Hàng không thua lỗ: Chỉ đổ thừa giá trần là chưa đủ
Tại Việt Nam, tất cả các hãng hàng không đang hoạt động trên thị trường nội địa, bao gồm Vietnam Airlines (VNA), Jetstar Pacific Airlines (JPA), và Air Mekong, đều lỗ. Cá biệt có Indochina Airlines đã phải ngừng hoạt động cũng vì lỗ.
Lợi nhuận của hàng không Việt Nam đa phần đến từ dịch vụ mặt đất.

Các lãnh đạo của tổng công ty Hàng không Việt Nam (VNA) nhiều lần cho biết, hãng hàng không này lỗ ở thị trường bay nội địa và được bù lại từ khoản lời ở một số đường bay quốc tế. Đa số phần lợi nhuận của các hãng hàng không lớn như VNA đến từ các dịch vụ mặt đất.
Tại giá trần
Năm nay, VNA báo với cục Hàng không Việt Nam dự kiến lỗ tới 1.787 tỉ đồng trên các đường bay nội địa.
JPA trong năm 2010 lỗ 10 triệu USD (tương đương hơn 200 tỉ đồng). Ông Lê Song Lai, phó tổng giám đốc SCIC, phụ trách phần vốn nhà nước trong JPA, nhận xét: “Cạnh tranh làm thiệt hại khoảng 2.000 tỉ cho các hãng hàng không, và số tiền ấy vào túi người tiêu dùng”.
Các hãng đều cho rằng việc áp dụng giá trần là nguyên nhân chính của tình trạng thua lỗ. Trong điều kiện giá xăng dầu liên tục tăng (khoảng 40% tính từ năm ngoái) thì giá trần lại chậm điều chỉnh, mỗi lần điều chỉnh không theo kịp với chi phí tăng của các hãng. Cục Hàng không Việt Nam mới đây đã trình lên bộ Giao thông vận tải hai phương án về giá mới theo đề xuất của VNA, nếu áp dụng có thể tăng mức giá trần ít nhất khoảng 50% so với mức đang áp dụng hiện nay.
Với mục đích bảo vệ người tiêu dùng, Việt Nam là một trong số ít vài quốc gia còn áp dụng cơ chế giá trần do Nhà nước quy định. Các hãng hàng không đưa ra nhiều loại giá vé trên cùng một chuyến bay theo mục tiêu hoà vốn và có lợi nhuận hợp lý. Theo VNA, trong chín tháng đầu năm số vé bán theo mức giá trần chỉ chiếm 49%; mức giá bình quân toàn mạng chỉ bằng 77% giá trần. Trong khi đó, JPA có mức giá bình quân chỉ bằng 59% giá trần. Điều này cho thấy cạnh tranh giữa hai hãng đang giúp người tiêu dùng có được mức giá thấp hơn mức giá kịch trần.
Các hãng đang cho rằng hoặc phải bãi bỏ hoàn toàn giá trần, hoặc phải tăng giá trần lên mức cao hơn rất nhiều so với hiện tại để các hãng có thể có lãi. Chẳng hạn, theo đề xuất của VNA, với khoảng cách bay từ 1.280km trở lên, mức giá trần phải tăng lên 4 triệu đồng/ vé so với mức 2,7 triệu đồng áp dụng hiện hành. Còn theo ý kiến của Air Mekong thì mức giá trần phải tăng lên đến 5,2 triệu đồng/vé.
Và tại quản lý kém
Trong khi đó, vấn đề quản lý chi phí lại ít được các hãng hàng không đề cập tới.
Trong điều kiện kinh doanh hiện nay, hãng hàng không nào quản lý chi phí hiệu quả thì sẽ có lợi thế hơn. Air Asia, hãng hàng không giá rẻ xuất xứ tại Malaysia, vẫn có lời trong khi duy trì được mức giá rẻ cạnh tranh so với các hãng bay khác. Bên cạnh mô hình giảm thiếu tối đa dịch vụ trên máy bay, Air Asia quản lý chi phí rất tốt. Theo thống kê giữa tháng 10 năm ngoái, thì doanh thu trên mỗi ghế ngồi/1km của Air Asia là 4,87 USD, trong khi chi phí là 3,52 USD. Trong khi đó, JPA doanh thu tính trên mỗi ghế ngồi/1km là 4,84 USD, nhưng chi phí 5,07 USD, theo www.centreforaviation.com.
Vietnam Airlines không công bố các chỉ số thương mại, kinh doanh cụ thể, nhưng theo thông tin đã báo cáo, toàn công ty năm ngoái có lãi khoảng 300 tỉ đồng. Tổng vốn điều lệ của VNA là 9.000 tỉ đồng. VNA có một bộ máy khá cồng kềnh với 17.000 nhân viên.
JPA thì cho biết một sai lầm của họ là thuê các máy bay cũ, khiến cho chi phí bảo trì cao hơn rất nhiều. Chi phí trả lương cho các cán bộ quản lý, kỹ thuật người nước ngoài cũng cao hơn nhiều so với mức lương cho nhân viên trong nước, khiến cho chi phí điều hành của hãng tăng hơn.
Quản lý kém có lẽ cũng là lý do gây ra sự thua lỗ nhanh chóng của Indochina Airlines. Theo giới kinh doanh hàng không, khó có thể có lời với chỉ một vài chiếc máy bay, nhất là khi phải tạo ra cả một bộ máy điều hành công ty. Đây cũng là thách thức với các hãng nhỏ như Air Mekong và VietJet Air.
Lan Anh
SÀI GÒN TIẾP THỊ



Xem bài viết: Hàng không thua lỗ: Chỉ đổ thừa giá trần là chưa đủ