Nhận định và bình luận thị trường chứng khoán Việt Nam
  • Thông báo


    + Trả lời Chủ đề
    Kết quả 1 đến 10 của 10
    1. #1
      Ngày tham gia
      Feb 2010
      Bài viết
      18
      Được cám ơn 0 lần trong 0 bài gởi

      Mặc định Nhận định và bình luận thị trường chứng khoán Việt Nam

      Cần nhiều động lực hơn để duy trì đà tăng điểm ngắn hạn

      Nhận định cho phiên giao dịch ngày 04/02, chúng tôi cho rằng thị trường có thể sẽ có một phiên giao dịch trong biên độ hẹp. Những dấu hiệu tích cực trên thị trường tiền tệ và việc mua ròng của khối ngoại tiếp tục là những thông tin hỗ trợ cho thị trường. Tuy vậy, chúng tôi e ngại về các động lực của thị trường trong 2 phiên cuối tuần này và cho tuần sau. Nói cách khác, VN-Index sẽ cần nhiều chất xúc tác hơn để có thể duy trì đà tăng điểm như 4 phiên vừa qua. Và ngày mai, VN-Index có thể sẽ có một phiên thử thách khi tiệm cận mốc 500 điểm.
      NHẬN ĐỊNH THỊ TRƯỜNG NGÀY 04/02/2010

      Đêm qua, chứng khoán châu Âu và Mỹ đã có một phiên giao dịch khởi sắc nhờ báo cáo kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp lớn khả quan. Số liệu kinh tế công bố như doanh số nhà chờ bán của Mỹ, PMI của Anh… tích cực cũng đã làm yên lòng các nhà đầu tư. Các chỉ số chứng khoán đều tăng quanh mức 1%. Hôm nay, một số chỉ số kinh tế như chỉ số PMI của châu Âu, doanh số bán lẻ… mới được công bố cũng cho kết quả khả quan hơn dự báo.

      Sáng nay, chứng khoán châu Á cũng đã có phiên tăng điểm trở lại, CSI 300 của Trung Quốc tăng 2.69%, Hang Seng của Hồng Kông tăng 2.22%. Điều này cho thấy lòng tin của nhà đầu tư đã trở lại. Sau 2 tuần liên tục giảm, giá cả các hàng hóa cũng đang tăng trở lại trước viễn cảnh lạc quan của các nền kinh tế.

      Hôm nay, lợi suất trái phiếu giao dịch trên thị trường giảm nhẹ ở tất cả các kỳ hạn, mặc dù giá trị giao dịch vẫn đứng ở mức thấp (250 tỷ đồng). Lợi suất trái phiếu đang giảm cho thấy những căng thẳng tín dụng và lãi suất đang có chiều hướng dịu lại. Nhiều khả năng thanh khoản của hệ thống ngân hàng sau Tết âm lịch sẽ bớt nóng và lãi suất có thể sẽ không tiếp tục tăng liên tục như thời gian vừa qua.


      Ngày 04/02/2010, Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội sẽ tổ chức đấu thầu 1,000 tỷ đồng trái phiếu Chính phủ kỳ hạn 2 và 5 năm do Kho bạc Nhà nước phát hành. Giới tài chính đang theo dõi đợt đầu thấu trái phiếu này. Nếu 1,000 tỷ đồng trái phiếu này được đấu thầu thành công với lãi suất hợp lý, thì đây sẽ là một tín hiệu tốt cho thị trường. Ngược lại, nếu vẫn thất bại như những đợt gần đây, thì điều này sẽ phát đi thông điệp rằng tình hình lãi suất trong thời gian tới là chưa thể bình lặng. Được biết, những trái phiếu cùng kỳ hạn với đợt đấu thầu này đang được giao dịch trên thị trường với mức lợi suất hơn 12%.


      Thị trường chứng khoán Việt Nam hôm nay có thêm một phiên khởi sắc nhiều hơn mong đợi. VN-Index tăng khá mạnh 1.55% lên mức 495.48 điểm. Đây là phiên thứ 4 liên tiếp VN-Index tăng điểm. Trong khi đó, HNX-Index cũng được hưởng lợi và tăng 0.63% sau khi giảm nhẹ vào phiên trước đó.


      Giá trị giao dịch trên cả sàn đều tăng, mặc dù khối lượng giảm so với phiên hôm qua. Giao dịch trên thị trường diễn ra giằng co khá quyết liệt, và các cổ phiếu đều tăng trong biên độ hẹp.

      Phiên giao dịch ngày 03/02, khối ngoại tiếp tục mua ròng khá mạnh với giá trị hơn 240 tỷ đồng trên HoSE, tập trung vào các mã cổ phiếu VNM, FPT, SSI, HAG, SJS… Như vậy, trong suốt 18 phiên giao dịch gần đây khối ngoại đều mua ròng, trong khi lực mua từ nhà đầu tư trong nước có dấu hiệu nghỉ ngơi.
      Nhận định cho phiên giao dịch ngày 04/02, chúng tôi cho rằng thị trường có thể sẽ có một phiên giao dịch trong biên độ hẹp. Những dấu hiệu tích cực trên thị trường tiền tệ và việc mua ròng của khối ngoại tiếp tục là những thông tin hỗ trợ cho thị trường. Tuy vậy, chúng tôi e ngại về các động lực của thị trường trong 2 phiên cuối tuần này và cho tuần sau. Nói cách khác, VN-Index sẽ cần nhiều chất xúc tác hơn để có thể duy trì đà tăng điểm như 4 phiên vừa qua. Và ngày mai, VN-Index có thể sẽ có một phiên thử thách khi tiệm cận mốc 500 điểm.

      PHÂN TÍCH KỸ THUẬT


      VN-Index sẽ test lại SMA 20 vào 04/02

      Bollinger Bands không bung mạnh ra mà vẫn tiếp tục co thắt mạnh hơn nữa. Điều này cho thấy VN-Index đang đi vào giai đoạn nhạy cảm khi mà giá có thể sắp có biến động khá mạnh trong những phiên sắp tới.

      Parabolic SAR đang ở rất gần bên trên đường giá

      Khoảng cách giữa indicator này và đường giá hiện tại chỉ còn khoảng 5 điểm và một tín hiệu mua xuất hiện vào cuối tuần là hoàn toàn có thể xảy ra. MACD cũng đang hứa hẹn cho một tín hiệu lạc quan tương tự. Tuy nhiên, nhà đầu tư cũng nên thận trọng vì vùng 500 – 510 là vùng có khá nhiều mức cản trong ngắn hạn và sự báo hiệu của Fibonacci Zones số 7 cũng góp phần cho thấy failure của tháng 11/2009 hoàn toàn có thể lặp lại.

      THỐNG KÊ THỊ TRƯỜNG NGÀY 03/02/2010

      Thống kê chỉ số VN-Index và HNX-Index

      Giao dịch nhà đầu tư nước ngoài
      Thống kê giao dịch cổ phiếu tiêu biểu

      Một số Chỉ số chứng khoán thế giới lúc 18h30 (giờ Hà Nội)
      Hồ Bá Tình – Nguyễn Quang Minh

      Theo DautuCK.com - Trao niềm tin, nhận giá trị
      Theo DautuCK.com - Trao niềm tin, nhận giá trị
      Bạn có thể xem các khuyến nghị giao dịch và phân tích thị trường chứng khoán Việt Nam của các tổ chức và chuyên gia uy tín được cập nhật từng phút trên website DautuCK.com DautuCK.com có hỗ trợ khi xem trên điện thoại di động.

    2. #2
      Ngày tham gia
      Feb 2010
      Bài viết
      18
      Được cám ơn 0 lần trong 0 bài gởi

      Mặc định

      Bình luận kết quả kinh doanh 2009

      Công ty Chứng khoán Sài Gòn (SSI) vừa có báo cáo bình luận về kết quả kinh doanh 2009 của CTCP Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ), CTCP Hùng Vương (HVG) và Tổng công ty Phát triển đô thị Kinh Bắc (KBC).

      CTCP Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ: HOSE)


      PNJ đã công bố kết quả kinh doanh năm 2009. Theo đó, tổng doanh thu là 10.240 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế là 219,56 tỷ đồng.

      Như vậy, tăng trưởng doanh thu năm qua là 143.57% và tăng trưởng lợi nhuận sau thuế là 66.51%. Các nhân tố giúp PNJ có được tăng trưởng vượt bậc trong năm qua gồm có:

      - Giá vàng (theo VNĐ) tăng 51,12% trong năm 2009. Điều này giúp tỷ suất lợi nhuận gộp của mảng trang sức vàng (phần đóng góp chính vào thu nhập của PNJ) tăng mạnh từ 7,5% năm 2008 lên khoảng 13% năm 2009.


