Góc nhìn 10/02: Nhịp điều chỉnh đã bắt đầu?
(Vietstock) – Chỉ sau một phiên giằng co sáng 09/02, nhiều công ty chứng khoán đã thay đổi nhận định và hầu hết đều cho rằng thị trường đã bắt đầu xu thế điều chỉnh. Các công ty chứng khoán khuyến nghị nhà đầu tư nên thận trọng.

Hai chỉ số sẽ giằng co
Công ty Chứng khoán ACB (ACBS): Trong các phiên tới, VN-Index có thể sẽ giao dịch giằng co. Nhà đầu tư ngắn hạn nên đứng ngoài thị trường.
VN-Index nhiều khả năng sẽ quay về vùng hỗ trợ 375-380. Ở chiều ngược lại, VN-Index có thể tiếp tục tăng về vùng kháng cự tiếp theo ở 420-430.
Khác với VN-Index, sau sóng tăng mạnh đầu giờ, áp lực chốt lời gia tăng, kéo HNX-Index về gần sát tham chiếu khi đóng cửa phiên giao dịch ngày hôm qua.
Sự hình thành của cây nến Doji cùng khối lượng giao dịch lớn, cao nhất trong vòng 4 tháng qua, cho thấy sự giằng co mạnh của bên bán và mua. Sau nhiều phiên tăng điểm thì đây là dấu hiệu bất ổn mà nhà đầu tư nên chú ý.
HNX-Index có thể tiếp tục đi ngang gần vùng kháng cự 64-65. Tuy nhiên, với sự xuất hiện của nhiều tín hiệu đảo chiều trong các phiên gần đây, khả năng cao HNX-Index sẽ mất điểm trong các phiên tới. Do đó, tương tự với VN-Index, nhà đầu tư ngắn hạn nên chốt lời hoặc đứng ngoài thị trường ở thời điểm này.
Thời gian điều chỉnh đã rất gần
CTCP Chứng khoán Bảo Việt (BVS): Trên thị trường, nhiều nhà đầu tư đang kỳ vọng vào việc lãi suất có thể giảm ngay trong ngắn hạn. Theo BVS, kỳ vọng này sẽ khó có khả năng trở thành hiện thực. Bước đi đầu tiên của NHNN trong việc điều hành giảm lãi suất có thể là việc thực hiện khoanh vùng, hợp nhất, sáp nhập và hỗ trợ được các ngân hàng yếu kém. Trên cơ sở đó, Ngân hàng Nhà nước mới có thể đưa ra các biện pháp điều hành lãi suất mà không gây ra biến động lớn trong hệ thống ngân hàng. Với mức lãi suất, tăng trưởng tín dụng như hiện nay, các ngân hàng sẽ khó có thể tạo được mức lợi nhuận đột biến trong năm 2012.
Mặc dù vậy, mức tăng giá của nhiều cổ phiếu ngân hàng trong thời gian gần đây đã đưa mặt bằng giá của nhóm này trở về mức cách đây 6 tháng đến 1 năm, thậm chí còn cao hơn.
Trong ngắn hạn, diễn biến này đã tác động tích cực đến thị trường, tuy nhiên trong trung hạn, khi nhóm cổ phiếu này bước vào giai đoạn điều chỉnh sẽ tác động tiêu cực đến tâm lý nhà đầu tư.
BVS cho rằng giai đoạn điều chỉnh của thị trường hiện đã ở rất gần. Nhà đầu tư nên tiếp tục giảm tỷ trọng cổ phiếu và hạn chế tham gia thị trường trong bối cảnh hiện nay.
Nhịp điều chỉnh sâu đã bắt đầu
CTCP Chứng khoán VNDirect (VND): Hai chỉ số tiếp tục duy trì mức xanh điểm nhưng áp lực chốt lời đang lớn dần, lực bán ra ở giá cao chủ động hơn khiến cho hai chỉ số đóng cửa lùi dần về mức tham chiếu và nhiều cổ phiếu giảm điểm. Như vậy dấu hiệu của một nhịp điều chỉnh sâu đã bắt đầu và có thể sẽ thể hiện rõ nét hơn trong phiên giao dịch ngày mai (10/02).
