Những sự kiện đình đám trên TTCK năm 2011 (phần 2)
(Vietstock) – Năm 2011, thị trường chứng khoán còn chứng kiến sự kiện cổ phiếu DVD từ giá hàng trăm ngàn biến thành giấy vụn sau khi bị hủy niêm yết và công ty chính thức phá sản, hay sự kiện vỡ nợ ngàn tỷ chưa từng có tiền lệ trong lịch sử tài chính Việt Nam.
* Những sự kiện đình đám trên TTCK năm 2011 (phần 1)

6. Cổ phiếu thành ....giấy vụn
Sự việc ông Lê Văn Dũng, nguyên Chủ tịch HĐQT CTCP Dược Viễn Đông (DVD) bị bắt vào cuối năm 2010 về tội thao túng giá chứng khoán, cũng như làm giả sổ sách giấy tờ kế toán… chưa dừng lại ở đó. Những hệ lụy của nó liên quan đến tình hình công ty, quyền lợi cổ đông và nhà đầu tư, cũng như các đối tác của DVD.
Sau hàng loạt vụ lình xình về nội bộ, cũng như chậm trễ công bố thông tin, DVD chính thức bị hủy niêm yết từ 05/09, và đến đầu tháng 10, lãnh đạo mới của DVD chính thức tuyên bố chấm dứt hoạt động của công ty.
Sự kiện này được xem là bài học đáng giá cho nhà đầu tư khi lựa chọn doanh nghiệp để góp vốn, đồng thời cơ quan quản lý cũng rút ra kinh nghiệm về việc kiểm soát các hoạt động giao dịch, cũng như công bố thông tin của doanh nghiệp nhằm giúp cho thị trường chứng khoán trong sạch và minh bạch hơn.
Câu chuyện Chủ tịch HĐQT của DVD và những người liên quan cấu kết làm giá cổ phiếu, cũng như giả mạo báo cáo tài chính năm 2010 và bị bắt giữ như là một hồi chuông cảnh tỉnh đối với các cơn quan quản lý khi đã buông lỏng các hoạt động công bố thông tin của cá nhân và doanh nghiệp.
Để hoạt động công bố thông tin được chặt chẽ và làm cho thị trường trở nên minh bạch hơn, cơ quan quản lý đã chỉnh sửa, bổ sung Thông tư 09/2010 về hoạt động công bố thông tin tin trên thị trường chứng khoán và tiến hành lấy ý kiến các thành viên của thị trường nhằm hoàn thiện thông tư này để sớm trình Bộ Tài chính ban hành trong năm 2012.
7. Thêm nhiều đợt IPO khủng
Năm 2011, thị trường chứng khoán ảm đạm, dòng tiền lần lượt “đội nón” ra đi nhưng cũng trong năm này, Chính phủ lại cho phép nhiều doanh nghiệp nhà nước lớn tiến hành cổ phần hóa và bán cổ phần ra công chúng.
Chỉ trong vòng 2 tháng 6 và 7/2011, các đại gia như Tổng Công ty Thép Việt Nam (Vnsteel), Tổng công ty Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) và Ngân hàng phát triển nhà đồng bằng sông Cửu Long (MHB) lần lượt tiến hành (IPO). Trong đó, IPO của Petrolimex được xem là thành công nhất khi lượng đặt mua vượt xa so với lượng chào bán 30 triệu cp/27.4 triệu cp. Kết quả là lượng cổ phần đưa ra đấu giá đều bán hết với giá bình quân 15,032 đồng/cp.
Tuy nhiên, sau đó Petrolimex liên tục bị dư luận công kích về kết quả kinh doanh các năm chưa minh bạch như lúc báo cáo với nhà đầu tư để tiến hành IPO. Đến nay, những giải trình từ phía Petrolimex vẫn còn tạo nhiều nguồn dư luận trái chiều nhau.
Tiếp theo là đợt IPO của VNSteel với hơn 39 triệu cổ phiếu được mua với giá bình quân 10,101 đồng/cp, chiếm gần 60% số cổ phần đưa ra đấu giá lần đầu.
Trong khi đó, MHB lại có kết quả khá tệ hại khi số cổ phần đấu giá là 64.5 triệu đơn vị, giá khởi điểm 11,000 đồng/cp nhưng chỉ có 17.74 triệu đơn vị được mua với giá bình quân 11,025 đồng/cp.
Và những ngày cuối năm, Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), một trong những ngân hàng hàng đầu của Việt Nam cũng IPO với số lượng hơn 84.75 triệu cổ phần, và giá khởi điểm 18,500 đồng/cp. Mặc dù đánh giá cao triển vọng và uy tín của ngân hàng này nhưng nhiều nhà đầu tư tỏ ra lo ngại về mức nợ xấu mà BIDV đang gánh, đồng thời họ cũng cho rằng mức giá khởi điểm đã được phê duyệt là khá cao.
Phiên đấu giá chính thức diễn ra vào ngày 28/12.
8. Mòn mỏi chờ T+2
