Đừng quá 'gò' người nói, người viết


Cập nhật lúc 09:48, Thứ Sáu, 30/07/2010 (GMT+7)
,

“Phía lắng nghe” đừng quá “gò” người nói, người viết, đặc biệt là tránh phê phán chụp mũ oan, xử lý oan" - ông Trần Trọng Tân, nguyên Ủy viên Trung ương ****, nguyên Trưởng Ban Tư tưởng văn hóa Trung ương phát biểu nhân kỉ niệm 80 năm ngày truyền thống ngành tuyên giáo.
Ảnh Tuổi Trẻ Khó khăn nhất của việc làm tham mưu là nghĩ cho ra mưu, là nắm được đúng tình hình tư tưởng để báo động đúng, báo yên đúng, nêu đúng yêu cầu về xây và chống trong công tác tư tưởng.
Để nắm đúng tình hình tư tưởng, phải phát huy tự do tư tưởng, phải biết nghe, biết phân tích đúng sai. Nếu làm kiểu nào đó mà người ta e sợ không dám nói đúng sự thật hoặc người ta nói nhưng thấy không được lắng nghe thì rất khó phát huy tự do tư tưởng, khó cho việc nắm đúng tình hình tư tưởng.
Tự do tư tưởng là tự do diễn đạt tư tưởng qua nói và viết. Tự do nói, viết là tự do nói, viết đúng sự thật để xây dựng, để thêm đoàn kết, không lộ bí mật quốc gia, không làm khó khăn cho quan hệ đối ngoại, không vi phạm các điều cấm của luật pháp.
Viết, nói theo hướng tự do nói như vậy là vì lợi ích của Tổ quốc, của nhân dân, cũng là lợi ích của chính mình. Nếu viết, nói theo kiểu dựng đứng hay nói theo kiểu cảm tính, thiếu cơ sở khoa học, không nghĩ đến lợi hại thì đó là việc làm rất đáng chê trách.
"Lời khuyên gọn nhất của tôi đối với đội ngũ làm công tác tuyên giáo là làm sao có phẩm chất chính trị và đạo đức tốt để người ta tin, có đủ khả năng để nói, viết cho hay, cho đúng và có sức thuyết phục". Tuy nhiên, người lãnh đạo hay gọi chung là “phía lắng nghe” cũng đừng quá “gò” người nói, người viết, đặc biệt là tránh phê phán chụp mũ oan, xử lý oan. Tôi cho đây là điều kiện rất quyết định đến việc phát huy tự do diễn đạt tư tưởng.

Với hoạt động báo chí, tôi thấy những chủ trương, định hướng đối với hoạt động báo chí đều đúng đắn. Nhưng thực tế làm báo, nhất là báo ngày, khó mà tránh được sai. Nhận xét đánh giá, phê bình đối với những người quản lý báo, viết báo nên làm kỹ, mang tính thuyết phục cao nhưng xử lý không nên quá nghiêm đối với trường hợp không cố tình vi phạm.

Về phía người quản lý báo và viết báo, nếu thấy điều gì nhận xét, phê bình chưa thỏa đáng thì phải nói lại, nếu nói gì nghe nấy cũng là biểu hiện yếu kém.

Báo chí phải làm tròn cả hai nhiệm vụ: phản ánh đúng tiếng nói của nhân dân, đồng thời phải truyền cho dân đầy đủ tiếng nói của ****, Nhà nước. Nhà báo cần chọn lọc những ý kiến của dân mà **** và Nhà nước cần lắng nghe, chứ không đơn giản ai nói gì cũng đưa lên mặt báo.

Theo Tuổi Trẻ


http://vietnamnet.vn/chinhtri/201007...i-viet-925649/