Thời gian mà cường độ sản xuất – kinh doanh của một DN đạt cực đại được gọi là thời vụ chính hay mùa cao điểm. DN hoạt động trong các lĩnh vực có tính thời vụ thì lợi nhuận quý sẽ chịu tác động mạnh của yếu tố này.

Kết quả lặp lại có tính chất chu kỳ và những NĐT có kinh nghiệm đều biết, tận dụng triệt để nhằm kiếm lợi nhuận ngắn hạn. Tháng 8/2009, sóng cổ phiếu nhiều hơn nhóm ngành có tính thời vụ khác mạnh, liệu điều đó có lặp lại trong năm nay?

Cổ phiếu thời vụ

Cao su tự nhiên tại vùng Đông Nam Bộ là ngành có tính thời vụ khá cao. Sản lượng khai thác các quý biến thiên theo quy luật dãy số “1 – 2 – 3 – 4”: quý I là thời điểm cây cao su thay lá nên các DN thường chỉ khai thác được 1 tháng, vì vậy, sản lượng sẽ ít nhất trong năm. Đầu quý II, các DN khai thác trở lại nên sản lượng có thể đạt gấp đôi quý I. Quý III do điều kiện khí hậu thuận lợi (mùa mưa tại Nam Bộ), cây cao su cho mủ nhiều, sản lượng có thể bằng nửa đầu năm. Quý IV là thời gian cây cao su cho mủ nhiều, sản lượng đạt cao nhất trong năm.
Tuy khai thác có tính mùa vụ, nhưng lợi nhuận của các DN cao su tự nhiên lại có độ trễ nhất định, phụ thuộc vào thời gian sơ chế và giá bán tại thời điểm xuất hàng.

Có nhiều nhóm ngành khác cũng mang tính thời vụ tương tự. Chẳng hạn, với ngành thủy sản, một DN xuất khẩu tôm thường xuất nhiều hàng nhất vào nửa cuối năm, do thời gian này diễn ra kỳ nghỉ lễ quan trọng nhất trong năm – Lễ Giáng sinh, tại các thị trường chính như Châu Âu, Mỹ .

Tương tự, các DN thủy điện cung cấp sản lượng điện dồi dào nhất trong và sau mùa mưa. Đối với ngành du lịch, thời vụ cao trào nhất vào quãng thời gian mùa Hè, khi mọi người đều muốn “trốn nóng” đi một vài ngày; ngành mía đường có thời gian sản xuất bận rộn nhất vào thời điểm mía cho thu hoạch.

Chính yếu tố thời vụ này sẽ khiến lợi nhuận quý của một số DN sẽ tăng cao hơn nhiều so với mức bình quân chung. Có những ngành, mùa cao điểm diễn ra chỉ 1 – 2 tháng: ngành bánh kẹo với hai vụ sản xuất chính tập trung vào trước Tết Trung thu và Tết Nguyên đán; ngành sách và thiết bị trường học thậm chí chỉ có một mùa vụ lớn nhất vào thời điểm tháng 7 – 8, trước ngày tựu trường. Lợi nhuận trong khoảng thời gian ngắn này sẽ quyết định lợi nhuận của DN trong cả năm.

Đánh giá về cổ phiếu có tính chất thời vụ, ông Hoàng Thạch Lân, Giám đốc môi giới, CTCK MHBS cho rằng, NĐT dễ ngộ nhận một ngành có tính mùa vụ thì tất cả các DN trong ngành đều theo tính chất này, ông Lân đơn cử trong ngành bánh kẹo, Kinh Đô thống trị thị trường bánh Trung thu cao cấp toàn quốc nên lợi nhuận thường tăng mạnh vào quý III, những điều này không đúng với CTCP Bánh kẹo Hải Hà – DN này chỉ chiếm thị phần khiêm tốn ở phía Bắc, cung cấp các sản phẩm bánh kẹo đa dạng, phân khúc giá thấp, chủ yếu phục vụ thị trường nông thôn.

Một diều ông Lân cũng lưu ý NĐT là, hiện nay các DN đã đa dạng hóa ngành nghề khá nhiều, ngoài hoạt động sản xuất – kinh doanh “lõi”, DN còn đầu tư tài chính, BĐS…, nên tính chất mùa vụ cũng giảm đi.

Chờ dòng tiền

Hiện tại, VN-Index đang ngập ngừng không xu hướng, các blue-chips chưa khởi sắc, sóng pennystocks khi tỏ, khi mờ. Một bộ phận NĐT bắt đầu quan tâm đến việc “đi tắt, đón đầu” các cổ phiếu có tính thời vụ cao trong quý III. Bộ phận môi giới tại một số CTCK dang khuyến nghị khách hàng dành sự quan tâm nhiều hơn đến nhóm cổ phiếu bánh kẹo (Tết Trung thu), ngành sách và thiết bị trường học (mùa khai giảng)… trong quý III.

Dù không đề cập chi tiết, nhưng Báo cáo chiến lược đầu tư tháng 8 mới đây của CTCK SME cũng nêu khuyến nghị: “NĐT tập trung vào một số nhóm ngành có đặc điểm với tính chất thời vụ trong quý III với khả năng tăng trưởng mạnh về doanh thu và lợi nhuận”…

Thực tế trong tháng 8/2009, sóng cổ phiếu thời vụ khá rõ theo nhóm ngành như: cổ phiếu ngành mía đường, cổ phiếu ngành bánh kẹo, cổ phiếu sách giáo khoa. Đây là nhóm cổ phiếu có mức tăng khá, cao hơn so với bình quân chung, cá biệt có cổ phiếu tăng giá rất mạnh như KDC của CTCP Kinh Đô – tháng 8/2009, KDC đã tăng giá 50%, sang tháng 9 tăng tiếp gấp đôi, mang lại lợi nhuận rất lớn cho
NĐT lướt sóng.

Nhận xét về sự tăng giá của nhóm cố phiếu thời vụ. Ông Nguyễn Văn Mạnh, Giám đốc Chi nhánh Hà Nội – CTCK KimEng cho rằng, các biến động về giá có xu hướng gắn liền với việc đầu cơ. Theo ông Mạnh, kết quả kinh doanh của các DN này luôn lặp lại, có tính chất chu kỳ, không phải là tin tức mới hay là nhân tố gây đột biến.

Tuy nhiên, dù đầu cơ, các NĐT nhanh nhạy vẫn phải dựa vào các thông tin cơ bản để hỗ trợ, người mua trước tìm một lý do đủ thuyết phục, thu hút các NĐT còn đang do dự về triển vọng nhóm cổ phiếu có cơ hội tăng giá.

Dù vậy, sóng cổ phiếu thời vụ liệu có lặp lại trong tháng 8 và rộng hơn là quý IV/2010? ông Lê Anh Thi, Giám đốc phân tích, CTCK Âu Việt cho rằng, sóng cổ phiếu thời vụ năm nay nếu có sẽ không mạnh do dòng tiền vào thị trường đang khá yếu.

“Có thể có sóng những sẽ có độ trễ so với các năm. Mặt khác, các cổ phiếu “đầu tàu” có ý nghĩa dẫn dắt như trong ngành bánh kẹo hiện đã có mức vốn hóa lớn, không dễ thu hút dòng tiền hiện tại. Sóng cổ phiếu thời vụ chỉ có thể diễn ra dòng tiền vào thị trường đã thực sự mạnh trở lại, dồi dào hơn hiện nay”, ông Thi nhận định.

Giang Thanh

Theo thitruongtaichinh.vn