy kế 7 tháng đầu năm lên 38.52 tỷ USD, tăng 18.3% so với cùng kỳ và bằng 63.1% kế hoạch cả năm; kim ngạch nhập khẩu đạt gần 45.78 tỷ USD, tăng 25.7% so với cùng kỳ và bằng 61. 9% kế hoạch cả năm.
      Như vậy, nhập siêu đến thời cuối tháng 7 ở mức 7.26 tỷ USD, chiếm 18.8% tổng kim ngạch xuất khẩu cùng thời kỳ.


      http://vietstock.vn/ChannelID/759/Ti...trong-nam.aspx

    2. #2
      Ngày tham gia
      Mar 2008
      Bài viết
      106
      Được cám ơn 10 lần trong 6 bài gởi

      Mặc định

      Rủi ro tài chính vĩ mô: Lớn nhất là tỷ giá

      “Rủi ro tài chính vĩ mô đáng kể nhất mà Việt Nam có thể gặp phải trong trung hạn là vấn đề tiền tệ, cụ thể là tỷ giá”.

      Đó là nhận định của TS. Lê Xuân Nghĩa, Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia trong bài phát biểu quan trọng với chủ đề “Kinh tế vĩ mô và rủi ro tài chính vĩ mô” trước Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, các chuyên gia kinh tế và nhà tài trợ cho Việt Nam tại một hội thảo cấp cao về chính sách được tổ chức sáng nay, 18/8.

      Theo ông Nghĩa, nền kinh tế Việt Nam đã phục hồi nhưng còn nhiều khó khăn. Tăng trưởng GDP đã đạt cao hơn trong quý 2/2010, xuất khẩu tăng nhanh, giải ngân FDI tăng so với cùng kỳ… nhưng bên cạnh đó, tồn kho cao, thu hút vốn FDI gặp khó khăn và thâm hụt thương mại đã gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái.

      Trong khi đó, dù lạm phát đã giảm tốc nhanh chóng nhưng trước sự phục hồi của nền kinh tế thế giới và giá nguyên liệu tăng lên (giá xăng dầu trong nước đã được điều chỉnh vào ngày 9/8 vừa qua), ông Nghĩa cho rằng các tháng còn lại trong quý 3, CPI có thể tăng khoảng 0,3% và con số sẽ còn cao hơn ở các tháng quý 4 năm nay, nhưng có thể chỉ quanh mức 0,5%.

      “Có thể nói, kiểm soát lạm phát đã thực hiện khá tốt khi cộng dồn cả năm, CPI tăng khoảng dưới 8%”, ông Nghĩa cho biết.

      “Nút thắt” tín dụng

      Tuy nhiên, ông Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia cho rằng, tín dụng vẫn đang là “nút thắt” cho hệ thống ngân hàng nói riêng và tăng trưởng của nền kinh tế nói chung.

      Tính đến cuối tháng 7, mặt bằng lãi suất huy động trung bình của 36 ngân hàng thương mại đã xuống mức 11,09%/năm và lãi suất cho vay đối với các đối tượng ưu tiên đã giảm từ 0,5-1,5% so với quý 1/2010, theo đó lãi suất cho vay ngắn hạn dao động ở mức 12,5%/năm và cho vay trung, dài hạn mức 13-14%/năm. Tuy nhiên, lãi suất cho vay phổ biến vẫn ở mức khá cao, 15-16%/năm.

      “Về căn bản, doanh nghiệp vừa và nhỏ rất khó tiếp cận vốn ngân hàng”, ông Nghĩa nói. “Nếu tình hình kéo dài và không được khắc phục kịp thời sẽ ảnh hưởng xấu đến khả năng duy trì tăng trưởng ổn định trong những tháng tới”.

      Liên quan đến hoạt động tín dụng các ngân hàng thương mại, ông Nghĩa lưu ý đến việc tăng trưởng tín dụng ngoại tệ đến hết tháng 7 đã quá cao, tăng trên 34% so với cuối năm ngoái, trong khi huy động giảm.

