Vụ việc tại SME có gây nguy hiểm cho TTCK?
(Vietstock) – Cho dù điều gì xảy ra đi nữa thì niềm tin của giới đầu tư cũng sẽ bị sứt mẻ đáng kể sau vụ việc này.

* Hủy giao dịch chiều mua từ SME: TTCK rúng động
Thông tin rỉ tai trong phiên giao dịch sáng nay về việc hủy giao dịch mua từ CTCK SME (HNX: SME) đã có nhiều diễn biến mới chứng tỏ đây là sự thật. Có thông tin cho thấy lý do là đến chiều ngày 01/11, SME đã không thể thanh toán được các khoản phải trả cho lệnh mua đến hạn thanh toán.
Về cơ bản sẽ có hai trường hợp dẫn đến điều này: (1) Nhà đầu tư sử dụng đòn bẩy, mua chứng khoán nhiều hơn số tiền có trong tài khoản, nhưng CTCK đến thời hạn thanh toán bù trừ đã không thể cung cấp đủ số tiền cần thiết. (2) Nhà đầu tư có đủ tiền để trả cho số chứng khoán đã mua, nhưng tiền trong tài khoản bị lạm dụng, gây thiếu hụt khi thanh toán bù trừ.
Trường hợp (2) tỏ ra dễ hiểu, nhưng rõ ràng là sẽ gây mất niềm tin nghiêm trọng ở giới đầu tư vào công ty và toàn thị trường.
Trường hợp (1), có thể CTCK đã không thể xoay tiền từ ngân hàng hay từ nguồn vốn tự có để bù đắp sự thiếu hụt. Nếu ngân hàng hỗ trợ trở lại, rất có thể CTCK sẽ nhanh chóng thanh toán được phần thiếu hụt này.
Với SME, do không có ngân hàng mẹ hỗ trợ phía sau nên việc “bơm tiền” một cách dài hạn và bền vững xem ra là một thách thức đáng kể, đặc biệt trong bối cảnh tín dụng phi sản xuất đang bị thắt chặt nghiêm ngặt.
SME cũng có thể sử dụng nguồn tiền từ vốn tự có của công ty để “chữa cháy”. Tuy nhiên, với tình hình hiện tại việc xoay sở nhanh là tương đối khó khăn. Có thông tin cho thấy, quy mô thiếu hụt chỉ vào khoảng 1.5 tỷ đồng, và như vậy càng làm giới đầu tư thêm e ngại về năng lực tài chính thực sự tại CTCK này.
Theo báo cáo tài chính quý 3, tài khoản Tiền và tương đương tiền của SME lên tới 67.2 tỷ đồng, trong đó có 7.7 tỷ đồng là tiền và 59.5 tỷ đồng là tương đương tiền. Tuy nhiên, không biết có sự “cố tình” hay “vô ý” nhầm lẫn trong việc thể hiện trên báo cáo tài chính hay không; vì khi xem xét thuyết minh lại cho thấy tài khoản Tiền và tương đương tiền chỉ có 7.735 tỷ đồng, trong đó có 6.297 tỷ đồng là tiền của nhà đầu tư. Khoản mục 59.5 tỷ đồng kia nhiều khả năng là khoản tiền đầu tư ngắn hạn của công ty, và tính theo giá thị trường thì khoản đầu tư này hiện là 54.432 tỷ đồng, trong đó gồm 4.323 tỷ đồng chứng khoán niêm yết và 50.1 tỷ đồng chứng khoán chưa niêm yết.
Cũng cần đặt ra câu hỏi là nhà đầu tư mở tài khoản tại SME sẽ phản ứng thế nào trước vụ việc này?
Nhà đầu tư đang giữ chứng khoán có thể sẽ chọn cách chuyển chứng khoán sang tài khoản ở một công ty khác. Lý do là nhiều người có thể e ngại không thể rút tiền bán chứng khoán sau ngày T+4. Đây là thực tế đã được phản ánh vài tháng trước đây tại CTCK này.
Một rắc rối có thể tính đến xuất phát từ những nhà đầu tư đang có tiền được quản lý trên tài khoản tổng của công ty này, hoặc là tiền bán chứng khoán đang trên đường về tài khoản. Một sự mất niềm tin có thể khiến những nhà đầu tư này yêu cầu rút tiền hàng loạt và gây áp lực thực sự lên thanh khoản nếu nguồn vốn hỗ trợ và vốn tự có của công ty không đáp ứng đủ.
Rủi ro đối với khách hàng đã có tiền trong tài khoản là không nhiều vì đang được quản lý thông qua tài khoản của ngân hàng thương mại. Tuy vậy, rủi ro đối với nhà đầu tư có tiền bán chứng khoán đang về tài khoản sẽ lớn hơn, và đây là đối tượng có thể e ngại tiền của mình bị lạm dụng.
Cho dù điều gì xảy ra đi nữa thì niềm tin của giới đầu tư cũng sẽ bị sứt mẻ đáng kể sau vụ việc lùm xùm này. Hy vọng là thị trường sẽ vượt qua được cơn bĩ cực, trong bối cảnh tâm lý giới đầu tư đã có thừa sự bi quan.
Như Lan – Đức Nguyễn



Xem bài viết: Vụ việc tại SME có gây nguy hiểm cho TTCK?