      - Doanh thu từ trang sức bạc tăng khoảng 25% và lợi nhuận tăng xấp xỉ 2 lần. Có 2 nguyên nhân chính: (1) Giá bạc tăng 54.54% năm qua, và (2) giá vàng đã đạt tới mức mà làm suy giảm cầu cho trang sức vàng. Vì vậy, người tiêu dùng chọn bạc như là một sự thay thế.


      - Doanh thu từ xuất khẩu vàng và vàng miếng là nhân tố chính giúp PNJ có được doanh thu đột biến trong năm 2009.


      PNJ đặt kế hoạch tăng trưởng lợi nhuận năm sau là 30%. Theo chúng tôi, đây là một kế hoạch tăng trưởng quá lạc quan. Lý do chính là tỷ suất lợi nhuận năm sau dự đoán là sẽ giảm, do các nhân tố hỗ trợ trong năm 2009 như đã nói ở trên sẽ không còn mạnh mẽ nữa bước sang năm 2010. Chúng tôi sẽ có phân kỹ hơn về triển vọng của PNJ trong 2010 sau khi Công ty công bố báo cáo tài chính.

      Với mức PE dự kiến 2010 khoảng 10,9x, chúng tôi giữ quan điểm trung lập về cổ phiếu PNJ.

      CTCP Hùng Vương (HVG: HOSE)


      CTCP Hùng Vương (HVG) vừa công bố kết quả kinh doanh cả năm 2009, trong đó mức lợi nhuận thuần đạt 357 tỷ đồng, tăng 117% năm 2008, trong khi mức doanh thu đạt 3.084 tỷ đồng, chỉ tăng 3,35% so với cùng kỳ.

      Trên thực tế họat động sản xuất kinh doanh chính của Công ty gặp nhiều khó khăn so với năm ngoái, mặc dù vẫn giữ được tăng trưởng doanh thu nhưng việc giá xuất khẩu giảm đã khiến lợi nhuận từ họat động sản xuất kinh doanh của Công ty chỉ đạt 286 tỷ đồng, giảm tới 32% so với cùng kỳ.

      Việc tiến hành thanh lý các khoản đầu tư tài chính (dẫn tới việc hoàn nhập dự phòng khỏang 253 tỷ VND) là nguyên nhân chính giúp Công ty có tăng trưởng lợi nhuận.


      Khó khăn về vốn lưu động của Công ty vẫn còn, khi mà các khoản phải thu duy trì ở mức cao, mặc dù có có xu hướng chững lại trong quý IV sau khi tăng mạnh trong các quý trước, và Công ty cũng không tiến hành trích lập dự phòng cho các khoản này.


      Lượng tiền mặt còn lại của Công ty có tăng so với năm 2008 (từ 80 tỷ đồng lên 107 tỷ đồng). Trong năm 2010, HVG có thể sẽ vẫn tiếp tục giữ vững vị thế dẫn đầu trong ngành xuất khẩu cá tra, và có khả năng tăng trưởng cả về doanh thu và lợi nhuận, một phần nhờ sự phục hồi của nhu cầu tiêu thụ, một phần nhờ việc HVG sẽ tiến hành nâng mức sở hữu tại các công ty liên kết lên mức khống chế để có thể hạch toán hợp nhất.


      Tổng công ty Phát triển đô thị Kinh Bắc (KBC: HOSE)


      Theo thông báo gần đây nhất của KBC, Công ty đạt tổng doanh thu gần 1.050 tỷ đồng, tăng 21,9% so với năm ngoái. Lợi nhuận sau thuế đạt 614 tỷ đồng tăng 2,2 lần so với 2008.

      Bên cạnh đó, ngoài doanh thu chủ yếu, KBC còn có hơn 1.050 tỷ đồng doanh thu từ hoạt động khác và hơn 330 tỷ đồng doanh thu tài chính trong cả năm 2009. Tuy nhiên, Công ty cũng phải chịu khoản lỗ rất lớn từ việc đầu tư vào các công ty con, công ty phụ thuộc lên tới gần 600 tỷ đồng và điều này làm giảm đáng kể nguồn thu của KBC.

      Mức đầu tư tài chính dài hạn của KBC trong cả năm 2009 chiếm tới hơn 38% tài sản của KBC. Tuy nhiên, những khoản đầu tư này xem ra khó dự báo được kết quả trong điều kiện thị trường biến động như ở Việt Nam.


      KBC vẫn chưa giải quyết được khoản phải thu rất cao trong năm 2009. Điều này có thể gây nhiều khó khăn trong trường hợp kinh tế vĩ mô ảm đạm hơn trong 2010 xét tới chính sách tiền tệ suy giảm, thanh khoản thị trường bất động sản căng thẳng đặc biệt ở phân khúc nhà cao cấp.


      Ngoài ra, hoạt dộng chính của KBC cũng lệ thuộc nhiều vào dòng FDI. Xét kinh tế toàn cầu và ở các nước phát triển, dòng FDI vào Việt Nam sẽ mất thời gian nữa để quay lại thời điểm cao trào, và điều này lại có thể gây ra khó khăn cho hoạt động chính của KBC.

      Với nhiều dự án ở miền Bắc cần vốn, KBC có thể phải gọi thêm nhiều nguồn vốn bên ngoài vào trong thời gian tới.

      Xét tới thời điểm này, dòng tiền ròng của KBC dương là từ việc vay được nhiều tiền lên tới gần 3.800 tỷ trong Quý IV/2009. Điều này có thể gây ra áp lực chi phí lãi vay cho KBC vì tỷ lệ nợ trên vốn CSH của KBC hiện tại đã là 1,8 lần.


      Nói chung, năm 2009 là năm tốt lành của KBC khi Công ty vượt qua năm trước và vượt qua kế hoạch đặt ra. Tuy nhiên, xét trong khung cảnh 2010, nhiều khó khăn trước mắt đối với KBC để đạt được kết quả như 2010.


      Ít nhất có nhiều rủi ro giảm hoạt động kinh doanh chính của KBC như chính sách tiền tệ thắt chặt, rủi ro thanh toán, rủi ro thanh khoản thị trường BĐS. Bên cạnh đó, KBC có thể khó thực hiện tốt hoạt động đầu tư tài chính và hoạt đông khác như năm 2009, nên để đạt được kết quả tốt như 2009 sẽ có thể là một thách thức không nhỏ với KBC trong 2010.


      Theo DautuCK.com - Trao niềm tin, nhận giá trị
      Last edited by billstock; 04-02-2010 at 04:05 PM.
      Theo DautuCK.com - Trao niềm tin, nhận giá trị
      Bạn có thể xem các khuyến nghị giao dịch và phân tích thị trường chứng khoán Việt Nam của các tổ chức và chuyên gia uy tín được cập nhật từng phút trên website DautuCK.com DautuCK.com có hỗ trợ khi xem trên điện thoại di động.

    3. #3
      Ngày tham gia
      Feb 2010
      Bài viết
      18
      Được cám ơn 0 lần trong 0 bài gởi

      Mặc định

      Cổ phiếu CTCK: khi nào mua, khi nào bán?

      Chiến lược đầu tư với các cổ phiếu chứng khoán là khá rõ ràng. Mua khi xu hướng tăng hình thành, nhưng cần thoát ra ngay khi xu hướng giảm bắt đầu.

      CTCK Âu Việt vừa đưa ra báo cáo nhận định về nhóm cổ phiếu của các CTCK đang niêm yết trên hai sàn giao dịch HOSE và HNX.


      Theo AVSC, mặc dù chỉ có 10 mã cổ phiếu, chiếm 2,1%, trong tổng số 476 mã cổ phiếu và chứng chỉ quỹ đang giao dịch trên cả 2 sàn HOSE và HNX nhưng do có nhiều mã trong nhóm mang tính chất dẫn dắt thị trường nên cổ phiếu của những công ty chứng khoán đã có ảnh hưởng không nhỏ đến diễn biến chung của thị trường trong thời gian qua.

      Biến động giá: tăng mạnh hơn và giảm nhẹ hơn thị trường (beta >1)

      Theo phân tích của AVSC dựa trên đồ thị giá, VN-SEC (cổ phiếu chứng khoán) khi tăng thì tăng mạnh hơn thị trường nhưng khi giảm thì lại giảm ít hơn nhiều.

