Xử lý tình trạng ‘quay vòng’ tiền thuế
Hoạt động sản xuất - kinh doanh gặp khó khăn khiến nợ thuế tiếp tục gia tăng. Để giải quyết khó khăn cho cả doanh nghiệp lẫn ngành thuế, bà ĐẶNG THỊ BÌNH AN, Trưởng nhóm Nghiên cứu rà soát Luật Quản lý thuế (nguyên Phó tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan) cho rằng, nên mở rộng cơ chế xoá nợ thuế.
Mặc dù ngành thuế rất quyết liệt trong việc thu hồi nợ thuế, nhưng đến cuối quý II/2011, số nợ thuế vẫn tăng thêm 5.170 tỷ đồng so với đầu năm, lên 32.080 tỷ đồng. Để giảm nợ thuế, theo bà, cần những giải pháp nào?
Một mặt, ngành thuế tiếp tục thực hiện triệt để các biện pháp đôn đốc nợ thuế và thực hiện cưỡng chế nợ thuế, kể cả thực hiện cưỡng chế bằng biện pháp kê biên tài sản, bán đấu giá tài sản kê biên; thu tiền, tài sản khác của đối tượng bị cưỡng chế do tổ chức, cá nhân khác đang giữ; thu hồi mã số thuế, đình chỉ sử dụng hóa đơn, thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc giấy phép thành lập và hoạt động, giấy phép hành nghề.
Mặt khác, phải có những giải pháp hữu hiệu nhằm xử lý nợ thuế để giảm nợ thuế, bởi trong số tiền nợ thuế có loại nợ khó thu, nợ chờ xử lý, nợ chờ điều chỉnh và nợ có khả năng thu. Ngành thuế quyết liệt trong việc quản lý nợ thuế, thì cũng chỉ có khả năng thu nợ có khả năng thu (chiếm khoảng 70% tổng số nợ thuế), số còn lại phải có cơ chế, chính sách để xử lý.
Giải pháp xoá nợ thuế cũng nên tính đến, thưa bà?
Luật Quản lý thuế chỉ quy định 2 trường hợp được xoá nợ thuế, gồm: doanh nghiệp bị tuyên bố phá sản đã thực hiện các khoản thanh toán theo quy định của pháp luật phá sản mà không còn tài sản để nộp tiền thuế, tiền phạt; và cá nhân được pháp luật coi là đã chết, mất tích, mất năng lực hành vi dân sự mà không có tài sản để nộp tiền thuế, tiền phạt còn nợ.
Theo tôi, cần phải nghiên cứu để mở rộng đối tượng được xoá tiền nợ thuế, bởi nhiều doanh nghiệp có số nợ thuế rất nhỏ, nếu cơ quan thuế thực hiện các thủ tục để thu, thì chi phí thậm chí còn cao hơn số tiền thu được, trong khi không thu được thì số tiền nợ thuế tiếp tục gia tăng và ngành thuế phải mất chi phí, công sức để quản lý. Với trường hợp này, nên xoá nợ thuế.
Thế còn những khoản nợ thuế lớn, nhưng khó có khả năng thu, thì sao?
Cũng nên nghiên cứu để xoá những khoản nợ thuế lớn, nhưng tính khả thi để thu không cao, hoặc không có khả năng thu. Theo tôi được biết, nợ khó thu chiếm khoảng 10% tổng số nợ thuế do ngành thuế quản lý. Trong đó, có rất nhiều khoản nợ kéo dài nhiều năm, mà con nợ (doanh nghiệp) đã giải thể, phá sản nhưng không làm thủ tục giải thể, phá sản; người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp không có khả năng nộp thuế, thậm chí đã chết, hoặc không còn cư trú ở địa phương.
Trên thực tế, ngành thuế rất khó có khả năng thu được những khoản nợ này, nhưng do chưa có cơ chế xoá, nên vẫn phải phải theo dõi, khiến nợ thuế gia tăng và làm tăng chi phí quản lý của ngành thuế. Tôi cho rằng, nên tính đến giải pháp xoá nợ thuế cho cả những khoản nợ có “tuổi nợ” trên 10 năm mà cơ quan thuế đã sử dụng tất cả các biện pháp để thu hồi nợ, nhưng không thu hồi được do nguyên nhân khách quan.
Một trong những nguyên nhân khiến nợ thuế tăng là do lãi suất ngân hàng cao hơn số tiền phạt nợ thuế vì vậy, doanh nghiệp chấp nhận phạt nợ thuế để tận dụng nguồn vốn. Trong những trường hợp này thì xử lý thế nào?
Theo Luật Quản lý thuế, mỗi ngày chậm nộp tiền thuế, doanh nghiệp chỉ bị phạt 0,005% tính trên số tiền phạt. Như vậy, tính ra, nếu chậm nộp thuế, doanh nghiệp chỉ phải chịu “lãi suất” 1,5%/tháng hay 18%/năm, thấp hơn so với việc đi vay ngân hàng, trong khi không phải làm bất cứ thủ tục “vay vốn” nào như đi vay ngân hàng. Để xử lý tình trạng doanh nghiệp “quay vòng” tiền thuế, cần phải quy định, ngoài bị phạt tiền chậm nộp thuế, tổ chức, cá nhân nợ thuế còn phải chịu lãi suất tính trên số tiền chậm nộp với mức cao hơn lãi suất vay ngân hàng.
Mạnh Bôn
đầu tư



Xem bài viết: Xử lý tình trạng ‘quay vòng’ tiền thuế