Góc nhìn Nhà đầu tư
SHN có nguy cơ phá sản: Lỗ hổng cơ chế?
Rủi ro ẩn mặt suốt 9 tháng trời (từ tháng 6/2011) đã lộ diện, SHN đang đứng bên bờ vực phá sản vì đã bị ông Nguyễn Anh Quân – TGĐ CTCP Beta-BQP (Beta) chiếm dụng hết vốn chủ sở hữu và bỏ trốn ra nước ngoài. Ngẫm xa hơn, có thể đây là hệ quả của những cơ chế đi kèm mà ở đó người có quyền lực chi phối doanh nghiệp lại hoàn toàn không đủ tâm và tầm.
Điều tất yếu này sẽ xảy ra, có điều xảy ra với đơn vị nào và vào thời điểm nào mà thôi. Điều làm thị trường kinh ngạc là sự phá sản đến với đơn vị mà ngay hôm qua “còn có lãi và vẫn được magin”. Kinh ngạc hơn khi lần này mọi rủi ro được dành trọn cho nhà đầu tư (NĐT) vì các lãnh đạo công ty, những người chịu trách nhiệm gây nên bi kịch này đã có thời gian quá dài (9 tháng) để thoái sạch vốn.
Nếu không phân tích kỹ hiện tượng tại CTCP Đầu tư Tổng hợp Hà Nội (HNX: SHN), tìm ra nguyên nhân để khắc phục thì thị trường sẽ chịu ảnh hưởng tiêu cực, NĐT chùn tay trước nỗi lo rủi ro không biết ập đến bất cứ lúc nào.
Ngẫm lại, mỗi sự việc xảy ra đều tuân theo quy luật nhân quả. Sự kiện SHN là điều sẽ đến với thị trường vì nó là hệ quả của những luật lệ và cơ chế đi kèm.
Lấy dẫn chứng trong Điều 110 Luật Doanh nghiệp 2005 (khoản 1.b). Điều này cho phép người có trình độ chuyên môn đủ tiêu chuẩn được làm thành viên Hội đồng quản trị mà không đặt ràng buộc tiêu chuẩn góp vốn. Như vậy, HĐQT, cơ quan có quá nhiều quyền lực, có thể nằm trong tay những người ít vốn, dẫn đến vì lợi ích của cá nhân mà quên đi quyền lợi của toàn công ty. Hay ngay cả khi HĐQT có sở hữu cổ phiếu, khi hiểu rằng công ty phải đương đầu với phá sản, chắc chắc họ sẽ thoái vốn mà không bị mất chức, tạo cơ hội cho những NĐT chân chính sẽ lãnh trọn rủi ro này.
Cũng theo Điều 108.g Luật Doanh nghiệp, HĐQT được trao quyền quá lớn, họ được phép quyết định những khoản đầu tư trên 50% tổng tài sản của công ty. Với quy định này, rủi ro mất sạch vốn, phá sản là hiện hữu khi HĐQT quyết định những phương án phiêu lưu, mạo hiểm mà không thẩm tra kỹ lưỡng.
Một điều quan trọng không thể bỏ qua là cơ chế giám sát hoạt động các CTCP còn quá lỏng lẻo. Hiện chưa có cơ quan quản lý Nhà nước rõ ràng, cụ thể để quản lý việc tuân thủ luật pháp tại các công ty này. Trong Luật Doanh nghiệp, vấn đề này còn khá mơ hồ, chủ yếu dựa vào phán quyết của Tòa kinh tế mà nguyên đơn là số lớn cổ đông. Với trường hợp SHN, công ty đã cho ông Nguyễn Anh Quân vay tiền trong khi bản thân doanh nghiệp này không phải là tổ chức tín dụng (Tổ chức tín dụng sẽ bị ràng buột bới những quy định về cho vay như có thế chấp từ Ngân hàng Nhà nước)…
Về phía UBCK, cơ quan trực tiếp quản lý, giám sát hoạt động chứng khoán và thị trường chứng khoán vẫn chưa thể hiện đúng chức năng của mình. Cụ thể, cơ quan này vẫn chưa có bộ phận phân tích chuyên nghiệp và hiệu quả để phát hiện các rủi ro còn ẩn mặt nhằm cảnh báo NĐT cũng như có các biện pháp cần thiết (như tạm ngưng giao dịch) đối với những trường hợp đặc biệt. Có thể thấy, quản trị rủi ro hiện nay của UBCK còn mang tính danh nghĩa, kiểm tra sau báo cáo nên thiếu giá trị thực tế và kịp thời trong một số trường hợp.
Sau cùng, luật pháp nên quan tâm đến những trường hợp phạm luật của HĐQT, nhất là điều khoản thiếu tinh thần trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng. Trường hợp SHN, HĐQT công ty đã thiếu trách nhiệm trong khâu kiểm tra trước cho vay, cho vay không thế chấp với số tiền lên đến hơn 300 tỷ đồng cho một đơn vị chỉ có vỏn vẹn 20 tỷ đồng vốn điều lệ.
Tin bài liên quan:
* SHN: 6,000 cổ đông “ngóng” động thái từ Bộ Quốc Phòng?
* SHN: Dấu hỏi về khoản nợ 350 tỷ đồng
* SHN khởi kiện BETA Bộ Quốc Phòng ra tòa
* SHN: Không đòi được 340 tỷ đồng nợ, cầu cứu Bộ Quốc phòng
* SHN quyết đòi nợ Beta
Nguyễn Đình Dũng (Vietstock)
Finfonet



Xem bài viết: SHN có nguy cơ phá sản: Lỗ hổng cơ chế?