      Phó chủ tịch Nghĩa cho rằng, trong những tháng tới, tín dụng VND sẽ tiếp tục tăng khi khả năng tăng cho vay ngoại tệ hầu như không còn, và Ngân hàng Nhà nước đang nỗ lực đẩy mạnh hơn việc bơm vốn cho các ngân hàng thương mại qua thị trường mở theo chỉ đạo của Chính phủ.

      Phân tích hiệu quả điều hành, ông Nghĩa cho rằng, hiện thị trường tín dụng vẫn tồn tại một số rào cản hành chính khiến cho mặt bằng lãi suất chưa thể giảm nhanh và mạnh như mong đợi.

      Cụ thể, với việc bơm tiền trên thị trường mở đều đặn trong 2-3 tháng qua khiến cho nguồn vốn trên thị trường 2 (thị trường liên ngân hàng) khá dồi dào nhưng các ngân hàng thương mại bị hạn chế dung vốn huy động trên thị trường liên ngân hàng làm vốn tín dụng dẫn tới thiếu vốn cho vay và không thể tiếp cận vốn trên thị trường liên ngân hàng đang rẻ và dư thừa.

      Hệ quả là các ngân hàng này phải tìm mọi cách tăng lãi suất huy động lên mức cao nhất có thể để tìm nguồn vốn trong khu vực doanh nghiệp và dân cư, kéo theo các ngân hàng khác cũng không thể hạ lãi suất huy động của mình để đảm bảo tính cạnh tranh.

      Không những thế, quy định này còn đẩy các ngân hàng thiếu thanh khoản vào tình thế tìm mọi cách lách luật để tồn tại, theo đó các ngân hàng thức hiện mức lãi suất huy động gần như bằng nhau cho tất cả các kỳ hạn, nhờ đó sẽ huy động được nhiều tiền gửi ngắn hạn và lách được quy định của Ngân hàng Nhà nước về giới hạn 30% tiền gửi ngắn hạn huy động cho vay trung và dài hạn.

      “Với biểu lãi suất như vậy, các ngân hàng thương mại có thể đẩy lãi suất thực lên cao hơn, bởi lẽ lãi suất thực phụ thuộc và kỳ hạn gửi và cách tính lãi chứ không phụ thuộc vào chỉ số phần trăm”, ông Nghĩa nhấn mạnh.

      Liên quan đến thống tư 13 về tỷ lệ cấp tín dụng so với nguồn vốn huy động, ông Nghĩa cho rằng đã tạo ra những lo ngại về sự khan hiếm tín dụng trong những tháng tới.

      “Nếu Ngân hàng Nhà nước vẫn cố tiếp tục giữ những quy định thiếu thực tế như trên thì việc thực hiện mục tiêu đưa lãi suất về mức ‘vào 10 ra 12’ chắc chắn sẽ càng khó khăn”, ông khẳng định.

      Bất thường ngoại hối

      Trong khi đó, thị trường ngoại hối thường xuyên căng thẳng trong suốt quý 1/2010 với sự mất cân đối nghiêm trọng giữa cung và cầu ngoại tệ, có thời điểm, chênh lệch tỷ giá giữa thị trường tự do và chính thức lên đến trên 200 đồng/USD.

      Sang quý 2, sức ép tỷ giá có giảm bớt và nửa cuối quý 2, thậm chí tỷ giá thị trường tự do liên tục thấp hơn thị trường chính thức. “Cần lưu ý, đây là điểm trái quy luật và bất thường, chứ không phải dấu hiệu tích cực trong điều hành tỷ giá”, ông lưu ý.

      Ông Nghĩa lý giải rằng, việc tỷ giá thị trường tự do thấp hơn thị trường chính thức phản ánh chênh lệch quá thấp giữa lãi suất cho vay bằng USD và VND, đã tạo ra một lượng cung ảo ngoại tệ rất lớn ra thị trường. “Điều này không chỉ gây méo mó cung cầu ngoại tệ mà còn tạo ra những hệ lụy phức tạp trong điều hành tỷ giá giai đoạn sau”, ông khẳng định.

      Liên quan đến diễn biến tỷ giá trên thị trường tự do đã trở lại cao hơn so với thị trường chính thức kể từ tháng 7 năm nay, ông Nghĩa cho rằng, đây là dấu hiệu tích cực cho thấy việc quy định hạn chế cho vay bằng ngoại tệ đã phát huy tác dụng và đang dần xóa bỏ được lượng cung USD ảo ra thị trường.

