“Đo sức khoẻ” nền kinh tế qua các chỉ số
Biểu hiện ở nhập siêu tháng 3 giảm mạnh không phải do xuất khẩu tăng đã phần nào cho thấy "sức đề kháng” của doanh nghiệp còn hạn chế...
Nhập siêu giảm: chưa vội mừng
Tổng cục Thống kê cho biết, mức nhập siêu tháng 3 tăng nhẹ, uớc khoảng 150 triệu USD. Đối sánh với số liệu nhập siêu tháng 2 là 279 triệu USD cho thấy, tình hình nhập siêu tháng 3 có những dấu hiệu khả quan nhất định. Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu tháng 3 - 2012 ước đạt 9,15 tỷ USD, tăng 10,2% so với tháng trước; nhập khẩu ước 9,3 tỷ USD, tăng tương ứng khoảng 8,4%. Như vậy, nhập siêu trong quý 1-2012 với khoảng 251 triệu USD, bằng khoảng 7,2% so với cùng kỳ. Mặc dù nhập siêu giảm nhưng cũng cho thấy nỗ lực của các bộ ban ngành trong việc kìm nhập siêu, cố gắng cân bằng cán cân thương mại. Nhưng đó chưa phải là tất cả, bởi từ đây phát ra tín hiệu: Sản xuất xuất khẩu sẽ gặp khó khăn.
Đi tìm căn nguyên mới thấy, chìa khóa khiến nhập siêu tháng 3 giảm nằm ở điểm đáng chú ý: kim ngạch nhập khẩu các mặt hàng bông, sợi dệt, vải trong tháng 3 đều giảm mạnh ở mức 2 con số, trong đó nhập khẩu bông giảm tới 36,6% so với cùng kỳ, ngoài ra nhập khẩu ô tô giảm 32,4%, xăng dầu giảm gần 20%, xe máy giảm 9,3%... Bình thường nhập siêu giảm là do xuất khẩu tăng, nhưng hoàn cảnh hiện nay lại hoàn toàn khác. Để làm hàng xuất khẩu, doanh nghiệp phải nhập khẩu nguyên phụ liệu. Tương quan nhập khẩu nguyên phụ liệu ít cho thấy tốc độ sản xuất hàng để xuất khẩu cũng giảm. Các doanh nghiệp dệt may không muốn mua thêm nguyên liệu trong khi chưa ký được hợp đồng mới, chưa tìm được đơn hàng sản xuất cho thời gian tới. Theo thống kê từ các doanh nghiệp hội viên của Hiệp hội Dệt May Việt Nam (Vitas), lượng hàng dệt may xuất khẩu sang thị trường EU từ đầu năm đến giữa tháng 3-2012 đã giảm từ 25% - 30% so với cùng thời điểm năm 2011.
Đại diện một công ty may ở Nam Định cho biết, dù chưa có hợp đồng nào bị hủy trong thời điểm này, nhưng phía đối tác có đề nghị giảm lượng hàng đã đặt. Điều này ảnh hưởng không nhỏ tới nhu cầu mua nguyên liệu của doanh nghiệp. So với cùng kỳ thị trường đang có tín hiệu đình trệ. Thống kê từ Vụ Xuất Nhập khẩu cho thấy, hiện chỉ có khoảng 10% doanh nghiệp dệt may lớn có đơn đặt hàng đến hết quí III-2012. Chỉ riêng tháng 1 vừa qua, vải dệt sợi tổng hợp hoặc sợi nhân tạo giảm 22% so với cùng kỳ, quần áo may sẵn cho người lớn phục vụ nhu cầu xuất khẩu cũng giảm 10,9%.