      Như vậy nếu xét theo chiến lược đầu tư dài hạn thì việc nắm giữ những cổ phiếu chứng khoán sẽ cho kết quả lợi nhuận tốt và có thể tốt hơn cả những cổ phiếu thuộc nhóm ngành khác. Còn trong đầu tư ngắn hạn, nếu có thể xác định được điểm ra vào hợp lý thì lợi nhuận đạt được còn cao hơn rất nhiều lần.

      AVSC cũng nhận định, VN-SEC tỏ ra tăng rất nhanh và mạnh nếu so sánh với hai nhóm ngành khác cũng có tính dẫn đắt thị trường là VN-RLST (Cổ phiếu ngành bất động sản) và VN-BANK (Cổ phiếu ngành ngân hàng).


      Nhóm cổ phiếu ngân hàng thông thường chỉ dẫn dắt được thị trường trong giai đoạn đầu. Sau đó trở nên rất mờ nhạt và chuyển dần vai trò dẫn dắt sang cho cổ phiếu nhóm chứng khoán và cổ phiếu ngành bất động sản.


      “Chiến lược đầu tư với các cổ phiếu chứng khoán là khá rõ ràng. Mua khi xu hướng tăng hình thành, nhưng cần thoát ra ngay khi xu hướng giảm bắt đầu” – báo cáo của AVSC viết.

      Tiềm năng tăng trưởng trong tương lai là rất khả quan

      Theo phân tích kỹ thuật của AVSC, VN-SEC đang có sự giằng co tích lũy mạnh khi giảm chạm vùng hỗ trợ khá mạnh cả về ngắn hạn và dài hạn tại ngưỡng 33 – 32 điểm.

      “Mặc dù xu hướng tăng trở lại của VN-SEC nhìn chung vẫn còn một vài thách thức trong thời điểm hiện tại nhưng diễn biến của các cổ phiếu chứng khoán trong thời gian qua cho thấy tiềm năng tăng trưởng trong tương lai là rất khả quan” – AVSC nhận định.

      Lịch sử cũng đã nhiều lần cho thấy khi thị trường tăng trưởng ổn định và bền vững thì các cổ phiếu chứng khoán luôn nhận được sự quan tâm mạnh mẽ không chỉ của những nhà đầu tư trong nước mà còn từ các nhà đầu tư tổ chức, các quỹ và từ những nhà đầu tư nước ngoài.

      Vì vậy, trong giai đoạn thị trường tăng trưởng, các cổ phiếu chứng khoán luôn có đà tăng giá ấn tượng hơn các cổ phiếu thuộc những nhóm ngành khác.

      Việc VN-SEC giảm về vùng hỗ trợ mạnh đã khiến cho giá của các cổ phiếu chứng khoán đang quay về vùng giá hấp dẫn. Đây chính là cơ hội tốt cho nhà đầu tư cân nhắc việc giải ngân dần vào các cổ phiếu chứng khoán nếu VN-SEC vẫn giữ vững được vùng hỗ trợ này trong thời gian tới.


      Tuy nhiên AVSC cũng lưu ý nhà đầu tư rằng: ngưỡng hỗ trợ của VN-SEC có sự phụ thuộc khá cao với diễn biến của VN-Index. Trong trường hợp VN-Index đảo chiều thì ngưỡng hỗ trợ này vẫn có thể bị phá vỡ.


      Tuy nhiên trong trường hợp này nhà đầu tư không nên quá lo ngại vì tính thanh khoản của các cổ phiếu chứng khoán trên thị trường vẫn được đánh giá khá tốt.


      Theo DautuCK.com - Trao niềm tin, nhận giá trị
      Theo DautuCK.com - Trao niềm tin, nhận giá trị
      Bạn có thể xem các khuyến nghị giao dịch và phân tích thị trường chứng khoán Việt Nam của các tổ chức và chuyên gia uy tín được cập nhật từng phút trên website DautuCK.com DautuCK.com có hỗ trợ khi xem trên điện thoại di động.

    4. #4
      Ngày tham gia
      Feb 2010
      Bài viết
      18
      Được cám ơn 0 lần trong 0 bài gởi

      Mặc định

      Thị trường thích hợp cho mạo hiểm, tín hiệu dài hạn chưa dịch chuyển

      Trong 5 phiên gần đây, VN-Index chỉ phục hồi khá chậm rãi với mức tăng 4.75%. Giao dịch sút giảm làm cho việc lướt sóng kiếm lời ngắn hạn trở nên khó khăn hơn. Đợt phục hồi (ngắn hạn) này vẫn thích hợp cho những nhà đầu tư mạo hiểm và kiên nhẫn. Tuy vậy, chúng tôi vẫn chưa thấy sự dịch chuyển đáng kể nào đối với các tín hiệu dài hạn của thị trường.


      NHẬN ĐỊNH THỊ TRƯỜNG NGÀY 05/02/2010


      Chứng khoán châu Á hôm nay quay đầu giảm điểm sau khi tăng điểm khá mạnh vào phiên hôm qua. Giới đầu tư bán tháo cổ phiếu ở hầu hết các thị trường chính, do chịu nhiều tác động của phiên mất điểm tối qua của thị trường Mỹ và các quan ngại về triển vọng phục hồi của kinh tế châu Á.


      Tại Úc, doanh số bán lẻ và giá hàng hóa tháng 12/2009 cũng hạ thấp là một trong những nguyên nhân khiến thị trường chứng khoán nước này giảm điểm. Tại Nhật Bản, cổ phiếu của các nhà xuất khẩu tăng theo đà suy yếu của đồng Yên, nhưng thị trường bị kéo xuống khi cổ phiếu Toyota tiếp tục bị bán tháo.


      Chỉ số về hoạt động dịch vụ của Mỹ tháng 01/2010 có sự phục hồi nhẹ từ mức 49.8 lên 50.5, thấp hơn so với kỳ vọng. Trong một báo cáo mới được công bố, số việc làm khu vực tư nhân cắt giảm thấp hơn mức dự báo. Tuy vậy, giới đầu tư đang hướng sự quan tâm về báo cáo thất nghiệp tháng 01/2010 được công bố vào thứ Sáu tới. Hiện tại, tỷ lệ thất nghiệp Mỹ vẫn đang ở mức cao hơn 10%.


      Quyết định về lãi suất và các đánh giá kinh tế của Ngân hàng Trung ương châu Âu và Ngân hàng Trung ương Anh cũng thu hút nhiều chú ý. Giới đầu tư kỳ vọng lãi suất khu vực này sẽ không thay đổi.


      Thông tin đáng chú ý trong ngày hôm nay là phiên đấu thầu 1,000 tỷ đồng trái phiếu kho bạc đã tiếp tục không thành công. Tổng số tiền đăng ký hợp lệ chỉ có 700 tỷ đồng, trong đó kỳ hạn 5 năm chỉ có 100 tỷ đồng. Lãi suất đăng ký vượt xa lãi suất trần gọi thầu. Theo đó, lãi suất thấp nhất đặt thầu cho trái phiếu kỳ hạn 2 năm lên tới 11.7%, cao nhất đạt 14.5%, vượt xa mức trần là 10.2%. Mức lợi suất yêu cầu này cũng tương đương với trái phiếu cùng kỳ hạn giao dịch trong những phiên gần đây.


      Hôm nay, Bộ Tài chính cũng đề xuất lên Chính phủ 2 phương án tăng giá điện với mức tăng 10.7% hoặc 6.8% so với mức giá bình quân 2009. Như vậy đã có quan điểm khác nhau về việc tăng giá điện giữa Bộ Công thương và Bộ Tài chính. Bộ Công thương có phần nghiêng về phương án tăng giá điện 4.91% và tính toán theo phương án tăng giá điện này thì GDP giảm 0.2%, CPI tăng 0.1%. Trong khi đó, tính toán theo phương án thấp nhất của Bộ Tài chính thì CPI dự kiến tăng khoảng 0.23%, giá thành sản phẩm một số lĩnh vực, dịch vụ dự kiến tăng khoảng 0.09% – 2.28%.


      Thị trường chứng khoán Việt Nam tiếp tục có một phiên khởi sắc, khi chỉ số VN-Index chính thức vượt mốc 500 điểm sau 5 phiên tăng điểm nhẹ liên tiếp. Kịch bản giao dịch của ngày hôm nay cũng tương tự các phiên trước đó, khi thị trường tăng điểm về cuối phiên.


