Chứng khoán cuối năm, “góc nhìn” vẫn chưa sáng sủa
(Vietstock) – Tuần cuối cùng của năm cũng chịu áp lực tiêu cực từ kỳ vọng đỡ NAV. Với tốc độ giảm ở mức khá, kịch bản đảo chiều cần 3-4 phiên giao dịch mới có thể được xác nhận.

Khả năng tiếp tục giảm sâu
Công ty Chứng khoán ACB (ACBS): Tuần qua, Ngân hàng Nhà nước hút ròng hơn 7,000 tỷ đồng thông qua kênh thị trường mở. Điều này gây khá nhiều ngạc nhiên khi càng gần cuối năm và dịp Tết, căng thẳng thanh khoản thường xảy ra đối với các ngân hàng do người dân và doanh nghiệp thường rút tiền cho nhu cầu tiêu dùng và chi trả hợp đồng. Trong thời gian tới, có thể là Ngân hàng Nhà nước tiếp tục bơm tiền thông qua kênh thị trường mở và việc hút ròng tuần vừa rồi chỉ là tạm thời.
Trên thị trường chứng khoán, mặc dù cả hai chỉ số đều giảm điểm do lực bán mạnh, hoạt động bắt đáy của nhà đầu tư đã phần nào giúp hạn chế đà giảm hiện tại của thị trường. Trong các phiên tiếp theo, nhiều khả năng thị trường sẽ tiếp tục giảm sâu.
Ở mặt tích cực, về mặt dài hạn, một số chỉ báo kỹ thuật đang ở vùng quá bán. ACBS cho biết vẫn duy trì khuyến nghị nhà đầu tư dài hạn cân nhắc đầu tư các mã có yếu tố cơ bản tốt. Tuy nhiên, với các chiến lược ngắn hạn và trung hạn, nhà đầu tư vẫn nên đứng ngoài do chưa có tín hiệu cho thấy thị trường sẽ đảo chiều cũng như chưa có sự hỗ trợ tích cực từ thông tin vĩ mô.
Khó kỳ vọng một nhịp tăng điểm
CTCP Chứng khoán BIDV (BSI): Mức tăng CPI nằm trong khoảng 0.5%-0.6% hoàn toàn nằm trong kỳ vọng, vì vậy thị trường không có biến động bất thường so với xu hướng trước đó. Mức tăng dưới 0.5% của vài tháng trước do điểm rơi của chính sách tiền tệ, giá hàng hóa giảm mạnh, và yếu tố mùa vụ. Vì vậy kỳ vọng kéo dài không phổ biến trên diện rộng.
Với tháng trước tết,BSI cho rằng mức tăng CPI dưới 1.5% là đủ để thị trường không có phản ứng bất thường, và mức kỳ vọng với xu hướng hiện tại có thể xoay quanh 1%.
Với thị trường chứng khoán, sau khi đảo chiều mua mạnh trong tuần trước, nhà đầu tư nước ngòai lại tiếp tục bán mạnh và tăng tốc dần về cuối tuần. Với các xu hướng rõ nét, động thái của khối này thường ít thay đổi nhanh chóng do quy mô lớn. Theo BSI, việc kỳ vọng một nhịp tăng đỡ NAV vốn đã yếu lại tiếp tục nhạt nhòa. Đà giảm bị chậm lại do tác động của khối này có thể khiến đợt giảm càng kéo dài.
Xu hướng giảm tuần qua tiếp tục áp đảo với lượng đặt bán lớn hơn đặt mua trong suốt cả 5 phiên giao dịch. Khối lượng giao dịch không có tín hiệu đặc biệt (không tăng mạnh, cũng không cạn kiệt) khiến nguy cơ xu hướng cũ tiếp tục vẫn chiếm ưu thế.
Do đó, tuần cuối cùng của năm cũng chịu áp lực tiêu cực từ kỳ vọng đỡ NAV. Với tốc độ giảm ở mức khá, kịch bản đảo chiều cần 3-4 phiên giao dịch mới có thể được xác nhận. Vì vậy, nhà đầu tư chờ mua vào chưa có lý do phải vội vàng.
Chờ đợi cơ hội giải ngân
CTCP Chứng khoán Dầu khí (PSI): Tuần qua, thị trường đón nhận một số thông tin vĩ mô quan trọng. Mức tăng CPI tháng 12 lên tới 0.53% và lạm phát cả năm ở mức 18.12% cũng không nằm ngoài những dự báo trước đó.
Mặc dù vậy, trước xu hướng đi lên của giá thực phẩm và các mặt hàng tiêu dùng, giới đầu tư vẫn lo ngại sức ép lạm phát lên các tháng đầu năm 2012, đặc biệt là sau khi giá điện chính thức tăng 5%.
Bên cạnh đó, nợ xấu hệ thống ngân hàng vẫn tiếp tục là vấn đề quan ngại lớn trong thời sắp tới. Những yếu tố này có thể đã có sự tác động mạnh tới tâm lý thị trường trong tuần qua và khiến nhà đầu tư càng thận trọng hơn.
Trong tuần tới, VN-Index sẽ kiểm chứng ngưỡng 350 điểm. Nhà đầu tư cần theo dõi diễn biến thị trường tại vùng điểm này, đặc biệt là xu hướng giao dịch của khối ngoại trên sàn HOSE. Đối với sàn Hà Nội, xu hướng giảm ngắn hạn vẫn có nguy cơ tiếp tục, tuy nhiên chỉ số có hỗ trợ mạnh tại vùng 55 điểm, do đó nhà đầu tư có thể tiếp tục chờ đợi để có cơ hội giải ngân tốt hơn.
Sẽ có những phiên tăng điểm
CTCP Chứng khoán FPT (FPTS): Sau khi rơi mạnh qua ngưỡng 360 điểm, VN-Index tiếp tục cho thấy sự vận động tiêu cực, phản ánh tâm lý bi quan của giới đầu tư. Qua quan sát, với lực bán trong tuần qua khả năng, nâng đỡ thị trường tại ngưỡng 350 điểm là hết sức mong manh. Lực đỡ của nhóm vốn hóa, lớn hiện đã suy yếu rất nhiều so với những tháng trước và chưa cho thấy khả năng hồi phục.
Tuy nhiên, mô hình tuần với 3 nến đặc giảm điểm đang cho thấy khả năng trong tuần tới có những phiên tăng điểm trở lại. Mặc dù vậy, FPTS cho rằng đây sẽ chỉ là tín hiệu hồi phục tạm thời do chỉ số đã bị giảm mạnh vừa qua. Sức bật sẽ không duy trì lâu khi thiếu thông tin vĩ mô tích cực.
Do vậy, nhà đầu tư ngắn hạn cần kiên nhẫn tránh tham gia bắt đáy đồng thời cần phân biệt sự hồi phục của thị trường dựa trên sự hậu thuẫn của đa số các mã đang niêm yết và khối lượng giao dịch cải thiện rõ rệt.
Viết Vinh tổng hợp



Xem bài viết: Chứng khoán cuối năm, “góc nhìn” vẫn chưa sáng sủa