Vietstock Weekly 31/10 - 04/11: Nghi vấn về một đợt “xả hàng”?
(Vietstock) – Nếu khối lượng giao dịch trong những phiên đầu tuần gia tăng đột biến thì sẽ làm dấy lên nghi vấn về một đợt “xả hàng”. Ngược lại, nếu giao dịch với mức lạc quan tương đối (chứ không phải là sụt giảm khối lượng mạnh mẽ) thì sẽ là một điểm cộng cho thị trường.
THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN VIỆT NAM TUẦN QUA
Kết thúc tuần giao dịch, VN-Index tăng 2.69% lên mức 422.07 điểm; HNX-Index tăng 1.17% đứng tại 69.94 điểm; trong khi chỉ số VS 100 tăng mạnh 2.74% trong tuần qua.
Các chỉ số Market Cap đều cải thiện điểm số trong tuần qua. VS-Large Cap tăng mạnh nhất 4.47%, tiếp theo là VS-Mid Cap tăng 2.16%, VS-Small Cap tăng 1.07%, trong khi VS-Micro Cap gần như đi ngang khi chỉ tăng nhẹ 0.04%.
Kịch bản giao dịch của tuần trước tiếp tục lặp lại trong tuần giao dịch này. Thị trường trầm lắng và ảm đạm trong hầu hết các phiên nhưng bất ngờ tích cực trở lại vào đúng phiên giao dich cuối tuần. Lực cầu của phiên giao dịch cuối tuần vẫn tập trung vào các mã chủ chốt và hiện tượng tiết cung xảy ra ở nhiều mã cổ phiếu, đặc biệt là trên HNX.
Thanh khoản thị trường được cải thiện mạnh mẽ khi khối lượng khớp lệnh trên HOSE đã tăng trở lại 12.5%, HNX tăng 10.2% so với tuần giao dịch trước. Nguyên nhân chính của sự gia tăng mạnh mẽ này chủ yếu đến từ khối lượng khớp lệnh của phiên cuối tuần tăng đột biến.

