TS. Cao Sỹ Kiêm: Giảm lãi suất - Hiệu ứng “kép”
Việc hạ mặt bằng lãi suất 1% sẽ tạo ra những yếu tố làm chuyển biến nền kinh tế, tạo hiệu ứng “kép”: vừa góp phần làm kiềm chế lạm phát vừa đảm bảo tăng trưởng kinh tế hợp lý.
Xung quanh vấn đề này, phóng viên Cổng TTĐT Chính phủ đã có cuộc trao đổi với TS. Cao Sỹ Kiêm, nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, về những tác động của việc hạ lãi suất 1% đối với người dân, doanh nghiệp và các tổ chức tín dụng.
Kịp thời và hợp lý
TS.Cao Sỹ Kiêm cho rằng, việc hạ lãi suất rất kịp thời và hợp lý bởi thời điểm hiện nay xuất hiện những yếu tố thuận lợi đặc biệt là 2 chỉ tiêu quan trọng là lạm phát đang giảm và thanh khoản của các ngân hàng đã được cải thiện hơn.
Việc giảm 1% tất cả các loại lãi suất, đặc biệt là lãi suất tái cấp vốn thị trường mở và lãi suất tiền gửi có khả năng thực thi được ngay, sẽ giúp các doanh nghiệp tiếp cận dễ dàng hơn với nguồn vốn rẻ. Từ đó giữ công ăn việc làm, tạo thêm sức mua và tăng thêm thu nhập. Hai yếu tố trên vừa góp phần kiềm chế lạm phát vừa góp phần vào tăng trưởng. Điều đó sẽ tạo yếu tố mới, động lực mới để tiếp tục có những bước sau giảm lãi suất và để cuối năm nay thực hiện mục tiêu là lãi suất khoảng 14%/năm cho vay và 10-12%/năm tiền gửi.
Nhưng quan trọng hơn, theo TS.Cao Sỹ Kiêm, là có yếu tố về lòng tin của người dân và doanh nghiệp vào các biện pháp về giảm lạm phát đã mang lại hiệu quả, giúp doanh nghiệp có động lực thực hiện tốt hơn sản xuất kinh doanh, người dân yên tâm gửi tiền vào ngân hàng.
Lộ rõ ngân hàng mạnh, yếu
Đối với ngân hàng, theo TS.Cao Sỹ Kiêm, khi hạ lãi suất, việc huy động tiền gửi được thực hiện một cách công bằng hơn giữa các ngân hàng và tiền gửi vào đều hơn. Thứ hai, khi hạ lãi suất kể cả tiền vay thì huy động vốn của các ngân hàng trong các đối tượng sẽ tăng lên. Thứ ba là bản thân ngân hàng cũng không muốn cho vay ở mức lãi suất cao vì đi kèm với rủi ro nợ xấu.
TS.Cao Sỹ Kiêm nhấn mạnh đến việc khi Ngân hàng Nhà nước chính thức hạ lãi suất 1% thì làm lộ rõ ngân hàng mạnh, ngân hàng yếu, có chất lượng hay không chất lượng, có quản lý tốt hay không.
“Điều này là cần thiết vì sẽ đảm bảo phản ánh chính xác sự công bằng và thực chất của các ngân hàng. Trên cơ sở đó để có biện pháp chỉ đạo sát hơn và làm cơ sở để sắp xếp chính xác hơn, có biện pháp xử lý thích hợp hơn đối với mỗi ngân hàng, đặc biệt là những ngân hàng yếu kém.”, TS.Cao Sỹ Kiêm nói
Không lơ là kiềm chế lạm phát
TS.Cao Sỹ Kiêm cho biết, đối với người dân, khi giảm lãi suất, lạm phát giảm thì họ luôn đồng tình, quan trọng là đảm bảo lãi suất thực dương. Bởi nếu thiệt quá thì người dân sẽ cất tiền ở nhà hoặc đầu tư vào những lĩnh vực không sinh lời, hoặc rủi ro cao.
Theo TS.Cao Sỹ Kiêm, mục tiêu chung của chúng ta là kiềm chế lạm phát mới ổn định được tình hình kinh tế vĩ mô. Lạm phát giảm thì sức mua tăng lên, doanh nghiệp kinh doanh thuận lợi và tiêu thụ hàng hóa tốt hơn. Điều đó rất có lợi kể cả cho doanh nghiệp và cho ngân hàng.
Theo nhận định của TS.Cao Sỹ Kiêm, bước vào năm 2012, ngay từ những tháng đầu năm, Chính phủ đã có những biện pháp quyết liệt, đồng bộ, tập trung nhằm kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và đảm bảo an sinh xã hội. Mặc dù có những “độ trượt”, có một số chỉ tiêu không bằng năm ngoái như: huy động tiền gửi và cho vay thấp hơn, số doanh nghiệp ngừng trệ sản xuất, đình đốn sản xuất chưa giảm. Đó là những độ trượt của năm 2011 chuyển sang.
Những kết quả đã đạt được từ những chỉ đạo rất sát sao, kịp thời của Chính phủ đã mang lại bức tranh sáng cho phát triển kinh tế, xã hội năm 2012. Tình hình chắc chắn sẽ tốt hơn, đặc biệt là quý II, III/2012 dần đi vào nề nếp trên cơ sở chúng ta thực hiện được những mục tiêu đề ra. Nếu đạt chỉ tiêu tăng trưởng GDP từ 6-6,5%, lạm phát giảm xuống 9-10% sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc thực hiện chương trình, kế hoạch những năm sau.
TS.Cao Sỹ Kiêm khẳng định, bằng những biện pháp vĩ mô, ngắn hạn, dài hạn, đặc biệt những biện pháp tình thế kịp thời, quyết liệt, biện pháp dài hạn được chuẩn bị kỹ lưỡng tình hình kinh tế xã hội ngày càng phát triển.
Mai Chi
Chính phủ



Xem bài viết: TS. Cao Sỹ Kiêm: Giảm lãi suất - Hiệu ứng “kép”