Chứng khoán Tuần 26 - 30/03: Áp lực chốt lời tăng mạnh!
Bên cạnh áp lực chốt lời thì khoảng trống thông tin càng khiến cho tâm lý giao dịch dễ dàng rơi vào trang thái bi quan.
I. THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN VIỆT NAM TUẦN 26 – 30/03/2012
Giao dịch: VN-Index tính tổng cộng cả tuần giảm 2.88% và đang ở mức 441.03 điểm, trong khi HNX-Index giảm mạnh 6.68% đứng tại 72.39 điểm. VS 100 giảm 3.95% đang ở mức 68.87 điểm và VN 30 giảm 2.49% đứng tại 500.07 điểm.
Các chỉ số Market Cap cũng đồng loạt giảm điểm; trong đó VS-Mid Cap giảm điểm mạnh nhất 1.26%. Tiếp theo là VS-Small Cap giảm 1.04%, VS-Large Cap giảm 0.72% và VS-Micro Cap giảm 0.23%
Thanh khoản thị trường tăng mạnh 13.6% trên HOSE, và tăng nhẹ 4.2% trên HNX so với tuần giao dịch trước. Tuy nhiên, điểm đáng lo ngại là khối lượng giao dịch đang có xu hướng sụt giảm khá mạnh về cuối tuần.
Sự trỗi dậy mạnh mẽ của dòng ”họ” Sông Đà và Dầu khí (P) trong phiên giao dịch đầu tuần đã kéo theo sự hồi sinh của hàng loạt cổ phiếu penny trên hai sàn. Tuy nhiên, điều này càng khiến cho mong muốn chốt lời tăng mạnh trong các phiên giao dịch tiếp theo.
Như thường lệ, lực bán tập trung mạnh vào các cổ phiếu đầu cơ và không quá ngạc nhiên khi nhóm cổ phiếu này đã sụt giảm mạnh trong tuần giao dịch qua.
Bên cạnh sự sụt giảm của nhóm cổ phiếu đầu cơ thì sự ”lạc lối” của một số cổ phiếu chủ chốt, đặc biệt là VIC, càng khiến cho thị trường trở nên ”u ám”.
Lực cầu bắt đáy vẫn xuất hiện dù không phải ở mức giá cao, tập trung vào các cổ phiếu chủ chốt đã giúp thị trường tăng điểm nhẹ trong một số phiên giao dịch. Tuy vậy, điều này là không đủ để kích hoạt trở lại sự hưng phấn của thị trường.
Việc thay đổi cách thức tính giá trung bình trên HNX cũng khiến cho giới đầu tư rụt rè hơn. Thức tế, trong tuần qua áp lực xả hàng luôn xuất hiện bất ngờ vào những phút cuối đợt giao dịch buổi chiếu và khiến giá tham chiếu của các cổ phiếu trên sàn HNX bị sụt giảm mạnh.
Bên cạnh áp lực chốt lời thì khoảng trống thông tin càng khiến cho tâm lý giao dịch dễ dàng rơi vào trạng thái bi quan. Chúng tôi cũng nghe thấy thảo luận về áp lực bán cổ phiếu từ hoạt động margin của các CTCK để đáp ứng yêu cầu trước đợt thanh tra của UBCK. Tuy vậy, rất khó để có thể kiểm chứng điều này.
Điểm tích cực nhất trong tuần qua là giao dịch của khối ngoại; khi họ vẫn đều đặn gom vào cổ phiếu. Giao dịch mua ròng liên tiếp của họ trong suốt từ đầu năm đến nay đã phần nào xóa tan những nghi ngại về ý kiến cho rằng khối ngoại đang tích cực tham gia để hỗ trợ cho NAV vào cuối quý 1.
Lực cầu tập trung vào nhóm cổ phiếu Large Cap trong phiên giao dịch cuối tuần đã giúp VN-Index tăng điểm nhẹ. Tuy nhiên, áp lực xả hàng vẫn chưa có dấu hiệu suy giảm. Mỗi khi có dấu hiệu tích cực trở lại thì nguồn cung xuất hiện, sẵn sàng bán ra. Bên mua vẫn thận trọng như những phiên gần đây khiến giao dịch trên cả hai sàn xuống mức thấp nhất trong tuần.
Nhà đầu tư nước ngoài: Trái ngược với giới đầu tư trong nước, khối ngoại vẫn duy trì quan điểm mua ròng trong tuần giao dịch qua. Điều này cho thấy sự tin tưởng của khối ngoại vào triển vọng dài hạn của chứng khoán Việt Nam. Việc khối ngoại giữ vững lập trường đang tiếp tục tạo niềm tin cho giới đầu tư.
Tuần qua, giá trị mua ròng trên HOSE của khối ngoại đạt hơn 725 tỷ đồng. Họ mua ròng mạnh nhất cổ phiếu VIC với gần 2.5 triệu đơn vị tương ứng với 256.7 tỷ đồng, chủ yếu thông qua giao dịch mua thỏa thuận gần 3.8 triệu cổ phiếu vào ngày 28/03.
Đáng chú ý là lực mua ròng của khối ngoại tập trung mạnh trở lại vào nhóm cổ phiếu ngân hàng; cụ thể là STB với 133.2 tỷ đồng, VCB (53.7 tỷ đồng) và CTG (45.9 tỷ đồng).
Ở chiều ngược lại, họ bán ròng mạnh nhất IJC với 13.8 tỷ đồng; tiếp theo là PVT với 5.7 tỷ đồng.
