Vietstock Daily 04/11: Cứ thứ Sáu là tăng điểm?
(Vietstock) - HNX-Index sẽ có những phiên giao dịch quan trọng khi tiếp cận về đáy cũ. Hệ thống giao dịch của chúng tôi vẫn chưa cho tín hiệu thị trường đang dần tích cực, và nếu có một phiên tăng điểm vào cuối tuần thì chúng tôi cho rằng vẫn còn quá sớm để vui vẻ trở lại.
I. NHẬN ĐỊNH THỊ TRƯỜNG NGÀY 04/11/2011
Diễn biến giao dịch: VN-Index bất ngờ tăng nhẹ 0.16% đứng tại 408.44 điểm, trong khi HNX-Index tiếp tục sụt giảm 1.06% về mức 66.43 điểm. VS 100 phản ánh khá đúng xu hướng thị trường với mức giảm 0.49% về 58.36 điểm.
Thị trường được nâng đỡ bởi nhóm vốn hóa lớn khi VS-Large Cap tăng nhẹ 0.27%; trong khi VS-Mid Cap giảm 0.63%, VS-Micro Cap giảm 0.33% và VS-Small Cap giảm nhẹ nhất với 0.05%.
Khối lượng giao dịch khớp lệnh tiếp tục sụt giảm 10.1% trên HOSE và giảm 14.4% trên HNX so với phiên giao dịch trước.
Khối ngoại mua ròng 26.4 tỷ đồng cổ phiếu và chứng chỉ quỹ trên HOSE; trong khi bán ròng 500 ngàn trái phiếu BIDV, trị giá hơn 50 tỷ đồng. Họ tiếp tục đẩy mạnh mua ròng MBB với hơn 1.7 triệu đơn vị, tương ứng 21.9 tỷ đồng. Trên HNX, khối ngoại bán ròng nhẹ với giá trị 1.4 tỷ đồng.

Triển vọng thị trường: Công bằng mà nói, cú lội ngược dòng trên TTCK Mỹ trong phiên giao dịch hôm qua đã ít nhiều tác động tích cực trong bối cảnh tin xấu trong nước tràn ngập thị trường. Điều này đã giúp bên bán ít nhiều có cơ hội đặt bán với giá cao hay chỉ thấp hơn 1 – 2 giá so với tham chiếu.
VN-Index duy trì sắc xanh liên tục trong cả ba đợt khớp lệnh, nhưng không hề chứng tỏ thị trường đang có tín hiệu lạc quan trở lại trên diện rộng. Thực tế, hiện tượng đỡ giá tại các mã Large Cap đã xuất hiện trở lại khi nhóm “tứ trụ” VNM, MSN, VPL và VIC đã giúp kéo VN-Index khỏi một phiên giảm điểm.
Quan sát giao dịch trên HNX có thể giúp nhận biết tâm lý giao dịch của giới đầu tư trong thời điểm hiện nay. Rõ ràng là sự e dè và thận trọng vẫn còn phổ biến khiến lệnh đặt mua chỉ ở mức giá thấp, đẩy khối lượng khớp lệnh trên hai sàn tiếp tục về mức thấp mới.
Đáng chú ý là nhóm ngành Ngân hàng bất ngờ đứng đầu danh sách giảm điểm với mức giảm 1.01%, trong khi các nhóm ngành đầu cơ như Chứng khoán, Chứng chỉ quỹ, Xây dựng lần lượt giảm 0.9%, 0.74% và 0.33%.
Như chúng tôi đề cập hôm qua, ảnh hưởng lớn nhất từ vụ việc tại SME có lẽ là niềm tin trên thị trường bị sứt mẻ đáng kể. Không có gì bất ngờ khi mã cổ phiếu này đã bị giới đầu tư bán mạnh, với dư bán giá sàn hơn 500 ngàn đơn vị.
Một mã cổ phiếu “đình đám” khác là PVL đã quay ngược trở lại tăng trần với khối lượng khớp lệnh lên đến hơn 800 ngàn đơn vị và dư mua giá trần khá lớn. Quan sát giao dịch tại PVLORS trong thời gian gần đây, chúng tôi nhận thấy tâm lý đánh cược trước các thông tin mập mờ vẫn còn rất phổ biến trong giới đầu tư. Có lẽ đây là bản chất khó thay đổi của TTCK Việt Nam?
MBB trở thành mã cổ phiếu “hot” thực sự trên HOSE khi tiếp tục có khối lượng giao dịch đứng đầu thị trường, dù chỉ có gần 1.2 triệu đơn vị được sang tay.
Chúng tôi nhận thấy trong thời gian gần đây, giao dịch có vẻ khả quan hơn khi về cuối tuần. Điều này liệu có lặp lại vào phiên thứ Sáu vào ngày mai?
Trước mắt, HNX-Index sẽ có những phiên giao dịch quan trọng khi tiếp cận về đáy cũ. Hệ thống giao dịch của chúng tôi vẫn chưa cho tín hiệu thị trường đang dần tích cực, và nếu có một phiên tăng điểm vào cuối tuần thì chúng tôi cho rằng vẫn còn quá sớm để vui vẻ trở lại.
Phân tích kỹ thuật: VN-Index – Vẫn chưa lấp đầy được runaway gap. Runaway gap xuất hiện trong phiên giao dịch ngày 02/11/2011 (tương đương vùng 410 – 415 điểm) vẫn chưa bị lấp đầy. Đây là tín hiệu khá xấu vì nếu trong phiên giao dịch cuối tuần giá vẫn không có biểu hiện phục hồi mạnh thì khả năng có điều chỉnh tiếp tục sẽ rất lớn.
Cặp chỉ báo –DI và +DI của DMS tiếp tục phân kỳ mạnh và đang tiến dần đến các điểm cực trị. Điều này cho thấy đà giảm điểm sẽ khó chấm dứt trong vòng vài phiên tới. ADX cũng tiếp tục suy giảm và có nguy cơ về dưới 20 cho thấy xu hướng đang khá yếu.
Thanh khoản vẫn tiếp tục duy trì ở mức thấp chứng tỏ tâm lý nhà đầu tư chưa có nhiều cải thiện. Nếu như thanh khoản không thể duy trì trên 30 triệu đơn vị/phiên trong những phiên kế tiếp thì việc bắt đáy sớm vẫn chưa nên thực hiện.

