Vietstock Weekly 12 - 16/12: Đối mặt với khó khăn mang tính cơ cấu
(Vietstock) – Giao dịch chứng khoán nói riêng và hoạt động kinh doanh nói chung đang phải đối mặt nhiều khó khăn mang tính cơ cấu bộc phát cùng lúc. Vì vậy, một số đợt phục hồi chỉ mang tính chất ngắn hạn, còn xu hướng giá xuống vẫn đang hiện diện trong suốt mấy tháng qua.
I. THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN VIỆT NAM TUẦN QUA
Kết thúc tuần giao dịch, VN-Index quay trở lại giảm 1.75% về mức 377.16 điểm; HNX-Index gần như đi ngang khi chỉ tăng nhẹ 0.08% lên mức 61.73 điểm. Nhóm cổ phiếu chủ chốt thể hiện qua VS 100 hoàn toàn ”bất động” khi đứng yên tại mức 54.38 điểm. Như vậy, VN-Index đã rớt khỏi ngưỡng hỗ trợ kỹ thuật quan trọng 380 điểm.
VS-Large Cap có tuần giảm điểm mạnh nhất khi mất 1.81%, tiếp theo là VS-Micro Cap giảm 1.21%, VS-Mid Cap giảm 0.97% trong khi đó VS-Small Cap ngược dòng tăng nhẹ 0.29%.
Tính chung cả tuần giao dịch, thanh khoản thị trường được cải thiện mạnh mẽ trên cả hai sàn so với tuần trước. Mặc dù khối lượng giao dịch khớp lệnh có sự sụt giảm về những phiên giao dịch cuối tuần nhưng nhìn chung thanh khoản thị trường vẫn đứng ở mức cao.
Tổng khối lượng khớp lệnh trên HOSE đã tăng 42.8% và tăng 37.7% trên HNX so với tuần trước.
Nhóm cổ phiếu Large Cap có tuần giao dịch nhàm chán, khi các trụ cột thay phiên nhau giảm điểm. Cũng đã xuất hiện hiện tượng đỡ giá ở nhóm cổ phiếu này nhưng đã nhanh chóng thất bại khiến chỉ số VN-Index lùi sâu.
Nhìn chung thị trường đã có một tuần giao dịch đi ngang tăng vào đầu tuần và giảm về cuối tuần; được thể hiện khá rõ khi chỉ số VS 100 “giậm chân tại chỗ”.
Phiên giao dịch đầu tuần diễn ra hết sức tích cực, trước những thảo luận xung quanh việc giảm lãi suất trần huy động nhiều khả năng sẽ sớm được đưa vào thực hiện; bên cạnh việc áp dụng thời gian thanh toán T+2 trong thời gian tới đây.
Thị trường phản ứng khá tiêu cực trước thông tin CTCK SME lại thiếu hụt tiền trong thanh toán bù trừ lần thứ 2 chỉ trong vòng hơn 1 tháng qua.
Phân tích cho thấy rủi ro thanh khoản ở công ty này đã trở thành hệ thống và có thể sẽ có thêm nhiều diễn biến mới có liên hệ đến chủ đề này trong thời gian tới. Nếu điều đó xảy ra, tâm lý thị trường nhìn chung sẽ tiếp tục bị ảnh hưởng tiêu cực.
Giao dịch tại những cổ phiếu của các CTCK nhỏ trên sàn cũng bị ảnh hưởng mạnh trước thông tin này với áp lực xả hàng tăng vọt.
HOSE có quyết định hủy niêm yết đối với cổ phiếu của CTCP Xây dựng Công nghiệp – Descon (HOSE: DCC), với lý do công ty này đã vi phạm nghiêm trọng quy định về công bố thông tin. Trên thực tế, đây cũng là mong muốn của ban lãnh đạo DCC, sau động thái thâu tóm “ầm ĩ” của Bình Thiên An cuối năm 2010.
HAG giao dịch khá tiêu cực về cuối tuần khi xuất hiện thông tin S&P tiếp tục hạ mức tín nhiệm dài hạn từ mức B xuống B-, với triển vọng tiêu cực. Có thể nói HAG là một đại diện khá tiêu biểu, và là tấm gương phản ánh tình hình thị trường bất động sản hiện nay.
Câu chuyện Quỹ Haverstock Master cam kết mua cổ phiếu THV vẫn chưa kết thúc thì cổ đông của THV tiếp tục đón nhận thông tin “khủng” khi Chủ tích HĐQT kiêm Tổng giám đốc đã dừng mua 6.1 triệu cổ phiếu như đăng ký do e ngại thủ tục và chứng minh nguồn vốn. Sau khi thông tin này được đăng tải, cổ phiếu THV ngay lập tức bị bán tháo và quay đầu giảm sàn sau nhiều phiên tăng mạnh liên tục gần đây.
Trên HOSE, STB tiếp tục đứng đầu bảng về cổ phiếu được giao dịch nhiếu nhất trong tuần qua, tiếp theo là ITA, HAG, OCG và SSI. Trên HNX vẫn là KLS, VND, PVX, VCGWSS.
Giao dịch thỏa thuận tiếp tục diễn ra khá sôi động trên HOSE khi STB có hơn 8 triệu cổ phiếu được sang tay, HAG cũng chuyển nhượng trên 4 triệu đơn vị và SJS có gần 1.2 triệu đơn vị, EIBMCG với cùng 1 triệu đơn vị.
Nông – Lâm - Ngư nghiệp tiếp tục là ngành có mức tăng cao nhất 3.86%, trong khi BVH liên tục sụt giảm kéo ngành Bảo hiểm sụt giảm mạnh nhất 3.49%.
Những ngành nóng cũng có tuần phân hóa. Trái ngược với tuần trước, Chứng khoán, Xây dựng, Bất động sản quay đầu sụt lần lượt 1.38% và 1.02% và 0.16%, trong khi Ngân hàng lại gia tăng 0.94%.
