Vietstock Daily 23/11: Xuất hiện chất xúc tác tích cực cho triển vọng trung hạn
(Vietstock) – Ngắn hạn, thị trường vẫn đang giao dịch trong vùng nhạy cảm; nhưng đã xuất hiện chất xúc tác cho viễn cảnh tích cực đối với chứng khoán trong trung hạn.
I. NHẬN ĐỊNH THỊ TRƯỜNG NGÀY 23/11/2011
Diễn biến giao dịch: Thị trường bật xanh trên cả hai sàn khi VN-Index tăng 0.69% đạt mức 381.76 điểm và HNX-Index tăng 0.1% đứng tại 61.74. VS 100 có mức tăng 0.44% đứng tại 55.09 điểm.
VS-Mid Cap tăng mạnh nhất 0.74%, tiếp theo là VS-Large Cap tăng 0.71% và VS-Small Cap tăng nhẹ không đáng kể 0.03%; trong khi VS-Micro Cap giảm 0.52%.
Khối lượng giao dịch khớp lệnh tăng mạnh trên cả hai sàn, lần lượt là 21.9% trên HOSE và 22.4% trên HNX so với phiên đầu tuần.
Khối ngoại bất ngờ mua ròng mạnh với giá trị 43.5 tỷ đồng trên HOSE, chủ yếu nhờ giao dịch thỏa thuận ở haiCLGFPT. Khối ngoại đã mua 2 triệu cổ phiếu CotecLand, chiếm 20% vốn điều lệ tại công ty này. Trước đó, Cotec Group đăng ký mua chỉ 990 ngàn cp CLG nhưng đăng ký bán đến 2 triệu cp này từ ngày 22/11 đến 22/01.

Triển vọng thị trường: Cú đảo chiều ngoạn mục của nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn đã giúp thị trường đóng cửa phiên giao dịch với mức tăng nhẹ trên cả hai sàn. Lực cầu bắt đáy đã có dấu hiệu hoạt động mạnh lên và không có gì ngạc nhiên khi độ rộng thị trường tích cực, khối lượng khớp lệnh gia tăng trở lại.
Các nhóm ngành “đầu cơ” Chứng khoán (0.69%), Xây dựng (0.51%), Bất động sản (0.45%), Ngân hàng (0.41%) đồng loạt tăng điểm theo đà tăng của thị trường.
Dù cả hai chỉ số thị trường chính có phiên tăng điểm, chúng tôi tiếp tục nhận thấy áp lực thoái hàng tại các mã chủ chốt vẫn rất mạnh. Bên bán vẫn đang chiếm thế thượng phong lại STB, MBB, OGC… trên HOSE, hay VND, KLS, PVX, VCG… trên HNX.
Điều này cho thấy tâm lý cẩn trọng đang tiếp tục chi phối thị trường, và dường như áp lực bán giải chấp mà chúng ta đã biết trong thời gian gần đây chưa có dấu hiệu chấm dứt. Tâm lý thận trọng còn xuất phát từ lo ngại thường trực của giới đầu tư về hiện tượng kéo xả, vốn diễn ra khá thường xuyên khi thị trường tăng điểm.
Vẫn chưa thể khẳng định về một đợt hồi phục khi cả hai chỉ số đang nằm trong vùng nhạy cảm về giao dịch. Việc xác định xu hướng ngắn hạn của thị trường sẽ phụ thuộc rất nhiều vào cách thức giao dịch cũng như khối lượng trong các phiên tiếp theo.
Về mặt trung hạn, tín hiệu gần đây từ NHNN (xem thêm bên dưới) cho thấy cơ quan này đang chờ đợi và tỏ vẻ rất sẵn sàng cho việc nới lỏng tí chút chính sách tiền tệ về cuối năm 2011 và đầu năm 2012. Bên cạnh đó, có thể nhiều biện pháp tổng hợp sẽ được áp dụng để kéo giảm lãi suất trong quý 1/2012. Đây là những chất xúc tác cho viễn cảnh tích cực đối với chứng khoán trong trung hạn.
Có vẻ như NHNN đang thực hiện cam kết minh bạch chính sách đưa ra trước đây, khi Thống đốc Nguyễn Văn Bình vừa có thông tin về định hướng điều hành chính sách tiền tệ cuối năm 2011 và năm 2012.
Một số điểm cần lưu ý từ diễn biến này:
(1) Tăng trưởng tín dụng của toàn hệ thống hiện đạt trên 10% so với cuối năm 2010. Như vậy room cho hơn một tháng còn lại vào khoảng 2-3%, là một con số không hề nhỏ. Rất có thể trong thời gian tới NHNN sẽ nới lỏng một chút đối với chính sách tiền tệ nhằm đáp ứng nhu cầu vốn của nền kinh tế dịp mùa vụ cuối năm.
(2) Chưa có chỉ dấu về việc thay đổi định hướng chính sách tiền tệ trong năm 2012, khi bình ổn kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát tiếp tục vẫn là mục tiêu hàng đầu.
(3) Lĩnh vực được ưu tiên trong năm 2012 là phát triển nông nghiệp nông thôn, phục vụ hoạt động xuất khẩu, cho vay công nghiệp phụ trợ, cho vay vốn lưu động cho doanh nghiệp vừa và nhỏ.
(4) Trong năm 2012, NHNN sẽ có chính sách “một cách đầy đủ hơn” đối với thị trường bất động sản, chứng khoán, tiêu dùng... Cơ quan này cũng ám chỉ đến việc “hồi sức” thị trường bất động sản ở mức độ vừa phải, không tạo bong bóng, đặc biệt tập trung vào phân khúc nhà ở cho người có thu nhập trung bình và thấp ở thành thị, ở các khu công nghiệp.
(5) NHNN đang chờ đợi những tín hiệu tích cực từ lạm phát trong các tháng sắp tới để đẩy nhanh hơn nữa quá trình hạ lãi suất cho vay. Nếu lạm phát tháng 11 và 12 nằm trong khoảng 0.5%, chúng ta có lý do (cùng với điểm (1) ở trên) tin rằng lãi suất cho vay có thể được kéo giảm – là một tín hiệu rất quan trọng đối với TTCK.
Phân tích kỹ thuật: VN-Index – Tiếp tục giằng co. Mặc dù có bứt phá khá mạnh trong phiên giao dịch sáng nay nhưng sự thoái lùi về cuối phiên của VN-Index khiến cho giới đầu tư vẫn e sợ về một bulltrap giống như những lần trước.
Nguy cơ thủng ngưỡng 380 điểm vẫn còn khá cao khi mà VN-Index vẫn liên tục dao động quanh ngưỡng này trong vòng 4 phiên giao dịch gần đây với mức khối lượng tương đối thấp.
Mặt khác, sức ép từ đường internal trendline (tương đương vùng 382 – 388 điểm) lên VN-Index là không nhỏ khi mà ngưỡng này đã cho thấy sự hiệu quả trong suốt giai đoạn vừa qua.
Chúng tôi vẫn tiếp tục bảo lưu quan điểm không nên giao dịch mạnh tại thời điểm này.

