Góc nhìn Nhà đầu tư
Nghiên cứu về mô hình của VNM
(Vietstock) - Tính từ khi niêm yết, cổ phiếu VNM đã 3 lần hình thành các mô hình rất chắc chắn. Nếu các nhà đầu tư phát hiện sớm và mua vào chính xác thì trong thời gian ngắn có thể kiếm được cả một gia tài mà họ không thể ngờ tới được.
Dưới đây tôi xin trình bày chi tiết 1 trong 3 mô hình mà cổ phiếu CTCP Sữa Việt Nam (HOSE: VNM) đã xác lập.
Mô hình cái cốc - tay cầm
Mô hình này được phát hiện đầu tiên bởi William O’neil, một nhà môi giới và sau này là nhà đầu tư thành công, chủ bút tờ “Investor’s Business Daily”.
Như cái tên của nó, mô hình này có dạng giống cái cốc có tay cầm. Thời gian để hình thành mô hình là từ 7 – 65 tuần nhưng đa phần kéo dài từ 3 – 6 tháng. Tỉ lệ điều chỉnh từ đỉnh giá (đỉnh tách) đến đáy giá (đáy tách) thông thường là 12% - 15% và có thể lên tới 33%. Đối với những khuôn mẫu giá mạnh, thông thường trước khi hình thành khuôn mẫu cổ phiếu đang trong giai đoạn đi lên và đi lên mạnh mẽ, dứt khoát. Đáy của mô hình thường có dạng chữ U. Điều này rất quan trọng vì nó hù dọa và hướng sự chú ý của các nhà đầu cơ ra khỏi cổ phiếu. Thời gian hình thành khu vực quai tách thông thường cần nhiều hơn 1-2 tuần, và có một đợt dìm giá (khi giá rớt xuống thấp hơn một đáy giá đã hình thành trước đó trong khu vực quai tách). Khối lượng giao dịch sẽ bị thu hẹp gần đáy giá mới trong đợt kéo giá xuống gần khu vực quai tách.
Khi phần quai được hình thành, chúng phải nằm ở nửa trên của cấu trúc nền tảng chung và phải nằm phía trên đường biến động giá bình quân 200 ngày (SMA 200). Những mô hình có đường SMA 200 ngày nằm phía trên phần quai tách sẽ có xu hướng thất bại. Tuy nhiên, những quai tách hướng lên hoặc đi ngang cũng dễ dẫn đến thất bại của mô hình. Bởi những quai tách này không cho cổ phiếu có cơ hội vận động kéo giá xuống sau khi đã tăng giá từ đáy tách. Tỷ lệ rớt giá ở khu vục quai tách thông thường từ 10% -15% tính từ đỉnh tách.
Điểm mua đúng của khuôn mẫu này là khi giá ở phần quai đi lên bằng với phần miệng phải của tách, đôi khi có thể thấp hơn phần miệng tách 5% - 10%. Tuy nhiên, theo kinh nghiệm của tôi các nhà đầu tư nên chờ quai tách đi lên bằng với miệng tách hoặc cao hơn một chút bởi thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn chưa có tính ổn định cao như thị trường chứng khoán Mỹ.
Cổ phiếu VNM và sự hình thành mô hình tách có quai
Mô hình tách có quai của VNM hình thành mới gần đây. Miệng trái của tách thành lập vào ngày 24/01/2011 với mức giá đóng cửa là 98 và miệng phải của tách hình thành ngày 04/04/2011 cùng mức giá đóng cửa là 98. Đáy giá của mô hình thành lập ngày 22/02/2011 ở mức giá đóng cửa là 86,5 (thấp hơn 11,73% so với miệng tách). Phần quai tách bắt đầu hình thành từ ngày 05/04/2011 khi cổ phiếu này quay đầu giảm điểm và đóng cửa phiên giao dịch ở mức 94,5 giảm 3,5 điểm tương ứng 3,6%.
Đợt dìm giá ở phần quai tách diễn ra từ 13 – 19/04/2011 khi giá từ mức 96 rớt xuống 93,5 và hoàn thành quai tách vào ngày 26/04 với mức giá đóng cửa là 97,5. Đây cũng chính là điểm mua vào của các nhà đầu tư.

Sau khi mua ở điểm mua đúng là 97,5 các nhà đầu tư có thể tận hưởng đợt tăng giá ngoạn mục của cổ phiếu này và nếu giữ tới lúc này, khi tôi đang viết bài này (18/11/2011) thì giá của cổ phiếu này đang là 136 (tăng 38,5 điểm tương ứng mức tăng 39,5%). Ta thấy mô hình này mang lại lợi nhuận cho các nhà đầu tư bất chấp thị trường chung (chỉ số VN-Index) đang đi xuống.
Đặng Văn Trung - TPHCM



Xem bài viết: Nghiên cứu về mô hình của VNM