5 quốc gia có khả năng hạ lãi suất trong năm 2012
(Vietstock) – Hạ lãi suất chính là lời kêu gọi cấp thiết tại ngày càng nhiều quốc gia trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế và lạm phát bắt đầu hạ nhiệt.
Về mặt lý thuyết, việc giảm lãi suất sẽ khuyến khích hoạt động vay mượn và chi tiêu, qua đó thúc đẩy tăng trưởng nhưng các lĩnh vực còn lại không thay đổi. Trước tình trạng rủi ro đối với đà tăng trưởng leo thang từng ngày, các ngân hàng trung ương trên toàn thế giới đã hoặc đang bắt đầu nới lỏng chính sách tiền tệ để thúc đẩy tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP).

Sau đây là 5 quốc gia có khả năng đối mặt với việc hạ lãi suất hoặc dự trữ bắt buộc trong năm 2012.
1. Ấn Độ
Một số chuyên gia cho rằng Ấn Độ đã quá chậm trễ trong việc hạ lãi suất vì tăng trưởng GDP giảm tốc chỉ còn 6.9% trong quý 3, thấp hơn nhiều so với mức bình quân từ 8-9% trong vài năm trở lại đây. Cho đến thời điểm này, nguyên nhân khiến Ngân hàng Trung ương Ấn Độ (RBI) chưa hạ lãi suất chính là mức lạm phát cao ngất ngưởng. Tuy nhiên, giá cả đang trên đà xuống dốc (đặc biệt là giá thực phẩm) nên RBI có rất nhiều cơ hội hạ lãi suất.
Cuối tháng này, Thống đốc RBI, Governor D Subbarao, có thể bắt đầu với việc hạ dự trữ bắt buộc ngân hàng và đây sẽ là tín hiệu cho thấy sự khởi đầu của giai đoạn nới lỏng chính sách tiền tệ.
Trong một báo cáo mới đây, Credit Suisse dự báo Ấn Độ có thể cắt giảm lãi suất tới 1.25% vào cuối tháng 3/2013 do lạm phát thấp. Dù mức độ cắt giảm có như thế nào thì hạ lãi suất là điều chắc chắn xảy ra trong năm 2012.
2. Eurozone
Theo nhận định của đa số các nhà kinh tế, trước tình trạng Eurozone đã rơi vào suy thoái nhẹ thì việc hạ lãi suất là điều chắc chắn xảy ra. Đây không phải là lần đầu tiên vì Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) từng 2 lần liên tiếp hạ lãi suất trong hai tháng qua.
Một bài báo trên Bloomberg cũng chỉ ra rằng trong năm 2012, Chủ tịch ECB Mario Draghi có thể hành động giống Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Ben Bernanke hơn so với cựu Chủ tịch Jean-Claude Trichet.
Kỳ vọng lúc này là ECB sẽ hạ lãi suất xuống dưới 1% cũng như hỗ trợ các ngân hàng thông qua việc bơm thêm thanh khoản vào các thị trường. Nếu muốn biết rõ hơn về chiến lược của ECB trong năm 2012, chúng ta có thể dõi theo cuộc họp chính sách của ECB vào ngày 12/01.
3. Trung Quốc
Theo Reuters, có khả năng Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBoC) sẽ hạ dự trữ bắt buộc để thúc đẩy cho vay và ngăn chặn nguy cơ “hạ cánh cứng” của nền kinh tế trong năm 2012.
Theo các báo cáo, giới chức trách Trung Quốc vừa yêu cầu các ngân hàng tăng cường cho vay đối với các doanh nghiệp nhỏ khi xuất hiện ngày càng nhiều chứng cứ cho thấy cường quốc kinh tế châu Á đang đuối sức với việc nhu cầu hàng xuất khẩu giảm, doanh số và giá cả bất động sản lao dốc trên khắp cả nước.
Cuối năm 2011, Cơ quan Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) dự báo: “Vào giữa 2012, tình hình lạm phát và giá nhà ở sẽ cho phép PBoC hạ lãi suất để đẩy mạnh nhu cầu nội địa và GDP năm 2013”.
4. Australia
Theo một số chuyên gia, đà suy yếu của nền kinh tế, chi tiêu tiêu dùng ảm đạm và sự sụt giảm của kim ngạch xuất khẩu sang Trung Quốc – đối tác thương mại hàng đầu của Australia – có thể thôi thúc Ngân hàng Trung ương Australia (RBA) hạ lãi suất vào đầu năm nay. RBA đã hai lần cắt giảm lãi suất bớt 0.25% trong tháng 11 và 12 năm ngoái.
Mối đe dọa lớn nhất đối với nền kinh tế Australia chính là sự giảm tốc của Trung Quốc vì điều này có thể tác động nghiêm trọng đến lĩnh vực khai khoáng và khiến giá kim loại sụt giảm. Đa số các chuyên gia đều dự báo RBA sẽ giảm lãi suất bớt 0.25% sớm nhất là vào tháng 2 và hạ thêm 0.75% cho tới tháng 5.
5. Indonesia
Nằm trong nhóm các quốc gia đầu tiên hạ lãi suất trong năm ngoái, Indonesia có khả năng duy trì xu hướng cắt giảm lãi suất trong năm 2012. Yếu tố ủng hộ cho động thái này chính là sự suy yếu của lạm phát sau khi CPI liên tiếp sụt giảm trong 4 tháng (từ tháng 9-tháng 12/2011) và vẫn nằm trong chỉ tiêu 4-6% của ngân hàng trung ương nước này.
Không có gì ngạc nhiên khi các chuyên gia kỳ vọng Indonesia có thể hạ lãi suất bớt 0.25-0.5% trong quý 1/2012.
Phước Phạm



Xem bài viết: 5 quốc gia có khả năng hạ lãi suất trong năm 2012