HNX-Index – Hồi phục nhẹ khi về gần trendline chống đỡ. Sự hồi phục của HNX-Index trong phiên giao dịch ngày 22/11/2011 là khá nhẹ (+0.1%). Tuy nhiên, nó cũng giúp cho khả năng thành công của đường trendline chống đỡ ngắn hạn tăng lên phần nào.
Những chỉ báo thuộc nhóm dao động như Stochastic Oscillator, Relative Strength Index.... đều đang duy trì ở mức rất thấp trong vùng oversold. Điều mà giới phân tích kỹ thuật đang chờ đợi là một sự đột biến mạnh để hoàn thành những phân kỳ giá lên (bullish divergence) đang hình thành.

VIETSTOCK INDEX
VS 100: Tiếp tục tăng trưởng nhẹ trở lại (+0.44%) trong phiên giao dịch ngày 22/11/2011, VS 100 đã bắt đầu cho thấy những tín hiệu tích cực về khả năng hồi phục ngắn hạn.
Khối lượng không thực sự tăng trưởng mạnh trong phiên giao dịch hôm nay cho thấy tâm lý thận trọng vẫn còn chi phối thị trường.

VS-Market Strength: Trong phiên giao dịch ngày 22/11/2011, VS-A/D HOSE đạt mức 1.31, tức số mã tăng giá bằng 1.31 lần số mã giảm giá; trong khi VS-U/D HOSE là 2.05, tức khối lượng của cổ phiếu tăng giá bằng 2.05 lần so với khối lượng giao dịch của phía giảm giá. VS-A/D HNX đạt 0.58 lần và VS-U/D HNX bằng 1.36 lần. Chỉ số VS-Arms VN duy trì ở mức 0.52.
Chỉ số VS-Thrust VN tiếp tục duy trì ở vùng thấp và hình thành phân kỳ giá lên (bullish divergence). Điều này chứng tỏ thị trường có thể đang tích lũy cho một đợt hồi phục mới.

II. PHÂN TÍCH KỸ THUẬT DOW JONES
Dow Jones: Ngắn hạn – Bắt đầu điều chỉnh mạnh. Những mẫu hình nến như Doji, Spinning top... xuất hiện liên tiếp đã báo hiệu khá chính xác cho sự thoái lùi mạnh trong phiên giao dịch ngày 21/11/2011.
Nhóm chỉ báo dao động (Stochastic Oscillator, RSI...) đã cho tín hiệu bán mạnh trong vùng overbought nên nguy cơ điều chỉnh tiếp tục vẫn còn rất lớn.
Dài hạn – Nguy cơ giảm điểm ngày càng lớn. Tín hiệu bán mạnh của RMO Trade Mode khiến cho giới phân tích kỹ thuật tiếp tục lo ngại về nguy cơ điều chỉnh sâu của DJIA trong trung hạn.
Những phân kỳ giá xuống (bearish divergence) đã đi vào giai đoạn cuối của quá trình hình thành. Điều này cho thấy rủi ro giảm điểm đối với thị trường Mỹ vẫn còn rất lớn và đà giảm giá có thể sẽ mạnh hơn trong thời gian tới.

III. THỐNG KÊ THỊ TRƯỜNG NGÀY 22/11/2011

Phòng Nghiên cứu VIETSTOCK



Xem bài viết: Vietstock Daily 23/11: Xuất hiện chất xúc tác tích cực cho triển vọng trung hạn