Trong tuần qua, khối ngoại lại bán ròng 88 tỷ đồng trên cả hai sàn, bao gồm bán ròng 71.8 tỷ đồng trên HOSE và bán ròng 16.2 tỷ đồng trên HNX.
Trên HOSE, khối ngoại bán ròng mạnh nhất VIC với giá trị 16.3 tỷ đồng. Họ tiếp tục mua ròng mạnh nhất FPT với giá trị 36 tỷ đồng.
Trên HNX, VCG bị bán ròng mạnh nhất với gần 2.5 triệu cổ phiếu tương ứng với 26.4 tỷ đồng, trong khi PVX được mua ròng mạnh nhất với giá trị 5.6 tỷ đồng.
II. NHẬN ĐỊNH THỊ TRƯỜNG TUẦN 12 – 16/12/2011
Quá trình tái cấu trúc lại hệ thống ngân hàng Việt Nam đã chính thức có bước đi đầu tiên khi NHNN đã thông báo chủ trương hợp nhất 3 ngân hàng có trụ sở chính tại TPHCM là Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB), Việt Nam Tín Nghĩa (TinNghiaBank) và Đệ Nhất (Ficombank). Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) sẽ tham gia toàn diện vào ngân hàng mới sau hợp nhất, với tư cách đại diện vốn nhà nước.
Đi kèm theo hành động hợp nhất 3 ngân hàng thương mại này là tuyên bố của NHNN sẽ xây dựng phương án xử lý để giảm nhanh các ngân hàng yếu kém với mức tổn thất ít nhất.
Trong khi đó, UBCKNN đã gửi Đề án tái cấu trúc CTCK tới các CTCK để tham khảo ý kiến. Mục tiêu chính của việc tái cấu trúc là là thu hẹp số lượng CTCK, không phân biệt công ty lớn hay bé.
Việc đánh giá các CTCK sẽ được dựa trên 2 tiêu chí quy định trong Luật Chứng khoán và Thông tư 226/2010/TT - BTC: vốn khả dụng/tổng rủi ro và tỷ lệ lỗ luỹ kế/vốn điều lệ và sẽ phân loại các CTCK thành 3 nhóm, gồm nhóm 1 - nhóm bình thường; nhóm 2 - nhóm kiểm soát; nhóm 3 - nhóm kiểm soát đặc biệt.
Ngoài SME đã bị đình chỉ tạm thời tư cách thành viên giao dịch, rất có thể một số trường hợp CTCK có rủi ro tài chính cao sẽ được UBCK thông báo trong thời gian tới.
Một diễn biến khác đáng chú ỳ trong ngành Bất động sản là vào cuối tuần, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị 2196/CT-TTg về tăng cường quản lý thị trường bất động sản. Nội dung được giới kinh doanh bất động sản mong chờ nhất trong Chỉ thị này là “Tiếp tục cho vay đối với các dự án bất động sản sẽ hoàn thành và có khả năng bán, thu hồi vốn đầu tư trong năm 2012”.
Ngoài việc tranh cãi định nghĩa đối tượng được hưởng lợi, những động thái sắp xếp lại trong ngành ngân hàng và rủi ro nợ xấu tăng cao sẽ khiến van tín dụng cho lĩnh vực bất động sản chưa thể khai thông một sớm một chiều.
Chúng tôi nhận thấy tín hiệu tích cực trên thị trường ngoại hối khi khi giá USD tự do đã lùi về gần giá bán ra của các ngân hàng. Việc kìm hãm thành công tỷ giá chủ yếu là nhờ nguồn kiều hối cuối năm đang chảy vào khá mạnh, bên cạnh đó là việc gom USD cho các hoạt động đầu cơ vào vàng có phần hạ nhiệt, và các biện pháp hành chính của NHNN đang phát huy tác dụng.
Không khó để nhận thấy áp lực thoát hàng đang dần mạnh lên khi sự thận trong đã bao trùm trở lại thị trường trong các phiên giao dịch cuối tuần. Việc VN-Index dễ dàng bị rớt khỏi ngưỡng hỗ trợ tâm lý khá quan trọng 380 điểm đang thử thách tâm lý chịu đựng ở giới đầu tư.
Mô hình Định lượng của chúng tôi cũng đã quay sang nâng cao mức độ thận trọng trên cả hai sàn. Hiện các chỉ số vẫn đang ở xoay quanh ngưỡng nhạy cảm và việc mua hay bán mạnh vẫn sẽ mang đến rủi ro.
Giao dịch chứng khoán nói riêng và hoạt động kinh doanh nói chung đang phải đối mặt nhiều khó khăn mang tính cơ cấu bộc phát cùng lúc. Vì vậy, một số đợt phục hồi chỉ mang tính chất ngắn hạn, còn xu hướng giá xuống vẫn đang hiện diện trong suốt mấy tháng qua.
Rất khó để dự đoán khi nào niềm tin và lạc quan sẽ quay trở lại trên TTCK. Sau khi hoạt động tái cấu trúc ngân hàng, CTCK, bất động sản… hoàn tất chăng?
Phân tích kỹ thuật: VN-Index – Ngưỡng 380 điểm đã bị thủng hoàn toàn? Sự sụt giảm mạnh trong phiên cuối tuần đã làm dấy lên mối lo ngại về nguy cơ thủng hoàn toàn ngưỡng 380 điểm. Nếu trong những phiên đầu tuần sau, VN-Index không dịch chuyển lên trên ngưỡng này thì khả năng thoái lùi sâu là rất lớn.
Chỉ báo MACD đã quay đầu và có thể cho tín hiệu bán mạnh trong vài phiên tới. Nếu kịch bản xuyên thủng internal trendline (tương đương vùng 375 – 380 điểm) diễn ra thì khả năng sẽ có thêm một đợt suy giảm mạnh nữa.
Rõ ràng là không cần phải vội vàng bắt đáy trong những phiên tới.