Trong nhịp điều chỉnh này, VN-Index vẫn sẽ xuất hiện các cổ phiếu vốn hóa lớn thay nhau đỡ điểm cho thị trường, khiến cho điểm số VN-Index khó xuống sâu. Với HNX-Index, sự điều chỉnh sẽ thể hiện rõ hơn trên điểm số. Theo VND, nhịp điều chỉnh này sẽ phải tính đến bằng tuần.
Nhà đầu tư nên chốt lời, quan sát thị trường trong điều chỉnh để mua vào trở lại. Thời điểm mua vào tiếp theo sẽ được chúng tôi khuyến nghị cụ thể trong các bản tin tuần sau
Xác suất tăng điểm mới bị thu hẹp
CTCP Chứng khoán BIDV (BSI): Thị trường đã có phiên giao dịch giằng co như dự đoán. Lực cung chốt lời khá mạnh mẽ tuy nhiên lực cầu vẫn bền bỉ giúp nâng đỡ thị trường. Ngưỡng kháng cự kỹ thuật tỏ ra khá “cứng” khi cả 2 chỉ số chốt phiên đều ở dưới mức điểm này ( 64 điểm trên HNX và 415 điểm trên HOSE), và do đó xác suất thị trường tạo sóng tăng điểm mới bị thu hẹp.
Lực cung mạnh cuối phiên trên sàn HNX cho thấy khả năng tiếp tục giảm điểm của cổ phiếu trên sàn Hà Nội vào phiên giao dịch tới, đặc biệt nếu nhóm cổ phiếu ngân hàng chiếm tỷ trọng lớn không giữ được vai trò nâng đỡ thị trường như sáng 09/02. Sàn HOSE có phần tích cực hơn tuy nhiên sẽ tiếp tục có sự phân hóa mạnh giữa các nhóm cổ phiếu.
Khả năng giằng co ở các phiên tới
CTCP Chứng khoán FPT (FPTS): Dòng tiền đổ mạnh vào thị trường tạo ra sức cầu mạnh hấp thụ khá tốt lượng cung hàng về tài khoản đưa thanh khoản thị trường tiếp tục đứng ở mức cao. Tâm lý và kỳ vọng của nhà đầu tư nhìn chung vẫn vững vàng mặc dù xuất hiện những rung lắc trong phiên. Giao dịch diễn ra sôi động, hào hứng cùng với hoạt động đảo hàng, cơ cấu lại danh mục được tăng cường mang đến tín hiệu lạc quan về diễn biến thị trường trong ngắn hạn.
Tuy nhiên, phiên giao dịch này đã chứng kiến sự phân hóa mạnh diễn ra giữa các nhóm cổ phiếu. Trong khi dòng tiền đổ mạnh vào nhóm cổ phiếu ngân hàng đưa nhóm này khởi sắc thì những mã khác thuộc nhóm cổ phiếu chủ chốt lại quay đầu giảm điểm. Điều này cho thấy đã bắt đầu có sự chuyển dịch của dòng tiền trên thị trường giữa các nhóm ngành do lo ngại rủi ro, đặc biệt là ở các cổ phiếu đã có mức tăng khá tốt để từ khi bắt đầu xu thế.
Theo đó, FPTS khuyến nghị nhà đầu tư nên thận trọng quan sát và chờ đợi tín hiệu tiếp theo từ thị trường do sự phân hóa có thể diễn ra mạnh hơn nếu thị trường tiếp tục diễn biến giằng co trong những phiên giao dịch tới.
Viết Vinh (tổng hợp)



Xem bài viết: Góc nhìn 10/02: Nhịp điều chỉnh đã bắt đầu?