Tái cơ cấu CTCK: Muộn còn hơn không!
Ủy ban Chứng khoán tuyên bố năm 2012 là năm tái cơ cấu công ty chứng khoán nhưng giới phân tính thị trường cho rằng mục tiêu của năm 2012 cần phải được đặt cụ thể và tích cực hơn: thí dụ sàng lọc minh bạch để tồn tại 20 hoặc 30 công ty chứng khoán với chức năng hoạt động tách bạch rõ ràng.
Không thể trễ hơn nữa
Lần đầu tiên Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội hành động quyết liệt đối với công ty chứng khoán niêm yết: hạn chế giao dịch cổ phiếu Công ty Chứng khoán SME chỉ vào ngày thứ Sáu hàng tuần sau khi doanh nghiệp này nhiều lần thiếu tiền thanh toán. Sự kiện SME khiến giới đầu tư e ngại bởi có thể còn không ít công ty chứng khoán nhỏ khác ở trong hiện trạng như vậy. Mặc dù cơ quan quản lý thị trường đã lên tiếng khẳng định sẽ theo dõi sát sao hoạt động của các công ty chứng khoán và có biện pháp bảo vệ quyền lợi nhà đầu tư, đồng thời đưa ra dự thảo Đề án tái cấu trúc công ty chứng khoán như một minh chứng cho quyết tâm hành động. Tuy nhiên, người ta vẫn đang tự hỏi vì sao đến tận bây giờ, sau 11 năm đi vào hoạt động, các công ty chứng khoán mới tái cơ cấu?
Vào năm 2000 cả Việt Nam chỉ có sáu công ty chứng khoán. Lúc ấy sáu là nhiều bởi chỉ có hai cổ phiếu niêm yết trên sàn TPHCM. Sáu doanh nghiệp này ra đời với mục tiêu rõ ràng, lâu dài là cung cấp dịch vụ chứng khoán và họ xác định ban đầu sẽ không có lợi nhuận. Họ tìm kiếm cơ hội, thử sức và chấp nhận thử thách trong một ngành nghề kinh doanh mới.
Năm 2006-2007 khi chứng khoán “bùng nổ”, các công ty chứng khoán được thành lập ồ ạt với mục đích khác hẳn: kiếm lời từ giao dịch cổ phiếu của chính họ. Chỉ cần có giấy phép hoạt động, giá cổ phiếu công ty chứng khoán ngay lập tức được giao dịch với giá bằng 2-3 lần mệnh giá, thậm chí cao hơn nếu trong cơ cấu cổ đông sáng lập có sự tham gia của những tập đoàn, doanh nghiệp nhà nước. Có những công ty ra đời với mục đích phục vụ mua bán cổ phiếu của một nhóm nhà đầu tư, trong đó có cả nhà đầu tư - cổ đông của công ty mình.
Kỳ vọng tìm kiếm lợi nhuận ngắn hạn đã bị “cơn lốc” biến động của thị trường phá vỡ, nhiều cổ đông công ty chứng khoán trở thành nhà đầu tư dài hạn (và vô hạn), bản thân công ty chứng khoán tồn tại chật vật vì chất lượng dịch vụ thấp, khách hàng ít ỏi, khả năng tài chính eo hẹp. Trong bối cảnh ấy, lẽ ra cơ quan quản lý thị trường chứng khoán phải có những giải pháp chấn chỉnh, thanh lọc khối công ty chứng khoán từ 1-2 năm trước. Nhưng không, mọi sự vẫn giậm chân tại chỗ dù dư luận đã không ngừng phản ánh: 105 công ty chứng khoán cho một thị trường chỉ có hơn một triệu tài khoản cá nhân là quá nhiều.
Chỉ đến khi những rủi ro bắt đầu lộ diện: một số công ty chứng khoán không có tiền thanh toán đặt lệnh của khách hàng, không đáp ứng tỷ lệ vốn khả dụng trên tổng tài sản có rủi ro, lỗ lũy kế và nợ cao hơn vốn chủ sở hữu... dự thảo đề án tái cơ cấu công ty chứng khoán mới được gửi đến các đơn vị này. Hiện tại không phải nước đã đến chân nữa, mà là nước đã ngập quá mắt cá chân và có khả năng dâng cao hơn, mới nhảy thì đã muộn!