Nhiều chính sách, quy định mới về thị trường chứng khoán đã được ban hành trong năm 2011. Nhà đầu tư cuối cùng đã được phép giao dịch cùng lúc trên nhiều tài khoản, được mua bán cùng phiên và hoạt động margin cũng chính thức được cơ quan quản lý chấp nhận. Tuy nhiên trong bối cảnh thị trường ảm đạm, dòng tiền nguội lạnh và liên tục chảy sang các kênh đầu tư vàng hoặc tiết kiệm, nên những quy định này gần như không phát huy được tác dụng là góp phần tăng tính thanh khoản và giúp thị trường sôi động hơn. Có nhiều ý kiến cho rằng những quy định này còn chứa đựng nhiều bất cập.
Ngoài những quy định trên, UBCK còn có dự thảo cho phép thành lập quỹ mở; Sở GDCK TPHCM dự kiến thành lập bộ chỉ số mới nhằm phản ánh đúng diễn biến của thị trường. Và những ngày cuối năm, một đề án tái cơ cấu thị trường chứng khoán theo hướng phát triển bền vững và lành mạnh hơn đã được cơ quan quản lý nhắc đến. Điều này hứa hẹn có thể mang lại một làn gió mới cho thị trường trong năm 2012.
Tuy nhiên, điều mong mỏi nhất của nhà đầu tư nhiều năm qua là giảm thời gian giao dịch từ T+3 xuống T+2, nhưng đến nay kế hoạch này vẫn nhiều lần trì hoãn. Đến đầu tháng 12, UBCKNN mới cho biết sẽ báo cáo Bộ Tài Chính về kế hoạch rút ngắn thời gian giao dịch xuống T+2, điều này đồng nghĩa với giao dịch T+2 sẽ chưa có thể được thực hiện trong một sớm một chiều.
9. Lỗ dây chuyền
Khác với giai đoạn khủng hoảng 2008 – 2009, những khó khăn về kinh tế năm 2011 đã vượt quá sức chịu đựng của nhiều doanh nghiệp. Số doanh nghiệp niêm yết báo lỗ hoặc lợi nhuận sụt giảm gia tăng theo từng quý. Đặc biệt là những công ty về bất động sản, xây dựng và chứng khoán, vốn chịu ảnh hưởng lớn bởi chính sách tiền tệ thắt chặt của Chính phủ để kiềm chế lạm phát.
9 tháng đầu năm, có tổng cộng 16/27 công ty chứng khoán báo lỗ, với tổng cộng trên 1,210 tỷ đồng; trong đó SHS lỗ xấp xỉ 382 tỷ đồng, tiếp đến là SBS với gần 258 tỷ đồng, và VND khoảng 130 tỷ đồng…
Với những doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất kinh doanh khác, có tổng cộng 75/633 doanh nghiệp niêm yết ở cả hai sàn báo lỗ trong 9 tháng đầu năm với tổng số tiền trên 1,400 tỷ đồng. Trong đó, VSP dẫn đầu với hơn 323 tỷ đồng, tiếp theo là SAM với 112 tỷ đồng…
Tính riêng từng quý, quý 1 có 63 công ty niêm yết (chưa bao gồm chứng khoán, ngân hàng, bảo hiểm) báo lỗ với con số gần 347 tỷ đồng. Sang quý 2 có 82 doanh nghiệp với hơn 963 tỷ đồng và ở quý 3, có 93 doanh nghiệp với tổng mức lỗ 785 tỷ đồng.
Trong quý 4, nhiều ý kiến cho rằng số lượng doanh nghiệp “thấm đòn” sẽ còn tiếp tục gia tăng.
10. Vỡ nợ ngàn tỷ trên TTCK
Đầu tháng 10, giới tài chính rộ lên thông tin về bà Huỳnh Thị Huyền Như (SN 1978), nhân viên của một ngân hàng có tiếng, đồng thời có chân trong HĐQT CTCK Phương Đông (ORS) vỡ nợ hàng ngàn tỷ đồng. Sự kiện gây chấn động vì bà Như đã huy động của nhiều ngân hàng, công ty chứng khoán, nhân viên môi giới và cả nhà đầu tư với lãi suất rất cao trong vòng 3-4 năm liên tục.
Những khoản tiền huy động được đem đầu tư vào chứng khoán, bất động sản đồng thời trả cho những khoản vay tới hạn. Sự việc vỡ lỡ khi bất động sản đóng băng, chứng khoán lao dốc không phanh, các khoản đầu tư đều bị "chết" hoặc giải chấp khiến bà Như mất khả năng chi trả và phải nhờ đến sự can thiệp của cơ quan pháp luật. Tuy chưa có kết luận cuối cùng của cơ quan điều tra, nhưng đây được xem là một đòn giáng mạnh vào thị trường chứng khoán vốn đã rất ảm đạm, đồng thời là bài học đáng nhớ của giới đầu tư.
Không những thế, dù tuyên bố không liên quan và không bị ảnh hưởng bởi vụ vỡ nợ của bà Huyền Như, nhưng ORS nơi bà Như giữ vị trí HĐQT lại nổi đình đám với khoản tiền bị ẩn hơn 1,000 tỷ đồng trong báo cáo tài chính quý 3, và việc công ty này bất ngờ đưa ra quyết định hủy niêm yết, làm cho giá cổ phiếu bị bán tháo trong nhiều phiên liêp tiếp.
Tiếp sau vụ vỡ nợ này, hàng chục vụ vỡ nợ từ tín dụng đen trên khắp cả nước cũng khiến giới đầu tư hoang mang và người dân lo lắng.

Viết Vinh



Xem bài viết: Những sự kiện đình đám trên TTCK năm 2011 (phần 2)