      Tính thanh khoản của thị trường gia tăng đột biến so với các phiên trở lại đây, với khối lượng giao dịch tăng 39% so với phiên giao dịch hôm trước. Dường như một số nhà đầu tư đứng ngoài quan sát trong thời gian qua đã quyết định tham gia thị trường trở lại, với kỳ vọng sẽ có cơ hội đầu tư T+. Chính điều này đã làm cho thị trường trở nên sôi động hơn.

      Đáng chú ý, nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục chuỗi ngày mua ròng với giá trị 291 tỷ đồng, nâng số phiên mua ròng lên 19 phiên liên tiếp. Tổng cộng 4 phiên trong tuần này, khối ngoại đã mua ròng 735 tỷ đồng.
      Trong 5 phiên gần đây, VN-Index chỉ phục hồi khá chậm rãi với mức tăng 4.75%. Giao dịch sút giảm làm cho việc lướt sóng kiếm lời ngắn hạn trở nên khó khăn hơn. Đợt phục hồi (ngắn hạn) này vẫn thích hợp cho những nhà đầu tư mạo hiểm và kiên nhẫn. Tuy vậy, chúng tôi vẫn chưa thấy sự dịch chuyển đáng kể nào đối với các tín hiệu dài hạn của thị trường.

      PHÂN TÍCH KỸ THUẬT


      VN-Index – Nhiều buy signal xuất hiện cùng lúc

      Như chúng tôi đã có đề cập trong các báo cáo trước, do khoảng cách quá ngắn giữa đường giá và Parabolic SAR nên với phiên tăng điểm ngày hôm nay, tín hiệu mua của chỉ báo này đã xuất hiện. Không chỉ riêng Parabolic SAR mà ngay cả MACD cũng cho tín hiệu mua cùng lúc.



      Có nên tiếp tục thận trọng?

      Thông thường sau khi đường giá phá vỡ được đường middle của Bollinger Bands cùng với sự co thắt lại của cận trên và cận dưới, giá sẽ bám theo đường cận trên và đi lên rất mạnh. Dựa vào đặc tính này và những buy signal khá rõ ràng kể trên, những nhà đầu tư mạo hiểm có thể bắt đầu mua vào.


      Tuy nhiên, chúng tôi vẫn bảo lưu quan điểm thận trọng cho đến khi nào các tín hiệu dài hạn có sự dịch chuyển đáng kể. Sự thận trọng này có thể khiến các nhà đầu tư mất đi một khoản lợi nhuận khá lớn (có thể lên đến 20% – 30% nếu như trend lên thực sự) nhưng nó sẽ đảm bảo rằng chúng ta sẽ không gặp phải một bull-trap kỹ thuật quá hoàn hảo như giai đoạn 11/11/2009 – 24/11/2009. Sự thận trọng vẫn nên được tiếp tục dù VN-Index có tăng thêm vài phiên nữa.




      THỐNG KÊ THỊ TRƯỜNG NGÀY 04/02/2010

      Thống kê chỉ số VN-Index và HNX-Index




      Giao dịch nhà đầu tư nước ngoài




      Thống kê giao dịch cổ phiếu tiêu biểu



      Một số chỉ số chứng khoán thế giới lúc 17h30 (giờ Hà Nội)




      Phan Khánh Hoàng – Nguyễn Quang Minh
      Last edited by billstock; 05-02-2010 at 10:28 AM.
      Theo DautuCK.com - Trao niềm tin, nhận giá trị
      Bạn có thể xem các khuyến nghị giao dịch và phân tích thị trường chứng khoán Việt Nam của các tổ chức và chuyên gia uy tín được cập nhật từng phút trên website DautuCK.com DautuCK.com có hỗ trợ khi xem trên điện thoại di động.

    5. #5
      Ngày tham gia
      Feb 2010
      Bài viết
      18
      Được cám ơn 0 lần trong 0 bài gởi

      Mặc định

      Chính sách tỷ giá: Tâm điểm vĩ mô 2010

      Năm 2009 có thể coi là năm “tiền tệ” tại Việt Nam. Tỷ giá USD/VND tăng mạnh, nhập siêu cao, lạm phát đứng trước áp lực tăng trở lại vào năm 2010, khan hiếm cục bộ USD, giá vàng sốt nóng, lãi suất ngân hàng lên kịch trần… Những hiện tượng này nói lên điều gì? Liệu các hiện tượng trên có lặp lại trong năm 2010? Các cơ quan quản lý cần lưu tâm gì trong chính sách tiền tệ trong năm 2010?

      Tỷ giá chính thức giữa USD và VND trong năm 2009 đã trải qua hai lần điều chỉnh, một lần vào tháng 3 (+2%) do tăng biên độ giao dịch từ 3% lên 5% và lần gần nhất là vào tháng 11 (+3,4%). Mặc dù sau mỗi lần điều chỉnh, tỷ giá chính thức đều lên kịch trần nhưng tỷ giá trên thị trường không chính thức (tỷ giá thị trường tự do) vẫn luôn nằm ngoài biên độ cho phép của Ngân hàng Nhà nước.

      Trên thực tế, điều này đã xảy ra từ đầu năm tới nay, cho thấy thị trường ngoại hối luôn căng thẳng.

      Nguyên nhân của tình trạng căng thẳng tỷ giá

      VND đã chịu sức ép giảm giá so với USD trong một thời gian dài. So với đầu năm 2007, VND đã tăng giá khoảng 20% so với USD tính theo tỷ giá hiệu dụng thực, trong đó nguyên nhân chính là do lạm phát (đo bằng CPI) ở Việt Nam trong hai năm 2007 và 2008 rất cao, lần lượt là 12,7% và 20%.

      Đáng lưu ý là trong năm 2009, mặc dù CPI ở mức thấp (6,52%) nhưng sức ép giảm giá VND vẫn được duy trì, lần này là do thâm hụt cán cân thanh toán. Nhìn vào số liệu, có thể thấy cán cân thanh toán của Việt Nam đã thặng dư lớn trong năm 2007 (+10,2 tỷ USD), tuy nhiên mức thặng dư này đã giảm mạnh trong năm 2008 (chỉ còn + 0,5 tỷ USD), và chuyển sang thâm hụt (-5,7 tỷ USD) trong ba quý đầu năm 2009.

      Câu hỏi cần được trả lời là những nguyên nhân nào làm cho tình trạng thâm hụt cán cân thanh toán ngày một trở nên trầm trọng?

      Đầu tiên, trạng thái nhập siêu nhẹ trong quý 1/2009 đã chuyển thành nhập siêu nặng trong quý 2 và quý 3 khi các biện pháp kích thích kinh tế được Chính phủ triển khai. Thực ra nguy cơ nhập siêu đã được cảnh báo từ trước khi thực hiện chính sách kích thích, lý do là vì cả hoạt động sản xuất và tiêu dùng của Việt Nam đều phụ thuộc rất nhiều vào nhập khẩu, thêm vào đó VND lại bị định giá cao so với USD nên hệ quả tất yếu (mặc dù không mong muốn) của những biện pháp kích thích tiền tệ và ngân sách là gia tăng nhập khẩu.

      Trong khi nhập khẩu tăng vọt từ mức trung bình 3,9 tỷ USD/tháng trong quý I lên 6,2 tỷ USD/tháng trong quý 3 thì xuất khẩu, kiều hối và các khoản mục khác lại giảm khiến cán cân tài khoản vãng lai chuyển từ thặng dư nhẹ (+0,12 tỷ USD) trong quý I sang thâm hụt nặng trong hai quý tiếp theo (lần lượt là -2,4 và -3,5 tỷ USD).
      Từ số liệu về cán cân thanh toán, có thế thấy rằng thâm hụt cán cân tài khoản vãng lai có thể được bù đắp gần như hoàn toàn bởi thặng dư trong nguồn vốn chính thức và tư nhân (bao gồm FDI, FPI và tín dụng thương mại). Điều này cũng có nghĩa là thâm hụt cán cân thanh toán của Việt Nam là do phần “không cơ bản” trong cán cân tài khoản tài chính gây ra.

      Vấn đề nằm ở chỗ trong phần “không cơ bản” này thì “sai số và thiếu sót” lại quá lớn, khiến việc giải thích tình trạng thâm hụt của cán cân thanh toán trở nên khó khăn. Một giả thuyết khả dĩ lý giải cho tình trạng này là do sự kết hợp giữa chính sách hỗ trợ lãi suất 4% của Chính phủ và kỳ vọng của thị trường.