Nhưng muộn còn hơn không!
Vì nước đã ngập chân, bước nhảy cần nhanh chóng, dứt khoát. Theo dự thảo đề án tái cơ cấu, đến tháng 4-2012 việc phân loại các công ty chứng khoán theo nhóm (bình thường; kiểm soát; kiểm soát đặc biệt) phải hoàn tất. Thời gian xử lý từng nhóm cũng được nêu rõ. So với các ngân hàng, tái cơ cấu khối chứng khoán “nhẹ nhàng” hơn nhiều vì vốn nhỏ, số lượng khách hàng còn thấp và chức năng hoạt động không quá phức tạp. Cái cần là sự kiên quyết của cơ quan quản lý. Sự kiên quyết này có vẻ đang chưa đủ. Từ hai ba năm trước, đã có quy định công ty chứng khoán tách bạch riêng tài khoản của nhà đầu tư. Vậy mà đến nay, vẫn còn nhiều công ty sử dụng tài khoản tổng.
Thay bằng mở tài khoản giao dịch chứng khoán ở ngân hàng, nhà đầu tư nộp tiền vào tài khoản tổng của công ty chứng khoán, sau đó công ty mới phân bổ tiền đến tài khoản của nhà đầu tư. Hiện trạng này nếu không chấm dứt ngay, sẽ làm trầm trọng thêm nguy cơ công ty chứng khoán sử dụng tiền của nhà đầu tư mà nhà đầu tư không biết. Lập luận của công ty chứng khoán rằng họ không thể kết nối với đa số các ngân hàng nên vẫn sử dụng tài khoản tổng là không thuyết phục. Hiện tại, một nhà đầu tư có thể mở tài khoản ở nhiều công ty chứng khoán, nên việc giao dịch với các ngân hàng sẽ đa dạng hơn. Chỉ cần một công ty chứng khoán kết nối với 4-5 ngân hàng lớn, là đủ để khách hàng mở tài khoản ở những nơi đó. Chưa kể một số ngân hàng có mối quan hệ chặt chẽ với nhau, nên tiền có thể chuyển nhanh trong ngày
Một khía cạnh khác đang được dư luận quan tâm là chất lượng và độ phản ánh chính xác của báo cáo của các công ty chứng khoán gửi tới Ủy ban Chứng khoán Nhà nước. Có ý kiến nhận xét độ xác thực của nhiều báo cáo cần phải xem lại. Một số công ty có tình hình tài chính xấu hơn trên báo cáo. Thanh tra Ngân hàng Nhà nước khá nhạy bén với báo cáo hàng ngày, hàng tuần, hàng tháng, hàng quí của các tổ chức tín dụng. Họ phát hiện ra ngay những lỗ hổng, sự vô lý trong luân chuyển vốn huy động, cho vay, cân đối các kỳ hạn, các loại nguồn vốn... Hầu hết cán bộ của ủy ban đều xuất thân từ ngành ngân hàng và có kiến thức, kinh nghiệm trong lĩnh vực này. Tại sao Thanh tra chứng khoán chưa thể phát hiện các vụ việc có liên quan đến tình hình tài chính các công ty? Việc xử lý các công ty, cho đến nay, chỉ được tiến hành khi các vi phạm không thể “che” được nữa? Kiểu công ty chứng khoán lạm dụng tiền của nhà đầu tư, thiếu tiền thanh toán, nhà đầu tư kiện mất cổ phiếu...
Từ thực tế trên, tuyên bố hành động năm 2012 là năm tái cơ cấu công ty chứng khoán là chưa đủ. Từ “tái cơ cấu” chung chung quá. Mục tiêu của năm 2012 phải được đặt cụ thể và tích cực hơn: thí dụ sàng lọc minh bạch để tồn tại 20 hoặc 30 công ty chứng khoán với chức năng hoạt động tách bạch rõ ràng. Có vậy, mới góp phần đưa nhà đầu tư trở lại với chứng khoán.
Lưu Hảo
tbktsg



Xem bài viết: Tái cơ cấu CTCK: Muộn còn hơn không!