      Tuy nhiên, việc giá mua USD bằng giá bán và luôn chạm trần tại các ngân hàng thương mại thời gian qua cho thấy hiện tượng “bình ngưng” vốn rất phổ biến trên thị trường ngoại hối trong năm 2009 đã chớm có dấu hiệu quay trở lại, nó phải ánh tình hình ngoại tệ tại các ngân hàng thương mại đã bắt đầu căng thẳng và có hiện tượng thu thêm phí ngầm trong hoạt động mua bán ngoại tệ tại các ngân hàng này, Phó chủ tịch Nghĩa cho biết.

      Ông Nghĩa cũng dự báo trong thời gian tới, đặc biệt là quý 4/2010, diễn biến tỷ giá USD sẽ khá phức tạp bởi cung cầu ngoại tệ có một số thay đổi nhất định do: nhập siêu đã cao hơn gấp đôi cùng kỳ và còn tiếp tục tăng; nhu cầu vay ngoại tệ đang có xu hướng giảm do lãi suất VND giảm nhẹ, trong khi lãi suất ngoại tệ tăng lên; các hợp đồng vay đáo hạn khiến doanh nghiệp phải gom USD trả nợ…

      Phó chủ tịch Nghĩa cũng lập luận rằng, với mức lạm phát cao, VND đang trong xu hướng mất giá so với USD, thậm chí VND đang được định giá cao hơn so với giá trị thực.

      “Tóm lại, rủi ro tài chính vĩ mô đáng kể nhất mà Việt Nam có thể gặp phải trong trung hạn là vấn đề tiền tệ, cụ thể là tỷ giá hối đoái, khi mà sức ép tỷ giá đang gia tăng từ nhiều phía như thâm hụt vãng lai lớn; tỷ lệ vốn từ bên ngoài so với dự trữ ngoại tệ đã tăng từ 37% năm 2009 lên 80%, trong khi tỷ giá hối đoái kém linh hoạt và bị định giá quá cao so với tỷ giá thực…”, ông Nghĩa lưu ý.

      Anh Quân

      TBKTVN

    3. #3
      Ngày tham gia
      Jul 2010
      Bài viết
      31
      Được cám ơn 5 lần trong 4 bài gởi

      Mặc định

      Bình luận động thái nới rộng tỷ giá USD/VND

      (Vietstock) – Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã có quyết định nâng tỷ giá giữa USD/VND thêm 2.1%, từ 18,544 lên 18,932, với biên độ được giữ nguyên ở mức +/-3%, áp dụng từ ngày 18/08/2010.

      * NHNN điều chỉnh tỷ giá lần thứ 2 trong năm

      * Chợ đôla tự do nháo nhào sau quyết định tăng tỷ giá

      Với sự nới rộng tỷ giá này, tỷ giá trần USD/VND có thể giao dịch sẽ tăng lên ở mức 19,500. Đây là đợt điều chỉnh thứ 2 trong năm 2010 và là đợt thứ 3 kể từ ngày 25/11/2009 NHNN điều chỉnh tỷ giá liên ngân hàng. Tính từ đầu năm 2010 đến nay, tỷ giá USD/VND đã được nới rộng tổng cộng thêm 5.27%.

      Phù hợp với nhận định của chúng tôi trong Báo cáo Kinh tế Vĩ mô tháng 8/2010, NHNN đã có động thái nới rộng tỷ giá, sau hơn 2 tháng tiền đồng chịu áp lực khá lớn trên thị trường ngoại tệ.

      Như chúng tôi đã đề cập trong báo cáo trước đây, sức ép tỷ giá trên thị trường hiện nay xuất phát từ một số nguyên nhân như: thâm hụt thương mại cao, áp lực từ tín dụng bằng ngoại tệ, áp lực từ lạm phát và tâm lý kỳ vọng của người dân.

      Một động thái tích cực và có thể giúp giải quyết nhiều vấn đề

      Cải thiện cán cân thương mại. Thâm hụt thương mại 7 tháng đầu năm 2010 ở mức 7.26 tỷ USD, bằng 18.8% kim ngạch xuất khẩu. Các nghiên cứu của chúng tôi cho thấy cán cân thương mại của Việt Nam có mối quan hệ chặt chẽ với tỷ giá, và việc điều chỉnh tỷ giá lần này sẽ có tác dụng tích cực trong việc cải thiện thâm hụt thương mại.