      Khi doanh nghiệp được hỗ trợ lãi suất 4% thì giá vốn bằng VND đã giảm một cách đáng kể so với USD, khiến các doanh nghiệp thỏa mãn phần lớn nhu cầu vốn lưu động ngắn hạn bằng việc đi vay VND từ các ngân hàng thương mại. Bên cạnh đó, với lãi suất USD và vàng không thấp, cộng thêm với kỳ vọng giảm giá VND, tình trạng căng thẳng trên thị trường ngoại hối, và việc giá vàng liên tục leo thang khiến các doanh nghiệp càng có thêm động cơ để găm giữ USD và vàng.

      Nói cách khác, chính sách của nhà nước cùng với tâm lý của thị trường làm doanh nghiệp và hộ gia đình chuyển danh mục tiền tệ từ VND sang USD và vàng, được thể hiện rõ qua trạng thái nắm giữ VND giảm và USD tăng trong hệ thống ngân hàng thương mại.

      Hệ quả của chính sách tỷ giá và phản ứng


      Chính sách tỷ giá trong thời gian qua đã dẫn đến một số hệ lụy quan trọng.
      Thứ nhất, việc định giá VND cao so với USD trong một thời gian dài đã góp phần làm giảm năng lực cạnh tranh của hàng xuất khẩu, đồng thời khuyến khích nhập khẩu. Điều này được chứng minh bằng một thực tế là nhập siêu của Việt Nam tăng nhanh liên tục trong mấy năm trở lại đây, từ 2,8 tỷ USD trong năm 2006 lên 8,2 tỷ USD năm 2007 và 17,5 tỷ USD trong năm 2008. Dự kiến thâm hụt thương mại của Việt Nam trong năm 2009 cũng sẽ vào khoảng 12-13 tỷ USD.

      Thứ hai, nhập siêu tăng nhanh trở lại trong khi các nguồn thu ngoại tệ chính như xuất khẩu, đầu tư nước ngoài, kiều hối và du lịch đều giảm sút mạnh so với năm 2008; và cùng với việc doanh nghiệp và người dân chuyển sang nắm USD và vàng đã làm cho cán cân thanh toán của Việt Nam thâm hụt nặng.

      Điều này một mặt khiến dự trữ ngoại hối của Việt Nam giảm một cách tương ứng (từ khoảng 23 tỷ USD vào cuối năm 2008 xuống còn hơn 17 tỷ USD vào quý 3/2009), mặt khác khiến áp lực giảm giá VND tiếp tục được duy trì.

      Trong bối cảnh này, chính sách tiền tệ nói riêng và chính sách vĩ mô nói chung cần hết sức thận trọng. Chính sách cần thiết trong giai đoạn sắp tới là thắt chặt chính sách tiền tệ. Một số chính sách gần đây của Ngân hàng Nhà nước (giảm giá VND, tăng lãi suất qua đêm liên ngân hàng và lãi suất cơ bản) vì vậy là một sự chuyển hướng đúng đắn.

      Việc chấm dứt hỗ trợ lãi suất 4% cũng là một chính sách hợp lý vì bên cạnh tác động thắt chặt tín dụng, nó còn khuyến khích các doanh nghiệp có USD chuyển một phần dự trữ USD sang VND để đáp ứng các nhu cầu vốn lưu động, nhờ đó giảm áp lực cho thị trường ngoại hối.

      Bên cạnh đó, việc tác động tới kỳ vọng của thị trường thông qua từng bước điều chỉnh tỷ giá USD/VND sẽ đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc cân đối lại cấu trúc danh mục nắm giữ tiền của người dân và doanh nghiệp.

      Cuối cùng, việc lấy lại niềm tin cho Ngân hàng Nhà nước, và nhờ đó lấy lại hiệu lực cho chính sách vĩ mô của chính phủ, là điều mà chính phủ phải đạt được để có thể đưa nền kinh tế vượt qua những thách thức hiện nay.

      Để làm được điều này, một thái độ thực sự cầu thị, một hệ thống chính sách đúng đắn, nhất quán và một cơ chế giao tiếp thông tin chính xác, kịp thời với người dân, với thị trường là những điều kiện tiên quyết.

      Theo DautuCK.com - Trao niềm tin, nhận giá trị
      Bạn có thể xem các khuyến nghị giao dịch và phân tích thị trường chứng khoán Việt Nam của các tổ chức và chuyên gia uy tín được cập nhật từng phút trên website DautuCK.com DautuCK.com có hỗ trợ khi xem trên điện thoại di động.

    6. #6
      Ngày tham gia
      Feb 2010
      Bài viết
      18
      Được cám ơn 0 lần trong 0 bài gởi

      Mặc định

      Chiến lược mua bán vào lúc này

      Vào lúc này nếu như giải ngân thì cần chọn CP có các tiêu chí sau


      - Quan trrọng nhất là giải ngân vào phiên ngày mai có hợp lý không?
      - CP đó phải có:
      Mức thanh khoản cao.
      Giá chưa tăng cao
      Báo cáo quý 4 đã được công bố tốt ( hoặc bạn biết chắc chắn là tốt ).
      TT chung có phù hợp không?
      CP đó liệu tăng được bao nhiêu? Trường hợp bất khả kháng và xấu nhất thì sẽ giảm bao nhiêu.

      Phiên ngày 05, nếu Vn tăng mạnh ngay đầu phiên thì không nên giải ngân mà canh thoát hàng. Nhưng trường hợp này chỉ có 5% là sảy ra vì vậy cần đợi hết phiên một để quyết định cho mọi giao dịch của các bạn.

      Mốc kĩ thuật cho ngày mai 05 – 02:

      Kháng cự 505 – 508 ( nhưng Vn cuối phiên đừng trên 508 và cũng đừng dưới 503, dưới 503 như thế nào còn phụ thuộc vào biến động của Vn trong phiên nên tình huống này cần phải nhanh nhạy để ra quyết định ). Trong đó thì mốc điểm 505 quan trọng hơn mốc điểm 508.

      Hỗ trợ 495 – 498 trong đó điểm 498 khá quan trọng.

      Khối lượng tới thời điểm này không nên quá thấp nhưng do là cuối năm nên NĐT không có nhiều giao dịch dẫn tới KL thấp là điều tất yếu.

      Tuy nhiên phiên ngày 05 được chúng tôi đánh giá sẽ có rằng co rất mạnh và không ngoài khả năng sẽ là một phiên đóng cửa với giá đỏ nhưng vẫn giữ được mốc 498. Vì thế khối lượng phải là mức khá thì với yên tâm cho VN tiến lên.

      Tín hiệu bảng điện tử được chúng tôi theo rõi ngày 04 đã cho dấu hiệu nhập hàng lần 2, vì thế phiên ngày 05 sẽ là phiên quyết định quan trọng với mốc điểm 505.

      Khuyến nghị CP : Là những CP an toàn ( hãy nhìn DPM ngày 04 sẽ thấy được những CP nào nên mua ). Có một số mã khá tốt khi mức tăng chưa có nhưng lợi nhuận quý này rất khả quan, mọi tín hiệu đều cho thấy đà tăng. Hoặc chọn những CP đang nằm gần với đường hỗ trợ mạnh

      ====> Nên chọn lấy những mã như vậy giải ngân ( vì khi giải ngân là tin tưởng thị trừong tăng điểm, vậy thì những CP này đang được gom hàng ). Cần tránh xa những CP đang đi ngang tại vùng đỉnh cộng thêm có những khuyến nghị mua vào và được lợi nhuận 10 tới 20 % hoặc cao hơn nữa ( tính rủi ro rất cao, thử nghĩ nhé ; nếu VN không may gặp tin xấu thì những mã này sẽ có ai mua không? Chúng tôi cho rằng nó sẽ là những mã giảm mạnh nhất nhưng tăng thì đã gần hét đà rồi ). Đây được nhiều người xem là sòng bài nhưng ai cũng bảo mình là NĐT. Cẩn thận lại bị đổ vỏ, vì có những người dùng TK lướt liên tục trong các phiên nhằm tối đa hóa lợi nhuận và bạn sẽ là người giúp họ làm điều này. Khi đó may thì bạn có chút lợi nhuận, còn không may thì bạn sẽ mất rất nhiều.

      P/S : DJ vẫn trong DT trung hạn !