Giá trị mua ròng của khối ngoại trên HNX bất ngờ tăng mạnh lên 125.8 tỷ đồng. Họ tiếp tục gom ròng mạnh nhất PVS với 48.9 tỷ đồng và DBC với 20.7 tỷ đồng; trong khi bán ròng mạnh nhất SCR với 4.1 tỷ đồng và THV với 3 tỷ đồng.
Cổ phiếu đáng chú ý: Mặc dù thị trường sụt giảm khá mạnh nhưng số ngành tăng và ngành giảm bằng nhau. Dù vậy, các ngành hot đều sụt giảm khá mạnh.
Chứng chỉ quỹ là ngành giảm điểm mạnh nhất tuần với mức giảm 6.55%, tiếp theo là Chứng khoán giảm 5.35%. Bất động sản, Khai khoáng, Xây dựng cũng giảm mạnh lần lượt 4.01%, 2.47% và 1.13%. Áp lực chốt lời là nguyên nhân chính của đợt sụt giảm mạnh ở nhóm ngành nóng này.
Áp lực xả hàng cũng tăng khá mạnh đối với nhóm cổ phiếu Ngân hàng; tuy nhiên nhờ sự hỗ trợ tích cực của khối ngoại, ngành này vẫn duy trì được đà tăng nhẹ 0.27% trong tuần qua.
Vận tải-Kho bãi là ngành tăng trưởng mạnh nhất với mức tăng 2.21%, tiếp theo là SX Nông –Lâm –Ngư tăng 2.13%.
Trong tuần sụt giảm, cổ phiếu đáng chú ý đều thuộc phía giảm điểm:
• HOSE: Nhóm cổ phiếu bất động sản QCG giảm 15.83%, LCG giảm 15.38%, KDH giảm 14.55%; và cổ phiếu KSS giảm 14.89%, PVF giảm 14.49%.
• HNX: VCG giảm 19.18%, nhóm cổ phiếu chứng khoán IVS giảm 18.31%, HPC giảm 17.54%.
Kết quả kinh doanh quý 1/2012 được dự báo với nhiều gam màu xám, đặc biệt là đối với nhóm cổ phiếu ngành bất động sản và không qúa ngạc nhiên khi các cổ phiếu trong ngành bị bán mạnh ra trong tuần qua.
KSSPVF sụt giảm mạnh tương ứng 14.89% và 14.49%. KSSPVF đều không có thông tin mới trong tuần qua. Nhiều khả năng áp lực xả hàng chủ yếu đền từ mức sinh lời hấp dẫn của các cổ phiếu này trong thời gian gần đây. Đây cũng là các cổ phiếu nằm trong các nhóm ngành “hot” của giới đầu cơ.
Nhóm cổ phiếu chứng khoán cũng không nằm ngoài vòng xoáy chốt lời khi mức sinh lời của các cổ phiếu này đã đạt từ 20% - 30% trong tuần giao dịch trước đó.
VCG giảm mạnh 19.18%. Tuần trước đó, VCG đã tăng mạnh từ 11,800 lên 14,800 đồng, tứchơn 25%. Đây là mức sinh lời khá hấp dẫn và việc bán ra mạnh cổ phiếu này là điều hoàn toàn dễ hiểu.
Có thể thấy ngay cả kế toán trưởng của VCG cũng đăng ký lượt sóng cổ phiếu này: đăng ký bán 188,000 cp và mua 288,000 cp.
Bên cạnh đó, áp lực pha loãng của VCG cũng tăng khá mạnh sau khi đã phân phối thành công 141.71 triệu cp. Qua đó, công ty thu được 1,417.10 tỷ đồng; sau khi trừ đi chi phí thu ròng 1,416.91 tỷ đồng.
Nhóm cổ phiếu tăng điểm tích cực trong tuần qua có: BBC tăng 25.17%, TPC tăng 24.18% trên HOSE; và trên HNX, một số cổ phiếu có mức tăng mạnh từ 15%- 34% nhưng khối lượng giao dịch của các cổ phiếu này không nổi bật.
BBC có tuần tăng trưởng mạnh 25.17%. Cái tên BBC bỗng nỗi lên trong những ngày gần đây sau khi Lotte – cổ đông lớn của BBC đã thất bại trong việc”xóa sổ” thương hiệu Bibica.
Việc BBC tăng mạnh trong tuần qua đang đặt ra câu hỏi lớn liệu có phải các cổ đông tâm huyết với công ty đang đẩy mạnh gom vào cổ phiếu này để đối chọi với Lotte. Điều này không phải không có lý khi trong nhóm cổ đông lớn của BBC hiện có 2 công ty trong nước hoạt động trong lĩnh vực thực phẩm.
Về mặt các chỉ số tài chính, mức giá hiện tại 18,400 đồng/cp vẫn đang rất thấp so với giá trị sổ sách 37,339 đồng/cp và hòan toàn có thể hấp dẫn các nhà đầu tư. Ngày 12/04 tới đây, BBC sẽ chốt quyền nhận cổ tức 12% bằng tiền mặt
TPC tăng mạnh với mức 24.18%. Với việc thông qua mức cổ tức hấp dẫn 20% bằng tiền mặt cho năm 2011 trong ĐHCĐ diễn ra vào ngày 23/03 vừa qua, không quá khó hiểu khi TPC đã có tuần tăng vọt từ 9,000 đồng/cp lên 11,300 đồng/cp.
II. THỐNG KÊ THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN TUẦN QUA

Phòng Nghiên cứu VIETSTOCK
FINFONET



Xem bài viết: Chứng khoán Tuần 26 - 30/03: Áp lực chốt lời tăng mạnh!