      Tuy vậy, cần lưu ý rằng tỷ giá chỉ là một trong những nhân tố gây thâm hụt thương mại cao tại Việt Nam. Yếu tố chính vẫn là các dòng tiền từ bên ngoài đổ vào Việt Nam như FDI, FPI, ODA, kiều hối và các chính sách thương mại khác.

      Minh bạch thị trường và dòng vốn gián tiếp tự tin giải ngân. Việc điều chỉnh tỷ giá sẽ giúp cho thị trường ngoại tệ phản ứng một cách linh hoạt hơn theo cơ chế thị trường, giúp thu hẹp chênh lệch giữa tỷ giá niêm yết và giao dịch thực tế. Một tác dụng quan trọng khác là đợt điều chỉnh tỷ giá này sẽ thúc đẩy thu hút thêm các dòng vốn đầu từ gián tiếp, và giúp khối nhà đầu tư nước ngoài tự tin hơn trong việc giải ngân, nhờ sự ổn định tỷ giá có thể tiên đoán được trong thời gian tới.

      Ổn định tâm lý người dân. Việc điều chỉnh tỷ giá là một điều cần thiết để ổn định tâm lý và kỳ vọng của người dân. Hiện nay, tỷ giá trần đã cao hơn khá nhiều so tỷ giá đang giao dịch trên thị trường phi chính thức. Như vậy, tỷ giá sẽ được giao dịch hoàn toàn dựa trên cung cầu của thị trường, và người dân sẽ không còn tâm lý đầu cơ, tích trữ USD. Cầu ảo về ngoại tệ, vì vậy, sẽ giảm xuống.

      Trên thực tế, hai đợt điều chỉnh tỷ giá gần đây đã có tác dụng tích cực, giúp kéo giảm tỷ giá trên thị trường phi chính thức.

      Áp lực đối với lạm phát không nhiều. Áp lực lên lạm phát là một trong những lo ngại, vì tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam lên đến trên 150% so với GDP, với nhiều mặt hàng nguyên liệu thiết yếu phải nhập khẩu từ bên ngoài.

      Tuy vậy, thực tế trong thời gian qua các nhà nhập khẩu của Việt Nam đều phải mua USD với tỷ giá cao hơn tỷ giá chính thức. Vì vậy, việc điều chỉnh lần này trên sẽ không ảnh hưởng đáng kể đối với những nhà nhập khẩu/giá hàng nhập khẩu.

      Như vậy, có thể thấy áp lực lạm phát trong thời gian tới là có thật, nhưng nguyên nhân chính không phải đến từ việc điều chỉnh tỷ giá.

      Liệu tỷ giá VND sẽ tiếp tục được nới rộng trong năm 2010?

      Các ước tính của chúng tôi cho thấy tỷ giá USD/VND ở mức 19,100-19,300 có thể là mức cân bằng của thị trường tại thời điểm hiện nay. Trong khi đó, mức cân bằng tỷ giá vào cuối năm 2010 có thể sẽ trong vùng 19,300 - 19,350, thấp hơn mức tỷ giá trần hiện tại. Chúng tôi, vì vậy, không kỳ vọng NHNN sẽ tiếp tục nới rộng tỷ giá VND trong những tháng sắp tới.

      Trong một vài tháng tới, chúng tôi cho rằng áp lực tỷ giá vẫn còn, nhưng sẽ không lớn như năm 2009. Cán cân thanh toán năm 2010 của Việt Nam dự kiến sẽ thặng dư, và các dòng tiền từ FDI, FPI, kiều hối và vay nợ đủ bù đắp cho thâm hụt tài khoản vãng lai.

      Trong 7 tháng đầu năm 2010, FDI giải ngân đạt 6.4 tỷ USD, kiều hối đạt 3.9 tỷ USD tăng 24.6% so với cùng kỳ, FPI ròng đạt hơn 300 triệu USD. Ngoài ra, cán cân thanh toán của Việt Nam còn được bù đắp từ nguồn vốn ODA và vay thương mại. Chúng tôi chưa nhận thấy tín hiệu tiêu cực từ những dòng vốn này trong các tháng cuối năm 2010.