      Xuân Đốc – Tam Đa

      Last edited by billstock; 05-02-2010 at 10:42 AM.
      Theo DautuCK.com - Trao niềm tin, nhận giá trị
      Bạn có thể xem các khuyến nghị giao dịch và phân tích thị trường chứng khoán Việt Nam của các tổ chức và chuyên gia uy tín được cập nhật từng phút trên website DautuCK.com DautuCK.com có hỗ trợ khi xem trên điện thoại di động.

    7. #7
      Ngày tham gia
      Feb 2010
      Bài viết
      18
      Được cám ơn 0 lần trong 0 bài gởi

      Mặc định

      Đột biến vốn ngoại

      Liên tiếp hai phiên giao dịch gần đây, thị trường đã chứng kiến mức tăng khá mạnh, phá vỡ xu thế đi ngang trong biên độ hẹp có phần “buồn ngủ” của VN-Index. Lực lượng tạo nên sự đột biến đó chính là NĐTNN.

      Những kỷ lục mới

      Kỷ lục về quy mô giá trị mua ròng (giá trị mua – giá trị bán) của khối ngoại trên sàn HOSE qua khớp lệnh trong vòng 4 tháng qua đã được lập ngày 3/2 với 231,7 tỷ đồng. Nếu tính riêng giá trị mua, đã rất lâu rồi thị trường mới chứng kiến một phiên dòng vốn vào lên tới trên 300 tỷ đồng. Đây cũng là lần đầu tiên kể từ tháng 7 năm ngoái, tỷ trọng giá trị mua của NĐTNN chiếm tới xấp xỉ một phần ba quy mô khớp lệnh toàn thị trường.

      Ngày 4/2, khối ngoại cũng bỏ thêm 295,7 tỷ đồng – tức là cũng tương đương với phiên ngày 3/2 – để mua vào, nhưng giá trị bán tăng chút ít khiến con số mua ròng đạt khoảng 208,4 tỷ đồng. Dù vậy với phiên này, chuỗi ngày mua ròng của NĐTNN cũng kéo dài sang phiên thứ 19 liên tục, gợi nhớ lại thời kỳ tháng 6/2009 khi khối này cũng mua ròng liên tục tới 18 phiên. Như vậy tuần này không chỉ ghi nhận kỷ lục về giá trị mua ròng trong một phiên, mà còn ghi nhận chuỗi ngày mua ròng liên tục dài nhất.

      Tuần giao dịch đầu tiên của tháng 2 có thể sẽ còn gây chú ý hơn nữa nếu phiên ngày 5/2 không có diễn biến ngược dòng bất thường nào. Tính chung 4 phiên tuần này, tổng giá trị mua ròng cho riêng khớp lệnh đã là 639 tỷ đồng, tăng gấp 3 lần tuần trước. Nếu phiên cuối tuần khối ngoại vẫn giữ cường độ mua như vậy, khả năng tuần này sẽ lập thêm một kỷ lục mới trên TTCK về quy mô mua ròng lớn nhất tính theo tuần. Kỷ lục gần nhất của sàn HOSE là tuần từ 7-11/4/2008 khi khối ngoại mua ròng 772 tỷ đồng qua khớp lệnh.

      Vốn ngoại sẽ lại đúng?

      Thực tế cường độ mua vào của NĐTNN chỉ tăng đột biến 3 phiên trở lại đây. Có thể thấy điều này qua quy mô mua ròng bình quân của 16 phiên trước đó chỉ là 54,84 tỷ đồng/phiên. Riêng 3 phiên gần đây, mức mua bình quân vọt lên tới 182,57 tỷ đồng/phiên. Hoạt động mua vào tăng mạnh sau khi chỉ số chính của TTCK Việt Nam điều chỉnh khá mạnh (trên 30%) từ đỉnh hồi tháng 10/2009. Đợt điều chỉnh cuối tháng 1 vừa qua đã không đưa VN-Index sụt giảm xuống dưới mức 480 điểm một phần nhờ hoạt động tích lũy của NĐTNN, trong khi NĐTTN không còn chấp nhận bán tháo CP giá rẻ nữa.

      Lý giải hiện tượng các blue-chips được NĐTNN tích cực thu gom từ đầu năm đến nay, GĐ phân tích của một CTCK cho biết, đây có thể là biểu hiện của hoạt động xây dựng danh mục mới. Thường thì các tổ chức lớn ưa thích nhóm CP lớn vì tính thanh khoản cao, đồng thời danh mục như vậy sẽ có biến động khá tương đồng với biến động của VN-Index. Như vậy có thể là hoạt động cơ cấu danh mục của các tổ chức lớn cơ bản đã xong và bắt đầu mua mới.

      Thực tế thì trong quá trình bán ròng của NĐTNN hồi tháng 9 và 10/2009, khối lượng blue-chips bị bán ra cũng không quá lớn. Có thể suy đoán rằng, các tổ chức sau khi đã bán đi giá cao sẽ mua lại danh mục ở giá thấp hơn. Nếu vốn mới (hay lãi) cũng được giải ngân thì cầu sẽ tăng lên mạnh.
      Ý kiến này nhận định chủ quan rằng rất có khả năng sự điều chỉnh và lình sình ở các TTCK khác trên thế giới đã kích thích dòng vốn nóng từ bên ngoài “chạy” vào các thị trường mới nổi, nhất là khi nền kinh tế của Việt Nam đang khá ổn định và có triển vọng.

      Từ tuần trước, thị trường đang loang đi một thông tin không chính thức về một lượng vốn nước ngoài lớn cỡ 500 triệu USD đã được ủy thác đầu tư vào TTCK Việt Nam thông qua Deutsche Bank và HSBC. Không thể kiểm chứng độ chính xác của thông tin này đến đâu, nhưng rõ ràng việc khối ngoại mua vào đột biến mấy ngày gần đây cho thấy thông tin trên phần nào có cơ sở dù có thể không chính xác tuyệt đối.

      Bình luận về động thái mua vào của NĐTNN, ông Quách Mạnh Hào – Phó TGĐ CTCK Thăng Long – trong bản tin của mình cũng nhận định hoạt động giao dịch của khối ngoại trong ngày 3/2 đã chiếm khoảng 32% toàn thị trường, vượt mức trung bình 15%.

      Nguyên nhân hoạt động giao dịch tăng mạnh có thể do động thái mua vào cho sản phẩm P-note (chứng chỉ đầu tư) của Deutsche Bank và HSBC. Nhiều NĐT tổ chức quốc tế đã bắt đầu trở lại thị trường Việt Nam hơn là chờ đợi cơ hội ở những thị trường đã phát triển và đang phát triển khác. Các CP blue-chips vẫn nằm trong danh mục ưu tiên.

      Tình hình giao dịch mạnh của khối ngoại là dấu hiệu cho triển vọng tích cực của thị trường nói riêng và kinh tế Việt Nam nói chung. Điều này cũng là tín hiệu giảm sự quan ngại của giới đầu tư vào tình hình kinh tế vĩ mô như vấn đề lạm phát, khủng hoảng kép và tiền đồng bị mất giá…
      Liên hệ hoạt động giao dịch của NĐTNN trong năm 2009 có thể thấy họ đã thích nghi tốt hơn nhiều thời kỳ trước và “nhảy sóng” khá hợp lý. Các đợt tăng trưởng mạnh của thị trường hồi tháng 5 và tháng 9/2009 đều có dấu ấn của NĐTNN. Khối này sẵn sàng mua vào mạnh trong khi các tổ chức và NĐTTN vẫn lo ngại về khả năng giảm sâu. Liệu lần này khối ngoại có lại đi trước một bước?

      Theo Lao động

      Theo DautuCK.com - Trao niềm tin, nhận giá trị
      Bạn có thể xem các khuyến nghị giao dịch và phân tích thị trường chứng khoán Việt Nam của các tổ chức và chuyên gia uy tín được cập nhật từng phút trên website DautuCK.com DautuCK.com có hỗ trợ khi xem trên điện thoại di động.

    8. #8
      Ngày tham gia
      Feb 2010
      Bài viết
      18
      Được cám ơn 0 lần trong 0 bài gởi

      Mặc định Vốn ngoại âm thầm chảy vào Việt Nam

      Vốn ngoại âm thầm chảy vào Việt Nam
      Thứ Hai, 8/02/2010, 16:59

      Tính đến cuối tuần qua, chuỗi ngày mua ròng liên tiếp của khối NĐT nước ngoài trên HOSE đã kéo sang con số 20, đạt 1.482 tỷ đồng theo phương thức khớp lệnh và có nhiều dấu hiệu cho thấy họ vẫn chưa dừng lại.