HNX-Index – Middle của Bollinger Bands đã bị phá vỡ. Thanh khoản vẫn không có dấu hiệu cải thiện trong phiên giao dịch ngày 09/12/2011. Điều này càng chứng tỏ một thực tế là sự thận trọng của nhà đầu tư đối với thị trường vẫn còn rất lớn.
Một tín hiệu tiêu cực khác là đường middle của Bollinger Bands đã bị phá vỡ. Khối lượng vẫn không có đột biến lớn nên nguy cơ thoái lùi tiếp tục vẫn cao. Đây có thể là dấu hiệu báo trước cho một đợt suy giảm mới trên HNX-Index.

VIETSTOCK INDEX
VS 100: Tiếp tục giảm (-1.10%) trong phiên giao dịch ngày 08/12/2011, VS 100 lại gây lo ngại về khả năng có sụt giảm bất ngờ như giai đoạn trước.
Khối lượng cũng không có đột biến lớn cho thấy tâm lý thận trọng vẫn bao trùm.

VS-Market Strength: Trong phiên giao dịch ngày 09/12/2011, VS-A/D HOSE đạt mức 0.37, tức số mã tăng giá bằng 0.37 lần số mã giảm giá; trong khi VS-U/D HOSE là 0.21, tức khối lượng của cổ phiếu tăng giá bằng 0.21 lần so với khối lượng giao dịch của phía giảm giá. VS-A/D HNX đạt 0.35 lần và VS-U/D HNX bằng 0.21 lần. Chỉ số VS-Arms VN duy trì ở mức 2.46.
Chỉ số VS-Thrust VN và VS-ADL VN đã bắt đầu hồi phục mạnh chứng tỏ khả năng tạo đáy ngắn hạn là khá lớn.

III. THỐNG KÊ THỊ TRƯỜNG TUẦN 05 – 09/12/2011

Mời Nhà đầu tư tham gia viết bài cộng tác với Vietstock.vn qua các chủ đề sau:
- Nhìn lại một năm thị trường chứng khoán và các kênh đầu tư, toàn cảnh về vĩ mô, tài chính ngân hàng trong năm 2011 và viễn cảnh tương lai;
- Những kỷ niệm và cảm nhận sau một năm “chinh chiến” cùng TTCK, chia sẻ những câu chuyện, quan điểm hay kinh nghiệm đầu tư;
- Các bài viết dành cho Tết.
Bài viết sẽ được gửi về cho chúng tôi theo địa chỉ email: info@vietstock.vn kèm theo tên thật, địa chỉ liên lạc, email, số điện thoại….
Thời hạn nhận bài sẽ kéo dài đến hết ngày 25/12/2011.
Tất cả các bài viết gửi về đều được nhận quà tặng là một quyển Niên giám Doanh nghiệp Niêm yết 2011. Riêng những tác giả có bài viết được đăng trên Vietstock.vn sẽ được nhận nhuận bút.
Trân trọng cám ơn!
PHÒNG BIÊN TẬP VIETSTOCK

Phòng Nghiên cứu VIETSTOCK



Xem bài viết: Vietstock Weekly 12 - 16/12: Đối mặt với khó khăn mang tính cơ cấu