      Ngành nào sẽ được hưởng lợi?

      Chúng tôi cho rằng việc điều chỉnh tỷ giá sẽ có tác dụng tích cực đối với những doanh nghiệp có hoạt động xuất khẩu như: nông sản, thủy sản, cao su, khai khoáng, may mặc, xuất khẩu đồ gỗ, dầu khí... Trong khi đó, những doanh nghiệp nhập khẩu sẽ bị ảnh hưởng tiêu cực như: máy móc thiết bị, xăng dầu, thép, phân bón, thức ăn gia súc, dược phẩm... Ảnh hưởng này sẽ lớn hơn đối với những doanh nghiệp kinh doanh các mặt hàng bị kiểm soát giá bán theo quy định của Chính phủ.

      Hồ Bá Tình

    4. #4
      Ngày tham gia
      Nov 2008
      Bài viết
      607
      Được cám ơn 24 lần trong 22 bài gởi

      Mặc định

      Điều chỉnh tỷ giá VND là cần thiết

      Ngày 17/8/2010, Ngân hàng Nhà nước đã điều chỉnh tỷ giá bình quân liên ngân hàng giữa VND với USD áp dụng từ ngày 18/8/2010 từ mức 18.544 VND lên mức 18.932 VND (tăng gần 2,1%), còn biên độ tỷ giá giữ nguyên ở mức +/-3%.

      Đây là động thái cần thiết và bình thường trong đời sống kinh tế thị trường. Đồng thời , có thể coi dó là quyết định hợp lý cả về thời điểm và mục tiêu, bởi:

      Trước hết, về thời điểm, sự điều chỉnh tỷ giá diễn ra khi các sức ép lạm phát ở Việt Nam dường như đang được cải thiện, nhất là khi mức tăng CPI trong 3 tháng qua liên tiếp ở mức thấp so với trung bình mọi năm và cả so với cảnh báo từ đầu năm; vì thế tác động của điều chỉnh tăng tỷ giá đối với gia tăng lạm phát được giảm thiểu.

      Thứ hai, do VND có sự gắn kết khá chặt với USD, mà những tháng gần đây đã có sự gia tăng đáng kể sức mạnh của USD trên thế giới, nhất là tăng tới trên dưới 20% so với đồng tiền chung Châu Âu. Sự cố định tỷ giá VND với USD trong suốt gần nửa năm qua đã khiến VND bị định gía cao hơn USD tới trên 13%. Nếu cộng dồn cả những đợt điều chỉnh tỷ giá và mức lạm phát so sánh 2 nước trong 3 năm qua, thì mức đắt đỏ thực tế của VND so với USD còn cao hơn nhiều, kèm theo những hệ quả nhiều mặt của nó.

      Thứ ba, trên thực tế nửa đầu năm 2010 ở Việt Nam đang có xu hướng chênh lệch cao giữa mức tăng huy động và cho vay tín dụng bằng ngoại tệ. Cụ thể, theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến cuối tháng 7/2010, huy động vốn bằng ngoại tệ của hệ thống ngân hàng thương mại đã giảm khoảng 2,4% so với tháng 12/2009, trong khi tín dụng ngoại tệ tăng 34,4% trong cùng so sánh. Việc điều chỉnh tỷ giá sẽ giúp các ngân cải thiện nguồn vốn ngoại tệ và từ đó cải thiện tính thanh khoản ngoại tệ của mình.

      Thứ tư, sự điều chỉnh tỷ giá, không chỉ giúp tăng sức cạnh tranh của hàng xuất khẩu Việt Nam, mà còn hạn chế nhập siêu, nhất là những sản phẩm trong nước có thể sản xuất thay thế.