      Thực tế, trong một số phiên, giao dịch của khối ngoại trở thành lực lượng dắt thị trường và NĐT trong nước bị cuốn theo. Trong bối cảnh sức cầu nội địa yếu ớt, động thái này là lực nâng đáng kể cho thị trường. Giới phân tích đã có các phỏng đoán về lý do và chủ thể đang mạnh tay mua vào.

      NĐT nước ngoài tăng mua

      Trong tháng 1, sàn HOSE có 152/199 mã (chiếm 76,4%) được khối ngoại tham gia mua hoặc bán, trong đó mua ròng 93 mã. Phiên mua ròng cao nhất của khối này dừng lại dưới 150 tỷ đồng, phiên thấp nhất vài tỷ đồng. Tính chung, chênh lệch mua – bán của NĐT nước ngoài trong tháng 1 là 567 tỷ đồng.

      Về giá trị, khối ngoại chiếm 7,3% lượng mua và 5,6% lượng bán. Điều này cho thấy, dù NĐT nước ngoài mua ròng, nhưng khối NĐT nội mới thực sự là lực lượng dẫn dắt thị trường. Có 2 mã được NĐT mua ròng trên 100 tỷ đồng trong tháng 1 là EIB (238 tỷ) và HAG (110 tỷ); 1 mã ngấp nghé 100 tỷ đồng là BVH (95 tỷ), 2 mã trên 50 tỷ đồng là DIGHPG. Còn lại 88 mã có mức mua ròng thấp hơn 22 tỷ đồng/tháng, tức dưới 1 tỷ đồng/ngày.

      Sang tháng 2, quy mô giao dịch của NĐT nước ngoài bất ngờ tăng nhanh, với tổng giá trị mua ròng đạt 706 tỷ đồng/5 phiên giao dịch. Trong đó, tâm điểm chú ý là phiên giữa tuần khi khối ngoại mua ròng 231,6 tỷ đồng, chiếm hơn 20% khối lượng cổ phiếu khớp lệnh toàn sàn. Một số mã được mua ròng mạnh là VNM, BVH, FPT, VCB, SJS, TRC

      Phỏng đoán thị trường

      Động thái giao dịch của khối NĐT nước ngoài được bộ phận phân tích của nhiều CTCK theo sát. Đã từ lâu, các NĐT nội địa biết rằng, khối ngoại không phải là một chủ thể đồng nhất, mà bao gồm nhiều “gương mặt”: quỹ chuyên đầu tư vào Việt Nam, các ngân hàng đầu tư toàn cầu đại diện tại Việt Nam, quỹ dành cho thị trường mới nổi và quỹ khu vực phân bổ một tỷ lệ trong danh mục đầu tư vào Việt Nam, cuối cùng là NĐT cá nhân nước ngoài (xếp giảm dần theo mức độ ảnh hưởng).

      Trong số quỹ chuyên đầu tư vào Việt Nam, hai gương mặt quen thuộc là Dragon Capital và VinaCapital. Tuy nhiên, thời gian qua, hoạt động của hai quỹ này khá trầm lắng, do lượng tiền mặt còn lại khiêm tốn. Báo cáo ra ngày 21/1 của Dragon Capital cho thấy, hai quỹ VEIL và VGL, lượng tiền mặt chỉ còn 2 – 4% so với trên dưới 10% cách đó vài tháng. Tỷ lệ này ở Quỹ VOF của VinaCapital hơn nửa năm qua vẫn dao động quanh mức 13 – 14%. Thực tế, cả Dragon Capital và VinaCapital đều đang có kế hoạch thành lập các quỹ mới và gọi thêm vốn, nhưng xem chừng khá khó khăn.

      Quỹ dành cho thị trường mới nổi và quỹ khu vực không đầu tư liên tục vào TTCK Việt Nam trong suốt 2 năm qua. Tuy nhiên, vài tháng qua đã xuất hiện một số chuyển động khá tích cực. Đầu tiên, một quỹ nhỏ do “ông trùm” trên thị trường tài chính thế giới là George Soros thành lập, đã bày tỏ quan tâm đến TTCK Việt Nam.

      Trước xu thế mua ròng mạnh mẽ của khối ngoại trong một số phiên giao dịch vừa qua, có tin đồn rằng, thị trường xuất hiện sự tham gia của Quỹ với số vốn lên tới hàng trăm triệu USD. Thực tế, trung tuần tháng 11 năm ngoái, đại diện của Quỹ đã có cuộc tiếp xúc với một CTCK lớn và sau đó viếng thăm nhiều DN niêm yết hàng đầu. Tổng giám đốc CTCK nơi Quỹ có ý định mở tài khoản cho biết, tính đến thời điểm này, Quỹ chưa xin mã số giao dịch, nên chưa có chuyện quỹ này giải ngân.

      Một số quỹ ETF (Exchange Trades Funds) đã hiện diện tại Việt Nam trong 6 tháng qua. Phong cách đặc trưng của ETF là tạo ra một danh mục đầu tư gồm một rổ cổ phiếu đại diện cho VN-Index hay một nhóm ngành nào đó.

      Theo thông báo chính thức, một trong các quỹ như vậy là The Market Vector Vietnam ETF (ký hiệu là VNM), do Công ty Quản lý đầu tư Van Eck Global thành lập. VNM niêm yết trên TTCK Mỹ từ trung tuần tháng 8/2009, đã đầu tư vào một danh mục 28 công ty niêm yết trên TTCK Việt Nam. Nhưng số vốn ban đầu của VNM là 14 triệu USD, khá thấp để có thể gây ảnh hưởng đến thị trường. Tin tức từ website của Van Eck Global cho thấy, số vốn đầu tư tại TTCK Việt Nam vẫn chưa tăng thêm.

      Tuy nhiên, trao đổi với ĐTCK, giám đốc một CTCK cho biết, một quỹ ETF tập trung danh mục vào nhóm ngành thực phẩm đã giải ngân trong vài ngày qua. Một quỹ khu vực khác sau khi bán hết danh mục đầu tư vào cuối năm 2008 đã quay trở lại thị trường. Bên cạnh đó, một quỹ thành viên có xuất xứ từ châu Âu đã thu hút được vốn mới và vừa nâng tỷ lệ sở hữu tại một số công ty niêm yết.

      Các ngân hàng đầu tư toàn cầu đã gia tăng hoạt động trên TTCK từ cuối năm 2006 khi Việt Nam gia nhập WTO. Họ đã phát hành các chứng chỉ tham gia đầu tư (P-notes), cho phép NĐT nước ngoài tham gia thị trường mà không cần phải đăng ký mã số giao dịch hay đặt chân trực tiếp vào TTCK Việt Nam.

      Động thái mua bán của khối này “lúc tỏ lúc mờ” trong suốt 12 tháng qua, từ khi thị trường chạm đáy và đi lên sau đó. Ông Tô Hải, Tổng giám đốc CTCK Bản Việt nhận xét, hoạt động của khối này chiếm tỷ lệ đáng kể trong hoạt động mua bán hàng ngày của khối ngoại, khi hơn hẳn các quỹ truyền thống về sự linh hoạt, cơ động.

      Nhận xét về xu thế mua ròng của khối ngoại trong giai đoạn thị trường “lặng sóng”, ông Johan Nyvene, Tổng giám đốc CTCK HSC cho rằng, có hai lý do để NĐT nước ngoài thực hiện điều này.
      Thứ nhất, một số NĐT dài hạn nhìn vào các nhân tố cơ bản, chuyển biến của kinh tế vĩ mô trong vài tháng tới.

      Thứ hai, quy mô nguồn vốn của họ rất lớn, trong khi tính thanh khoản của TTCK Việt Nam khá thất thường, nên khối ngoại thường thực hiện chiến lược giao dịch ngược chiều: mua khi thị trường giảm và bán khi thị trường tăng.

      Giang Thanh

      ĐẦU TƯ Chứng khoán

      Theo DautuCK.com - Trao niềm tin, nhận giá trị

      Theo DautuCK.com - Trao niềm tin, nhận giá trị
      Bạn có thể xem các khuyến nghị giao dịch và phân tích thị trường chứng khoán Việt Nam của các tổ chức và chuyên gia uy tín được cập nhật từng phút trên website DautuCK.com DautuCK.com có hỗ trợ khi xem trên điện thoại di động.