Đáng chú ý, nhóm cổ phiếu Large Cap trở lại thể hiện vai trò đầu tàu khi giúp chỉ VN-Index có một tuần giao dịch khởi sắc.
Dòng tiền vẫn chưa thay đổi dòng chảy khi chủ yếu tập trung vào các mã Bất động sản như IJC, HQC, OGC… trên sàn HOSE, trong khi trên HNX dòng tiền lại tập trung vào các mã tài chính quen thuộc như KLS, VND, SHB, SHN, đặc biệt là các cổ phiếu chứng khoán.
Giao dịch thỏa thuận diễn ra khá sôi động. KDC có khối lượng giao dịch thỏa thuận lớn nhất trong tuần với 2.35 triệu cổ phiếu được sang tay, tương ứng với 79.2 tỷ đồng; tiếp theo là SHB có gần 1.9 triệu cổ phiếu và SHS gần 1.57 triệu cổ phiếu.
Đầu tuần, thị trường đón nhận thông tin CPI tháng 10 của cả nước chỉ tăng 0.36% so với tháng trước. Mặc dù thông tin khá tích cực nhưng diễn biến giao dịch cho thấy dường như giới đầu tư đang ngoảnh mặt trước thông tin này và có xu hướng áp dụng chiến thuật “bán khi tin tốt xuất hiện”.
Tuần qua, số ngành tăng điểm trở lại chiếm ưu thế với 19/24 ngành. Bảo hiểm là ngành tăng mạnh nhất với 11.75%, chủ yếu do BVH tăng trần liên tục trong các phiên gần đây. Các ngành nóng cũng có tuần cải thiện điểm số mạnh mẽ khi Xây dựng tăng 3.94%, Ngân hàng tăng 3.39%, Chứng khoán tăng 2.64%, và Bất động sản tăng 2.13%, nhưng phần lớn là nhờ phiên đột biến vào cuối tuần.
Khối ngoại có tuần mua ròng hơn 145 tỷ đồng trên cả hai sàn, gồm hơn 125 tỷ đồng trên HOSE và 20 tỷ đồng trên HNX.
Trên HOSE, khối ngoại mua ròng mạnh nhất FPT đạt hơn 101 tỷ đồng, và tiếp tục bán ròng mạnh nhất HAG với 16.9 tỷ đồng. FPT đóng góp chính vào tổng giá trị mua ròng của khối ngoại trên HOSE; nếu loại bỏ giao dịch tại mã cổ phiếu này thì khối ngoại chỉ mua ròng nhẹ tổng cộng gần 24 tỷ đồng.
Nhìn chung, giao dịch của khối ngoại vẫn tiếp tục diễn ra khá ảm đạm trong tuần giao dịch qua, đặc biệt là trong phiên cuối tuần, bất chấp nhà đầu tư trong nước khá hưng phấn.
NHẬN ĐỊNH THỊ TRƯỜNG TUẦN 31/10 – 04/11/2011
Thị trường ngoại hối lại có một tuần căng thẳng khi tỷ giá liên ngân hàng đã được điều chỉnh tăng lần thứ 14 liên tiếp trong tháng lên 20,803 VND/USD. Mục tiêu giữ tỷ giá chỉ tăng 1% của NHNN đang gặp thách thức đáng kể khi tới thời điểm hiện tại tỷ giá USD đã tăng 0.85%.
“Hạ nhiệt” tỷ giá đang là câu hỏi khó khi nguyên nhân chính dẫn đến biến động tăng mạnh chủ yếu đến từ hoạt động bình ổn giá vàng trên thị trường. Sau khi Nghị định 95 về xử phạt hành chính được banh hành, trước yêu cầu cấp thiết NHNN đã trình Chính phủ dự thảo Nghị định về quản lý hoạt động kinh doanh vàng.
Về cơ bản, các quy định trong Nghị định dự thảo này nhằm mục tiêu giúp thị trường vàng bình ổn, hạn chế tình trạng "vàng hóa” trong nền kinh tế, hạn chế ảnh hưởng của thị trường vàng đến việc điều hành chính sách tiền tệ, tỷ giá. Xem thêm thông tin chi tiết tại đây.
Nghị định sửa đổi lần này thắt chặt hơn các điều kiện để hoạt động kinh doanh trong toàn bộ chuỗi sản xuất vàng, từ nhập khẩu nguyên liệu, sản xuất và kinh doanh vàng miếng và vàng nữ trang, cũng như kinh doanh vàng tài khoản, các sản phẩm phái sinh.
Các biện pháp trên cùng với chủ trương tạo cơ chế cho NHNN bình ổn vàng và điều tiết qua chính sách thuế, hoạt động kinh doanh và đặc biệt là đầu cơ trên thị trường tự do sẽ bị hạn chế đáng kể.
Giới đầu tư chứng khoán đang kỳ vọng TTCK sẽ có cơ hội thu hút dòng tiền đầu cơ từ thị trường vàng và thúc đẩy đà tăng điểm. Tuy vậy, cần để ý rằng, cũng như các nước châu Á khác, nhu cầu sở hữu vàng vật chất của người dân trong nước là rất lớn. Nhu cầu này thường có xu hướng gia tăng mạnh trong những giai đoạn bất ổn.
Các giải pháp của NHNN là tích cực và giúp giảm thiểu các rối ren và gia tăng sự ổn định trên thị trường vàng. Dù vậy, sự ổn định bền vững trên thị trường vàng cũng như tỷ giá chỉ có thể đạt được khi niềm tin về đồng nội tệ trở lại, lạm phát được kéo giảm, bất ổn vĩ mô được giải quyết,…
Về phía doanh nghiệp, vẫn còn gần 50% số doanh nghiệp niêm yết chưa công bố kết quả kinh doanh quý 3 dù hạn chót theo quy đinh đã trôi qua. Không quá khó hiểu khi các doanh nghiệp không mặn mà với việc công bồ thông tin này vì hoạt động kinh doanh nhiều khả năng không mấy khả quan.
Diễn biến thị trường trong tuần qua đặt ra nhiều câu hỏi đáng lo ngại cần chú ý: (1) Liệu rằng dòng vốn đầu cơ có đang rời bỏ thị trường, khi trong tuần hiện tượng thoát hàng xảy ra khá mạnh mẽ, đặc biệt trên HNX ở nhóm các cổ phiếu Small Cap và Micro Cap? (2) Việc tăng trưởng của thị trường những phiên trong tuần liệu có bền vững, khi hiện tượng nâng đỡ cổ phiếu chủ chốt với lực cầu đột biến vào cuối phiên vẫn thường xuyên diễn ra ?
Ngày 01/11, 730 triệu cổ phiếu của Ngân hàng TMCP Quân đội (MBB) sẽ được niêm yết trên HOSE với giá khởi điểm 13,800 đồng. Đây là cổ phiếu từng “làm mưa làm gió” trên thị trường OTC trong nhiều năm qua, đặc biệt là giai đoạn 2006 – 2008. Có lẽ một vài phiên khởi sắc của thị trường sẽ là động lực tích cực cho cổ phiếu này.
Vẫn chưa hết khả năng thị trường bị đảo ngược tình thế hoàn toàn trong tuần sau. Nếu khối lượng giao dịch trong những phiên đầu tuần gia tăng đột biến thì sẽ làm dấy lên nghi vấn về một đợt “xả hàng”. Ngược lại, nếu giao dịch với mức lạc quan tương đối (chứ không phải là sụt giảm khối lượng mạnh mẽ) thì sẽ là một điểm cộng cho thị trường.
Phân tích kỹ thuật: VN-Index – Vượt lên trên Fibonacci Retracement 61.8%. Sau phiên giao dịch ngày 28/10/2011 có hai điểm đáng chú ý trên chỉ số VN-Index.
Thứ nhất, VN-Index đã vượt lên trên ngưỡng Fibonacci Retracement 61.8%. Đây vốn là ngưỡng đã tạo ra áp lực điều chỉnh rất mạnh cho chỉ số trong suốt những phiên gần đây ,nên việc phá vỡ ngưỡng này sẽ giúp tăng cường động lực tăng trưởng.
Thứ hai, khối lượng đã tăng đến gần 100% so với những phiên còn lại trong tuần. Điều này cho thấy đây có thể là một sự bùng nổ về mặt tâm lý của các nhà đầu tư sau một thời gian dài thận trọng.
Giá đang test lại bộ đôi SMA 50 và SMA 100. Nếu như vượt qua được cả hai đường này vào đầu tuần sau, VN-Index sẽ bước vào một chu kỳ tăng điểm mới mạnh và bền vững hơn. Còn nếu kịch bản ngược lại xảy ra khả năng test đáy cũ 380 điểm vẫn là rất lớn.