      Đặc biệt, sự điều chỉnh tỷ giá đã thu hẹp chênh lệch tỷ giá chính thức với tỷ giá trên thị trường tự do, tức giúp cải thiện dự trữ ngoại hối của Việt Nam do không phải gia tăng bán USD theo tỷ giá thấp, giảm bớt kỳ vọng đầu cơ và cả hoạt động buôn bán vốn và ngoại tệ lòng vòng kiếm lời dựa trên chênh lệch giữa 2 tỷ giá. Điều này còn giúp tăng cường tập trung và quản lý kinh doanh ngoại tệ trên thị trường có tổ chức. Đồng thời, nó cũng giúp cho các doanh nghiệp được tính đúng, tính đủ chi phí vốn ngoại tệ trong bảng hạch toán kinh doanh của mình, mà trước đó thường phái che giấu , hợp lý hóa các khoản mua USD trên thị trường chợ tự do với giá cao hơn giá chính thức.

      Đương nhiên, sự điều chỉnh tỷ giá lần này cũng không tránh khỏi những hệ lụy, nhất là có thể tạo ra cái gọi là rủi ro tỷ giá trong hoạt động kinh doanh và tín dụng của những doanh nghiệp vay VND lãi suất cao và phải nhập khẩu nguyên vật liệu đầu vào sản xuất... Tỷ giá USD/VND do các ngân hàng thương mại niêm yết sáng nay đồng loạt tăng thêm trên 200 VND/USD từ mức 19.100 VND/USD của một thời gian khá dài trước đó. Tại Vietcombank, USD được báo giá ở mức 19.245 VND/USD (mua vào) và 19.310 VND/USD. Tại Sacombank, giá mua và bán USD tương ứng là 19.250 VND/USD và 19.310 VND/USD. Trên thị trường tự do, tỷ giá USD/VND cũng dâng lên ngưỡng 19.500 VND/USD sau khi Ngân hàng Nhà nước nâng tỷ giá bình quân liên ngân hàng.

      Sự điều chỉnh tỷ giá cũng ít nhiều tạo xung lực tăng giá vàng trong nước (sáng 18/8 /2010 đội thêm gần 300.000 đồng/lượng so với sáng 17/8/2010).

      Trong thời gian tới, cần tiếp tục xu hướng điều hành linh hoạt tỷ giá theo các tín hiệu và nguyên tắc thị trường. Trong đó, lưu ý rằng, thực tế cho thấy cần tránh tín điều và kỳ vọng đầu cơ gắn với xu hướng chỉ có điều chỉnh tăng 1 chiều tỷ giá và tăng với giá sốc, biên độ hẹp sau khi neo cố định tỷ giá kéo dài. Nói cách khác, cần điều chỉnh tỷ giá có lên, có xuống, thời gian ngắn và nhanh hơn, với mức điều chỉnh thấp hơn và biên độ giao dich có thể rộng hơn…thì bớt tạo sốc tỷ giá và những hệ lụy mặt trái của điều chỉnh tỷ giá hơn…/.

      TS.Nguyễn Minh Phong

      Đầu tư
      Quyền lực + Không có kiểm soát = Tha hóa

      Cho nên các đồng chí phải nghiêm túc kiểm điểm, xác định nguyên nhân và đề ra kế hoạch cụ thể để xử lý, chấn chỉnh các hoạt động ....



    Thông tin của chủ đề

    Users Browsing this Thread

    Có 1 thành viên đang xem chủ đề này. (0 thành viên và 1 khách vãng lai)

       

    Similar Threads

    1. Trả lời: 1
      Bài viết cuối: 17-10-2017, 01:01 PM
    2. Cách tham gia thị trường chứng khoán
      By cuongvespa in forum Kiến thức Chứng khoán
      Trả lời: 2
      Bài viết cuối: 14-10-2009, 07:38 AM
    3. Trả lời: 0
      Bài viết cuối: 06-02-2006, 03:49 PM
    4. Chứng khoán thị trường thứ cấp - Kinh nghiệm của một số quốc gia
      By in forum Nhà Đầu tư nước ngoài và TTCK Quốc tế
      Trả lời: 0
      Bài viết cuối: 01-01-1970, 07:00 AM
    5. Trả lời: 0
      Bài viết cuối: 01-01-1970, 07:00 AM

    Bookmarks

    Quyền viết bài

    • Bạn Không thể gửi Chủ đề mới
    • Bạn Không thể Gửi trả lời
    • Bạn Không thể Gửi file đính kèm
    • Bạn Không thể Sửa bài viết của mình