    9. #9
      Ngày tham gia
      Feb 2010
      Bài viết
      18
      Được cám ơn 0 lần trong 0 bài gởi

      Mặc định Ngân hàng Nhà nước “bơm” tiền, “cứu” thanh khoản

      Ngân hàng Nhà nước “bơm” tiền, “cứu” thanh khoản

      Thứ Hai, 8/02/2010, 17:34

      Động thái bơm tiền vào/rút bớt tiền ra khỏi nền kinh tế (thông qua các ngân hàng thương mại – của NHNN luôn được thị trường tài chính theo dõi chặt chẽ. Cuối tuần qua, có tin đồn NHNN đang tăng lượng cung tiền trên thị trường mở.

      Không nhiều người biết một ngân hàng trung ương (NHTƯ) bơm/hút tiền ra lưu thông thế nào. Cơ quan này có nhiều công cụ để tác động đến lượng tiền trong nền kinh tế, nhưng hiệu quả và gây tác động nhanh nhất là nghiệp vụ thị trường mở (open market operation, gọi tắt là OMO).

      Đây là nghiệp vụ mua, bán ngắn hạn chứng từ có giá (CTCG) do NHTƯ thực hiện trên thị trường tiền tệ nhằm thực hiện chính sách tiền tệ quốc gia (CSTT), được thực hiện thông qua phương thức đấu thầu khối lượng hoặc đấu thầu lãi suất.

      OMO vừa là công cụ NHNN thực hiện chức năng tái cấp vốn, hỗ trợ thanh khoản và vốn ngắn hạn cho các NHTM, đồng thời là công cụ chủ yếu để NHNN điều tiết cung ứng tiền, điều hành thị trường tiền tệ. Thành viên tham gia OMO là các TCTD có đủ điều kiện theo quy định. NHNN tham gia OMO với vai trò người cho vay thông qua các phiên chào mua/chào bán CTCG để hỗ trợ thanh khoản/hoặc tạo điều kiện cho các TCTD cơ cấu lại nguồn vốn, hoặc nhằm mở rộng hay thu hẹp tiền cung ứng.

      Trong thị trường mở, NHNN là người chủ động, không phải các TCTD đưa ra nhu cầu vay vốn. Danh mục CTCG qua OMO do Thống đốc NHNN quy định trong từng thời kỳ. Hiện nay, các loại CTCG được giao dịch qua OMO là những chứng từ được bảo lãnh của Chính phủ và chính quyền địa phương như: Tín phiếu NHNN, tín phiếu và trái phiếu KBNN, trái phiếu công trình trung ương và địa phương, trái phiếu của NH Phát triển VN, trái phiếu của NHCSXH VN.
      Tăng quy mô để hỗ trợ thanh khoản

      Cho đến đầu quý IV/2009, NHNN vẫn muốn các TCTD cố gắng tự cân đối nguồn vốn để cho vay và đảm bảo thanh khoản cho bản thân, nhưng trong bối cảnh nguồn vốn huy động tăng rất chậm, một số NH (trong đó có cả vài NH thuộc sở hữu Nhà nước) khó khăn về thanh khoản nếu không có sự can thiệp mạnh tay của NHNN thì hệ thống sẽ dễ lặp lại tình hình cuối năm 2008 đầu 2009.

      Vì vậy, NHNN đã quyết định điều hành linh hoạt nghiệp vụ thị trường mở để đáp ứng nhu cầu thanh khoản của các TCTD, với kỳ hạn chào mua giấy tờ có giá dài hơn, tăng từ 7 ngày lên 14 ngày, hiện lên 28 ngày, thực hiện giao dịch 2 phiên/ngày từ ngày 21/12/2009.

      Tuy không công bố cập nhật và công khai, nhưng có thông tin khối lượng chào mua của NHNN cũng tăng khá cao (có những phiên lên tới 25 nghìn tỷ – 30 nghìn tỷ đồng) so thường lệ các tháng trước đó (7 nghìn đến 9 nghìn tỷ đồng).

      Bên cạnh đó, NHNN thực hiện tái cấp vốn trực tiếp cho các NHTM bị thiếu hụt thanh khoản tạm thời (đây là các NH nhỏ không có các loại CTCG theo quy định của NHNN để tham gia OMO); tái cấp vốn cho các NHTM để cho vay chi phí mùa vụ đối với khu vực nông nghiệp… Nhờ các biện pháp của NHNN nên thanh khoản của hệ thống đã bớt căng thẳng và lãi suất trên thị trường liên NH cũng giảm xuống.

      Do dự với thị trường mở?

      Nếu nhìn bề ngoài thì việc NHNN tăng cường độ (thời gian và quy mô) nghiệp vụ OMO từ tháng 12 đến nay thì có vẻ giống thông lệ (trong dịp Tết Nguyên đán, theo tính quy luật hàng năm, nhu cầu rút tiền để thanh toán, chi tiêu và đáp ứng nhu cầu vốn cho sản xuất-kinh doanh của các doanh nghiệp và dân cư ở mức cao, trong khi huy động vốn của NHTM tăng chưa kịp đáp ứng nhu cầu này thì NHNN phải tạm thời bơm tiền ra).

      Nhưng nếu nhìn vào diễn biến cung-cầu vốn của hệ thống suốt từ quý III/2009 đến nay thì có vẻ như bản chất của vấn đề là ở chỗ thanh khoản của hệ thống chưa giải quyết được căn bản.

      Công cụ lãi suất cơ bản dường như đã không còn mấy hiệu quả; nghiệp vụ hoán đổi ngoại tệ (NHNN thỏa thuận mua USD của các NH theo hình thức giao ngay, đồng thời bán lại lượng USD đó cho các NHTM theo hình thức kỳ hạn) cũng không có điều kiện thực hiện nhiều… đã khiến nghiệp vụ OMO trở thành công cụ phải sử dụng thường xuyên hơn để hỗ trợ thanh khoản VND cho các TCTD (chứ không đơn thuần là người cho vay cuối cùng nữa).

      Một chuyên gia ngân hàng nói: “Nếu tình hình thanh khoản cứ thế này thì ý đồ chỉ tăng cường OMO trong dịp tết của NHNN không đủ, có thể phải kéo dài cả năm 2010. Tôi cho rằng các cơ quan quản lý đang lấn cấn với việc làm thế nào để vừa tăng trưởng kinh tế 7% lại vừa ngăn ngừa lạm phát cao quay trở lại. Chắc NHNN cũng rất do dự khi sử dụng OMO như thế nào”.
      Như vậy, việc thị trường nhìn vào các động thái OMO của NHNN để đoán định hướng của CSTT không phải không có cơ sở. Có lẽ tin đồn NHNN tiếp tục bơm tiền ra nền kinh tế qua OMO xuất phát từ suy luận cho rằng mức tăng tín dụng tháng 1 đang quá thấp (chỉ 1%).

      Để đạt 1% tăng GDP ở VN thì mức tăng tín dụng trong bối cảnh kinh tế bình thường tương ứng từ 4-5 lần (riêng năm 2009 mức tăng tín dụng gấp 7 lần mức tăng GDP). Như vậy, để đạt GDP tăng 7% thì mức tăng tín dụng của năm ít nhất cũng phải khoảng 30%. Tháng đầu chỉ tăng 1% là quá thấp, nếu không kịp điều chỉnh thì mục tiêu kinh tế khó đạt được.

      Một số chuyên gia cho rằng hậu quả của khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế là rất lớn, tiềm ẩn nhiều rủi ro hơn người ta tưởng. Vì vậy, tiếp tục đầu tư để kích thích kinh tế tạo đà tăng trưởng nên được chú trọng hơn lạm phát.

      P.M.T

      Lao Động

      Theo DautuCK.com - Trao niềm tin, nhận giá trị
      Bạn có thể xem các khuyến nghị giao dịch và phân tích thị trường chứng khoán Việt Nam của các tổ chức và chuyên gia uy tín được cập nhật từng phút trên website DautuCK.com DautuCK.com có hỗ trợ khi xem trên điện thoại di động.

    10. #10
      Ngày tham gia
      Nov 2023
      Bài viết
      10
      Được cám ơn 0 lần trong 0 bài gởi

      Mặc định

      cảm ơn bài viết của b nhé

    Thông tin của chủ đề

    Users Browsing this Thread

    Có 1 thành viên đang xem chủ đề này. (0 thành viên và 1 khách vãng lai)

       

    Bookmarks

    Quyền viết bài

    • Bạn Không thể gửi Chủ đề mới
    • Bạn Không thể Gửi trả lời
    • Bạn Không thể Gửi file đính kèm
    • Bạn Không thể Sửa bài viết của mình