Góc nhìn Nhà đầu tư
Chứng khoán Việt Nam 2011: Dấu ấn tháng 12?
(Vietstock) - Chứng khoán Việt Nam đã khép lại năm 2011 nghiệt ngã bằng một tháng 12 khá bối rối đối với nhiều thành viên thị trường! Với diễn biến của tháng 12, “ngài” thị trường đang phát đi tín hiệu gì?

Chỉ số VN-Index giảm trọn cả 4 tuần trong khi HNX-Index có tuần đầu đi ngang để rồi sau đó lao dốc mạnh đến hết tháng và liên tục xác lập các đáy mới. Giá của hàng trăm mã cổ phiếu trên hai sàn chính thức chỉ có biết giảm và giảm khốc liệt đến tận phiên giao dịch cuối cùng của năm.
Phiên giao dịch ngày 01/12 thị trường đóng cửa với VN-Index đạt 380.1 điểm và HNX-Index đạt 61.18 điểm. Phiên 30/12 kết thúc tháng và cũng là kết thúc một năm bi thương đối với số đông nhà đầu tư cá nhân, VN-Index dừng ở 351.55 điểm và HNX-Index dừng ở 58.74 điểm.
Đối với HNX-Index, đó là giá đóng cửa tháng thấp nhất kể từ khi chỉ số này được thiết lập từ năm 2005 tới nay. Đáy kỷ lục của tháng 12 được xác lập vào phiên ngày 27 với VN-Index có lúc giảm về 346.48 điểm và HNX-Index có lúc giảm về 56.26 điểm, đối diện vùng hỗ trợ rất mạnh (nếu không muốn nói là vùng hỗ trợ “cứng”) 320-340 đối với VN-Index và 51-55 đối với HNX-Index.
Thống kê cho thấy khoảng 20% số mã cổ phiếu niêm yết trên hai sàn chính thức đã bị giảm giá từ 20-50% chỉ trong vòng 1 tháng. Trong số đó phải kể tới những mã cổ phiếu thuộc nhóm ‘đầu cơ nóng' như VND, SHN, KLS, BVS, SSI... Những nhà đầu tư nắm giữ mã SHN hẳn chưa hết bàng hoàng khi chỉ trong vòng tháng 12 khắc nghiệt đó, đã bị “bay hơi” 50% giá trị (phiên giao dịch ngày 01/12 SHN đóng cửa tại 7,600 đồng thì phiên 30/12 xác lập đáy tại 3,500 đồng/cp, thấp nhất trong lịch sử giá của mã này tính đến thời điểm hiện tại). Ngay như cổ phiếu của doanh nghiệp đầu đàn trong ngành chứng khoán là SSI cũng không tránh khỏi một cơn sụt giá để xác lập mức giá thấp kỷ lục 13,000 đồng trong phiên giao dịch ngày 28. Tháng 12 là tháng thứ tư liên tiếp mã cổ phiếu này giảm giá với cường độ tháng sau mạnh hơn tháng trước.
Tuy nhiên, dường như sự lao dốc không phanh của những mã đầu cơ nóng đã tạo nên một bầu tâm lý bi quan bao trùm và khiến người ta không nhận ra hoặc chí ít là khó thừa nhận những diễn biến tích cực trên những nhóm cổ phiếu khác?
1 tháng “wash out”?
Trở lại với những con số thống kê biết nói.
Đó là khoảng 30% số mã cổ phiếu trên hai sàn chính thức vẫn giữ được sự ổn định giá, một trạng thái tích lũy, trong tháng 12. Và cũng không khó để lọc ra những mã cổ phiếu đảo ngược xu hướng giảm, đạt được mức tăng giá dù còn khiêm tốn 10-20%. Đây hầu hết là những mã mà giá đã giảm dần đều ròng rã 4 năm vừa qua trong khi doanh nghiệp vẫn hoạt động cơ bản tốt. P/E của những nhóm này rơi về mức khó tưởng tượng 2-5 lần.
Trước khi đạt đến giai đoạn ổn định và tích lũy như nói trên, đa số mã cổ phiếu này cũng đã phải trải qua một đợt lao dốc không kém phần kinh hoàng như đối với nhóm đầu cơ được chứng kiến trong tháng 12 vừa qua. Nhà đầu tư vẫn nói với nhau rằng: “Giá cổ phiếu đã rơi về mức rẻ mạt không còn có thể giảm được nữa!” Nhưng trong bầu tâm lý bi quan bao trùm, nhiều người vẫn tiếp tục hoài nghi về những cuộc “đánh lên” hoặc “giữ giá” để thoát hàng, chứ ít ai cho rằng đó là những đợt gom hàng của những nhà đầu tư với chiến lược đầu tư dài hạn hoặc bắt đáy của những người đầu cơ ngắn hạn khi nhận ra khả năng đảo ngược xu hướng của thị trường.
Có lẽ điều dễ nhận thấy nhất là sự ổn định và có phần cải thiện trong thanh khoản trên hầu hết mọi nhóm ngành. Riêng đối với nhóm bị “đánh xuống mạnh” trong tháng, thanh khoản tăng rõ rệt so với mấy tháng trước đó. Toàn thị trường, thanh khoản tháng 12 tiếp tục duy trì xu hướng cải thiện kể từ tháng 7/2011. Thống kê cho thấy, trong tháng 12 đã có khoảng 567 triệu chứng khoán trên HOSE và khoảng 555 triệu chứng khoán trên HNX được chuyển nhượng theo phương thức khớp lệnh.
Như vậy, thực chất bức tranh thị trường trong tháng 12 đã có sự phân hóa rất mạnh mẽ. Đó là một tháng “Wash out” đối với những mã thuộc nhóm đầu cơ, trong khi lại là một tháng tiếp tục tích lũy, thậm chí bắt đầu khởi động xu hướng tăng (sau khi đã kết thúc giai đoạn “wash out” trước đó) đối với những nhóm còn lại. Có lẽ chính sự phân hóa rõ rệt này đã khiến nhiều người bối rối?
Có người sẽ đặt câu hỏi: 1 tháng “wash out”? Câu trả lời chính xác là như thế.
Đối với một xu hướng giảm phức tạp và kéo dài tới 4 năm như vừa qua, hẳn phải cần tới 1 tháng chứ không phải 1 phiên hay 1 tuần để các “lực lượng thị trường” giải quyết rốt ráo những vấn đề nội tại. Và chỉ có như thế, giá của nhóm cổ phiếu này mới rơi về vùng hấp dẫn, cũng là vùng hỗ trợ rất mạnh – nếu không muốn nói là vùng hỗ trợ cứng - để thực sự kết thúc một thị trường giá xuống.
Đây chính là một điểm đặc trưng của thị trường giá xuống (bear market) ở giai đoạn cuối của nó. Tháng 12/2011 có thể là một dấu ấn như thế?
Và đáy của xu hướng giảm kéo dài từ năm 2007 đã được xác lập trong tháng 12/2011?
Phạm Tường Phán



Xem bài viết: Chứng khoán Việt Nam 2011: Dấu ấn tháng 12?