HNX-Index – Đáy cũ đang được test. Tiếp tục sụt giảm khá mạnh trong phiên giao dịch ngày 03/11/2011, HNX-Index sẽ test lại vùng đáy cũ 65 – 66 điểm vào cuối tuần.
Giới phân tích kỹ thuật đang lo ngại về việc khối lượng liên tục sụt giảm trong các phiên gần đây. Điều này cho thấy tâm lý nhà đầu tư vẫn chưa thực sự ổn định trở lại.
RMO Trade Mode cũng đã cho tín hiệu bán trong phiên giao dịch ngày 03/11/2011. Vì vậy, chúng tôi cho rằng cần thận trọng và không nên bắt đáy sớm nếu HNX-Index không tăng trưởng mạnh trở lại trong các phiên tới.

VIETSTOCK INDEX
VS 100: Tiếp tục điều chỉnh mạnh (-0.49%) trong phiên giao dịch ngày 03/11/2011, VS 100 tiếp tục gây lo ngại về khả năng thủng vùng đáy cũ. Khối lượng cũng không hề có cải thiện và thậm chí còn giảm sút so với phiên hôm qua (02/11/2011).
Cần hết sức thận trọng và thậm chí vẫn có thể cắt lỗ trong phiên cuối tuần nếu mức thua lỗ không quá lớn.

VS-Market Strength: Trong phiên giao dịch ngày 03/11/2011, VS-A/D HOSE đạt mức 0.85, tức số mã tăng giá bằng 0.85 lần số mã giảm giá; trong khi VS-U/D HOSE là 0.62, tức khối lượng của cổ phiếu tăng giá bằng 0.62 lần so với khối lượng giao dịch của phía giảm giá. VS-A/D HNX đạt 0.97 lần và VS-U/D HNX bằng 0.43 lần. Chỉ số VS-Arms VN duy trì ở mức 1.78.
Chỉ số VS-Thrust VN tiếp tục dịch chuyển xuống vùng thấp nhưng vẫn đang ở mức trung bình nên chưa thể có đột biến được.

II. PHÂN TÍCH KỸ THUẬT DOW JONES
Ngắn hạn – Pullback kỹ thuật. Một mẫu hình nến xanh, dài đã xuất hiện trong phiên giao dịch ngày 02/11/2011. Tuy nhiên, giới phân tích kỹ thuật quốc tế vẫn đang nghi ngờ về khả năng pullback kỹ thuật hơn là tăng trưởng thực sự vì khối lượng giao dịch trong phiên này thấp hơn hẳn so với hôm trước đó.
Các chỉ số dao động đều đã cho tín hiệu bán trong vùng overbought nên khả năng thoái lùi mạnh vẫn rất lớn.
Dài hạn – Swing Trader 2 vẫn tiếp tục giảm mạnh. Swing Trd 2 vẫn tiếp tục suy giảm bất chấp sự phục hồi được cho là khá mạnh của giá. Điều này cho thấy khả năng cho tín hiệu bán mạnh vẫn rất cao và downtrend vẫn đang chi phối thị trường Mỹ.
Mặt khác, DJIA cũng chưa vượt lên trên hoàn toàn SMA 100 và SMA 200 nên sức ép vẫn còn khá lớn.

III. THỐNG KÊ THỊ TRƯỜNG NGÀY 03/11/2011



Phòng Nghiên cứu Vietstock



Xem bài viết: Vietstock Daily 04/11: Cứ thứ Sáu là tăng điểm?