Vietstock Daily 11/11: HNX sẽ phục hồi trở lại?
(Vietstock) - Có nhiều tín hiệu cho thấy (cộng với “hiệu ứng ngày thứ Sáu” - một điều rất mới mẻ trên TTCK Việt Nam) có thể thị trường, đặc biệt là HNX, sẽ phục hồi trở lại trong những phiên tới, hay ít ra là đà giảm sẽ được hãm lại.

I. NHẬN ĐỊNH THỊ TRƯỜNG NGÀY 11/11/2011
Diễn biến giao dịch: VN-Index giảm 1.03% về mức 401.03 điểm, HNX giảm 1.21% tiếp tục lập đáy mới tại 63.82 điểm, VS 100 cũng giảm mạnh 1.29% về 56.42 điểm.
Cổ phiếu hạng nhỏ thể hiện qua VS-Small Cap giảm mạnh nhất 1.58%, tiếp theo là VS-Mid Cap giảm 1.51%, VS-Micro Cap giảm 1.46% và VS-Lagre Cap giảm 0.64%.
Sau chuỗi ngày đi xuống mạnh liên tục, thanh khoản được cải thiện trở lại. Khối lượng khớp lệnh đã tăng 21% trên HOSE và tăng 30% trên HNX so với phiên giao dịch ngày hôm qua.
Khối ngoại duy trì gom hàng ở VIC giúp giá trị mua ròng trên HOSE tiêp tục đứng ở mức cao, hơn 146 tỷ đồng. Nếu loại trừ giao dịch ở VIC thì khối ngoại có phiên mua ròng nhẹ với hơn 21 tỷ đồng.

