Ông Trương Đình Tuyển: Lạm phát 2012 có thể kiểm soát ở 10%
(Vietstock) – Năm 2012, tăng trưởng GDP của Việt Nam sẽ vào khoảng 6%, lạm phát được kiểm soát ở mức 10%, bội chi ngân sách dưới 4.8% và nhập siêu 11-12%.
Ông Trương Đình Tuyển, Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính Tiền tệ Quốc đã phát biểu tại hội thảo “Kịch bản kinh tế Việt Nam 2012: Đâu là cơ hội?”, do Thời báo Kinh tế Việt Nam tổ chức tại Tp.HCM vào sáng 9/12.
Ông Trương Đình Tuyển
Chính sách vĩ mô không hợp lý kéo dài
Tại hội thảo, ông Trương Đình Tuyển cho biết, năm 2011, GDP Việt Nam ước đạt 5.8-6%, lạm phát khoảng 18%. Bội chi ngân sách khoảng 4.9% (Không kể nguồn chi từ phát hành công trái). Cán cân thanh toán quốc tế thặng dư khoảng 2.5 tỷ USD.
Ông Tuyển đánh giá, tốc độ tăng giá hàng hóa đã giảm dần thứ Tháng 5 nhờ thực hiện Nghị quyết 11 của Chính Phủ. Tỷ giá VND/ USD tương đối ổn định, dự trữ ngoại tệ tăng. Tuy nhiên, lạm phát của Việt Nam vẫn rất cao (thứ 2 thế giới), kéo theo lãi suất tín dụng tăng, làm tăng chí phí đầu vào. Hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, TTCK và BĐS trì trệ. Sức ép giảm giá VND tăng mạnh vào cuối năm và nợ xấu của hệ thống ngân hàng cũng tăng cao.
Hệ quả trên phản ánh chính sách vĩ mô không hợp lý kéo dài. Cụ thể như đầu tư công tăng cao làm tổng cầu lớn trong khi hiệu quả đầu tư thấp và mô hình tăng trưởng dựa vào tăng vốn đầu tư, khai thác tài nguyên và lao động rẻ đã cạn tiềm năng, làm nhập khẩu tăng và nhập siêu lớn. Chính sách thắt chặt tiền tệ kém linh hoạt cũng gây ra căng thẳng thanh khoản tại một số thời điểm. Ngoài ta quy định trần lãi suất huy động 14% tỏ ra kém hiệu quả….
2012: Lạm phát kiểm soát ở mức 10%
Dự báo về năm 2012, ông Tuyển cho rằng tình hình kinh tế còn nhiều bất định, với chiều hướng chung là tăng trưởng chậm lại. Bên cạnh đó, phản ứng của thị trường sau khi điều chỉnh tỷ giá là không thuận lợi.
Theo đó, kịch bản kinh tế 2012 chưa có nhiều sáng sủa. Nợ công tại Châu Âu diễn biến phức tạp, kinh tế châu Âu có nguy cơ suy thoái sẽ tác động tiêu cực đến kinh tế toàn cầu. Dự báo kinh tế thế giới tăng trưởng chậm, FDI toàn cầu dự báo chỉ tăng 11% (trong khi 2011 ước tăng 22.5%).
Với nền kinh tế Việt Nam, ông cho rằng tăng trưởng GDP khoảng 6%, lạm phát được kiểm soát ở mức 10%, bội chi ngân sách dưới 4.8%, nhập siêu 11-12%. Chính Phủ sẽ tiếp tục chính sách tiền tệ chặt chẽ, linh hoạt, xác định ổn định kinh tế vĩ mô là trọng tâm hàng đầu.
Sẽ có làn sóng đầu tư từ Nhật Bản
Dù còn không ít khó khăn phía trước nhưng ông Tuyển cũng nhận định rằng thách thức sẽ là cơ hội để nền kinh tế nói chung và DN nói riêng tận dụng. Cụ thể, lạm phát 2012 giảm dần kéo theo lãi suất tín dụng giảm; thêm vào đó, Chính phủ tiếp tục có các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp như giãn, hoãn thời gian nộp thuế, đồng thời có chủ trương trình QH miễn giảm thuế; sẽ có làn sóng về đầu tư từ Nhật Bản.
Tuy nhiên, những thách thức mà bản thân mỗi doanh nghiệp phải đối mặt không phải là nhỏ. Ông Tuyển nhận định, việc giảm đầu tư và hậu quả của lạm phát 2011 sẽ gây sức ép lên doanh nghiệp. Bên cạnh đó, sức ép giảm giá VND vẫn còn lớn, lãi suất vẫn còn cao. Ngoài ra, TTCK và BĐS được cho là chưa có khả năng phục hồi nhanh sẽ tác động đến các ngành sản xuất VLXD và các ngành liên quan.
Theo đó, ông Tuyển cho rằng trước hết DN cần rà soát lại kế hoạch kinh doanh gắn với kế hoạch tài chính và sự vận động của dòng tiền. Tập trung vào những sản phẩm có khả năng tăng trưởng, tiêu thụ nhanh để thu hồi vốn sớm. Ngoài ra mở rộng thị trường nội địa, tăng xuất khẩu các mặt hàng có thể thay thế Thái Lan, xâm nhập thi trường Trung Quốc, Hàn quốc, Nhật bản, Châu Phi…. Đặc biệt, tiến hành tái cấu trúc doanh nghiệp để nâng cao sức cạnh tranh. Nghĩa là doanh nghiệp cần nhận thức rằng chiến lược tăng doanh thu, lợi nhuận chỉ là kết quả cần đạt đến. Muốn đạt được mục tiêu này phải bắt đầu từ chiến lược nâng cao sức cạnh tranh để chiếm lĩnh thị trường. Chú ý đào tạo nguồn nhân lực ,đổi mới công nghệ để chuẩn bị hành trang cần thiết khi kinh tế thế giới vượt qua thời kỳ trì trệ.
Bội Mẫn



Xem bài viết: Ông Trương Đình Tuyển: Lạm phát 2012 có thể kiểm soát ở 10%