Doanh nghiệp sản xuất xuất khẩu đang đình đốn. Dù điều này đã đuợc dự báo truớc nhưng vẫn gây sốc cho toàn ngành công nghiệp nói chung. Hiện nay công nghiệp Việt Nam đóng góp 34% vào GDP, cho nên tốc độ tăng trưởng của ngành này nếu như sụt giảm sẽ làm ảnh hưởng đáng kể đến tốc độ tăng trưởng GDP của cả nước. Theo nhận định của các chuyên gia kinh tế thế giới, năm 2012 là năm khó khăn chung của nền kinh tế toàn cầu. Nền kinh tế Việt Nam nói chung và công nghiệp nói riêng cũng không ngoài xu hướng đó.
Một góc cạnh khác nghiêm trọng hơn cũng lộ mảng lớn: "Sức khỏe” của các doanh nghiệp cũng đang yếu đi do không có vốn, nhiều lao động có năng lực bỏ việc dần và những khó khăn nội tại khác về quản trị đang có xu hướng bộc lộ.
"Bão phá sản” ở cấp độ nguy hiểm
Theo số liệu dẫn từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư, lũy kế từ đầu năm đến ngày 21-3-2012, cả nước có trên 15.300 doanh nghiệp thành lập mới với tổng số vốn đăng ký khoảng 74.600 tỷ đồng, giảm 8% về số lượng doanh nghiệp và giảm 12% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2011.
Cũng theo thống kê của Bộ này, có trên 2.200 doanh nghiệp đã làm thủ tục giải thể và khoảng trên 9.700 doanh nghiệp đăng ký ngừng hoạt động có thời hạn hoặc dừng thực hiện các nghĩa vụ thuế. Như vậy, số doanh nghiệp gặp khó khăn phải giải thể, tạm ngừng hoạt động tăng khoảng 6% so với cùng kỳ năm trước. Riêng số doanh nghiệp đã hoàn tất thủ tục giải thể tăng 57%.
Các chuyên gia nhận định với tình hình lãi suất thấp khó tiếp cận, trong khi vốn tự có lại thấp, gặp tổng cầu giảm thì "sức khoẻ” của các doanh nghiệp phải đi xuống 60%. Điển hình, ngành da giày đang phải đối mặt với việc sụt giảm đơn hàng ngay từ những tháng đầu năm, một số doanh nghiệp có đơn hàng giảm từ 30 – 40%, do sức tiêu thụ tại các thị trường xuất khẩu giảm; đồng thời bị ảnh hưởng bởi tình trạng thiếu lao động, yếu tố đầu vào tăng cao... nên doanh nghiệp cũng đắn đo khi nhận đơn hàng.
Đặc biệt nghiêm trọng hơn là việc phá sản hàng ngàn doanh nghiệp còn liên quan đến sinh kế kiếm ăn của hàng ngàn nguời lao động khác nhau. Nếu xác định doanh nghiệp nhỏ và vừa là khu vực quan trọng để xóa đói giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội thì hồi chuông về thiếu việc làm trở nên trầm trọng hơn.
TS.Nguyễn Đình Cung, Phó Viện truởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho rằng, những khó khăn trong năm không những sẽ làm hạn chế mở rộng đầu tư của các doanh nghiệp mà còn làm các doanh nghiệp "co cụm”. Cùng với xu hướng tiết giảm tiêu dùng sẽ khiến tổng cầu trong nước giảm, doanh nghiệp không tiêu thụ đuợc hàng, chỉ số tồn kho cao. Do vậy, theo ông Cung, Chính phủ cần chú ý đến giải pháp kích cầu tiêu dùng, kiểm soát chặt chẽ, ngăn chặn nguy cơ hàng hóa sẵn sàng từ thị trường bên ngoài đổ vào. Trong nước, các doanh nghiệp cần tiết giảm chi phí, hạ giá thành, nâng cao chất lượng sản phẩm, kích thích tiêu dùng trong nước. Cái khó nhất là làm sao cho thị trường hàng hóa năm nay cho dù không sôi động, nhưng cũng duy trì được ở mức ổn định.
Thuý Hằng
Đại đoàn kết



Xem bài viết: “Đo sức khoẻ” nền kinh tế qua các chỉ số