Triển vọng thị trường: Việc lãi suất thị trường tiếp tục dâng cao lên mức 36.5%, bên cạnh việc S&P nâng độ rủi ro hệ thống ngân hàng Việt Nam lên mức cao nhất và diễn biến bất lợi từ chứng khoán thế giới đã tác động khá mạnh đến giao dịch. Đà giảm điểm tiếp tục gia tăng mạnh so với phiên hôm qua, và HNX-Index lại có đáy mới trong lịch sử.
Thông tin cổ đông nội bộ tiếp tục đăng ký bán số lượng lớn HQC đã nhanh chóng kéo cổ phiếu này giảm sàn. Giao dịch cũng diễn ra kém sôi động hơn so với các phiên trước.
MBB bất ngờ đóng cửa tăng mạnh 1.72% với gần 1.3 triệu đơn vị khớp lệnh. Giao dịch tỏ ra khá tích cực trong suốt phiên, sau khi cổ phiếu này liên tục sụt giảm tổng cộng 14% kể từ khi chào sàn.
SSI bất ngờ vươn lên dẫn đầu về khối lượng giao dịch trên HOSE với gần 1.3 triệu cổ phiếu, dù bị khối nước ngoài bán ra khá mạnh. Trong khi đó, giao dịch mạnh trên HNX vẫn là các mã quen thuộc như KLS, VND…. Cổ phiếu Chứng khoán tiếp tục được tập trung mua vào, với kỳ vọng sẽ bật tăng mạnh trở lại khi thị trường phục hồi.
Sau phiên sụt giảm mạnh hôm qua, Ngành SX Cao su thiên nhiên đã đảo chiều bật tăng mạnh nhất 0.85%. Xây dựng, Chứng khoán, Bất động sản giảm điểm khá mạnh với mức giảm lần lượt 2.82%, 2.59% và 1.93%. Ngân hàng giảm điểm nhẹ nhất với 0.4%.
Điểm tích cực nhất trong phiên là đã xuất hiện lực cầu dò đáy tiếp nối xu hướng hôm qua, và giúp khối lượng khớp lệnh được cải thiện đáng kể. Quan sát của chúng tôi cho thấy lực cầu này vẫn tỏ ra rất thận trọng, và không loại trừ khả năng sẵn sàng bình quân giá xuống nếu thị trường giảm sâu. (Cũng cần để ý là đã xuất hiện lực cầu đỡ giá phổ biến ở nhiều mã và giao dịch tại những mã này nên được thực hiện cẩn trọng.)
Hệ thống giao dịch của chúng tôi dù chưa lạc quan trở lại, nhưng cũng đã ngừng bi quan hơn. Có nhiều tín hiệu cho thấy (cộng với “hiệu ứng ngày thứ Sáu” – một điều rất mới mẻ trên TTCK Việt Nam) có thể thị trường, đặc biệt là HNX, sẽ phục hồi trở lại trong những phiên tới, hay ít ra là đà giảm sẽ được hãm lại. Tuy vậy, đây rất có thể chỉ là đợt phục hồi kỹ thuật và còn quá sớm để lạc quan về xu hướng giá lên.
Bất động sản: Câu chuyện cải tổ hệ thống ngân hàng được bàn luận sôi nổi trong nhiều tuần qua. Nay đã có diễn biến mới cụ thể hơn khi tại Nghị quyết Phiên họp thường kỳ tháng 10 vừa công bố, Chính phủ đã yêu cầu được báo cáo về phương án thực hiện ngay trong tháng 11 này.
Thu hút sự quan tâm không kém là Chính phủ cũng đưa ra thời hạn cụ thể ngày 15/11 để Bộ Xây dựng phối hợp với NHNN rà soát lại tình hình thị trường bất động sản và đề xuất các giải pháp cụ thể.
Tuần trước, NHNN đã yêu cầu các NHTM báo cáo dư nợ tín dụng liên quan đến lĩnh vực bất động sản vê cơ quan này trước ngày 9/11.
Trong thời gian gần đây, chúng tôi có đề cập đến khả năng sẽ xuất hiện một gói “giải cứu” quy mô nhỏ, từng phần cho lĩnh vực bất động sản vào cuối năm 2011 hay đầu năm 2012. Những diễn biến ở trên đang khiến cho kỳ vọng này có vẻ như sẽ có cơ hội trở thành hiện thực.
Vào cuối tháng 6/2011, Bộ Xây dựng đã từng có đề xuất một số giải pháp lên NHNN để nới lỏng tín dụng cho lĩnh vực bất động sản.
Về cơ bản, Bộ Xây dựng cho rằng không nên đánh đồng “cá mè một lứa” khi tính tỷ trọng tín dụng cho bất động sản mà phải phân biệt từng khoản mục, trên cơ sở vẫn không tăng tỷ trọng tín dụng bất động sản trong tổng dư nợ của toàn hệ thống.
Chúng tôi lúc đó đã nói đến sự phức tạp trong việc phân loại và khả năng giám sát của NHNN cũng như rủi ro nhiều doanh nghiệp sẽ sẵn sàng lách quy định để được hưởng lợi.
Với những gì đang diễn ra, có thể các đề xuất của Bộ Xây dựng hồi tháng 6 đã không được đồng thuận, và nay cơ quan này cùng với NHNN sẽ phải đưa ra một phương án hỗ trợ khác.
Đã xuất hiện trên báo chí quan điểm không chính thức từ Bộ Xây dựng về khả năng Nhà nước bỏ tiền mua lại bất động sản như là một cách bơm vốn ra thị trường, trợ giúp doanh nghiệp; đồng thời tăng quỹ nhà đất đáp ứng nhu cầu nhà ở công vụ, nhà ở cho các đối tượng chính sách hay nhà ở xã hội.
Với chính sách tài chính tiền tệ chính yếu phục vụ mục tiêu kiềm chế lạm phát và ổn định hơn là tăng trưởng kinh tế, thị trường chỉ nên kỳ vọng về một gói hỗ trợ nhỏ và từng phần. Về mặt đầu tư cổ phiếu, một tin tích cực hay ít xấu hơn đều có thể là cơ hội để cổ phiếu bất động sản tăng giá, dù trong ngắn hạn.
Khủng hoảng nợ công Châu Âu: Những lo lắng từ Hy Lạp nay đang nhường bước cho mối bận tâm lớn hơn của khu vực đồng tiền chung Châu Âu: nước Ý, nền kinh tế lớn thứ ba khu vực.
Với giá trị thị trường trái phiếu vào khoảng 1,900 tỷ EUR, việc vỡ nợ ở quốc gia này có thể được xem là thảm họa không những cho khu vực eurozone mà cũng sẽ là đón giáng mạnh lên thị trường tài chính toàn cầu.
Lợi suất trái phiếu Chính phủ Ý kỳ hạn 10 năm đã vọt lên 7.07%, tăng 0.67% so với ngày thứ Ba, sau khi lên tới mức cao kỷ lục 7.5% vào đầu phiên. Nhà đầu tư đã bán tháo trái phiếu Chính phủ Ý do lo sợ nước này sẽ trở thành nạn nhân tiếp theo của cuộc khủng hoảng nợ.
Sau hàng loạt những bê bối và bế tắc trong việc giải quyết khủng hoảng nợ công, việc từ chức của Thủ tướng Hy Lạp và Ý là điều không quá bất ngờ. Tuy vậy, ngay cả khi điều này xảy ra thì những hệ lụy vẫn còn đó, có chăng chỉ là những hy vọng mong manh về sự đột phá của chính quyền mới.
Hành động của Ý, Pháp, Đức và một số quốc gia “khỏe mạnh” trong khu vực đồng tiền chung Châu Âu sẽ là chỉ báo quan trọng cho sự sống còn của khu vực này.
Phân tích kỹ thuật: VN-Index – DMS vẫn cho tín hiệu bi quan. Chỉ báo ADX của DMS (Directional Movement System) sắp dịch chuyển xuống dưới mốc 20. Điều này cho thấy xu hướng hiện tại đang rất yếu. Hai đường –DI và +DI vẫn tiếp tục phân kỳ mạnh chứng tỏ khả năng cho tín hiệu mua trong vài phiên tới là không cao.
MACD đã chính thức cho tín hiệu bán sau nhiều phiên cho phân kỳ âm. Đây có thể sẽ là mở đầu cho một chu kỳ thoái lùi mới của VN-Index khi mà runaway gap cũng đồng thời xuất hiện.
Điểm đáng chú ý là khối lượng đã gia tăng nhẹ trở lại. Điều này chứng tỏ giới đầu tư vẫn đang chờ đợi cơ hội bắt đáy khá nhiều và không hoảng loạn với tình trạng suy giảm hiện nay, khi mà VN-Index đang test lại vùng đáy cũ 380 – 400 điểm.