HNX-Index – Vượt qua middle của Bollinger Bands. Chỉ với một phiên bứt phá mạnh, HNX-Index đã xuất hiện rất nhiều tín hiệu lạc quan. Đáng chú ý nhất là chỉ số này đã vượt lên trên middle của Bollinger Bands. Đây là tín hiệu phá vỡ đầu tiên kể từ trung tuần tháng 08/2011 đến nay.
Mặt khác, khối lượng cũng phục hồi rất mạnh và đạt mức cao nhất kể từ 30/09/2011. Điều này lại càng củng cố thêm tính vững chắc cho vùng 65 – 67 điểm.
Nếu thanh khoản tiếp tục duy trì trên 25 triệu đơn vị/phiên trong những phiên đầu tuần sau thì việc mua vào bắt đáy có thể xem xét.

VIETSTOCK INDEX
VS 100: Tiếp tục bứt phá (+2.41%) trong phiên giao dịch ngày 28/10/2011, VS 100 cho thấy đà giảm đang yếu dần và có thể chuyển sang phục hồi ngắn hạn.
Giới phân tích cho rằng nếu khối lượng tiếp tục duy trì mức cao như hiện nay vào tuần sau thì vùng 56 – 58 điểm nhiều khả năng sẽ trụ vững và trở thành vùng đáy dài hạn của VS 100.

VS-Market Strength: Trong phiên giao dịch ngày 28/10/2011, VS-A/D HOSE đạt mức 5.5, tức số mã tăng giá bằng 5.5 lần số mã giảm giá; trong khi VS-U/D HOSE là 27.43, tức khối lượng của cổ phiếu tăng giá bằng 27.43 lần so với khối lượng giao dịch của phía giảm giá. VS-A/D HNX đạt 5.38 lần và VS-U/D HNX bằng 96.77 lần. Chỉ số VS-Arms VN duy trì ở mức 0.08.
Chỉ số VS-Thrust VN tiếp tục duy trì mức trung bình nên không có tín hiệu nào đáng chú ý.

THỐNG KÊ THỊ TRƯỜNG TUẦN 24– 28/10/2011

Phòng Nghiên cứu Vietstock



Xem bài viết: Vietstock Weekly 31/10 - 04/11: Nghi vấn về một đợt “xả hàng”?