HNX-Index – Khối lượng tăng mạnh. Sau nhiều phiên sụt giảm liên tiếp, khối lượng trong phiên giao dịch ngày 10/11/2011 đã tăng trưởng khá mạnh. Điều này giúp cho tâm lý nhà đầu tư trở nên bớt bi quan hơn.
Một điểm đáng chú ý khác là phân kỳ giá lên (bullish divergence) của Stochastic Oscillator đang trong giai đoạn hình thành. Đây là phân kỳ hình thành trong vùng oversold nên khả năng thành công khá cao.
Thị trường này không phải là không có khả năng có hồi phục trở lại trong vài phiên, nhưng rõ ràng còn quá sớm để khẳng địch sự thay đổi của xu hướng bi quan.

VIETSTOCK INDEX
VS 100: Tiếp tục điều chỉnh mạnh (-1.29%) trong phiên giao dịch ngày 10/11/2011, VS 100 tiếp tục gây lo ngại về khả năng thủng vùng đáy cũ.
Khối lượng tăng trưởng trở lại nhưng chưa có được sự đột biến cần thiết nên sự thận trọng vẫn đang rất cao.

VS-Market Strength: Trong phiên giao dịch ngày 10/11/2011, VS-A/D HOSE đạt mức 0.21, tức số mã tăng giá bằng 0.21 lần số mã giảm giá; trong khi VS-U/D HOSE là 0.15, tức khối lượng của cổ phiếu tăng giá bằng 0.15 lần so với khối lượng giao dịch của phía giảm giá. VS-A/D HNX đạt 0.32 lần và VS-U/D HNX bằng 0.03 lần. Chỉ số VS-Arms VN duy trì ở mức 3.41.
Chỉ số VS-Thrust VN tiếp tục duy trì ở vùng thấp. Điều này chứng tỏ thị trường có thể đang tích lũy cho một đợt hồi phục mới.

II. PHÂN TÍCH KỸ THUẬT DOW JONES
Dow Jones: Ngắn hạn – Sẽ test lại Fibonacci Retracement 161.8%. Với phiên giảm điểm mạnh ngày 09/11/2011, DJIA đang đứng trước khả năng có thể sẽ test lại Fibonacci Retracement 161.8% trong vài phiên tới.
Một tín hiệu khác cũng cần được lưu ý là nhóm chỉ báo dao động (Stochastic Oscillator, RSI...) vẫn đang tiếp tục duy trì ở mức cao cho dù đã lao dốc khá mạnh trước đó.
Thị trường Mỹ vẫn chưa thoát khỏi hoàn toàn rủi ro giảm điểm khi mà khối lượng không thực sự tăng trưởng mạnh trở lại.
Dài hạn – Phá vỡ trở lại SMA 200. Phiên giảm mạnh ngày 09/11/2011 đã khiến cho SMA 200 bị break thêm một lần nữa. Điều này cho thấy downtrend dài hạn vẫn đang chi phối thị trường Mỹ.
Khả năng cho tín hiệu bán của RMO Trade Mode là gần như chắc chắn khi mà khoảng cách giữa Swing Trd 2 và Swing Trd 3 đang gần như bằng 0.
Mặt khác, những phân kỳ giá xuống (bearish divergence) vẫn đang tiếp tục hình thành. Điều này báo hiệu cho một đợt suy giảm tiếp tục có thể xuất hiện.

III. THỐNG KÊ THỊ TRƯỜNG NGÀY 10/11/2011



Phòng Nghiên cứu Vietstock



Xem bài viết: Vietstock Daily 11/11: HNX sẽ phục hồi trở lại?